Free Essay

My Adventure

In:

Submitted By huyenlacak54
Words 30505
Pages 123
Ảnh hưởng tiêu cực của phát triển cơ sở hạ tầng: Đập đê, đào kinh, xây đập thủy lợi lên môi trường châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam
Huỳnh Long Vân, B.Pharm, M.Sc, PhD

C

ác châu thổ đồng bằng đóng một vai trò quan trọng trong sự sống còn của loài người, ngay từ thời tiền sử. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì những xã hội nông thôn, các đô thị văn minh đã được sinh ra và phát triển trên những vùng đất trù phú của các châu thổ sông Nile, Yangtse, Tigris-Euphrates và Indus. Chính từ những nền văn minh cổ xưa này, thu thập được những báo cáo đầu tiên về những tác động tiêu cực đối với môi trường do việc sử dụng vùng châu thổ của nhân loại. Điều rất hiển nhiên là những tác động này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên, nhưng đôi lúc còn đe dọa đến sự tồn tại của các nền văn minh nhân loại. So sánh với một số những châu thổ đồng bằng khác trên thế giới, những biến đổi qui mô về môi trường thiên nhiên, gây nên bởi con người, chỉ xảy ra tương đối trong thời gian 300 năm gần đây, trên châu thổ Cửu Long Việt Nam, tiếp theo làn sóng định cư đầu tiên của những nông dân Viêt Nam. Phần lớn của châu thổ Cửu Long nằm trong lãnh thổ Việt Nam, và châu thổ Cửu Long Việt Nam là một trung tâm kinh tế quan trọng, nuôi sống 18 triệu dân trong vùng, đóng góp hơn 27% tổng sản lượng quốc gia (GDP), và hằng năm sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lúa gạo của toàn xứ (Tin & Ghassemi, 1999). Sinh hoạt của người dân tập trung trong một khu vực tương đối nhỏ hẹp, tàn phá bởi chiến tranh, nhưng trong những năm gần đây được phát triển rất nhanh chóng về mặt kinh tế ; điều này tạo nên sức ép nặng nề lên môi trường thiên nhiên. Thêm vào đó, vì có nhiều sinh hoạt và ngành nghề khác nhau, nên thường dẫn đến mâu thuẫn trong cách sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất và nước) và những xung đột đe doạ khả năng sinh tồn của người dân địa phương. Mục đích chánh của bài biên khảo, nhằm nhận ra những vấn đề quan trọng đối với môi trường châu thổ Cửu Long Việt Nam với chú tâm đặc biệt, phân tích các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và những tác động tiêu cực rõ rệt hay có thể, lên môi trường. Hai trường hợp được nêu ra: kế hoạch qui mô kiểm soát nguồn nước và khai thác vùng duyên hải của bán đảo Cà Mau; hai kế họach này trái ngược nhau về nguồn gốc và tầm vóc; với những dự án thuỷ lợi được qui hoạch ở cấp quốc gia và thực hiện trên phạm vi rộng rãi, trong khi những phát triển vùng ven biển là một hỗn hợp của những quyết định cá thể hay quốc gia và được thực hiện trên nhiều phạm vi nhỏ lớn khác nhau. Hai kế họach phát triển này dẫm chân lên nhau trong một số lãnh vực, như một vài chương trình thuỷ lợi đã lấn sang vùng duyên hải của châu thổ đồng bằng Cửu Long Việt Nam. Phần thảo luận tiếp theo nhằm thiết lập một quan điểm cơ bản để am hiểu những vấn đề về môi trường gây nên bởi kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng: xem đây như những dấu hiệu gây gián đoạn tính năng động của hệ lý sinh học vùng châu thổ. Xác định tầm vóc của các vấn đề liên quan đến môi trường cùng khai triển những hệ lụy của những biến đổi trong tương lai. Bài biên khảo được kết thúc với những đề nghị dành cho những kế họach phát triển các cơ sở hạ tầng trong tương lai ở châu thổ Cửu Long. Bài biên khảo giới hạn những phân tích trong phạm vi vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long Việt Nam.

1

1. Phát triển cơ sở hạ tầng ở châu thổ đồng bằng Cửu Long và những ảnh hưởng đến đặc tính lý sinh của môi trường. 1.1 Nhập đề
Điều kiện thiên nhiên của châu thổ đồng bằng Cửu Long tạo ra nhiều cơ hội đồng thời gây ra không thiếu những khó khăn cho cuộc sống con người. Đồng bằng Cửu Long liên tục trải qua những biến đổi. Tuy nhiên đáng kể nhứt trong khoảng thời gian tương đối gần đây, đặc biệt từ sau 1975, mà nhịp độ, tầm vốc và không gian của những biến đổi đã gia tăng một cách đáng kể; những thay đổi này được thúc đẩy bởi nhu cầu chánh trị và kinh tế và xảy ra dưới dạng những phát triển cơ sở hạ tầng từ không gian của một nông trại đến toàn vùng châu thổ; đây là kết quả của những quyết định cá nhân, cấp tỉnh thành, quốc gia và quốc tế. Mặc dù một số dự án phát triển thực sự đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, đúng theo ý định, nhưng ảnh hưởng đến môi trường thường không được tìm hiểu hay để ý đến; trong khi những sáng kiến mới được tiếp tục đem ra áp dụng. Nguồn gốc, cơ chế và những hậu quả thực sự hay có thể đối với môi trường, gây ra bởi phát triển các cơ sở hạ tầng gần đây ở châu thổ đồng bằng Cửu Long, được triển khai. Phân tích và thảo luận được tập trung vào những kế hoạch thuỷ lợi qui mô và những thai thác như nuôi trồng thuỷ sản, rừng đước và trồng lúa thuỷ lợi, gây biến đổi lý sinh tính của vùng ven biển,

1.2 Những kế hoạch qui mô điều chỉnh nguồn nước 1.2.1 Lịch sử và cơ sở hợp lý
Trồng lúa là một sinh hoạt kinh tế hàng đầu của vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long. Hơn 90% đất nông nghiệp được dùng để trồng lúa. Lúa gạo góp phần đáng kể vào nền kinh tế của xứ sở: cung cấp gần nửa tổng số lượng lúa gạo toàn quốc và góp phần lớn lao vào xuất khẩu (NEDECO,1991c). Lúa được bắt đầu trồng ở châu thổ Cửu Long ngay sau đợt định cư đầu tiên của người Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 18, dần dần lan rộng ra trên toàn thể châu thổ và phát triển nhanh chóng nhờ hệ thống kinh đào, từ hậu bán thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 (Takada, 1981; Sanh et al.,1998). Tuy nhiên hệ thống thuỷ lợi chỉ được áp dụng khi chế độ tập thể hoá nông nghiệp được thi hành, sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt; do đó trồng lúa ở châu thổ đồng bằng Cửu Long, từ lâu, bị giới hạn bởi mô hình thiên nhiên với lượng nước mưa và nước lụt. Khoảng 1000 giống lúa, khác nhau về thời gian thu hoạch và chịu đựng được nước ngập, được dùng, phối hợp với kỹ thuật cấy mạ để tránh bị ngập úng do lũ lụt hằng năm (Tanaka,1995; Sanh et al.,1998). Nhiều giống lúa nổi được trồng ở khu Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp, những nơi thường bị ngập sâu và kéo dài (Sanh et al.,1998), trong khi những giống lúa ngắn ngày sớm thu hoạch, được trồng ở vùng ven biển, để tránh hư hại bởi nước mặn xâm nhập vào mùa khô (Tanaka,1995). Mãi đến thập niên 1970’s, nhiều giống lúa khác nhau được trồng ở châu thổ đồng bằng Cửu Long, nhưng chỉ một mùa và có năng xuất thấp (1.5-2.00 tấn mỗi năm; NEDECO, 1991c). Vào năm 1966, nhiều giống lúa mới, năng xuất cao được đưa vào canh tác ở châu thổ, với máy bơm nước nhỏ được sử dụng rộng rãi trong công tác thuỷ lợi, đánh dấu bước khởi đầu gia tăng sản xuất nông nghiệp ở vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long. Trong những thập niên 1970’s và 1980’s, ngành nông nghiệp thâm canh được phát triển nhanh chóng trên toàn vùng châu thổ và khuynh hướng này càng được khuyến khích, tiếp theo chánh sách đổi mới ban hành vào năm 1986, tái định hướng xứ sở theo kinh tế thị trường (NEDECO,1991c,e). Vùng đất phèn (acid sulphate soils, ASS) rộng lớn trong Đồng Tháp, khu Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau, từ trước không được sử dụng trong canh tác nông nghiệp, nay được cải thiện và đưa vào trồng lúa thuỷ lợi, nhờ mạng lưới kinh đào bành trướng, các hợp tác xã nông nghiệp thiết lập, và chương trình định cư những nông dân nghèo từ các nơi khác đến (MDDRC,1993; Sanh et al.,1998). Sự bành trướng nhanh chóng này được biểu hiện qua sự gia tăng gần 4 lần tổng số diện tích (1.1 triệu ha) đất canh tác trong châu thổ, trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1995 (Son, 1998). Hầu hết lúa được trồng hai mùa mỗi năm và ở một vài nơi 3 mùa. 2

Mặc dù những giống lúa cổ truyền được thay thế bằng những giống lúa có năng xuất cao, gia tăng sử dụng phân bón, hoá chất nông nghiệp và kỹ thuật canh nông giúp gia tăng sản lượng; tuy nhiên chính việc áp dụng công trình thuỷ lợi qui mô vào mùa khô và những biện pháp kềm chế ngập lụt và tháo nước ở mùa mưa đã làm cho nền nông nghiệp thâm canh được thực hiện trên hầu hết các nơi trong châu thổ. Những kế hoạch thuỷ lợi được bành trướng nhanh chóng nhờ mạng lưới kinh đào rộng rãi sẵn có, được hợp nhứt thành một hệ thống hoàn chỉnh hơn, gồm những kinh đào cấp 1 (cấp vùng) đến những kinh đào cấp 3 (cấp địa phương/ nông dân). Trước thập niên 1990’s, điều hòa thuỷ lợi được áp dụng một cách rất phân tán, thiếu phối hợp. Điển hình là những biện pháp kiểm soát lũ lụt thường được dành cho những vùng đất rộng từ 102 - 103 ha, bao bọc bởi những kinh cấp 1 và cấp 2, các kinh đào cấp 3 được dùng vào công tác dẫn và tháo nước cho những vùng đất nhỏ hơn 102 ha (NEDECO,1991b). Những hoạt động về kiểm soát và phân phối nguồn nước sau đó được phối hợp hơn nhờ Kế Hoạch Tổng Thể Mekong (Mekong Master Plan). Kế hoạch này thiết lập những tiểu dự án có ranh giới rõ rệt cho từng khu vực với diện tích từ 104-105 ha. Hiện có những dự án sau đây: Nam Măng Thít, Quản Lộ Phụng Hiệp, Bà Linh Tà Liêm, Tiệp Nhất và Ô Môn Xà No (World Bank,1999; Hình 1) Những bộ phận chánh của kế hoạch kiểm soát và phân phối nguồn nước trong châu thổ đồng bằng Cửu Long là những kinh đào, đê và các cửa đập thuỷ lợi. Kinh ở châu thổ đồng bằng Cửu Long được tạo ra bằng cách đào quật lớp đất phù sa và các bờ kinh không ổn định. Ở những vùng có hệ thống thoát nước thiên nhiên rõ rệt, một phần đáng kể của mạng lưới kinh rạch gồm các rạch nước thiên nhiên được biến dạng đôi chút, thí dụ như ở vùng phía nam bán đảo Cà Mau, các đường nước có dạng không đều. Ở những nơi đầm lầy sâu trong lòng của châu thổ và những vùng khác, thiếu những đường nước thiên nhiên, kinh được đào thẳng và tạo thành một mạng lưới hình chử nhựt, thí dụ như ở khu Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp. Kinh đào có nhiều chức năng, như đường dẫn nước từ sông chánh đến khu vực trồng trọt, tháo khô các thửa ruộng và rút nước lũ từ những vùng trồng trọt ra các sông chánh và biển; kinh đào cũng là nơi tồn trữ chất phế thải. Với những kế hoạch kiểm soát nguồn nước hiện nay, rất nhiều kinh đào được phát hoạ hay biến đổi để tháo xả nhanh chóng nước phèn acid từ những vùng đất phèn ASS.

Hình 1. Vị trí của các nông trường và các kế hoạch qui mô kiểm soát và phân phối nguồn nước trong châu thổ đồng bằng Cửu Long 3

Ở vùng ven biển, kinh rạch là những đường dẫn nước mặn cần thiết cho rừng đước và nuôi trồng thuỷ sản. Thêm một ích lợi kinh tế khác của kinh rạch là tạo ra nguồn thuỷ sản; đây là một nguồn lợi ích phụ trội cho người dân địa phương trong thời gian sau mùa gặt. Kinh có kích thước thay đổi, to rộng như những kinh cấp 1, dành cho những tàu đò trọng tải 2000 tấn, đến nhỏ cạn như các mương, rảnh trong nông trại. Những kinh cấp 1 được xem như đường dẫn nước giữa những nguồn nước thiên nhiên (các sông chánh, biển) và những vùng nằm trong kế hoạch kiểm soát nguồn nước, trong khi những kinh cấp 2 nối liền các kinh cấp 1. Kinh cấp 3 dẫn nước ra, vào các cánh đồng. Đê được đắp lên từ đất do đào kinh hay vét những đường nước thiên nhiên, các kinh đào cấp 1 và cấp 2. Công dụng của đê là đề phòng hay trì hoãn nước tràn ngập vào các cánh đồng hay lũ lụt vùng ven biển. Những đê lớn được đắp cao và dùng như các trục lộ giao thông ở những vùng chưa phát triển. Một vài kinh đào cấp 3 cũng có đê, với kích thước nhỏ và có ít tác dụng giảm lụt (NEDECO,1991b). Vì các kinh rạch nối thông với nhau nên đê thực sự chia vùng đồng bằng châu thổ thành những ô đất lớn nhỏ khác nhau. Chiều cao và vị trí cuả các con đê trong châu thổ xác định mức độ phòng chống lụt và từ đó, loại mùa màng được khai thác. Ở những vùng được bao bọc bởi những con đê, thấp hơn mực nước lụt, lúa được gặt vào đầu mùa nước lụt và ở đây thường trồng lúa hai mùa; các cánh đồng ngập nước là nơi cá sinh sản, đem lại lợi tức khác cho người dân địa phương. Những vùng có đê cao hơn mực nước lụt, được xem như quanh năm được che chở khỏi lụt, và ở đây lúa được trồng 3 mùa. Nước chảy ra, vào các con kinh được điều hòa bằng các cửa đập. Chức năng rõ rệt của các cửa đập thay đổi tùy theo từng nơi . Ở vùng trên của châu thổ, tức những nơi bị ngập lụt sâu và kéo dài, các cửa đập được dùng để ngăn chận nước lụt tràn vào các cánh đồng, từ các sông chánh, từ đầu mùa lụt đến khi vụ mùa hè thu được thu hoạch. Các cửa đập được mở ra sau mùa gặt, thường vào giữa tháng 8, để nước tràn vào những nơi trồng lúa 2 mùa. Ở những vùng trồng lúa 3 mùa (một vài nơi của khu Tứ giác Long Xuyên, phía bắc cù lao Vàm Nao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, thuộc tỉnh An Giang) các cửa đập cũng được mở ra vào thời cao điểm của nước lụt, để cho nước tràn bờ mang theo phù sa làm phì nhiêu các cánh đồng, tháo rửa những hoá chất nông nghiệp còn tồn cặn và giúp cá sinh sản trong đồng. Các cửa đập thường được xây ở đầu các con kinh lớn; trong khi nước chảy ra, vào các kinh cấp 3 và các nông trại được điều hòa bằng các bờ đất hay cống nhỏ. Ngược hẵn lại, ở vùng ven biển, các cửa đập có hai tác dụng: kềm chế nước lụt và tháo nước các cánh đồng ở mùa mưa và ngăn nước mặn ở mùa khô. Các cửa đập được xây dọc theo các con kinh chánh và kinh cấp 3, những kinh này bắt buộc phải hướng ra các sông chánh và biển, bởi điều kiện nước mặn xâm nhập. Đóng và mở các cửa đập là một động tác phức tạp vì những thay đổi lớn tạo nên bởi những dao động về độ chảy của nước sông rạch và biên độ của thuỷ triều; tuy nhiên các cửa đập thường được đóng lại vào mùa khô để ngăn chận nước mặn xâm nhập. Hơn thế nữa, hiệu quả của các đập thuỷ lợi không cao vì các cơ sở hạ tầng thiếu bảo quản và không được phối hợp điều hành (Miller, trao đổi cá nhân). Tưởng cũng cần nhắc lại ở đây, phần lớn mạng lưới kinh đào của châu thổ đồng bằng Cửu Long được thành lập trước khi các kế hoạch thuỷ lợi được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện các dự án kiểm soát nguồn nước trong Kế Hoạch Tổng Thể Mekong, đã mở màn một giai đoạn mới, bành trướng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kiểm soát nguồn nước. Nới rộng mạng lưới kinh cấp 2, chủ yếu bành trướng trồng lúa thuỷ lợi đến những vùng trước kia khó trồng trọt như Đồng Tháp, Tứ Giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau (NEDECO, 1994a; SIWRPM,1997). Ở những nơi có sẵn mạng lưới kinh đào, kinh được nạo vét và làm rộng ra. Số đập thuỷ lợi trong toàn châu thổ tăng lên nhanh chóng từ thập niên 1990’s. Số đập, của mỗi dự án kiểm soát nguồn nước, cho từng địa phương, cũng tăng gấp 3 hay 4 lần trong suốt thời gian thực hiện dự án (NEDECO,1994b; SIWRPM,1997; Australian Agency for International Development, 1998). 4

1.2.2 Ảnh hưởng lên môi trường và những quan ngại. 1.2.2.1 Những ảnh hưởng thuỷ học: mùa lụt
Sự bành trướng của những biến đổi cấu trúc liên quan đến các biện pháp kiểm soát dòng nước gần đây, có nghĩa là những tiến trình thuỷ học hiện nay trong châu thổ đồng bằng Cửu Long, không còn giống như thời nguyên thuỷ. Môt cách tổng quát, đào thêm kinh, đắp đập, phân chia môi trường thành từng mảnh và khiến cho mô hình của dòng chảy và hiện tượng“nước tràn bờ” trong vùng châu thổ, trở nên phức tạp. Trong điều kiện thiên nhiên, nước lụt vào mùa mưa là một tiến trình tăng từng bực, bắt đầu ở vùng thượng nguồn tràn dần xuống phần hạ nguồn của châu thổ. Mực nước trước tiên dâng cao trong các sông chánh, lên ngang mặt bờ sông và từ từ tràn bờ bao phủ các cánh đồng. Tiếp theo đó, toàn thể đồng bằng châu thổ là lộ trình chánh để nước di chuyển xuống phần dưới của châu thổ. Những cấu trúc kiểm soát nguồn nước làm gián đoạn tiến trình kể trên dưới hai hình thức:  Trước hết, làm trì hoãn hay hoàn toàn ngăn trở hiện tượng tự nhiên”nước ngập tràn bờ”, điều này làm gia tăng khối nước trong các dòng sông chánh và những kinh đào không có các cửa đập (kinh đào cấp 1). Đối với những con sông thiên nhiên, gia tăng độ chảy làm thay đồi hình dáng và động tính của con sông: sạt bờ, nhiều chất rắn, phù sa được vận chuyển xuống hạ nguồn khiến những đoạn sông ở hạ nguồn bị lắng bùn và cạn dần. Trong trường hợp này, chỉ một khối nước tối thiểu thoát khỏi dòng sông chánh, thì phần dưới của châu thổ có thể bị ngập thường xuyên hơn, sâu hơn và gây nên những thiệt hại to lớn, vì phần dưới của châu thổ (ít khi bị nạn “nước ngập tràn bờ” ) chỉ có những hệ thống phòng chống những trân lụt nhỏ. Đối với những kinh đào, dòng nước chảy mạnh, làm soi mòn bờ kinh và gia tăng khối lượng chất trầm tích chuyên chở trong kinh chánh. Khi vào đến các kinh cấp 3, hầu hết khối lượng chất trầm tích này sẽ lắng đọng vì dòng nước đột ngột giảm sức chảy, gây nên nhiều tốn kém để bảo quản kinh rạch. Nhóm những hậu quả thứ hai, liên quan đến cách di chuyển của dòng nước khi vào đến những khu vực bị ngập do nước tràn bờ. Ở vùng trên của châu thổ, kinh đào và đê thường có cùng hướng với các dòng sông chánh. Trong điều kiện thiên nhiên, các vùng trên của châu thổ (khi bị ngập do nước sông tràn bờ) có chức năng của những lộ trình rộng lớn, song song vớí các con sông chánh, dẫn nước xuống phần dưới của châu thổ. Những cấu trúc dùng để kiểm soát dòng nước là những chướng ngại vật của hiện tượng tự nhiên “ nước sông tràn bờ”. Ở bên kia biên giới Cambodia, cấu trúc phòng lụt gần như khiếm khuyết, do đó đê phòng lũ lụt ở phía Việt Nam, ngăn chận lũ tràn xuống phía hạ nguồn châu thổ, có thể làm lũ lụt đầu mùa ở Cambodia trở nên trầm trọng hơn. Ngay khi nước lụt vượt tràn đê, như ở các vùng trồng lúc hai mùa, vào lúc cao điểm của lũ lụt, các đê biến bề mặt châu thổ trở nên gồ ghề, cản trở việc di chuyển của “lượng nước lũ tràn bờ” xuống phần dưới của châu thổ. Trong trường hợp của trận lụt to lớn như trận lụt vào tháng 9, 10 năm 2000, hậu quả rất trầm trọng, vì những con đê này làm ngập lụt kéo dài và nước ngập rất sâu. Thực thế, kinh nghiệm cho thấy mực nước lụt ở châu thổ đồng bằng Cửu Long trong những năm gần đây ngày càng cao hơn, kể từ khi nhiều cấu trúc để kiểm soát nguồn nước được đưa vào sử dụng (Tin and Ghassemi, 1999), và khối lượng của”nước lũ tràn bờ” được chảy suốt đã giảm đi (MDDRC,1996).



1.2.2.2 Những ảnh hưởng thuỷ học: mùa khô
Trong những điều kiên thiên nhiên, sau cao điểm của mùa nước lụt, mực nước ở các sông chánh hạ thấp làm đảo ngược chiều di chuyển của dòng nước giữa các sông chánh và châu thổ đồng bằng. Khối nước tích trữ trong các cánh đồng châu thổ vào mùa lũ, chảy ngược trở ra và cung cấp nước cho các con sông chánh vào đầu mùa khô. Một cách tổng quát, do ảnh hưởng của đào thêm kinh rạch và sự bành trường của trồng lúa nhờ thuỷ lợi khiến cho thuỷ lượng của các con sông chánh trở nên giảm sút vào mùa khô. Ảnh hưởng của việc đào kinh cấp 1 để rút nước từ các dòng sông chánh 5

có tính tích luỷ, thuỷ lượng của các sông chánh giảm dần dọc theo hạ nguồn. Điều này hoàn toàn trái ngược với trước kia, trong điều kiện thiên nhiên, thuỷ lượng của dòng sông ở hạ nguồn giảm sút không đáng kể so với thượng nguồn. Cũng trên bình diện này, mở rộng và tăng cường kế họach trồng lúa ở những vùng đầm lầy, sâu trong phần thượng của châu thổ (như Đồng Tháp và khu Tứ giác Long Xuyên) sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với thuỷ lượng của dòng sông chánh, vì một khối lượng nước khổng lồ từ các con sông chánh được thu rút để rửa đất, xả phèn. Một hậu quả tức thời của giảm thuỷ lượng các dòng sông chánh là kéo dài thời gian nước biển xâm nhập vào nội địa và bành trướng phạm vi của vùng bị ngập mặn. Những dữ kiện thu thập được từ thập niên 1980’s cho thấy thời gian nước mặn xậm nhập vào các con sông Tiền và sông Hậu đã kéo dài thêm. Tuy nhiên hiện tượng nước biển xâm nhập sâu hơn vào của châu thổ khó tránh khỏi vì trong tương lai sẽ có thêm nhiều cấu trúc kiểm soát nguồn nước, thêm vào đó dân số gia tăng, đô thị hoá và kỹ nghệ hoá vùng châu thổ sẽ tạo thêm sức ép lên nguồn nước. Hiện nay nhiều điểm thu rút nước, dọc theo các đoạn của con sông chánh, đã bị ảnh hưởng bởi nước mặn theo mùa, và nếu có thêm nhiều kế hoạch kiểm soát nguồn nước ở châu thổ thượng nguồn, thì trong tương lai không xa, phạm vi vùng ngậm mặn trở nên rộng lớn hơn, như thế sẽ đe doạ sự tồn tại của các chương trình dẫn thuỷ ở hạ nguồn. Thêm một mối đe dọa ngày càng trầm trọng hơn do xây dựng các đập thuỷ điện và các hồ chứa nước ở lưu vực thượng nguồn sông Cửu Long. Một ảnh hưởng thuỷ học khác gây nên bởi cấu trúc của các cơ sở hạ tầng kiểm soát nguồn nước, tuy không giới hạn, nhưng trầm trọng hơn vào mùa khô là tình trạng xả nước yếu, kém trong các con kinh. Một nguyên nhân của nước bị ứ đọng trong các con kinh là địa hình nghèo nàn của mạng lưới kinh rạch: các kinh xuyên qua các đầm lầy trong vùng sâu ở Đồng Tháp và khu Tứ giác Long Xuyên, được đào theo hướng dễ gây nước ứ đọng; độ chảy của dòng nước, từ các sông chánh khi vào đến đầu kinh, giảm đi rất nhiều do sự chuyển hướng đột ngột của dòng nước. Ngoài ra, trong khu Tứ giác Long Xuyên, thuỷ triều tràn vào từ vịnh Thái Lan làm ngăn trở nước chảy ra vịnh, đặc biệt vào cuối mùa khô, khi dòng nước từ sông Hậu chảy rất yếu (Tin and Ghassemi, 1999). Ở vùng bán đảo Cà Mau, hệ thống kinh rạch, bao gồm rất nhiều con rạch nước thiên nhiên dọc theo bờ biển Nam Hải và Vịnh Thái Lan, ăn thông với phần trong của bán đảo Cà Mau nhờ những kinh đào nằm vắt ngang; vì thế vùng bán đảo Cà Mau cũng dễ bị ứ đọng nước vì hướng chảy đối ngược giữa thuỷ triều chảy vào và dòng nước trong các con kinh nằm ở phần trong của bán đảo Cà Mau. Thiết kế nhiều cống thủy lợi để kiểm soát độ mặn vào mùa khô cũng gây nên tình trạng nước ứ đọng trầm trọng ở nhiều nơi, như vùng Đồng Tháp (NEDECO, 1994a). Tình trạng nước ứ đọng làm các kinh rạch dễ bị bồi lấp, gây nên những tốn kém cao để bảo quản.

1.2.2.3 Ảnh hưởng lên động tính của chất trầm tích và hiện tượng bồi lấp
Trong điều kiện thiên nhiên, toàn vùng châu thổ mỗi năm được phù sa bồi lấp nhờ lũ lụt tràn bờ. Trong những năm gần đây, lụt bồi lấp châu thổ đồng bằng Cửu Long bị hạn chế hoặc hoàn toàn chận đứng vì các cấu trúc chống lụt: đắp đê trị thuỷ. Ảnh hưởng tức thời của gián đoạn hiện tượng bồi lấp bởi “nước lũ tràn bờ”, là làm giảm đi hiệu suất của đất đai và năng suất nông nghiêp. Giá trị thực sự của ngập lụt hàng năm, đem lại chất dinh dưỡng cho đất đai có thể không đáng kể, không đúng như những nhận định thường có, nhưng phù sa bồi đấp hàng năm có thể duy trì hay bảo đảm tính chất phì nhiêu và cấu trúc của đất đai, giảm bớt những thất thoát chất dinh dưỡng và giúp mặt đất không bị dẽ cứng, điều sau này làm cho đất thiếu thoáng khí và sinh ra khí SH2 có tính độc cho mùa màng. Ở nhiều nơi, “ngập lụt tràn bờ “không hoàn toàn bị chận đứng vì nước lũ có thể vượt các bờ đê vào cao điểm của mùa lụt. Tuy nhiên, ở đây, bồi lấp do “ngập lụt tràn bờ” cũng giảm sút một cách đáng kể vì phần lớn khối nước lũ bị đê ngăn chận. Thực sự, đê đã biến đồng bằng châu thổ thành một loạt 6

những chỗ trũng giữ chất trấm lắng; nước lũ mất dần khối phù sa một cách nhanh chóng, ngay khi bắt đầu tràn vào các cánh đồng và gần như mất hết khả năng bồi lấp các vùng đất ở xa địa điểm tràn bờ. Điều này dễ nhận ra, khi quan sát từ những vị trí cao, do sự khác biệt rõ rệt giữa độ đục của nước lũ trong các cánh đồng, các sông chánh và kinh rạch (nước sông và kinh đục hơn). Thói quen để nước lũ tràn vào các cánh đồng vào cao điểm của mùa lụt ở một vài vùng (hoàn toàn tránh được lụt lội) được xem như nhằm chống lại sự giảm sút năng xuất của đất đai (nếu lũ lụt hoàn toàn bị khống chế, đất đai không được bồi lấp, trở nên kém hiệu xuất). Tuy nhiên ở đây cần phải đặt câu hỏi về giá trị thật sự của thói quen này, vì trong nhiều trường hợp, tất cả khối lượng chất trầm tích có thể bị giữ lại trong các con kinh, trước khi nước lũ tràn vào các cánh đồng; do độ chảy giảm sút của dòng nước trong kinh vì cách bố trí nghèo nàn của hệ thống kinh đào. Thêm vào đó, khối nước của đợt lũ đầu mùa đến từ thượng lưu, thường chứa nhiều chất trầm tích hơn khối nước tràn đê vào cao điềm của mùa lũ (Miller, trao đổi trực tiếp). Mặc dù các kế hoạch kiểm soát nguồn nước làm giới hạn bồi lấp, nhưng đồng bằng châu thổ vẫn giữ được chức năng của những bồn chứa, hứng lấy những chất trầm tích từ mạng lưới kinh đào rộng lớn ngày nay, chảy xuyên qua các cánh đồng.

Hình 2a. Vài yếu tố góp phần gia tốc chất trầm tích làm nghẽn các kinh đào: các eo thắt và bố trí nghèo nàn (vùng thuỷ lợi Tam Phương, tiểu dự án Nam Măng Thít). Nguyên nhân chánh của chất trầm tích bị nghẽn lại trong các kinh đào là dòng nước bị ứ đọng, gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Lắng bùn là vấn đề đặc biệt của những kinh đào nhỏ, cấp 2 và cấp 3, nằm cách xa sông chánh, tiết diện nhỏ hẹp, có nhiều xây cất làm gián đoạn dòng chảy (giáp nối, khúc ẹo, góc cạnh và hóc chết; Hình 2a), nhà cửa xây cất dọc theo bờ kinh (Hình 2b) và nhiều cây cỏ trong kinh, tất cả làm cho dòng nước chảy yếu dần. Ở những vùng đất phèn, dưới điều kiện acid, nhiều chất nhuyễn quến cục và lắng đọng trong kinh. Trong những con kinh lớn hơn, nước chảy mạnh nên các chất trấm tích ít lắng đọng, không làm nghẽn lưu thông. Những kinh nối liền các sông chánh và biển hoặc giữa các sông chánh, có thể di chuyển một khối lượng khổng lồ chất trầm tích ra khỏi sông chánh. Đó là trường hợp một khối lượng đáng kể chất trầm tích nhuyễn mịn của sông Hậu dường như được chuyển dòng bởi những kinh cấp 1 dọc theo khu Tứ giác Long Xuyên ra vịnh Thái Lan. Một phần lớn chất trầm tích bị chuyển hướng, tuy nhiên, dường như bị giữ lại ở những vùng nước đọng, nơi tiếp giáp của nước thủy triều và nước trong kinh chảy ngược chiều. Ở những nơi mà kinh đào có chức năng chuyển dòng nước của một con sông thiên nhiên sẵn có, kinh đào có thể làm giảm độ chảy của dòng nước trong con sông thiên nhiên có cùng chức năng, làm chất trầm tích lắng đọng nhiều hơn và trong bối cảnh tệ hại nhứt, con sông thiên nhiên có thể bị bồi lấp hoàn toàn. Đó là bài học của sông Vàm Nao, một con sông thiên nhiên nối liền giữa sông Tiền và 7

sông Hậu; sông Vàm Nao bị bồi lấp cạn dần sau khi một số kinh được đào thêm, trong vùng xung quanh, để nối liền sông Tiền và sông Hậu (Anh,1992).

Hình 2b. Vài yếu tố góp phần gia tốc lắng động trầm tích trong các kinh đào: nhà cửa và những xây cất dọc theo bờ sông ( Thành phố Cần Thơ). Hầu hết những chất trầm tích bị ngăn giữ trong các kinh ở đồng bằng châu thổ Cửu Long là những chất lơ lửng nhuyễn mịn. Vì thế, ảnh hưởng của những kinh đào lên khối lượng trầm tích nặng và to hạt di chuyển suốt các con sông chánh, gần như không đáng kể. Tuy nhiên các kinh đào ảnh hưởng lên động tính của các sông chánh. Nếu một khối lượng nước khổng lồ được rút vào nhiều kinh cấp 1, độ chảy của dòng sông chánh sẽ giảm, các “trầm tích to hạt” bị trì lại và như thế sẽ tạo nên những voi đất và những bải đất ngầm trong sông. Ảnh hưởng này rõ rệt nhứt ở những đoạn sông dưới của châu thổ Cửu Long, vì nơi đây độ chảy của dòng nước giảm đi rất nhiều do độ dốc thấp của dòng nước và khối nước giảm, vì nước bị rút lấy hay chuyển dòng ngày càng nhiều, ở các đọan trên. Tưởng chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng dòng sông chảy rất mạnh vào mùa mưa, và trong khoảng thời gian đó hấu hết các trầm tích to hạt được chuyển theo dòng nước và khối lượng nước trong sông chánh gia tăng vào đầu mùa lụt (do các đê ngăn chặn nước lụt tràn bờ), có thể làm giảm bớt tình trạng bồi lấp nêu trên (các dãy đất và bải cát ngầm). Dòng nước các sông chánh thay đổi hướng nơi giáp nối với các con kinh, gây nhiều ảnh hưởng đến bồi lấp. Phân chia dòng nước tạo nên những vùng nước đứng yên, nơi giáp nối của các con kinh với dòng sông chánh, điều này khơi nguồn cho sự hình thành những voi đất, ở những nơi trước kia bị sạt lở trong điều kiện thiên nhiên (ở phần lõm của chổ rẽ). Những voi đất mới được tạo nên ở một phía của bờ sông, trái lại sẽ gây nên sạt lở ở phần bờ đối diện. Hơn thế nữa, một số ít trầm tích to hạt có thể được chuyên chở từ sông chánh vào các kinh, nơi đây vì nước chảy yếu, nên sẽ lắng đọng rất nhanh, làm cạn các con kinh. Dù ở bất cứ trường hợp nào, khối lượng trầm tích to hạt cung cấp cho các dãy đất ngầm hiện có và những nơi có khả năng tồn trữ trầm tích to hạt sẽ giảm đi, điều này làm chậm lại nhịp độ bồi lấp và soi mòn của những vùng này. Thay đổi vùng được bồi lấp và soi mòn ở trong các con sông và kinh rạch có thể gây thiệt hại và tốn kém để bảo quản các trục thuỷ lộ. Tình trạng này trở nên phức tạp hơn, vào đầu mùa lũ lụt, với khối lượng chất trầm tích gia tăng gây nên bởi nạn lở đất (vì vào thời điểm này, toàn thể khối lượng nước lũ bị kềm giữ trong lòng sông chánh và kinh đào, nên độ chảy của dòng nước gia tăng khiến các bờ sông bị bào mòn) ( đoạn 1.2.2.1). Phần chất trầm tích nhuyễn tích luỹ ở châu thổ đồng bằng Cửu Long sẽ tăng thêm, vì sự bành trường của trồng lúa thâm canh cùng mật độ và tính phức tạp của mạng lưới kinh rạch gia tăng. Bên cạnh sự gia tăng khối trầm tích bị giữ lại trong kinh, gia tăng rút nước nhiều vào mùa khô để canh tác sẽ làm 8

gia tăng sự chuyên chở chất trầm tích nhuyễn mịn từ ngoài biển vào các đoạn sông gần cửa biển, do ảnh hưởng của dòng chảy tạo nên bởi sự tiếp xúc đột ngột của nước ngọt và nước mặn (Wolanski et al.,1998). Gia tăng bồi lấp trong mùa khô, phối hợp với gia tăng suốt năm của lượng nước chảy vào các kinh đào, có thể làm cho những đoạn sông ở phần dưới của châu thổ trở thành những nơi được bồi lấp bởi những trầm tích nhuyễn mịn. Chuyển một khối nước khổng lồ của sông Hậu theo kinh VĩnhTế ra vịnh Thái Lan nhằm giảm lụt đầu mùa, là một kế hoạch gây nhiều tranh cải, vì trong bối cảnh ấy lượng phù sa nhuyễn mịn chảy ra biển Nam Hãi sẽ giảm một cách đáng kể, và bờ biển phía đông sẽ bị soi mòn. Ảnh hưởng sẽ được nhận thấy một cách rõ rệt dọc theo vùng ven biển của bán đảo Cà Mau, vì vùng này hiện được bồi lấp bởi phù sa đổ ra từ các cửa sông (Ảnh hưởng trực tiếp của các kinh đào lên vùng ven biển được thảo luận ở đoạn 1.3.2.2 ).

1.2.2.4 Những ảnh hưởng lên đất phèn và phóng thích acid
Cải tạo đất phèn, bằng phương pháp rửa đất xả phèn là một trong những mục đích chánh của các dự án kiểm soát nguồn nước của châu thổ đồng bằng Cửu Long, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, acid phóng thích vào môi trường nhiều hơn, gây ra bởi chính những phương án này. Đào thêm nhiều kinh và đất đào lên (có tính dễ ngậm phèn PASS), phơi ngoài trời, tiếp xúc với không khí, trở thành đất phèn ASS bởi nhiều cơ chế:     khi đào kinh đất PASS được bốc lên và dùng để đắp đê cải thiện tháo nước và làm hạ thấp mức nước ngầm (đặc biệt vào mùa khô) Sử dụng các cửa đập kéo dài điều kiện giữ mực nước thấp hoặc giảm đi sự thay đổi mực nước trong kinh dưới ảnh hưởng của thuỷ triều Thêm vào đó, cải biến đất qua các đề án kiểm soát nguồn nước đôi khi dẫn đến sự huỷ hoại các rừng tràm Melaleuca còn sót lại trong các đầm lầy, rừng đước gần bờ biển, và lớp đất than bùn bảo bọc trên mặt

Những điều kiện này biến đất PASS thành đất phèn ASS. Những theo dõi, quan sát và kinh nghiệm tại chổ cho thấy, độ acid phóng thích giảm nhanh sau những năm đầu khuấy động vùng đất PASS, nhưng acid vẫn tiếp tục được phóng thích ở mức độ trung bình trong nhiều năm sau đó (Sterk, 1993; Tin and Ghassemi, 1999). Mục đích nguyên thuỷ của các dự án kiểm soát nguồn nước là làm giảm mức độ tác hại và thời gian nguồn nước nhiễm acid ở nhiều nơi trong châu thổ đồng bằng Cửu Long, bằng cách cải thiện hệ thống tháo nước và gia tăng lượng nước ngọt từ các sông chánh chảy vào khu đất phèn. Đây là trường hợp ở Đồng Tháp, so với những năm 1980’s, ¾ vùng đất ngậm phèn đã được cải biến và thời gian đất ngậm phèn giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng mỗi năm (Tin and Ghassemi, 1999). Tuy nhiên suy giảm độ tác hại của acid chỉ có hiệu quả tại chổ, vì các kinh đào một mặt giúp cải thiên đất đai trong vùng, nhưng mặt khác làm gia tăng tổng khối lượng acid phóng thích từ vùng đất ASS. Thêm vào đó, acid phóng thích vào dòng sông, nếu không được hòa loãng một cách đáng kể, khi chảy xuống hạ nguồn sẽ gây ra những hậu quả tác hại cho vùng hạ lưu. Ở Đồng Tháp, nước sông Tiền được dùng rửa phèn vùng đất phía tây và lượng acid phóng thích do xả phèn, theo dòng nước chảy về hướng đông trước khi đổ vào sông Vàm Cỏ Tây (NEDECO, 1994a; Tin and Ghassemi, 1999). Đúng theo dự đoán, khối lượng acid phóng thích vào sông Vàm Cỏ Tây gia tăng từ khi chương trình kiểm soát nguồn nước được áp dụng ở Đồng Tháp. (NEDECO,1993b & 1994a). Ở nhiều vùng mà dòng nước không luân chuyển, gây ra bởi chương trình kiểm soát nguồn nước (xây các cửa đập thủy lợi, kinh đào bố trí không đúng cách), tình trạng đất ngậm phèn không những không được cải thiện nhưng trái lại tệ hại hơn. Các cửa đập có tác dụng tiêu cực lên hệ môi sinh do sự đột ngột phóng thích một khối lượng lớn acid khi cửa đập được mở ra; thời điểm và chu kỳ đóng mở cửa đập tùy theo ý thích của người quản lý hệ thống thuỷ lợi. 9

1.2.2.5 Những ảnh hưởng khác đến phẫm chất của nguồn nước và ô nhiễm
Các kế hoạch kiểm soát nguồn nước ảnh hưởng đến phẫm chất của nguồn nước trong các kinh rạch và các đường nước nhỏ hơn trong đồng bằng sông Cửu Long do những thay đổi về thuỷ tính của dòng nước và động tính của các chất trầm tích, kết hợp với sự bành trướng và gia tăng sinh hoạt của con người, đặc biệt là trồng lúa thâm canh. Trong nhiều trường hợp, nhiều ảnh hưởng tác hại có tính chồng chất, làm cho phẫm chất của nguồn nước tồi tệ hơn . Những chất gây ô nhiễm cho dòng nước của châu thổ đồng bằng Cửu Long, ngoài khối lượng acid phóng thích từ xả rửa đất phèn, còn có những chất hữu cơ, hoá tố (nitrogen và phosphorus), thuốc trừ sâu bọ và mầm gây bệnh (vi trùng coliform có trong phân người và động vật) xuất phát từ những phế thải của các nông trại và các hộ gia cư. Hầu hết nguồn nước trên mặt của châu thổ, trừ các sông chánh, ít nhiều đều có chứa nhiều chất hữu cơ và hoá tố (NEDECO,1993b). Đào thêm nhiều kinh, dùng trong chương trình kiểm soát nguồn nước, khơi động hình thức phát triển vòng đai, dọc theo các đường nước của châu thổ đồng bằng. Gần như hầu hết các nhà cửa cất dọc theo kinh rạch không có hệ thống cống rảnh và những chất phế thải dơ bẩn được đổ xả xuống kinh rạch. Trong bối cảnh này, kinh đào chính là nguồn gốc của những ô nhiễm. Bên cạnh nguồn acid nguy hại phóng thích từ đất phèn ASS, xây các cửa đập và kinh đào theo bố trí nghèo nàn, thiếu nghiên cứu, khiến cho nhiều dòng nước bị tắc nghẽn và gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở các địa phương. Ở những nơi mà các cửa đập thuỷ lợi được xây để ngăn chặn nước mặn xâm nhập vào mùa khô, như chương trình Quản Lộ Phụng Hiệp ở bán đảo Cà Mau và chương trình Nam Măng Thít ở tỉnh Trà Vinh, cửa đập bị đóng lại trong thời gian lâu dài và mực nước ở các kinh thấp vào mùa khô, khiến phẫm chất nguồn nước suy thoái theo mùa (NEDECO,1994b; SIWRPM,1997). Nước ứ đọng và chứa nhiều hóa tố làm cho rong cỏ trong kinh rạch bộc phát, sinh ra nhiều chất phế thải hữu cơ khiến môi trường càng bị ô nhiễm hơn; đây cũng là điều kiện thích hợp để loài muổi sinh sản, gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người. Bành trướng kế hoạch trồng lúa thâm canh, nhờ các dự án kiểm soát và phân phối nguồn nước, cần sử dụng nhiều hơn hoá chất phân bón, thuốc trừ sâu bọ và như thế sinh ra thêm nhiều chất ô nhiễm phế thải vào các đường nước. Các chất gây ô nhiễm như thuốc trừ sâu bọ, kim loại và các độc tố khác tạo ra nhiều mối lo ngại cho sức khoẻ của con người và môi sinh; những chất gây ô nhiễm loại này được chứa rải rác hay tồn trữ trong môi trường, được ngoại hấp lên các chất trầm tích nhuyễn và các hạt hữu cơ mịn. Các chất trầm tích mịn lắng đọng trong các con kinh (gây nên bởi nước bị ứ đọng) có tác động tập trung các chất ô nhiễm trong kinh rạch và nếu tình trạng này trùng hợp với giai đoạn acid được phóng thích từ đất phèn, sẽ tạo ra điều kiện sinh hoá thích hợp cho các sinh vật hấp thụ ào ạt các độc tố nêu trên. Những ảnh hưởng tiêu cực của các chương trình kiểm soát và phân phối nguồn nước không chỉ giới hạn trong các con kinh. Những con đê dọc theo các sông rạch có mục đích chống lũ và làm trì hoãn nước lũ tràn bờ, đã thực sự phân chia đồng bằng châu thổ Cửu Long thành nhiều ngăn, và gây ra những hậu quả tương tự như đã tạo ra những vùng nước ứ đọng trong các kinh rạch. Vào thời cao điểm của mùa lụt, ở những vùng lũ chỉ được ngăn cản từng phần, nước lũ tràn vào các cánh đồng và tom góp tất cả những chất phế thải của các hộ gia cư, các chất bẩn rắn và các chất ô nhiễm khác; và khi mực nước ở các dòng sông bắt đầu rút thấp, nước ngập trong các cánh đồng vẫn không thoát ra được do các con đê (Hình 3). Do đó, người dân địa phương phải sống chung với nguồn nước dơ bẩn ô nhiễm trong suốt thời gian “nước lũ tràn bờ”, gây nguy hại đến sức khoẻ. Đứng trên phương diện này, liệu lũ lụt hàng năm có hiệu quả và giá trị tẩy trừ chất bẩn, độc tố, thuốc trừ sâu rầy khỏi đồng ruộng như người ta thường nghĩ. 10

1.2.2.6 Những ảnh hưởng đến môi sinh
Ành hưởng đầu tiên của các kế họach qui mô kiểm soát và phân phối nguồn nước lên môi sinh của châu thổ đông bằng Cửu Long là làm giảm diện tích những vùng có hệ sinh thái tương đối thiên nhiên. Những dấu vết còn sót lại của những vùng nước ngọt, đất thấp (rừng tràm và đầm cỏ) ở vùng ngoại biên của châu thổ đồng bằng như:   khu Tứ giác Long xuyên và Đồng Tháp, ít người lui tới vì môi trường khắc nghiệt, khó sống vì đất phèn, đầm lầy, ngập lụt sâu kéo dài 6 tháng mỗi năm vùng ven biển của bán đảo Cà Mau với rừng đước, rừng mấm dày đặc, ngày nay được mở ra cho con người cải biến và sử dụng.

Những vùng môi sinh hiếm hoi còn sót lại này bị đặt dưới áp lực nặng nề và nguy cơ ngày càng tăng do sự xâm nhập của con người, biến những khu thiên nhiên thành những “tiểu đảo” giữa “biển cả”, khiến nhiều hệ sinh thái còn sót lại (tuy hiện nay là những khu được bảo vệ cấp quốc gia), luôn luôn bị đe doạ bởi những sinh hoạt trong những vùng lân cận như:       những thay đổi về dòng chảy của các con sông kế hoạch chống lũ bồi lấp gây ra bởi các kế hoạch kiểm soát và phân phối nguồn nước gia tăng chất gây ô nhiễm câu trộm, săn bắn trộm đốt đồng, phá rừng (Vinh, 1997)

Hình 3. Đồng bằng bị đê chia thành từng ngăn, ngập úng trong mùa lụt, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn (gần Châu Đốc, Tỉnh An Giang). Xây dựng và thiết kế một số cấu trúc trong kế hoạch kiểm soát nguồn nước đưa đến tình trạng phân lô, ngăn chia hệ sinh thái của châu thổ đồng bằng Cửu Long. Những cấu trúc này ngăn cản sự luân chuyển tự nhiên của hệ lý sinh đa dạng của môi trường vùng châu thổ như: 11

 

vận chuyển của dòng nước, chất trầm tích, hóa tố tính di trú và phân bố của sinh vật và các cây mầm

Đê trị lụt ngăn cản tính di trú tự nhiên của các loài cá từ dòng sông lên các cánh đồng trong thời kỳ ”nước lũ tràn bờ”, điều này rất quan trọng đối với các loài “cá trắng” sinh sản trong các cánh đồng bị ngập lụt, nhưng sống trong các dòng sông vào mùa khô (NEDECO,1991d). Đóng các cửa đập không những cản trở sinh vật và chất liệu hoán chuyển giữa vùng nước ngọt và nước mặn mà còn loại bỏ “môi trường chuyển tiếp nước lợ“ cùng những loại sinh vật không thể tồn tại lâu dài trong nước ngọt hay nước mặn như loại dừa nước (Nypa fructicans). Dừa nước (một nguồn lợi khác của người dân địa phương) chết hàng loạt dọc theo bờ biển của bán đảo Cà Mau. Ngoài những biến đổi nêu trên, kế hoạch kiểm soát nguồn nước còn thay đổi đặc tính của những “môi trường sống” (habitat) thuộc hệ lý sinh trong châu thổ. Làm thẳng các rạch nước thiên nhiên và tiếp tục nạo vét lòng kinh là những thí dụ cho thấy những biến đổi trực tiếp của môi trường và môi trường sống tự nhiên; trong khi những ảnh hưởng gián tiếp hơn như: thay đổi độ chảy dòng nước, thời gian, phạm vi và chiều sâu của ngập lụt vào mùa mưa, động tính của chất trầm tích và acid phóng thích từ những vùng đất phèn. Tính đa dạng của môi trường sống giảm dần: thí dụ những chỗ sâu, cạn khác nhau của dòng sông thiên nhiên được thay thế bằng những kinh đào được bố trí theo hình chử nhựt và cùng một độ sâu. Xa hơn nữa, mức độ an toàn của môi trường sống cũng biến đổi, điển hình là làm gián đoạn thường xuyên hệ thuỷ sinh trong các kinh đào, do nạo vét và xả phèn định kỳ, từ những vùng đất phèn ASS, có diện tích ngày càng gia tăng. Mặc dù đào kinh tạo thêm nhiều môi trường sống cho thuỷ sản và được xem như thêm một lợi ích của kế hoặch kiểm soát và phân phối nguồn nước (thật thế, cá trong các kinh đào là một nguồn lợi khác của người dân vùng châu thổ), tuy nhiên nhận định này cần được xét lại vì môi trường sống trong các kinh đào có tính kém đa dạng và thiếu ổn định. Những điều kiện sinh thái trên dẫn đến suy giảm tính đa dạng sinh học trong vùng, vì chỉ những loại sinh vật có khả năng thích ứng cao nhứt và sống thành đàn được tồn tại, trong khi các giống khác bị huỷ diệt. Áp dụng kế hoạch kiểm soát nguồn nước làm tăng chất ô nhiễm trong môi trường, điều này có thể xuất phát từ:      gia tăng sử dụng các loại phân bón hoá học trong nông nghiệp thâm canh gia tăng diện tích đất phèn gia tăng khối lượng acid phóng thích do khả năng rửa đất của các dòng nước bị suy giảm hay vì gia tăng dân số có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ môi sinh do tiêu diệt các vùng sinh vật, giảm năng xuất sinh học, giảm đề kháng bệnh tật và hạ thấp tính đa dạng sinh học (MDDRC,1996). Một điều cần được quan tâm đặc biệt ở đây là nguy cơ của độc chất tích luỹ dần dần trong môi trường thiên nhiên, vì các chương trình kiểm soát nguồn nước không chỉ gia tăng khối lương chất ô nhiễm, nhưng còn có tiềm năng gia tăng khối lượng chất ô nhiễm tồn đọng trong môi trường và được hấp thụ bởi sinh vật.

Giới hạn nước tràn bờ ngập châu thổ đồng bằng, ngăn cản nước tràn bờ, gia tăng acid hoá đất đai và dòng nước do thành lập thêm nhiều vùng đất phèn AASS, dòng nước không luân chuyển và gia tăng bồi lấp trong các kinh rạch, giảm độ chảy vào mùa khô của các con sông chánh bởi chuyển dòng nước vào mạng lưới với nhiều kinh đào chằng chịt và hậu quả làm gia tăng bồi lấp các đoạn sông chánh ở phần dưới của châu thổ, là một số của nhiều ảnh hưởng có đặc tính tích luỹ và góp phần vào một tiến trình đầu độc hoá từ từ châu thổ đồng bằng Cửu Long. Những ảnh hưởng của các kế hoạch kiểm soát và phân phối nguồn nước có tiềm năng phá vỡ tính bền vững của các chương trình phát triển nông nghiệp trong châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Gia tăng sức ép lên môi trường, đồng thời hạ thấp tính sinh học đa dạng, gây bởi những tác động nêu trên, tái khẳng định khuynh hướng chung tiến dần đến khống chế châu thổ bởi một nắm nhỏ các giống lúa có năng xuất cao. Tính quân bình sinh học khó có thể được thiết lập trong bối cảnh nông 12

nghiệp hiện nay ở vùng châu thổ và trong sự khiếm khuyết của những kiểm soát thiên nhiên, sâu bọ và dịch bộc phát, những xáo trộn trong các điều kiện về môi trường sẽ tạo thành mối đe dọa lớn lao cho sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, những giống cây trồng và thú nuôi có từ lâu đời trong vùng châu thổ Cửu Long (hiện bị đe doạ bởi ảnh hưởng của những kế hoạch phát triển các cơ sở hạ tầng) chính là những sinh vật có nhiều khả năng tồn tại trước những biến đổi môi sinh cao hơn các giống được đem vào sử dụng gần đây, và có thể là những chìa khóa dành cho sự phát triển trong tương lai những giống sinh thực vật khoẻ mạnh hơn và thích hợp với môi trường bản địa (Hirata, 2000). Nếu những giống cây trồng và thú nuôi cổ truyền này bị mất đi, sẽ gây nên một phản hồi thòng lọng, vĩnh viễn tuỳ thuộc vào các hoá chất nông nghiệp và các giống lúa mới năng xuất cao hơn, nhưng sau cùng tiếp tục làm hư hại mội trường và hệ sinh thái.

1.3 Phát triển vùng ven biển của châu thổ đồng bằng Cửu Long 1.3.1 Lịch sử và tính hợp lý 1.3.1.1 Nhập đề
Vùng ven biển của châu thổ đồng bằng Cửu Long tượng trưng một trong những hoàn cảnh địa dư đầy thách thức đối với định cư và sử dụng của con người. Nơi đây tập trung những điều kiện thiên nhiên chủ yếu có tính khắc nghiệt làm hạn chế những phát triển kinh tế, như tính mặn, đất phèn và thoát nước nghèo nàn. Ở vùng tây nam bán đảo Cà Mau, nằm cách xa ảnh hưởng trực tiếp của nước ngọt của các sông chánh, do tính chất nghịch lý thiếu nước ngọt ở vùng đầm lầy nên không nhiều người đặt chân vào, mãi đến thời gian tương đối gần đây. Môi trường không chịu những ảnh hưởng biến đổi đáng kể vì nơi đây chỉ có một số nhỏ cộng đồng, dân cư thưa thớt sống còn nhờ bắt cá, hầm than đước, canh tác chuyển vùng và làm muối (Hong and San,1993; Sanh et al., 1998). Ở những nơi có nhiều nguồn nước ngọt, canh tác cổ truyền được điều chỉnh để thích hợp với những thay đổi theo mùa của môi trường: trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô; đây là một dạng thích ứng với hoàn cảnh thiên nhiên, dựa trên cơ hội luân chuyển của mùa nước ngọt và nước mặn. Cách thức sử dụng đất đai có từ lâu đời này tương đối ít gây ra những hậu quả tiêu cực đối với môi trường: vào mùa khô, dẫn nước mặn vào các cánh đồng để nuôi tôm giúp đất không ngậm phèn, rửa xả độc chất, ngăn ngừa đất phóng thích acid và mặt đất không bị dẽ rắn (Miller, 2000). Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho môi trường thiên nhiên nhưng cho cả người dân đã bỏ ra công sức, đồng thời giảm được những rủi ro mất mùa, nhờ độc tính của đất được giảm bớt vào thời điểm cấy mạ non. Vùng đất ven biển nằm trong kế hoạch kiểm soát và phân phối nước ở châu thổ đồng bằng Cửu Long, phần lớn ngậm mặn theo mùa, hiện được cải biến nhờ các công trình thuỷ lợi, nên mỗi năm trồng được 2-3 mùa lúa. Ngược lại dãy đất nắm giữa bờ biển và ranh giới (ở mặt quay về biển) của vùng được trồng lúa thuỷ lợi, một cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược được dùng cho vùng đất này (ngập mặn suốt năm hay theo mùa). Trên các dãy đất này, nước mặn là nguồn sản xuất có giá trị về mặt kinh tế và vùng đất được phát triển trong những năm gần đây để nuôi trồng thuỷ sản: nuôi tôm và trồng đước.

1.3.1.2 Nuôi tôm và rừng đước
Nuôi trồng thuỷ sản là một phần trong toàn bộ đời sống nông nghiệp lâu đời của người dân vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long. Phối hợp nuôi cá/tôm trong các thửa ruộng bỏ hoang vào mùa khô được phát triển gần như cùng lúc với sự bành trướng trồng lúa trong vùng ngập mặn theo mùa, từ đầu thế kỷ 20 (Sanh et al., 1998) và đồng thời tôm được nuôi bên ngoài khu cấy lúa, trong các ao hồ, có được bằng cách đấp bờ đất bao bọc xung quanh các ”rạch thuỷ triều thiên nhiên” (Hong and San, 1993). Đây là cách nuôi tôm quảng canh nhờ vào con giống và thức ăn có sẵn từ thiên nhiên. Từ 1980, ngành nuôi tôm được bành trướng nhanh chóng trên toàn vùng ven biển của châu thổ Cửu 13

Long do chánh sách đổi mới, giá tôm cao trên thị trường quốc tế và phần khác được nhà cầm quyền tích cực khuyến khích để phát triển kinh tế (NEDECO, 1991d; Hong and San, 1993; Koopmanschap and Vullings, 1996; Johnston et al., 1998). Ngành nuôi tôm phát triển rất nhanh, vượt trội cách thức làm ăn nhờ lanh trí ở buổi ban đầu của người dân địa phương (biết lợi dụng nguồn nước mặn theo mùa) và trở thành một loại sinh hoạt kinh tế quanh năm, với nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đến giữa thập niên 1990’s, tổng số diện tích nuôi tôm gần 200.000 ha và lượng sản xuất mỗi năm trong châu thổ là 50.000 tấn (Phuong and Hai, 1998). Nuôi tôm sớm có thu hoạch cao, nên thu hút một số đông người trong vùng và từ những tỉnh khác (hầu hết là những người sống chui hay những nông dân nghèo nàn) di cư đến vùng ven biển và như thế ngành nuôi thuỷ sản bộc phát (Hong and San, 1993; MDDRC, 1996; Benthem, 1998). Thêm vào đó, những thành công rõ rệt lúc ban đầu, biến nuôi tôm trở thành phong trào, một số hộ gia cư địa phương bỏ nghề của họ để nuôi tôm; do vậy một số đồng ruộng được biến thành những ao nuôi tôm (Koopmanschap and Vullings, 1996). Gần như toàn thể ngành nuôi tôm trong giai đọan đầu đều có tính quảng canh, dựa vào nguồn giống thiên nhiên và nước thuỷ triều hoán đổi. Ao được dùng lại nhiều lần để gầy giống, tăng trưởng và thu hoạch, trong chu kỳ tương đối ngắn từ 15 đến 30 ngày (Hong and San, 1993). Kỹ thuật nuôi trồng này khiến, không lâu sao đó, năng xuất của mỗi ao giảm đi, do nguồn giống và chất dinh dưỡng thiên nhiên cạn dần và nước trong ao mất phẫm chất vì không được thường xuyên thay đổi, chứa acid phóng thích từ đất phèn (đất được đào lên và đắp xung quanh ao nuôi tôm, lâu ngày bị không khí oxid hóa trở thành đất phèn) và đáy ao dơ bẩn do tồn đọng các chất phế thải hữu cơ (NEDECO,1991d; Hong and San, 1993; Koopmnschap and Vullins, 1996). Ở một phạm vi rộng lớn hơn, nuôi tôm có năng xuất giảm dần, phần chánh do đốn rừng đước để làm ao, nhưng chính rừng đước là nơi sinh sản con giống và cũng là nguồn dinh dưỡng chánh của tôm (NEDECO, 1991d; Linh and Binh, 1995). Thêm một yếu tố khác khiến nuôi tôm có năng xuất thấp là cách phát hoạ và quản lý các ao tôm rất nghèo nàn, đưa đến những điều kiệu không thích hợp cho tôm tăng trưởng: nhiều ao quá cạn, khiến nhiệt độ của nước trong ao thay đổi nhiều (Koopmanschap and Vullins, 1996; Jonhston et al., 1998), trong khi một số ao khác quá sâu hoặc thiếu cống thoát nước để nước được hoán đổi (Hong and San., 1993). Để bù đấp vào những giảm sút về năng xuất và lợi tức, mốt số nông dân bỏ những ao cũ, phá thêm rừng, đào thêm những ao mới, đem đến hậu quả là cả một vùng rừng đước, trong nhiều trường hợp vẫn còn đang trong tình trạng phục hồi sau những tàn phá bởi chiến tranh Việt Nam, trở thành vùng đất hoang đầy cỏ dại loại Acanthus illicifolius. Trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến 1995, Cà Mau và Bạc Liêu mất một nửa diên tích rừng đước (từ 117.745 ha giảm còn 51.492 ha), con số này cho thấy những hậu quả tác hại và không lường của phong trào nuôi tôm nước mặn đối môi trường của châu thổ. Đến đầu thập niên 1990’s, ảnh hưởng của nuôi tôm theo phong trào và hậu quả tàn phá rừng đước trở nên rõ rệt ở cấp địa phương. Mặc dù gia tăng diện tích vùng nuôi tôm được tiếp tục, nhưng năng xuất có dấu hiệu suy giảm. Sản xuất có chiều hướng tiếp tục giảm hơn do bộc phát và tái phát các bệnh nhiễm vi khuẫn, như bệnh đốm trắng; bệnh này tràn lan do các điều kiện không thích hợp trong ao và nhiều nông trại dùng chung đường nước ra, vào (Koopmanschap and Vullings, 1996; MDDRC, 1996; Benthem,1998; Phuong and Hai, 1998). Sản lượng nuôi tôm giảm sút thúc đẩy việc tìm kiếm những phương cách khác ít dựa vào các nguồn thiên nhiên. Môt số nông dân nuôi tôm theo quảng canh cải thiện và bán thâm canh, vẫn dùng nước thuỷ triều, nhưng chọn con giống sản xuất nhân tạo theo tỷ lệ và thứ tự 1-3, và 3-6 con giống cho mỗi m2 (Phuong and Hai,1998) và dùng thức ăn hạng thấp, trong khi một số nhỏ theo phương pháp thâm canh tốn kém hơn với vốn đầu tư nước ngoài và chuyên viên có nhiều kinh nghiệm; con giống được cung cấp từ những nơi ương trứng, thực phẫm có chất lượng cao và nguồn nước được thường xuyên bôm ra, vào (Koopmanschap and Vullings, 1996; Phuong and Hai, 1998). Điều đáng ghi ở đây là trong khi cách nuôi tôm quảng canh cải thiện và bán thâm canh được phát triển nhanh chóng trong vùng, nhưng hoàn toàn thiếu hẵn những kế hoạch quản trị, nuôi tôm theo nhiều cách thức khác nhau, lẫn lộn trong suốt vùng ven biển. Vì thế, trong nhiều trường hợp, các trại nuôi thâm canh gặp phải 14

những khó khăn gây ra bởi cách nuôi quảng canh, khiến năng xuất thấp và chết tôm hàng loạt (Koopmanschap and Vullings, 1996); điều này xảy ra vì nguồn nước ô nhiễm, sinh thái trong vùng trở nên kiệt quệ và nông dân thiếu kinh nghiệm (Johnston et al., 1998). Trồng rừng đước không phải là một quan niệm mới mẻ trong châu thổ đồng bằng Cửu Long. Dưới thời thuộc địa, nhà cầm quyền Pháp đã thiết lập những đồn điền ở Cà Mau trồng rừng để lấy gỗ, củi chụm và than vào thập niên 1940’s, trong khi đó chương trình phục hồi rừng được khởi đầu ở Cà Mau và Cần Giờ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt (Hong and San, 1993; Miyagi, 1995). Tuy nhiên môi trường sinh thái ở dọc theo bờ biển vùng Châu Thổ Cửu Long bị thoái hoá trầm trọng trong những thập niên từ 1980’s đến đầu 1990’s, phần lớn gây nên bởi nuôi tôm theo phong trào, thiếu kiểm soát; đứng trước những thiệt hại nặng nề về môi sinh này, các nhà cầm quyền trung ương và địa phương đã ban hành một loạt các qui định nhằm bảo vệ rừng và các vùng đất thấp dọc bờ biển và phát động chương trình trồng rừng (Hong and San, 1993). Thêm vào đó, nhiều dự án được ngoại quốc tài trợ giúp tái tạo các vùng rừng đước qua Kế hoạch Tổng Thể Mekong (1993a,b) trong thập niên 1990’s (Bethem, 1998). Gần đây, đồn điền đước cũng được thành lập trong những khu vực đất tư nhân như một nguồn lợi tức cho các cộng đồng người dân địa phương. Tuy nhiên vì mối lo ngại: nếu mức độ phá rừng vẫn được duy trì như hiện tại, thì vào đầu thế kỷ 21 rừng đước của châu thổ Cửu Long không còn đủ để đáp ứng những nhu cầu về gỗ, củi và than ( Johnston et al.,1998) cũng như sản lượng tôm cũng thụt giảm do mất rừng đước, nên nảy sinh kế hoạch phối hợp nuôi tôm và trồng rừng đước (Hình 4).

Hình 4. Một hệ thống hợp nhứt nuôi tôm-rừng đước trong tỉnh Bạc Liêu, phối hợp cách nuôi thuỷ sản quảng canh cải thiện và rừng đước Rhizophora apiculata. Trong hệ thống này, rừng được giử 70% tổng số diện tích và phần còn lại dành cho nuôi trồng thuỷ sản và các canh tác nông nghiệp khác. Nhiều đề án của hệ thống tổng hợp này được đem ra áp dụng: hệ thống phân chia rỏ rệt giữa vùng nuôi thuỷ sản và đồn điền; hệ thống hợp nhứt trong đó đước được trồng ngay trong hay xung quanh ao nuôi tôm; hệ thống gồm những ao được đào giữa đồn điền rừng đước (Hong and San, 1993; Linh and Binh, 1995). Thiết lập những đồn điền rừng đước đem đến nhiều lợi ích cho môi trường và an sinh xã hội. Hồi phục rừng đước trên những vùng đất phèn giúp giảm thiểu acid trong đất và cải thiện cấu trúc, lượng chất hữu cơ của đất; và ở nơi như Cần Giờ, khối lượng thuỷ sản gia tăng rõ rệt sau khi rừng được tái tạo khoảng vài thập niên (Hong and San, 1993). Trồng cây đước trong hay xung quanh các ao nuôi tôm giúp cải thiện những điều kiện để tôm tăng trưởng nhờ những rác rưởi dồi dào chất hữu cơ, nhiều dinh dưỡng và bóng mát ngăn nhiệt độ của nước trong ao tăng cao quá đáng. Tuy nhiên trồng đước cũng gây ra một số những ảnh hưởng tiêu cực: nhiều bóng mát làm giảm sút năng xuất của tôm (Linh and Binh, 1995). Thu nhập từ trồng rừng đước rất chậm và thấp so với nuôi tôm (Johnston et al.,1998), vì mỗi chu kỳ từ lúc trồng đến khi thu hoạch cây củi khoảng 20 năm (Hong and San,1993; Johnston et al., 1998). Vì thế, xảy ra những 15

chuyện đốn rừng bất hợp pháp và những sai lầm trong phần quản lý rừng đước, đưa đến những qui định chặt chẻ hơn như hoàn toàn cấm đốn rừng đước ở Tỉnh Cà Mau, vào năm 1996 (Johnston et al., 1998). Những quan tâm khác về thời hạn người dân được quyền chiếm hữu đất dành để trồng rừng đước: do nhiều tin đồn gây hoang mang trong quần chúng, rằng đất tư nhân chiếm hữu chỉ được dùng vào các canh tác nông ngư nghiệp, đây chính là những lý do vì sao các kế họach trồng rừng không được mấy thành công (Miller, trao đổi cá nhân).

1.3.1.3 Thuỷ lợi và trồng lúa
Mặc dù diện tích nuôi trồng thuỷ sản gia tăng một cách phổ biến trong thời gian gần đây, tuy nhiên những vùng ở phía mặt trong giáp đất liền, được thay thế dần dần bởi sự phát triển của trồng lúa thuỷ lợi. Trong dự án kiểm soát và phân phối nguồn nước Quản Lộ Phụng Hiệp vùng bán đảo Cà Mau, các khu nuôi tôm thuộc vùng từ đông bắc đến tây nam của dự án dần dần được trồng lúa thuỷ lợi. Trong trường hợp đặc biệt này, xảy ra nhiều bất ổn về mặt an sinh trong xã hội do sự xuất hiện của luồng nước rất lợ ở mặt tiền của khu được mở rộng để trồng lúa; ở đây độ mặn của nước quá thấp để nuôi tôm, nhưng quá cao để trồng lúa, gây khó khăn cho cuộc sống của những người trước kia sống nghề nuôi tôm. Diện tích trồng lúa sẽ tiếp tục tăng thêm trong tương lai nhờ những chương trình thuỷ lợi. Chánh sách của nhà cầm quyền Việt nam có vẻ nhằm tối đa hoá diện tích trồng lúa. Ở vài nơi, như tỉnh Bạc liêu, có những kế hoạch mở rộng diện tích vùng trồng lúa thuỷ lợi đến những vùng ngập mặn vĩnh viễn nằm bên ngoài phạm vi của kế hoạch Quản Lộ Phụng Hiệp, với dự định thiết lập và trồng lúa trên các tiểu đảo bao bọc bởi các cống thuỷ lợi ngăn mặn. Chỉ dãy đất hẹp dọc ven biển, mặt ngoài được bao bọc bởi các đê chạy dài theo bở biển Nam hải, là không nằm trong kế hoạch cải biến và được trồng các loại cây thiên nhiên, cây đước để chóng bảo biển và sóng thần.

1.3.2 Ảnh hưởng đến môi trường và những mối quan ngại 1.3.2.1 Những ảnh hưởng về thuỷ học
Những ảnh hưởng về thuỷ học của các kinh đào đã trình bày ở các đoạn 1.2.2.1 và 1.2.2..2. Ảnh hưởng của các chương trình kiểm soát và phân phối nguồn nước lên vùng ven biển của châu thổ bao gồm những thay đổi về phạm vi vùng đất bị nước mặn xâm nhập và độ dốc của tính mặn, biên độ của thuỷ triều trong các kinh, độ chảy cùng mức độ hoán chuyển của thuỷ triều và lưu thông của dòng nước. Các cửa đập thuỷ lợi ngăn nước mặn, thường làm gia tăng biên độ của thuỷ triều trong đoạn kinh nằm bên ngoài cửa đập, do ảnh hưởng khuyết đại của khối nước nơi đây. Trong trường hợp thuỷ triều tràn vào nhiều kinh ở ven bờ biển, như ở bán đảo Cà Mau, ảnh hưởng khuyết đại của thuỷ triều sẽ gia tăng, do các đợt sóng tập trung nơi ngả ba các con kinh. Biên độ của thuỷ triều gia tăng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho các địa phương: ngập lụt, nước ứ đọng, úng đất và sạt lở bờ kinh. Thêm vào đó, đóng cửa đập thuỷ lợi, tạo ra những vùng nước tù ở hai bên cửa đập và từ đó phẫm chất nước trong kinh bị suy giảm. Mặt khác, nước mặn xâm thực có thể trở nên trầm trọng hơn, dọc theo các con kinh có những nhánh hai bên và cùng lúc bị đóng bởi các cửa đập. Những trường hợp này thường xảy ra khi con kinh nằm ở vùng giữa hai kế họach thuỷ lợi riêng biệt. Ở vùng ven biển của châu thổ Cửu Long, địa hình thiên nhiên bị biến đổi một cách rộng rãi và trở nên phức tạp hơn do đào ao nuôi tôm (tạo nên những bờ/đập, ụ đất), đào những đường nước ra, vào. Trong một khu vực nhỏ, nhưng cùng lúc có nhiều cách sử dụng khác nhau, nên gây ra nhiều vấn đề phức tạp. Ngoài ra hệ thống tiêu thoát nước cũng bị biến đổi một cách sâu rộng. Những vùng đất 16

thấp rộng lớn, chằng chịt với những rạch thuỷ triều ngoằn ngoèo được thay thế bằng hệ thống những kinh đào thẳng; ảnh hưởng của những biến đổi về cấu trúc này thay đổi tuỳ nơi; một mặt, thoát nước và thuỷ triều hoán chuyển ở nhiều nơi được cải thiện do sự thiếp lập của hệ thống kinh đào, nhưng những cấu trúc như bờ đê, ụ đất gây nên úng nước ở nhiều nơi khác. Những nơi gần các bờ đê thường bị úng nước, tích luỹ các chất ô nhiễm và ngập lụt ở địa phương vào mùa mưa trở nên trầm trọng hơn. Tạo ra những tiểu đảo để gia tăng canh tác nông nghiệp sẽ làm trầm trọng và phức tạp thêm những ảnh hưởng tiêu cực về thuỷ học.

1.3.2.2 Ảnh hưởng trên động tính của các chất trầm tích và hiện tượng bồi lấp
Ảnh hưởng của đào kinh ở vùng ven biển của châu thổ đồng bằng lên động tính của chất trầm tích có phần khác hơn so với vùng thượng của châu thổ, vì trước hết ở ven biển không có những hệ thống đê trị thuỷ to lớn và thứ đến do sự khác biệt về chiều hướng di chuyển của chất trầm tích. Những kinh đào ở vùng ven biển làm gia tăng đường thuỷ triều vận chuyển chất trầm tích từ biển đông, như thế làm gia tăng cung cấp chất trầm tích cho châu thổ đồng bằng. Mặc dù kinh đào giữ lại một khối lượng trầm tích đáng kể, tuy nhiên tương đối ít so với những rạch nước thiên nhiên ngoằn ngoèo, tích luỹ chất trầm tích dưới dạng những voi đất. Hơn nữa, các kinh đào có hình dạng đường thẳng nên dòng nước chảy nhanh hơn so với trong các rạch cong quẹo. Như thế các kinh đào giúp đem nhiều chất trầm tích vào từ ngoài biển, gia tăng tốc độ bồi lấp lên châu thổ. Ở những vùng rừng đước, hiện tượng bồi lấp này làm nền đất cao nhanh, gây ra hậu quả làm giảm đi tuổi thọ tối đa của hệ thống môi sinh trong một vùng. Trong ngành nuôi trồng thuỷ sản, hiện tượng bồi lấp nhanh này là nguyên nhân khiến các ao nuôi tôm bất chợt lắng bùn. Thiết kế và đóng các cửa đập thuỷ lợi để ngặn nước mặn xâm thực gần đây đã làm giảm khối lượng chất trầm tích chuyên chở từ biển vào vùng vòng đai ven biển. Những cửa đập này làm tăng tốc độ lắng đọng chất trầm tích ở phía bên ngoài cửa đập (mặt quay ra biển); tạo nên vùng nước tù trong thời gian đóng cửa đập; đất sét nổi lềnh bềnh trong thời gian cửa đập vừa mở, do sư gặp gở của hai luồng nước có độ mặn khác xa. Như thế một biến đổi đáng kể sẽ xảy ra về mẫu/dạng bồi lắng chất trầm tích trong kinh, ao nuôi tôm và vùng rừng đước khi có thêm nhiều cửa đập thuỷ lợi và công trình trồng lúa trong các “tiểu đảo” được tiến hành. Tính trạng sạt lở bờ sông trở nên lan rộng dọc theo các kinh đào ở vùng ven biển châu thổ Cửu Long (Hình 5). Những sạt lở dọc theo các bờ kinh hướng ra biển Nam Hải có thể xem như tệ hại nhứt trong toàn vùng châu thổ, do những trùng hợp ngẫu nhiên của biên độ rộng và độ chảy mạnh của thuỷ triều và bờ kinh cấu tạo bởi loại đất sét mềm. Những điều kiện này khiến các bờ kinh không ổn định trên phương diện địa chất, nên dễ bị sụp lở dưới sức cuốn của dòng nước. Huỷ hoại các loại dừa nước, rừng đước dọc theo bờ kinh, do thay đổi thuỷ tính (gây ra bởi các kế hoạch kiểm soát và phân phối nguồn nước), ô nhiễm hay khai thác vượt mức, bên cạnh những xáo trộn về hình thể gây nên bởi số đông người sống tập trung dọc theo các bờ kinh và nhiều tàu cao tốc qua lại trong kinh rạch, làm cho tình trạng sạt lở bờ kinh trở nên trầm trọng hơn. Điều rõ rệt là những phát họa và cách thức quản lý nghèo nạn đã góp phần làm trầm trọng thêm, một cách không cần thiết, cũng như tốn kém, tình trạng sạt bờ kinh và bồi lấp nhanh chóng các kinh đào dọc ở vùng ven biển (và có lẻ ở các vùng khác) của châu thổ. Một trong những lý do làm lan tràn sạt lở bờ kinh là độ dốc của các con đê hay bờ kinh. Hầu hết những bờ kinh có độ dốc cao hơn con số được Bộ Giao Thông đề nghị từ 1:3 đến 1:2. Những yếu tố bên ngoài gây nên tình trạng sạt lở bờ có thể được làm giảm đi bằng những qui định về cách sử dụng đất dọc theo bờ kinh, tàu bè chạy trong kinh và trồng cỏ dọc theo bờ. Sạt lở bờ làm cạn kinh và từ đó phải nạo vét. Tuy nhiên nếu nạo vét kinh không đúng cách lại có thể tạo nên phản hồi tiêu cực tiếp theo, có nghĩa là nạo vét đất sạt lở dẫn đến sạt lở thêm.Trước hết, nạo vét quá gần bờ và đất nạo vét lại vứt ngay lên bờ, làm cho bờ kinh dốc đứng nên dễ bị sạt lở; tuy nhiên trên thực tế đây là điều cố ý của một số người, để dễ cất nhà bên cạnh bờ sông và tiện việc làm bến ghe, tàu gần bờ. Bờ kinh có dốc thẳng đứng khiến không thể trồng 17

cỏ để gia cố. Tiếp tục nạo vét khiến kinh lớn dần và phơi trần loại đất PASS trở thành đất phèn. Bùn nạo đổ đống lên bờ kinh trở thành những nơi tích luỹ các chất ô nhiễm; các chất độc này sau đó thải vào kinh, ngoại hấp lên những chất trầm tích nhuyễn ở đáy kinh. Tính ổn định của bờ biển có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những kinh đào vùng ven biển. Những kinh đào dọc theo bờ biển Nam Hải ở Cà Mau tạo ra nhiều mối lo ngại vì các kinh đào thực sự làm gián đoạn hệ thống chuyên chở phù sa dọc theo bờ biển: vì những kinh đào có tác dụng như những bồn tồn trữ chất trầm tích, dần dần làm giảm khối lượng trấm tích chuyển xuống phía nam. Khối lượng phù sa mà hệ thống chuyên chở mất đi rất lớn vì sức chảy của thuỷ triều vào các con kinh rất mạnh, do ảnh hưởng trực tiếp của biên độ và đặc tính không cân bằng của thuỷ triều khi dâng lên và lúc rút xuống. Ngoài ra các kinh đào còn có ảnh hưởng tiêu cực lên sự tăng trưởng của cây đước mọc dọc bờ biển. Thí dụ đước không mọc nơi cửa kinh Cai Cùng giáp bờ biển ở Bạc Liêu, nhưng mọc nhiều hơn ở những nơi xa cửa kinh. Mặc dầu nguyên nhân không rỏ, tuy nhiên có thể kinh tạo ra những điều kiện khó khăn cho hạt bám đất, đâm chồi vì phơi trần trước gió, mặt trời và thuỷ triều. Những bải bồi trơ trọi xung quanh các cửa kinh rạch khiến cho bờ biển dễ bị soi mòn vì thiếu những cây đước bám giữ đất. Do phạm vi bành trướng rộng lớn dọc theo vùng bờ biển của châu thổ đồng bằng Cửu Long, những ao nuôi tôm gây ảnh hưởng rất lớn lên động tính bồi đắp của phù sa trong châu thổ đồng bằng. Ao nuôi tôm là những vùng khiếm khuyết của bề mặt châu thổ “nơi châu thổ, xem như, bị bòn rút” và những vùng này cần được bồi đắp nhanh chóng hơn. Vì vùng đất ven biển có khuynh hướng được phù sa bồi lấp đồng đều theo thời gian, nên độ lắng đọng phù sa trong các ao nuôi tôm sẽ gia tăng. Do đó nạo vét thường xuyên các ao nuôi tôm là điều cần thiết, vì năng xuất của nuôi tôm tuỳ thuộc vào độ sâu của nước trong ao (Johnston et al., 1998). Phí tổn cao để thường xuyên bảo quản các ao là một khó khăn về mặt kinh tế đối với người dân địa phương, vì họ là những người nghèo nhứt trong vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long.

18

Hình 5. Bờ bị sạt lở trầm trọng dọc theo kinh Cai Cùng, Tỉnh Bạc Liêu (08/2000). Bờ kinh dốc đứng, nhà ở tập trung dọc bờ kinh và những bằng chứng thu hoạch quá đáng loại dừa nước nypa clumps. Kết quả của nhiều năm nạo vét ao, là sẽ có nhiều đống đất; nếu được dùng làm đê, sẽ ngăn cản tiêu thoát nước như đã trình bày trong đọan 1.3.2.1. Đất cũng có thể xếp thành từng liếp trong ao; điều này làm tăng thêm mức độ bồi lắng của ao, và có thể bị rớt lại xuống ao. Nếu khối đất trở nên quá nhiều, phải tốn kém để chuyên chở đi nơi khác Ở một phạm vi to lớn hơn, khi chu kỳ phù sa lắng đọng trong ao, nạo vét và đắp đất trên mặt đất được tiếp tục lập lại, bề mặt của đồng bằng dần dần tiếp nhận chất trầm tích nhiều hơn so với điều kiện thiên nhiên và khối lượng phù sa dành để bồi lấp bờ biển sẽ sút giảm, như thế làm lệt cán cân quân bình của khối phù sa bồi lấp vùng ven biển. Những ao nuôi tôm được đào trên các bải bồi dọc theo bờ biển hoặc trong vùng rừng đước sát bờ biển, làm bờ biển mất ổn định và thụt lùi. Trước hết ao tạo ra những yếu điểm dọc bờ biển, nên dễ gây sạt lở; những ảnh hưởng này được khuyết đại, nếu đào ao làm mất lớp cây đước có tính giữ đất; thứ đến, những cấu trúc liên quan với đào ao như đê, có khuynh hướng làm cho lượng nước tiêu thoát chảy thành dòng tạo ra những rảnh hay máng xối trên các bải bồi (Hình 6). Sau cùng, những biển đổi về cấu trúc của mặt đất nằm sát bờ biển, tự nó làm ngăn cản bờ biển cao thêm khiến các cây đước không thể đâm chồi sinh sản và tăng trưởng. Thêm vào đó, nuôi tôm có thể làm sạt lở bờ kinh, vì nước xả thải từ ao chảy thẳng xuống các bờ kinh với tốc độ cao. Sau cùng sự bành trướng của ngành nuôi tôm sẽ làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề liên quan đến môi trường trong những năm sắp tới. 19

Hình 6. Soi mòn dưới dạng mương rảnh trên bải bồi gần kinh Cai Cùng, Tỉnh Bạc Liêu . Dốc đứng phân chia bề mặt của bải bồi và mặt nước trong kinh vào lúc nước ròng. Những ảnh hưởng của rừng đước lên địa hình và đặc tính lắng đọng sẽ được phân tích trong đoạn 1.3.2.5 dưới đây.

1.3.2.3 Ảnh hưởng lên đất phèn ASS và phóng thích acid vào môi trường
Nhiều khu đất dọc theo bờ biển của châu thổ đồng bằng Cửu Long là loại đất ngậm phèn PASS. Động tác chánh của phát triển các cơ sở hạ tầng ở nhưng nơi này là đào quật các chất PASS, và như thế làm rộng thêm phạm vi cùng tính ác liệt của các vấn đề thuộc đất phèn ASS: đào kinh, đắp đê. Đóng các cửa đập thuỷ lợi tạo thêm nhiều lượng đất AASS: vào mùa khô mực nước ngọt ở bên trong cửa đập hạ thấp và nhiều phần đất PASS của vách lòng sông tiếp xúc với không khí và bị oxid hoá thành đất AASS. Thói quen dùng đất PASS từ đào ao nuôi tôm, để làm đê và bờ sông, không những làm gia tốc tiến trình thành lập đất acid AASS, đồng thời làm tích luỹ acid trong ao làm chết tôm (Hong and San, 1993). Ngoài ra acid có trong đất và trong nước khiến các cây đước giảm tăng trưởng và như thế hạn chế sự tái tạo của cả hai hệ nuôi tôm-rừng đước hỗn hợp và rừng đước (MDDRC, 1996). Tình trạng này trở nên nguy hại hơn với chất bẩn hữu cơ tồn trữ dưới đáy hồ biến thành sulphides, tạo thêm một nguồn acid khác.

1.3.2.4 Ô nhiễm và phẫm chất của nước
Những ảnh hưởng của đóng cửa đập lên phẫm chất của nước trong các kinh đào ở vùng ven biển đã được trình bày trong đoạn 1.2.2.5. Một yếu tố khác của sự suy thoái toàn bộ phẫm chất nguồn nước trong vùng ven biển của châu thổ Cửu Long là sự bành trướng của những ao nuôi tôm. Do cách phát 20

họa thô sơ hay vì những hạn chế thiên nhiên nên hầu hết các ao nuôi tôm có hệ thống tháo nước rất nghèo nàn, khiến nước trong các ao có nhiều chất ô nhiễm như: chất thải hữu cơ sinh ra từ những tác động sinh học trong ao và chất trầm tích của các cây đước mọc quanh ao và những độc tố phóng thích từ đất phèn ASS. Những chất ô nhiễm làm huỷ diệt tôm và những sinh vật sống trong ao và khi nước từ các ao này được xả thải, chất ô nhiễm chảy vào các kinh rạch và nguồn nước ở vùng ven biển. Ở những vùng có nhiều ao nuôi tôm và dùng chung vào một con kinh để xả và thay nước, mức độ ô nhiễm của nước xả từ các ao nuôi tôm trở nên chồng chất, phẫm chất của nước sinh hoạt bị suy thoái trầm trọng hơn, làm nguy hại cho sức khoẻ con người. Ngoài ra tình trạng này còn tạo ra nhiều xung đột giữa người dân trong vùng, vì xả nước dơ bẩn từ các ao nuôi tôm dọc theo kinh dần dần sẽ làm suy thoái phẫm chất của nguồn nước cung cấp cho các ao nuôi tôm của những nông dân sống dọc theo con kinh ở hạ nguồn. Những vấn đề này chắc chắn sẽ gia tăng trong tương lai, vì có thêm nhiều nông dân chọn phương pháp bán thâm canh, thâm canh và nuôi tôm bằng thực phẫm. Nuôi tôm theo những cách này, môt số khá lớn thực phẫm sẽ dư thừa (NEDECO, 1994b; Koopmanschap and Vullings, 1996) khiến cho nước trong ao chứa nhiều chất dinh dưỡng và tồn đọng xuống đáy ao. Để đối phó với năng xuất suy giảm của các ao nuôi tôm, do nước trong ao ngày càng ô nhiễm, vài nơi trong châu thổ có kế hoạch thiết lập hệ thống kinh hai chiều, với đường nước riêng biệt, dẫn vào và chảy ra khỏi ao. Điều này tạo ra những lợi ích tại chổ, nhưng không có nghĩa làm giảm thiểu được mức độ ô nhiễm trong toàn vùng châu thổ. Tuy nhiên, khuynh hướng gia tăng diện tích trồng lúa nhờ thuỷ lợi, trong tương lai, sẽ biến ngành nuôi trồng thuỷ sản và môi trường thiên nhiên như những “người thua cuộc”. Sử dụng thừa thải phân bón, thuốc diệt sâu bọ, trong canh tác nông nghiệp dùng những giống lúa mới có năng xuất cao, khiến cho các đường nước trên toàn thể vùng châu thổ bị ô nhiễm bởi hoá chất. Một vài thuốc diệt trừ sâu bọ thông dụng như các loại pyrethroids và methyl-parathion, ngay ở nồng độ rất thấp khoảng 0,0005mg/l hay ít hơn cũng đủ làm chết tôm, cá nhỏ và những vi sinh vật (NEDECO, 1994b). Vì những vùng trồng lúa thuỷ lợi và nuôi tôm thường nằm cạnh bên nhau, nhứt là khi có thêm những tiểu đảo trồng lúa trong vùng nước mặn, chắc chắn năng xuất của ngành nuôi tôm sẽ giảm sút nhiều hơn bởi những hoá chất ô nhiễm. Ô nhiễm gây nên bởi các hoá chất nông nghiệp sẽ gây những ảnh hưởng một cách rộng rãi lên những hệ sinh thái của nguồn nước và đất đai cũng như nhu cầu nước sạch, ngày càng gia tăng, cho sinh hoạt gia đình và canh tác.

1.3.2.5 Ảnh hưởng lên hệ sinh thái
Do đặc tính thiên nhiên của môi trường, nên vùng ven biển của châu thổ đồng bằng Cửu Long là một trong những nơi ẩn trú bản sơ sau cùng còn sót lại. Đặc biệt là những rừng đước trong châu thổ có tính đa dạng rất cao và có cấu trúc phức tạp nhứt trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Hong and San, 1993), với vẻ bên ngoài như bất khả xâm nhập nên ít người dám vào khai phá. Tuy nhiên, những năm chiến tranh và tiếp đến là sự phát triển mạnh mẽ của các kế hoạch hạ tầng trong thời gian gần đây, đặc biệt do nuôi trồng thuỷ sản, nên rừng đã bị phá huỷ một cách nhanh chóng. Một thay đồi bi thảm nhứt đã xảy ra ở phía nam bán đảo Cà Mau, với toàn vùng từng được bao phủ bởi rừng vào giữa thập niên 1960’s (rừng đước và tràm) nhưng đến giữa thập niên 1990’s giảm xuống còn khoảng 30% (Benthem, 1998). Phá rừng ở mức độ khủng khiếp, nên những rừng đước thiên nhiên hiện có, được xếp loại như đợt rừng thứ nhì. Những phát triển cơ sở hạ tầng gần đây trong châu thổ Cửu Long làm phân mảnh hệ lý sinh học của môi trường và đặc biệt gây ra những hậu quả trầm trọng nhứt cho vùng ven biển. Không nơi nào trong châu thổ mà đất đai của một khu vực nhỏ hẹp lại được sử dụng cùng lúc cho nhiều mục đích khác nhau, với những lợi ích mâu thuẫn và địa hình thiên nhiên vùng biển bị biến đổi nhiều hơn các nơi khác trong châu thổ. Dưới điều kiện thiên nhiên, hệ sinh thái của vùng ven biển được sắp xếp gần như theo từng vùng nằm cạnh bên nhau, song song bờ biển, phản ảnh tính tăng dần về độ cao của nền đất so với mực nước biển và tương ứng với độ mặn giảm dần theo sự gia tăng khoảng cách từ bờ 21

biển. Trên bán đảo Cà Mau, thí dụ, dãy đất bờ biển có mẫu cấu trúc đặc biệt như sau: bải bồi, khu đước mặt trước với loài Avicenna alba; khu đước thấp hơn gồm A.ala/Rhizophora spp; khu đước ở giữa với các loại cây Rhizophora / Bruguiera / Ceriosp spp; khu đước trên cao gồm Excoercaria agallocha / Thespesia populnea và các loại cây khác; khu nước lợ và các đầm lầy nước ngọt với các loại cây Melaleuca spp., Phragmites karka và các giống cây khác (Hong and San, 1993; Binh, 1994) (Hình 7). Một cách tổng quát, phát triển các cơ cấu hạ tầng đã làm thay đổi hoàn toàn sự xếp đặt tự nhiên của các giống cây mọc dọc theo bờ biển vì:   chiều cao của nền đất dọc theo ven biển bị biến đổi hoặc do đòi hỏi một độ cao nhứt định của nền đất hay do sư thiết kế các cơ cấu dành cho phát triển các cơ sở hạ tầng như đê, bờ đất và ao nuôi thủy sản và qua những thay đổi về độ mặn, ngọt của nguồn nước.

Thiết lập những ao nuôi tôm trong các khu rừng đước, tạo nên một vùng nước rộng lớn có độ cao rất thấp, và bao bọc bởi các bờ đất có độ cao, ngược lại quá cao; cả hai điều kiện đều không thích hợp để hạt đước bám đất nảy mầm. Đương nhiên là rừng đước phục hồi rất yếu ớt ở những vùng ao nuôi tôm bỏ hoang (do năng xuất giảm dần hoặc do chọn vùng đất có độ cao không thích hợp, thí dụ như các ao ở phần cao nhứt của khu vực rùng đước, thủy triều hoán đổi bị giới hạn (Linh and Binh, 1995). Ao đào giữa bải bồi hay trước hàng cây đước mọc dọc theo bờ biển thât sự ngăn cản rừng đước tích luỹ các chất rắn.

Hình 7. Vùng sinh thái thiên nhiên và các mẫu cấu trúc của rừng đước dọc theo bờ biển phía Nam bán đảo Cà Mau (Binh, 1994). Thêm một yếu tố có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng thay đổi hệ lý sinh của môi trường, gây ra bởi con người, là đất dùng trong sản xuất, cần những độ cao và độ mặn rất khác nhau (các ao nuôi tôm nước mặn và các vùng trồng lúa thuỷ lợi) nhưng lại nằm cạnh bên nhau hay xen kẽ; vì thế nên hầu như vùng ven biển ngày nay là một hình ảnh chấp vá của những mẫu đất được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và hệ sinh thái biểu hiện rõ rệt những thay đổi phức tạp về độ cao của nền đất và độ mặn của nguồn nước. Trong một không gian gò bó, hệ sinh thái vùng dọc bờ biển, trải nghiệm những sức ép vô cùng to lớn và từ đó dễ bị tổn thương trước những thay đổi khác trong tương lai (trình bày trong đoạn 2). Hệ sinh thái của vùng ven biền bi suy thoái phần lớn vì những cấu trúc làm ngăn cản nước thuỷ triều hoán chuyển tự nhiên và từ đó phẫm chất nguồn nước bị giảm đi. Vùng rừng đước và các rạch thiên 22

nhiên, nơi thuỷ triều và nước thoát rút luân chuyển tự do, được thay thế bằng khối nước đứng yên của các ao nuôi tôm, trong đó chỉ tồn tại những giống sinh vật khoẻ mạnh. Điều này được phản ảnh qua sự hiệu hữu của rất ít loại sinh vật và rất ít loại zoobenthos trong ao tôm so với những đường nước lân cận (MDDRC, 1996). Sức ép mạnh mẽ áp đặt lên các vùng sinh vật, gây ra bởi các ao tôm, được thấy rỏ qua những đợt bộc phát, tái phát các bệnh, dịch và nhiều trường hợp tôm trong ao chết hàng loạt (Linh and Binh, 1995; MDDRC, 1996; Phuong and Hai, 1998). Điều kiện dơ bẩn trong ao nuôi tôm cũng là một mầm móng nguy hại đối các hệ thuỷ sinh bên ngoài, vì ao nuôi tôm là vườn ương các loại rong độc, theo nước xả từ ao đến các vùng khác, thu hút hết dưỡng khí trong nước và sau khi chết, trở nên mục nát, phóng thích khí SH2 và ammonia độc (MDDRC, 1996). Điều kiện ở trong các con kinh cũng không tốt đẹp hơn vì nguồn nước trong kinh bị những ảnh hưởng tích luỹ từ nước xả của các ao nuôi tôm, hoá chất ô nhiễm từ ruộng đồng và nước trong kinh không được chuyển đổi (do thuỷ triều và cửa đập bị đóng lại). Như thế hệ thuỷ sinh và những khu vực chịu ảnh hưởng của thuỷ triều, trong vùng ven biển của châu thổ, đã trở nên kiệt màu. Bên ngoài các ao nuôi tôm và các kinh đào, nước ứ đọng do những bờ đất bao quanh ao và đê dọc theo kinh đào, cộng thêm với nước xả ô nhiễm từ các ao và acid (phóng thích từ đất PASS được đào lên và để khô) gây ra những ảnh hưởng tác hại khiến các cây đước (thiên nhiên hay được trồng) còi cọc hoặc chết dần. Cùng lý do đó, các đê xây dọc bờ biển Nam Hải ở vùng bán đảo Cà Mau sẽ gây những ảnh hưởng tác hại tương tự lên các cây đước được trồng để gia cố các con đê. Sự bành trường của ngành nuôi tôm quảng canh làm cạn dần nguồn tôm thiên nhiên trong các dòng nước ở địa phương, do gom góp quá đáng và dự trữ con giống và rừng đước bi huỷ hoại một cách tràn lan. Ở đoạn giữa và đầu trên của các kinh rạch càng ít có con giống vì hầu hết các con giống bị các nông trại dọc hai bên bờ ở đầu kinh gom bắt (Linh and Binh, 1995). Khối lượng tôm đánh bắt được trong sông và dọc theo bờ biển Cà Mau cũng suy giảm hơn 50% từ giữa năm 1978 và năm 1990, mặc dù với đội ngũ tàu đánh cá lớn hơn trước (Linh and Binh, 1995). Mối tương quan tương tự giữa khối tôm bắt được và diện tích rừng đước cũng được nhận thấy trong một số vùng nhiệt đới, như Indonesia và Phi luật Tân (Linh and Binh, 1995). Như thế tính mất quân bình của hệ sinh thái tạo nên bởi sự suy giảm của nguồn tôm có tiềm năng gây nhiều ảnh hưởng đến những hệ môi sinh khác trong phạm vi không gian của toàn thể châu thổ đồng bằng Cửu Long hay lớn hơn. Vì phạm vi to lớn của rừng đước bị huỷ hoại, do hâu quả của chiến tranh và nuôi tôm, những sáng kiến tái tạo rừng đước trong thời gian gần đây, là một điều đáng được ca ngợi. Vùng rừng đước bị suy thoái trong bán đảo Cà Mau đã được ổn định lại từ đầu thập niên 1990’s (Benthem, 1998) và ở một vài nơi, như Bạc Liêu, diện tích rừng đã thực sự gia tăng trong những năm gần đây. Hồi phục rừng đước giúp tạo nên rất nhiều lợi ích về môi trường và trên bình diện xã hội, kinh tế như đã đề cập trong đoạn 1.3.1.2 Tuy nhiên tái tạo rừng đước cũng tạo ra một số vấn đề đáng quan ngại về môi trường. Có lẽ điều quan trọng hơn cả là khuynh hướng trồng chỉ một loại cây có giá trị kinh tế như loại đước Rhizophora apiculata (Benthem, 1998). Những đồn điền được thiết lập trên những bải đất đất có độ cao khác nhau, nên cần phải làm thấp và ủi mặt đất để có độ cao thích hợp cho cây tăng trưởng. Có nhiều trường hợp, đước trồng mọc không tốt, đặc biệt trong hệ thống rừng đước-nuôi tôm, do nền đất cao vì được bồi đấp bởi chất liệu lấy từ đào ao. Ngoài ra, những đồn điền trồng đước thường được thiết lập để thay thế những khu rừng đước hiện có, mà một số được phân loại như đã bị hạ cấp. Những cây cối còn lại bị đốn sạch và được thay thế bằng chỉ một giống cây. Nếu có vài cây còn được giữ lại, đó là những cây cùng loại của đồn điền (Hong and San, 1993). Như thế, dưới dạng hiện tại, công tác trồng đước thật sự làm giảm hơn là phục hồi tính đa dạng của hệ sinh thái rừng đước trong châu thổ. Đất được chuẩn bị trước khi trồng đước bằng cách dọn dẹp các lớp rác có chứa chất hữu cơ và cầy xới. Cấy xới khiến cho lớp đất trên mặt có than bùn bị oxid hoá và dọn dẹp các lớp rác, làm mất đi những chất dinh dưỡng của hệ sinh 23

thái. Hơn nữa dọn dẹp và làm sạch lớp đất trên mặt có thể làm đất trở thành đất phèn AASS tạo thêm những hậu quả tiêu cực cho rừng đước và các hệ sinh thái lân cận. Cấu trúc đồng nhứt về hình thể của rừng, xuất phát từ trồng rừng cùng lúc trên một diện tích khai quang rộng rãi và bảo quản bằng cách tiả xén, cắt gọn và diệt những cây cỏ không muốn, trong khi đem lại nguồn cây gỗ có giá trị thương mại, nhưng góp phần rất nhỏ vào sự tái tạo một hệ sinh thái có thể tồn tại, khoẻ mạnh và đa dạng. Tính độc nhứt và đồng dạng của đồn điền đước khiến cho rừng dễ bị thiệt hại trước những điều kiện bất lợi của thời tiết, côn trùng và bệnh tật; vì những dịch và bệnh tật thường lan tràn nhanh chóng trong những đồn điền thuần nhứt, do đó nên cần phải được theo dõi thường xuyên. Một mối quan tâm khác xoay quanh ảnh hưởng lâu dài của đồn điền đước trên hệ sinh thái. Đước ở châu thổ đồng bằng Cửu Long là thực vật, sống tùy cơ, bám vào mặt đất có chiều cao được tiếp tục nâng lên. Và như thế, rừng đước là một hệ sinh thái phù du, tạm thời, ở trong trạng thái biến đổi liên tục và sau cùng được nối tiếp bằng rừng tràm Melaleuca hoặc hệ sinh thái tạo nên bởi những đồng cỏ và đầm lầy (sẽ trình bày chi tiết trong đoạn 2.2.3). Đồn điền với một loại đước, theo thời gian sẽ giảm năng xuất, vì mặt đất sẽ tiếp tục cao dần đến lúc vượt quá mức độ chịu đựng của loại cây được trồng. Sự thay đồi về độ cao của nền đất có thể xảy ra trong thời gian từ 1 đến 10 năm, đặc biệt nếu một khối lượng to lớn chất rắn hay phù sa mang đến từ trận lụt lớn làm bồi lấp nền đất cao thêm nhiều hơn. Thêm vào đó, những thay đổi về tính năng động của chất trầm tích gây nên bởi những kế hoạch phát triển các cơ sở nông nghiệp hạ tầng trong vùng ven biển của châu thổ, sẽ làm gia tăng mức độ bồi lấp ở một số nơi (đoạn 1.3.2.2), như thế làm ngắn đi tuổi thọ của đồn điền. Sau cùng, điều hoà rừng đước có tên “cấm đốn cây trước định kỳ” và chủ trương đòi hỏi giữ 70% rừng đước trong hệ hỗn hợp rừng đước-ao tôm, mặc dù góp phần tích cực vào việc bảo vệ rừng đước, tuy nhiên có vẻ như, đây là hậu quả của nạn khai thác dữ dội rừng đước thiên nhiên dọc theo các sông rạch và kinh đào. Thảm hoạ phá rừng này, cùng huỷ hoại những cây dừa nước do ảnh hưởng của những cống thuỷ lợi ngăn nước mặn (trình bày trong đoạn 1.2.2.6), là một nguyên nhân chánh làm sạt lở bờ các kinh rạch ở vùng bờ biển của châu thổ Cửu Long.

2. Tổng kết và nhận định
2.1 Những vấn đề về môi trường trong châu thổ đồng bằng Cửu Long 2.1.1 Gián đoạn các nguồn chất liệu, bồn chứa và đường vận chuyển
Phát triển cơ sở hạ tầng, để gia tăng sản xuất nông nghiệp tạo ra một số vấn đề về môi trường trong châu thổ; đây là hậu quả của những lỗi lầm, không nhận ra châu thổ đồng bằng Cửu Long là một hệ thống các môi trường. Ở một phạm vi rộng lớn hơn, châu thổ đồng bằng Cửu Long Việt Nam là một bộ phận của toàn bộ lưu vực song Cửu Long. Trong khung cảnh này, châu thổ đồng bằng Cửu Long vừa là một bồn chứa và một vùng chuyển tiếp để vận chuyển các chất liệu từ lưu vực thượng nguồn xuống hạ nguồn. Trong phạm vi châu thổ, những môi trường với lý sinh tính khác nhau, là thành phần của một mạng lưới gồm những nguồn chất liệu và bồn chứa tạm thời của các chất như trầm tích, nước, than và lưu huỳnh, được nối liền nhau bằng nhiều đường vận chuyển: những đầm lầy ở vùng cách xa các sông chánh có chức năng như những nơi tồn trữ tạm thời khối nước lũ chảy từ lưu vực thượng nguồn ra biển; trong thời gian tồn trữ, hầu hết khối lượng chất trầm tích được lắng đọng và các đầm lầy là những bồn chứa chất trầm tích. Lớp đất phèn ASS của đầm lầy tương trưng cho những bồn chứa hoá chất lưu huỳnh mang đến từ nước biển, trong giai đoạn sơ khởi của tiến trình hình thành châu thổ. Những biến đổi của môi trường thiên nhiên gây ra bởi các kế hoạch phát triển các cơ cấu hạ tầng đã làm thay đổi tư thế(!) của “nguồn chất liệu và bồn chứa” trong châu thổ. Trở lại trường hợp chất trầm tích bồi lấp các đầm lầy do “nước ngập lụt tràn bờ”, những đê chống lụt làm giảm khối lượng trầm 24

tích tồn trữ trong các đầm. Trên một bình diện rộng lớn hơn, kinh đào thay thế những bồn chứa thiên nhiên của châu thổ đồng bằng, nhưng không đảm trách được chức năng của châu thổ: trong điều kiện thiên nhiên chất trầm tích được phân phối trải đều trên một diện tích rộng lớn của châu thổ đồng bằng, nhưng sau khi các đê được xây, chất trầm tích bị giữ lại ở đáy của lòng kinh và làm kinh rạch cạn dần, rất tốn kém để bảo quản. Trường hợp hoá chất lưu huỳnh tích trữ trong đất phèn ASS của các đầm lầy, thoát nước làm khô các đầm lầy biến đổi những bồn chứa trở thành những nguồn chánh của lưu huỳnh và được phóng thích trở lại vào hệ thống châu thổ dưới dạng acid sulphuric. pH của môi trường giảm theo, làm phóng thích aluminium, sắt và các hóa tố khác từ các bồn chứa vào đất; trong khi làm khô lớp than bùn trên mặt đất sẽ làm đảo ngược chức phận thiên nhiên của đầm lầy từ những bồn chứa trở thành những nguồn carbon (than). Thêm vào đó, các chất ô nhiễm ngày càng nhiều trong môi trường của châu thổ được xem như một nguồn “đầu vào” mới trong hệ thống các môi trường của châu thổ, gây nên bởi những kế hoạch phát triển cơ cấu hạ tầng. Vận chuyển chất liệu trong châu thổ bị gián đoạn vì các đường vận chuyển bị thay đổi, một hậu quả của biến đổi môi trường. Những thay đổi này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những môi trường nằm ở phần dưới của trục vận chuyển, vì châu thổ là một hệ thống năng động: điều này có nghĩa là đặc tính lý sinh học của những môi trường nằm trong châu thổ được duy trì nhờ những dòng chất liệu, liên tục chảy xuyên qua. Vì thế những hậu quả gây ra bởi những thay đổi ở phần trên của châu thổ, sẽ lan tràn xuống phần dưới, và những thay đổi trong các con sông chánh sẽ lan truyền, theo trục vận chuyển chất liệu, đến những vùng rất xa và sâu của đồng bằng, ảnh hưởng đến các đầm lầy. Chuyển dòng nước vào mùa khô từ các sông chánh vào các kinh đào của các kế hoạch thuỷ lợi có thể là một thí dụ điển hình, với kết quả làm giảm khối lượng nước trong sông và làm gia tăng phạm vi và thời gian nước mặn xâm nhập ở hạ nguồn và tiếp theo là phản ứng trên mặt địa hình, với bờ biển có thể thụt lùi, do khối phù sa đổ ra biển bị giảm sút. Trong một số trường hợp, nhiều biện pháp đã được đem ra áp dụng nhằm giảm thiểu những thay đổi đường vận chuyển chất liệu. Tuy nhiên, rất ít khi, những kết quả trong điều kiện thiên nhiên được tái tạo. Thí dụ, gia tăng chiều dài và tính phức tạp về địa hình của đường vận chuyển (bằng hệ thống kinh đào) và giảm thiểu thời gian ngập lụt trên châu thổ, khiến cho kế hoạch chống úng nước kém phần hiệu quả so với quá trình ngập lụt tự nhiên, phân phối đồng đều chất trầm tích từ các đường nước chánh lên đồng bằng châu thổ (xem đoạn 1.2.2.3)

2.1.2 Môi trường phân mảnh
Theo nhiều cách khác nhau, thay đổi trục vận chuyển chất liệu trong châu thổ đồng Cửu Long làm cho hệ lý sinh học của môi trường bị phân mảnh. Thông thường trong điều kiện thiên nhiên, những môi trường lý sinh học khác biệt, cách nhau bởi những ranh giới sinh học, phát triển theo mức độ tăng dần, phản ảnh độ dốc của những tiêu chuẩn thiên nhiên như độ muối, tốc độ lắng đọng và năng lượng của dòng sông. Những biến đổi về cấu trúc, như đê và cửa đập thuỷ lợi, đã biến những ranh giới sinh học, thành những ranh giới cơ học, với độ dốc thẳng đứng đột ngột, khiến những vận chuyển chất liệu trong châu thổ bị đình trệ. Thí dụ, bố trí các cửa đập thuỷ lợi ngăn nước mặn ở những vùng dọc theo bờ biển của châu thổ đồng bằng Cửu Long để gia tăng diện tích trồng lúa, thực sự đã loại bỏ môi trường chuyễn tiếp nước lợ và ngăn chận sinh vật, chất dinh dưỡng, chất trầm tích và các chất liệu khác được hoán chuyển tự do giữa hai môi trường nước mặn và ngọt. Biến đổi dốc dộ sinh học thiên nhiên sang những ranh giới cơ học thường dẫn đến tình trạng thái quá ở một bên và rỗng không ở phía đối diện: các chất trầm tích và dinh dưỡng, thường được bồi lắng hay phân phối theo dạng khuyếch tán rộng rãi, bị giới hạn ở một bên của ranh giới, và vì thế được tồn trữ ở mức độ cao hơn trước. Trường hợp này gây hao tốn để bảo trì các cửa đập bị lấp nghẽn do lắng đọng và đường nước trong kinh rạch bị cỏ dại mọc phủ lối (do dòng nước có nhiều dinh dưỡng). 25

Những ranh giới cơ học làm huỷ diệt môi sinh. Đây là những chướng ngại vật cho di chuyển vì sinh vật thường sống trong cả hai môi trường của phần bên này và bên kia ranh giới. Một thí dụ rất thông thường trên toàn thể châu thổ như các cấu trúc trị thuỷ, đê, bờ đất, giới hạn cá di trú từ các sông chánh vào các đầm lầy. Bên cạnh những thay đổi về tính đa dạng của các sinh vật và tính lành mạnh của hệ sinh thái, những ranh giới cơ học còn gây ra những hậu quả tiêu cực lên sinh sản và tăng trưởng của các loài cá và đời sống kinh tế của người dân nông thôn. Thứ đến, những môi trường chuyển tiếp tạo ra bởi dốc độ sinh học tự nhiên, như vùng nước lợ, hoàn toàn bị huỷ diệt; điều này dẫn đến tình trạng diệt chủng của những sinh vật vốn dỉ chỉ sống trong vùng nước lợ. Đây là trường hợp các cây dừa nước chết toàn bộ, dọc theo các kinh đào bố trí với các cửa đập ngăn mặn. Sau cùng những ranh giới cơ học này làm giới hạn vận chuyển các chất liệu, một “đầu vào” trọng yếu cho hệ sinh thái, giữa môi trường của hai phía; những cấu trúc kiểm soát nguồn nước làm giảm sự vận chuyển của than bùn từ các đầm lầy hay vùng rừng đước đến các sông chánh và biển; than bùn hữu cơ là “đầu vào” rất quan trọng về mặt năng lượng cho hệ sinh thái, cho nên những thay đổi này sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không lường. Một quan ngại khác về môi trường do những ảnh hưởng của sư thay thế dốc độ sinh học thiên nhiên bằng những ranh giới cơ học là những bất ổn của môi trường: trong nhiều trường hợp, ranh giới (cửa đập) của môi trường có thể đột nhiên biến mất: các cửa đập, khi mở ra, luồng ước ngọt sẽ phủ (như lông chim) lên vùng nước mặn hay/hoặc nước mặn sẽ phọt ( như mũi tên) vào vùng nước ngọt ( Wolanski et al., 1996).Trong điều kiện thiên nhiên, nước mặn và ngọt giao tiếp nhau trên môt vùng chuyển tiếp rộng rãi và độ mặn thay đổi dần dần. Những ảnh hưởng về môi sinh sẽ trầm trọng hơn trong trường hợp những cửa đập phân chia vùng nước chứa acid do rửa đất xả phèn và vùng nước không bị acid hóa. Hơn nữa, những thay đổi về các điều kiện môi sinh, như độ mặn, thường có tính cách định kỳ hay theo mùa, gây nên bởi những thay đổi của lưu lượng dòng sông và chế độ của thuỷ triều. Trong khi đó, những thay đổi về các điều kiên môi sinh gây nên bởi mở cửa đập bị khống chế bởi nhu cầu của con người và không cần thiết phải trùng hợp với những định kỳ thiên nhiên. Một cách tổng quát, ở đây có những thay đổi về thời điểm, chu kỳ và biên độ của những xáo trộn về môi sinh. Những điều kiện bất thường như thế đối với hệ môi sinh chắc chắn sẽ làm giảm tính sinh thái đa dạng và chỉ những sinh vật có khả năng thích ứng cao, tồn tại mà thôi. Những loại sinh vật khác, nếu không bị tiêu diệt, sẽ gánh chịu những sức ép nặng nề của môi trường. Kinh nghiệm từ những vùng đất acid phèn ASS ở vùng phía đông Úc châu cho thấy những điều kiện sinh học nêu trên làm cho hệ sinh thái bị mở ngỏ cho những loại sinh vật độc hại xâm nhập, tạo nên mối đe doạ cho hê sinh thái và những ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế. Ở dây, loài sen phi châu( Nymphaea caerulea var.. zanzibarensis) mọc tràn ngập các cửa sông nhiễm acid và dòng nước có dư thừa các chất hữu cơ; điều này không những gây tốn kém để bảo trì kinh rạch, nhưng đồng thời còn làm giảm phẫm chất của dòng nước (Sammut et al., 1996).

2.2 Phá vỡ hệ lý sinh năng động và những vấn đề môi sinh 2.2.1 Phá vỡ khuynh hướng phát triển tự nhiên của môi trường lý sinh học
Do chức năng cố hữu của châu thổ đồng ằng Cửu Long là những bồn chứa chất trầm tích và mức độ nhanh chóng của tiến trình cấu tạo địa hình, tạo nên bởi lưu lượng cao của dòng sông và khối trầm tích được vận chuyển cùng lúc, châu thổ đồng bằng Cửu Long là một hệ thống gồm những môi trường lý sinh rất năng động. Nói như thế để chúng ta hiểu rằng châu thổ ở trong trạng thái phát triển liên tục. Sự thay đổi này hiện rỏ trên nhiều bình diện không gian khác nhau, thí dụ, một dãy đất ngầm lớn dần ở giữa dòng sông và di chuyển xuống hạ nguồn do dòng sông dời chỗ ở những đoạn sông uốn khúc hay bởi một trận lụt lớn, là một phần của tiến trình làm lớn rộng của châu thổ. Những 26

chiều hướng trong tiến trình phát triển địa hình có thể từ từ, theo chu kỳ hay từng giai đoạn và như thế có sự gắn liền giữa không gian và thời gian tính của sự phát triển; những dạng địa hình nhỏ như sự phát triển của các dãy đất ngầm được tiến hành trong thời gian ngắn, trong khi dòng sông là một phát triển ở môt phạm vi to lớn hơn và cả hệ thống châu thổ xảy ra trong một khoảng thời gian lâu dài hơn. Những tương quan tương tự có thể được nhận thấy trong môi trường sinh học; thí dụ, thời gian cần để hệ sinh thái của một khu rừng thành hình rất lâu dài so với thời gian cần thiết cho từng cây trong khu rừng. Phát triển các cơ sở hạ tầng trong châu thổ đồng bằng Cửu Long đã phá vỡ những khuynh hướng phát triển tự nhiên của hệ lý sinh học do những thay đổi về tốc độ và phương hướng của sự tiến triển hoặc trong nhiều trường hợp do ngăn chận hoàn toàn tiến trình phát triển. Những cấu trúc có tính chất” rút ruột môi trường” như đào kinh, đào ao nuôi tôm trên bề mặt của châu thổ có thể được xem như tạm thời làm đảo ngược tiến trình thiên nhiên, vì đào vét là một tác động trái ngược với khuynh hướng tự nhiên, làm cho mặt đất châu thổ ngày cao hơn, nhờ bồi lấp của phù sa từ ” nước lũ ngập tràn bờ” và thuỷ triều. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chiều hướng của khuynh hướng tự nhiên vẫn không thay đổi: bồi lấp. Điều này giải thích vì sao lắng bùn nhanh chóng là một vấn đề dai dẳng liên tục trong việc bảo quản ao hồ kinh rạch, vì hệ châu thổ đáp ứng bắng cách gia tăng tại chổ, tốc độ lắng đọng của chất trầm tích, nhằm duy trì mức độ nguyên thuỷ của tiến trình phát triển châu thổ đồng bằng. Bờ biển sẽ bị sạt lở vì khối lượng phù sa và nước chảy ra biển tiếp tục giảm dần do những kế họach kiểm soát và phân phối nguồn nước, là một thí dụ về những hậu quả gây ra bởi những tác động của chính con người làm đảo ngược tiến trình phát triển tự nhiên của châu thổ. Gia tăng con số các sông rạch, kinh đào và độ mặn của châu thổ đồng bằng (do nước biển ngày càng lấn sâu vào nội địa); đây là những sự kiện đi ngược lại khuynh hướng thiên nhiên làm ngọt hoá dần dần châu thổ, qua thời gian, vì thế sẽ dẫn đến tình trạng bờ biển dần dần thụt lùi. Điều này làm sáng tỏ khái niệm: gây ra một thay đổi về khuynh hướng tiến triển sẽ tạo nên những thay đổi trong sự phát triển của các vùng khác trong châu thổ đồng bằng. Ngăn ngừa lũ lụt bồi lấp bởi những đê trị thuỷ và huỷ diệt rừng tràm rừng đước (có khả năng tích luỹ than bùn và chất trầm tích) thật sự đã chấm dứt khuynh hướng bồi lấp tự nhiên, làm cao thêm mặt đất của đồng bằng. Ở những phần đất thấp của châu thổ, bồi lấp là một tiến trình quan trọng để thành lập lớp trầm tích che phủ đất phèn, đất mặn và biến môi trường nước mặn trở thành môi trường nước ngọt. Nếu không có cơ chế cải thiện thiên nhiên nói trên, sẽ ít có hy vọng, trong tương lai châu thổ đồng bằng Cửu Long tránh được những vấn đề về môi trường và kinh tế liên quan đến đất mặn, đất phèn. Tưởng cũng nên biết, gián đoạn các tiến trình tự nhiên (do các kế hoạch của một địa phương) gây ra những hậu quả thường lan tràn đến toàn thể châu thổ vì trước tiên, cùng lúc có nhiều kế hoạch phát triển khác nhau trong hệ thống châu thổ; kế đến do sự liên kết giữa những phát triển địa hình có tầm vốc nhỏ của những tiểu môi trường và tiến trình phát triển rộng lớn của toàn vùng châu thổ. Vì thế, những dãy đất ngầm tạo ra ở đoạn các kinh đào giáp với sông chánh sẽ làm giảm tốc độ chuyên chở chất trầm tích ra cửa biển, và nếu số lượng kinh đào ngày càng nhiều, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến đặc tính lấn ra biển và sự bành trướng của châu thổ. Những ảnh hưởng có tầm vốc qui mô thường rất chậm chạp nên ít được thấy rỏ (vì cần có thời gian để những hậu quả lan rộng khắp toàn châu thổ) hay do “ảnh hưởng ngưởng” (threshold effect) thích ứng của môi trường (những xáo trộn cần phải đến mức độ bảo hoà trước khi phản ứng xảy ra). Trở lại thí dụ nói trên, ảnh hưởng của sự thành lập những dãy đất ngầm trong các dòng sông sẽ không được nhận ra ở mặt trước của châu thổ (vùng ven biển) trong nhiều năm hay nhiều thập niên sau khi có các kinh đào.

27

2.2.2 Thảm hoạ: một hậu quả của gián đọan môi trường ?
Vì những tác động lên môi trường chỉ hiện rõ sau thời gian dài khiến có mối quan ngại đặc biệt về trường hợp thảm họa có thể xảy đến cho môi trường của châu thổ đồng bằng Cửu Long; dưới những điều kiện tự nhiên, thay đổi môi trường tiến hành từng đợt nhỏ và như thế môi trường lý sinh học không bao giờ ở trạng thái mất quân bình với những điều kiện xung quanh trong khoảng thời gian dài. Trên mặt khác, những biến đổi môi trường gây ra bởi con người, làm dồn nén hay đối kháng với chiều hướng tiến triển tự nhiên, có khuynh hướng tạo nên trạng thái bất quân bình trong môi trường, điều này có thể dẫn đến môt phản ứng thảm khóc khi tình trạng bất quân bình không còn được duy trì. Rất nhiều bài học được rút ra từ nhiều hệ thống châu thổ khác trên thế giới (sông Hoàng ở Trung Quốc, sông Mississipi ở Hoa Kỳ, sông Hồng ở Bắc Việt Nam), nơi mà các con đê dọc theo bờ sông ngăn cản các dòng sông chuyển hướng và tiến trình bồi lấp (do nước ngập tràn bờ) khiến cho lòng sông bị bồi lấp và cạn dần và mặt nước trong sông trở nên cao hơn mặt bằng của châu thổ. Những cấu trúc cơ học này làm cao mực nước sông, vì khối nước lụt bị khép giữ giữa lòng sông. Sự trùng hợp bất hạnh của dòng sông bị cạn, mực nước trong sông cao trong mùa lũ lụt, thường đem đến (để tái lập tình trạng quân bình tự nhiên) hậu quả thê thảm với dòng sông đột nhiên chuyển dòng khi có những trận lụt lớn; như thế gây nên tử vong cao, mất nhà cửa và thiệt hại về sản xuất kinh tế. Mặc dù châu thổ Cửu Long, do những đặc tính địa hình, tương đối bền vững, vì độ lún không đáng kể và tương đối một khối lượng nhỏ phù sa lắng xuồng đáy sông (và trên thức tế, không có bằng chứng cho thấy lòng sông bị càn dần trong khoảng thời gian gần đây), tuy nhiên nếu trong tương lai số “vùng hoàn toàn không ngập lụt” vào mùa mưa tăng thêm, cộng thêm với gia tăng thu rút dòng nước của các sông chánh trong mùa khô để phục vụ cho các công trình thuỷ lợi, có thể tạo nên những ảnh hưởng chồng chất và hậu quả sau cùng sẽ không khác những thảm hoạ đã từng xảy ra ở các hệ thống châu thổ khác nêu trên. Sự khác biệt rõ rệt giữa thuỷ lượng của sông Tiền và sông Hậu khiến cho vùng trên của châu thổ Cửu Long, có thể gặp phải trường hợp con sông đột nhiên vỡ bờ và chuyển dòng chảy.

2.2.3 Những ảnh hưởng trên các hệ sinh thái
Làm gián đoạn tiến trình phát triển tự nhiên của các môi trường lý sinh học, gây ra những thiệt hại về sinh thái học, vì những hệ sinh thái của châu thổ thường thường được phát triển do sự chiếm giữ, nhờ cơ hội thuận tiện, những nơi sống thích hợp; những nơi này được tạo ra nhờ sự xuất hiện, phát triển và khuất dạng của nhiều môi trường khác nhau trong suốt quá trình phát triển của châu thổ. Những ảnh hưởng phản hồi thường rất quan trọng trong sự tiến hoá của hệ sinh thái trong châu thổ. Phản hồi dương tính hay tích luỹ đóng vai trò chủ yếu cho sự thành lập sơ khởi và kế tiếp bảo đảm sự bền vững của một hệ sinh thái trong một môi trường lý học có tính năng động cố hữu. Thí dụ, loại đước Avicennia alba, mọc trên những bải đất phẳng ở ven biển của châu thổ, làm tròn chức vụ chống sạt bờ và chống thành lập đất phèn AASS, từ đó tạo ra những điều kiện thích hợp để các loaị đước khác tiếp tục mọc lên. Mặt khác, ảnh hưởng phản hồi tiêu cực có thể tạo ra những điều kiện không thích hợp và đương nhiên làm dời chổ những hệ sinh thái sẵn có, thí dụ những đầm lầy được bao phủ bởi nhiều lớp than bùn, sau một thời gian lâu dài mặt bằng trở nên cao hơn mức thích hợp cho loài đước. Thêm một khái niệm quan trọng khác để hiểu rõ bản chất của hệ sinh thái của châu thổ là ý niệm về đặc tính nối tiếp liên tục. Khi những môi trường lý học của châu thổ phát triển, những hệ sinh thái cũng thay đổi cùng lúc và theo một con đường tương đối có thể đoán trước. Một cách tổng quát, hình dạng nối tiếp của hệ sinh thái được hướng dẫn bởi sự gia tăng dần dần chiều cao của mặt đất và đồng thời sự giảm sụt của độ mặn. Điều này được thấy rõ trong dạng nối tiếp kiểu mẫu nhận thấy với sự bôi lắng chất trầm tích dọc theo bờ biển của châu thổ Cửu Long, từ những bải bồi trơ trọi, đến mặt tiền/ thấp hơn/giữa/ những vùng đước ở trên, đến nước lợ và những vùng đất thấp có nước ngọt (đoạn 1.3.2.5). Những ảnh hưởng gây nên bởi gián đoạn sự phát triển tự nhiên của môi trường lý học, làm thay đổi 28

“dạng sinh thái nối tiếp” và mức độ ổn định của hệ sinh thái. Cần nhắc lại ở đây, trên phần lớn diện tích của châu thổ Cửu Long, dạng sinh thái nối tiếp đã bị gây xáo trộn ngay trước khi những kế hoạch phát triển các cơ cấu hạ tầng được đem ra áp dụng. Tuy nhiên, chưa bao giờ trong lịch sử loài người sử dụng vùng đồng bằng châu thổ, hệ sinh thái bị xáo trộn và biến đổi với tốc độ nhanh chóng như hiện nay. Mô hình nối tiếp của hệ sinh thái trong vùng ven biển của châu thổ Cửu Long bị thiệt hại một cách rộng rãi và trầm trọng nhứt bởi những chương trình phát triển các cơ sở hạ tầng. Vùng ven biển là một nơi đặc biệt trong châu thổ mà địa hình được phát triển nhanh nhất và cũng là nơi mà tiến trình nối tiếp rất sinh động. Thay thế hệ sinh thái nguyên thuỷ gồm những dãy sinh thực vật song song với bờ biển bằng những chỗ vằn vện chạm trổ, tạo nên bởi nhiều cách sử dụng đất đai cho nhiều mục đích khác nhau, như ao nuôi tôm, đồng lúa, đồn điền đước và những hệ sinh thái thiên nhiên còn sót lại, cùng với sự huỷ hoại chiều cao của nền đất và dốc độ mặn, làm cho tính nối tiếp của hệ sinh thái khó được duy trì. Cùng với những ảnh hưởng của sự phá vỡ môi trường ra thành từng mảnh, những cách sử dụng đất đai hiện nay ở vùng ven biển, đương nhiên sẽ làm suy thoái những hệ sinh thái thiên nhiên hiện còn sót lại. Hơn nữa, thay đổi về mặt cấu trúc (các cửa kinh mở ra biển, bờ đất vòng quanh ao) tạo ra những điều kiện khó khăn cho hạt đước bám đất, nảy chồi trên các bải bồi dọc theo bờ biển. Vì tính cách quan trọng của phản hồi tích luỹ của đợt đước mọc đầu tiên trên các bải bồi đối với sự phát triển về sau của các loài đước khác, nên có nguy cơ là hệ sinh thái nối tiếp thiên nhiên sẽ không thể hình thành trên những bải bồi mới thành lập. Một cách tự nhiên, trước hết, những khó khăn ban đầu khiến các cây đước không mọc được trên các bải bồi có thể khiến những dãy đất thấp dọc bờ biển không thành hình vì thiếu sự hiện diện của những cây đước giúp ổn định các dãy đất, và như thế những vùng đất thích hợp cho sự thành lập rừng đước bị giảm đi. Tính chất ổn định của hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về tiến độ phát triển của môi trường lý sinh học. Phát triển toàn diện của những hệ sinh thái, đánh dấu bằng tính đa dạng cao và tính chất ổn định, không thể đạt được nếu có sự gia tăng những biến đổi cơ bản của môi trường; trong những trường hợp đó, chỉ những loài sinh vật có khả năng thích ứng cao nhứt tồn tại và điều này tạo ra một hệ sinh thái nghèo nàn, bất ổn. Trên bình diện này, những ảnh hưởng này tương tự với những ảnh hưởng của sư gia tăng tính biến đổi về những điều kiện của môi trường (đoạn 2.1.2) Nhưng trên mặt khác, nhịp độ biến đổi của một trường nếu bị trì trệ cũng tạo nên những bất ổn sinh thái, thí dụ, nếu những hệ sinh thái tùy thuộc vào thay đổi để có “đầu vào” của năng lượng (chất dinh dưỡng đem đến nhờ khối trầm tích tươi mới), hay trong việc điều hoà tiến trình làm giảm độc môi trường (ngăn ngừa đất PASS bị oxid hoá nhờ bồi lấp liên tục).

2.3 Tác động của những thay đổi môi trường trong tương lai lên châu thổ đồng bằng Cửu Long 2.3.1 Một môi trường bị bao vây từ trong ra ngoài
Những thảo luận vừa qua tập trung trên môt số vần đề xuất phát từ những kế họạch phát triển các cơ sở hạ tầng trong phạm vi của châu thổ đồng bằng Cửu Long Việt Nam. Chắc chắn rằng, những thay đổi rõ ràng nhứt về môi trường và những tác hại trong thời gian gần đây là kết quả của những sinh hoạt trong đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, một số những đe dọa, trong tương lai, về sự toàn vẹn của môi trường châu thổ Cửu Long có lẽ thật sự bắt nguồn từ những yếu tố bên ngoài châu thổ. Thêm vào đó, những thay đổi nhanh chóng trên mặt xã hội và kinh tế cũng sẽ gia tăng sức ép sẵn có lên môi trường châu thổ, trong những năm sắp tới. Sự hiện diện cạnh nhau của hai tác động từ bên ngoài lẫn bên trong, sẽ làm tăng thêm những “sự cố” không thể đoán trước, gây ra bởi những ảnh hưởng chồng chất và phức tạp của những kế hoach khác trong tương lai. Sự gia tăng sứ ép này, lên hệ lý sinh học của châu thổ, xảy ra vào thời điểm mà khả năng hồi phục của môi trường trước những biến đổi đã bị suy giảm vì ảnh hưởng của những kế hoạch phát triển hiên tại.

29

2.3.2 Những đe dọa lên môi trường từ bên ngoài
Hai mối đe doạ từ bên ngoài đối với môi trường của châu thổ đồng bằng Cửu Long là sự xáo trộn (với mức độ ngày càng gia tăng) môi trường thiên nhiên ở phần thượng nguồn của lưu vực sông Cửu Long, và biến đổi khí hậu toàn cầu cùng dự đoán mực nước biển dâng cao. Từ đầu thập niên 1990’s, sức ép áp đặt lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đột ngột gia tăng do sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong vùng, thúc đẩy bởi những thay đổi về mặt chánh trị và nhiều nguồn vốn được đổ vào dưới dạng viện trợ, đầu tư của các nước ngoài và các dịch vụ thương mại (Hirsch, 2000). Sự thành hình của nền kinh tế khu vực và gia nhập của các nước trong vùng vào tổ chức thương mại toàn cầu, báo trước một kỷ nguyên chưa từng có, với những dự án phát triển hạ tầng có tầm vóc rộng lớn trong lưu vực sông Cửu Long. Một số đập nước và các chương trình chuyển dòng nước (gồm những kế hoạch trong lưu vực của từng quốc gia) để sản xuất điện lực, dùng trong thuỷ lợi và cung cấp nước sinh hoạt cho những vùng đô thị và công nghệ, đã được xây và đem vào sử dụng hay trong dự tính, chủ yếu là những vùng ở đầu dòng sông Cửu Long nằm trong lãnh thổ Trung Quốc (Vân Nam), Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam. Trong khi đó, phòng trào lấy gỗ xuất khẩu khiến rừng bị phá huỷ trên một phạm vi rộng lớn của lưu vực. Mặc dù những dữ kiện thu thập không được đầy đủ, ảnh hưởng dồn dập của rất nhiều kế hoạch to lớn chắc chắn sẽ làm gián đoạn nguồn nước lưu thông và phù sa vận chuyển trong lưu vực. Các đập thuỷ điện không chỉ làm giảm lưu lượng nước chảy xuống vùng châu thổ, nhưng có tác động ngăn chận phù sa vận chuyển từ thượng nguồn xuống lưu vực hạ nguồn. Hầu hết các đập thuỷ điện đều được dự định xây ở thượng nguồn của lưu vực, nơi, một cách ngẫu nhiên, gần như toàn khối lượng phù sa xuất phát; đây là điều không may cho cả môi trường lẫn viễn tượng của các dự án; những đập thuỷ điện làm giảm khối lượng phù sa vận chuyển xuống hạ nguồn, đồng thời làm giảm tuổi thọ tối đa của các đập vì phù sa bị giữ lại bên trong vách đập và nhanh chóng làm cạn hồ chứa. Đập thuỷ điện có ảnh hưởng nhiều nhứt đối với phần phù sa thô, to hạt có khối lượng nặng nên dễ bị giữ lại. Đáp lại những chỉ trích về ảnh hưởng bất lợi đối với môi trương gây ra bởi các đập thuỷ điện, Trung Quốc cho rằng xây những đập thuỷ điện trên thượng nguồn giúp làm giảm bớt ngập lụt vùng châu thổ vào mùa mưa (KOWACO, 2000). Ảnh hưởng của phá rừng trong lưu vực sông Cửu Long làm gia tăng lưu lượng của dòng sông vào mùa mưa, vì nước mưa không được đất giữ lại, nhưng giảm vào mùa khô do khối lượng nước ngầm cung cấp bị giảm thiểu. Độ chảy và khối nước gia tăng vào mùa mưa khiến mực nước dòng sông dâng cao nhanh chóng ở đầu mùa lụt và gây nên nhiều trận lụt “chớp nhoáng”. Những trận lụt như thế thường gây ra nhiều thiệt hại vì không thể cảnh báo đồng bào địa phương kịp thời. Thành phần của khí quyển thay đổi do gia tăng khối lượng khí nhà kiến, sẽ làm biến đổi khí hậu trong những thập niên sắp tới. Không chỉ có sư thay đổi về nhiệt độ trung bình và lượng mưa, nhưng ngay cả khí hậu của từng mùa, cũng có thể thay đổi cùng biên độ và chu kỳ thiên tai. Dưới ảnh hưởng của quả địa cầu bị hâm nóng, thể tích nước bị giãn nở, các tảng băng ở địa cực và vùng núi cao bị tan dần làm cho mặt nước biển dâng cao thêm khoảng 1m trong thế kỷ XXI (IPCC,1995). Trong hệ thống các châu thổ, như châu thổ Cửu Long, thay đổi khí hậu toàn cầu sẽ gây nên những tác động cho khu vực thượng và hạ nguồn. Thay đổi khuynh hướng của khí hậu trong vùng sẽ ảnh hưởng đến thể thức vận chuyển nguồn nước vì những đặc tính của mưa trong lưu vực bị thay đổi (bao gồm tổng số lượng mưa hàng năm, mùa mưa, cường độ và thay đổi tùy năm). Mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến toàn thể châu thổ đồng bằng, vì mặt đất thấp. Vùng ven biển sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, bờ biển bi thụt lùi, khiến cho các khu rừng đước và hệ sinh thái của vùng nước lợ lùi vào hướng đất liền. Bờ biển sẽ thụt lùi rất nhanh nếu chất trầm tích vận chuyển đến vùng ven biển bị giảm đi do:    khối lượng phù sa cung cấp từ thượng nguồn trở nên ít đi và/hay thay đổi cách thức vận chuyển phù sa trong châu thổ gây nên bởi những kế hoạch phát triển nông nghiệp và biến đổi khí hậu trong vùng làm gia tăng cường độ và tính thường xuyên của bảo biển và sóng cao. 30

Phản ứng chính xác của hệ thống rừng đước do mực nước biển dâng cao tùy thuộc vào tốc dộ dâng cao của mặt biển và tốc độ cung cấp chất phù sa cho mặt đất ở ven biển (Hinh 8); nếu mực nước biển dâng cao chậm hơn tốc độ cung cấp phù sa, loài đước có thể tránh khỏi di trú vào phía đất liền nhờ mặt đất được bồi lấp (Hình 8a). Những suy đoán tương tự có thể áp dụng vào những phần khác của châu thổ đồng bằng; nếu tốc độ lắng đọng cao sẽ giúp mặt bằng được bồi lấp, điều này sẽ giúp châu thổ chạy theo kịp với đà mực nước biển dâng cao, nhưng ngược lại, nếu tốc độ lắng đọng phù sa thấp, nhiều phần của châu thổ sẽ bị nhận chìm dưới nước biển. Những ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao sẽ lan tràn vào phần đất liền dưới hình thức lụt lội gia tăng trong mùa mưa (thời gian, phạm vi và chiều sâu), gia tăng phạm vi nước mặn xâm nhập trong mùa khô khiến mực nước ngầm trong châu thổ dâng cao; điều sau này biến những đầm đã được tháo khô thành ao hồ. Đối với các dòng sông chánh trong châu thổ, nước biển dâng cao sẽ kích động lắng đọng dưới dạng lòng sông bị cạn đi và từ đó có nhiều dãy đất ngầm. Hậu quả là dòng sông trở nên bất ổn, dễ chuyển dòng nếu có lụt to, nếu nhịp độ làm cạn lòng sông cao hơn tốc độ bồi lấp mặt bằng của châu thổ; trong khi có nhiều dãy đất ngầm sẽ làm dòng sông có thêm nhiều nhánh sông nhỏ và bờ sông bị sạt lở.

Hình 8. Một vài phản ứng có thể của hệ thống rừng đước trước hiện tượng nước biển dâng cao trong tương lai: a. môi trường sống được duy trì nhờ mặt đất được bồi lấp kịp thời; b. môi trường sống dời vào phía trong đất liền; c. môi trường sống biến mất do di trú bị ngăn cản.

2.4.3 Thay đổi trong tương lai về mặt xả hội-kinh tế và những ảnh hưởng lên môi trường
Sự phát triển nền kinh tế hợp nhứt trong khu vực lưu vực sông Cửu Long còn đang ở trong thời kỳ ban đầu. Như thế, rất hợp lý để nghĩ là trong tương lai, những kế hoạch phát triển các cơ sở hạ tầng không chỉ tiếp tục mà còn gia tăng. Trong châu thổ đồng bằng Cửu Long, khuynh hướng ráo riết gia tăng sử dụng đất đai:   trồng lúa một mùa kém năng xuất được thay thế bằng trồng lúa nhiều vụ mỗi năm nhờ kế hoạch thuỷ lợi hoặc nuôi tôm quảng canh theo mùa và thâm canh suốt năm sẽ được tiếp tục tạo thêm nhiều biến đổi về tính lý sinh học của môi trường. 31

Gia tăng dân số nhanh chóng cùng khuynh hướng đô thị hóa, kỹ nghệ hóa trong khu vực sẽ tạo thêm nhiều sức ép mới lên môi trường châu thổ: kích động phát triển một hệ thống hạ tầng mới trong khu vực trước kia là nông thôn. Thí dụ, nhu cầu về hệ thống hạ tầng cung cấp nước sinh hoạt và giao thông chuyên chở đường bộ sẽ gia tăng, vì sự tuỳ thuộc của khu vực vào hàng xuất nhập sẽ gia tăng. Nhu cầu vật liệu xây cất như cát sẽ gia tăng, và vât liệu này có thể được lấy từ lòng sông. Lấy cát ở sông sẽ làm thay đổi thêm những động tính tự nhiên của phù sa trong châu thổ. Đắp đê dọc theo bờ sông sẽ trở thành một sự kiện thông thường hơn khi vùng đô thị được trải rộng ra; những biến đổi nêu trên về cấu trúc của các sông gây ra những hâu quả không lường đối với động tính của phù sa và tính ổn dịnh của dòng nước. Sự bất quân bình giữa dân số gia tăng và đời sống kinh tế, nơi ăn chốn ở, sẽ làm trầm trọng thêm những tác động sẵn có lên môi trường.Thật thế, những vấn đề này đã trở nên hiển nhiên trên toàn vùng châu thổ, như nước thải dơ bẩn của các hộ gia cư được xả tự nhiên xuống các đường nước sông rạch, những chất thải rắn không tự hoại được tích luỹ trên mặt đất và trong sông. Gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội, khoảng cách khác biệt quá xa giữa kẻ giàu và người nghèo, do dành dựt nguồn tài nguyên, dễ gây thêm nhiều tác động tiêu cực khác lên môi trường: gia tăng số người cất nhà trái phép dọc các bờ kinh, điều này đương nhiên làm dòng nước thêm ô nhiễm và kinh rạch cạn nhanh hơn (do dòng nước chảy chậm lại dọc theo các nơi có nhà ở hai bên bờ kinh).

2.4.4 Một môi trường mệt mỏi phải đối mặt với những biến đổi trong tương lai
Mối quan tâm liên quan đến những ảnh hưởng lên châu thổ đồng Cửu Long gây nên bởi những biến đổi có tầm vóc lớn lao trong tương lai là khả năng suy kém của môi trường lý sinh để đáp ứng trước những biến đồi trong tương lai. Sự phân mảnh của những môi trường lý sinh trong vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long đã tạo ra những chướng ngại cho sự biến đổi tự do của môi trường trong phạm vi được phân phối; đặc tính biến đổi tự do này từng giúp các môi trường thích ứng với những thay đổi trong suốt lịch sử cấu tạo địa chất. Trên phương diện sinh học, điều này đồng nghĩa với suy giảm những vùng di trú sẵn có. Thí dụ, đắp nhiều đê và đào nhiều kinh xung quanh vùng đước (thiên nhiên hay được trồng) sẽ ngăn cản các cây đước di trú vào phía trong đất liền trong điều kiện mặt nước biển dâng cao và như thế các cây đước sẽ chết tại chổ trừ khi mặt đất có đủ độ cao thích hợp nhờ phù sa bồi đấp nhanh chóng (Hình 8c). Trong trường hợp không có những cấu trúc ngăn cản (ao, đê), những vùng đất nằm phía sau dãy đước là những vùng di trú trong trường hợp mực nước biển dâng cao (Hình 8b). Phân mảnh cũng làm gia tăng sức ép lên môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để tập hợp những tác động tiêu cực trong những vùng xung quanh và giới hạn sinh sản, bồi dưỡng và cộng sinh của một số sinh vật. Những biển đổi về môi trường trong tương lai sẽ làm gia tăng cường độ của sức ép đặt lên hệ sinh thái, khiến sự sụp đổ của hệ sinh thái có thể trở thành sự thật. Đơn giản hoá là một yếu tố khác góp phần làm giảm khả năng thích ứng của môi trường trước những biến đổi trong tương lai. Khi hệ sinh thái thiên nhiên hay truyền thống nông nghiệp bị biến đổi bởi con người, thành phần các loại sinh vật và tuổi tác/cấu trúc vật lý của hệ sinh thái trở nên đơn giản. Những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng gần đây ở vùng châu thổ Cửu Long đã thúc đẩy mạnh mẽ chiều hướng đơn giản hoá môi trường, bằng cách trực tiếp thay thế những tầng sinh thái phức tạp bằng những hình thức đơn canh đồng nhứt (trồng lúa thuỷ lợi, đồn điền đước, nuôi tôm thâm canh) hay gián tiếp qua sự huỷ hoại những hệ sinh thái thiên nhiên. Tính thích ứng của các loại đơn canh đối với những thay đổi của môi trường bị suy giảm vì khả nẳng hồi phục tập thể đối với những thiên tai như thời tiết, dịch, bệnh và khai thác của con người, trở nên suy yếu. Thực thế, những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự suy giảm về khả năng hồi phục của hệ sinh thái đã hiện rõ trong vùng châu thổ, thí dụ như những đồn điền cây đước bị hư hại rất nhiều vì các bệnh dịch (đoạn 1.3.2.5). Những đe dọa đối với sự sinh tồn của môi trường trước những thay đổi trong tương lai còn có thể đến từ những ảnh hưởng chồng chất gây ra bởi sinh hoạt của con người, như gia tăng ô nhiễm bởi hoá chất nông nghiệp dùng để bón phân các vùng trồng lúa thuỷ lợi, nước phế thải không xử lý từ 32

các ao nuôi tôm, hoặc khai thác quá đáng của người dân địa phương. Những hệ sinh thái mệt mỏi dễ bị hư hỏng hay sụp đổ trước những biến đổi bất lợi. Thí dụ, rừng đước suy thoái sẽ không thể sản xuất đủ khối sinh học cần thiết để chất hữu cơ được tích luỹ trên mặt đất, và như thế mất khả năng duy trì nơi trú ngụ trong trường hợp mực nước biển dâng cao. Hiện tượng suy thoái khả năng đương đầu với những thay đổi trong tương lai không chỉ giới hạn trong lãnh vực sinh học. Những tiến trình về địa-hình, địa-hoá cũng bị thay đổi một cách rộng rãi dưới ảnh hưởng của những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay trong châu thổ đồng bằng Cửu Long, khiến cho mức chịu đựng của môi trường lý học bị hạ thấp. Nói một cách khác, trước một thay đổi mới nào đó, môi trường trên phương diện lý tính, sẽ phản ứng với một biên độ rộng lớn hơn so với những biến đổi trước kia. Trở lại viễn tượng của mực nước biển dâng cao trong tương lai, liệu châu thổ đồng bằng có đủ sức chịu đựng trước biến đổi khí hậu toàn cầu trong khi khả năng đáp ứng của châu thổ đã bị suy thoái do những ảnh hưởng tích luỹ (gây ra bởi những biến đổi do loài người tạo ra và tràn đầy trên nhiều vùng của châu thổ và lưu vực sông Cửu Long), gồm:      diện tích những khu rừng đước khoẻ mạnh bị giảm sút kéo theo suy giảm khối lượng chất hữu cơ tích tụ và khả năng nâng cao mặt đất của các chất liệu. gia tăng thông nối và mật độ của mạng kinh tháo nước trên toàn vùng châu thổ khiến nước mặn xâm nhập dễ dàng hơn và làm tăng viễn cảnh đồng bằng châu thổ bị chìm ngập giảm khối lượng phù sa vận chuyển ra biển, và từ đó, làm cho bờ biển thụt lùi; điều này gây nên do độ chảy yếu của dòng nước, phù sa bị giữ lại trong các kinh đào, chuyển hướng di chuyển phù sa đến vùng ven biển khác và gia tăng hút cát trong lòng sông v.v... giảm nhiều mức độ và phạm vi được phù sa bồi lấp (nhờ nước ngập tràn bờ), do ảnh hưởng của những dự án đắp đê trị thuỷ Giảm diện tích và những hệ sinh thái “nước ngọt dồi dào than bùn”, như rừng tràm ở các đầm lầy nằm sâu giữa châu thổ.

Trong bối cảnh khắc nghiệt nhứt, ảnh hưởng của chuyển dòng chảy và vận chuyển phù sa từ những dòng sông chánh của châu thổ, như những kế hoạch qui mô chuyển dòng chảy ra vịnh Thái Lan và/ hay sông Vàm Cỏ Tây, có thể làm cho hệ châu thổ không còn khả năng tự điều chỉnh trước những tác động của những thay đổi mới trong tương lai, xuất phát từ lưu vực thượng nguồn, cũng như mực nước biển dâng cao; như thế khiến cho mặt trước của châu thổ sẽ biến mất. Dưới nhiều mặt khác nhau, những vấn đề suy sụp hiện nay ở châu thổ đồng bằng sông Mississipi( Hình 9), một tiến trình gây nên bởi những xáo trộn do loài người gây ra đối với dòng chảy của sông Mississipi, khối phù sa cung cấp, và mực nước biển dâng cao nhanh chóng (châu thổ lún sụp tự nhiên), rất tương tự với bối cảnh của châu thổ Cửu Long được giả thuyết trong tương lai. Mức độ thiệt hại to lớn về môi trường và trên mặt xã hội-kinh tế của châu thổ đồng bằng Mississipi (khu vực với diện tích 4000km 2 vĩnh viễn chìm dưới nước) nếu được lập lại ở châu thổ đồng bằng Cửu Long sẽ là một quốc nạn của Việt Nam . Ảnh hưởng chồng chất của những kế hoạch phát triển có tầm vóc qui mô trong tương lai và khai thác triệt để nguồn tài nguyên của châu thổ, có thể đe doạ đến sự sống còn của chính các kế hoạch phát triển hạ tầng hiện thời. Mực nước biển dâng cao sẽ làm cho một số những thay đổi của châu thổ Mississipi trong châu thổ đồng bằng từ 1956 đế 1978 chương trình dẫn thuỷ hiện nay ở vùng ven biển không thể hoạt động, nếu những điểm thu rút nước ngọt dọc theo sông chánh, bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập. Các cửa đập thuỷ lợi ngăn nước mặn trở nên vô dụng, vì muối từ dưới mặt đất ngấm lên theo hiện tượng mao quản thấm thấu (do mặt nước ngầm dâng cao) và mực nước trong kinh dâng cao.

33

Hình 9. Khu vực đồng bằng của một thuỳ rất năng động của châu thổ Mississipi bị ngập chìm vĩnh viễn; sự kiện này gây ra bởi những thay đổi về mô hình lắng đọng; những thay đổi này là kết quả của xây dựng những cấu trúc cơ học từ đầu thế kỷ 20. Những công trình này, nhằm che chở châu thổ khỏi lũ lụt vả duy trì thuỷ trình giúp tàu bè qua lại, thật sự đã loại bỏ hoàn toàn nguồn chất trầm tích cung cấp cho châu thổ, tước đoạt khả năng của châu thổ, nhờ phù sa bồi lấp, đối đầu với hiện tượng lún sụp tự nhiên. Và hậu quả là khuynh hướng bánh trướng tự nhiên của châu thổ bị đảo ngược, và trở nên dễ tổn thương trước sư dâng cao của mực nước biển. Nước lụt tràn qua các đê trị thuỷ sẽ trở nên thường xuyên hơn, vì mực nước sông dâng cao theo độ cao của mặt biển và những thay đổi ở vùng thượng lưu làm biến đổi độ chảy của dòng sông. Ấy là chưa kể, đê có thể bị vỡ vì bờ sông bị sạt lở hay dòng sông chuyển hướng đột ngột vì cạn dần và có nhiều dãy đất ngầm/cồn non. Vì thế sẽ cần nhiều ngân khoản để xây thêm các cấu trúc phụ thuộc, vì những cơ sở hạ tầng hiện có cần được nâng cấp để đối phó với những thay đổi mới về môi trường. Chuyện nâng cấp là một hậu quả đương nhiên do tinh thần”phòng thủ” trong phát triển, nơi đó sinh hoạt của con người được“che chở” trước những nguy cơ nhờ kiểm soát/ khống chế môi trường thiên nhiên (Miller, 2000), và cứ thế vĩnh viễn lệ thuộc vào những thiết kế mới để ứng phó với những biến đổi mới. Lẽ đương nhiên, những phát triền nặng tính “phòng thủ” này sẽ dẫn đến những tác động khác lên môi trường trong những năm sắp tới. Tưởng cũng nên nhấn mạnh ở đây là những bối cảnh trình bày ở đây có tính dự đoán với nhiều biến số rất cao xung quanh những tác động thật sự của các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, cùng những động lực từ bên ngoài có khả năng gây biến đổi môi trường. Tuy nhiên, nêu lên những điều trên với hy vọng tạo ra một nền tảng thân trọng đối với những kế hoạch phát triển cơ cấu hạ tầng khác trong tương lai ở châu thổ đồng bằng Cửu Long, nhằm tránh được những thảm hoạ bất cập có thể xảy ra trong tương lai trên bình diện môi trường, xã hội và kinh tế.

3. Kết luận
3.1 Tóm tắt
Trong nhiều thập niên vừa qua, châu thổ đồng bằng Cửu Long Việt Nam đã biến đổi với tốc độc nhanh chóng chưa từng thấy, gây ra bởi những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. Mặc dù những kế hoạch này góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế của châu thổ và toàn xứ, nhưng cũng là mầm móng của nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường thiên nhiên của châu thổ. Rất nhiều tác động bắt nguồn từ sự thất bại trong nhận thức châu thổ đồng bằng Cửu Long là một hệ thống lý sinh học rất năng động và chủ tâm phát triển kinh tế nhanh chóng để xuất khẩu lấy ngoại tệ. Xa hơn nữa, 34

những tác động tiêu cực lên môi trường làm leo thang những mâu thuẫn và hiềm khích trên mặt xã hội và kinh tế, dưới dạng: nghèo thêm, do những tác động không có tính đồng đều lên người dân địa phương, lớp người nghèo; và làm giảm khả năng tự tồn của xã hội, vì nguồn nguyên liệu cố hữu quan trọng bị mất đi và thay thế vào đó là một môi trường được điều chỉnh để thích ứng với những chương trình nuôi trồng thâm canh tốn kém. Tuy những tác động nguy hại đến môi trường, gây ra bởi những kế hoạch phát triển hạ tầng, hiện rõ sau môt thời gian ngắn, nhưng (một cách khẳng định) châu thổ đồng bằng Cửu Long Việt Nam đang ngủ yên bên cạnh quả “ bom chậm nổ” tạo nên bởi những tác động có những ảnh hưởng tích luỹ, rất tác hại về lâu về dài và không lường trước được. Có một nguy hiểm thật sự là sức ép khổng lồ đè nặng lên các môi trường lý sinh hiện nay, khiến cho châu thổ không còn đủ khả năng để chống đở trước những biến đổi về môi trường trong tương lai, gây nên bởi những kế hoạch phát triển ráo riết trong châu thổ và ở lưu vực thượng nguồn hoặc từ những biến đổi của khí hậu toàn cầu và nước biển dâng cao. Vì các kế hoạch phát triển vùng châu thổ có phạm vi rông lớn, nên giờ đây đã quá trể để làm đảo ngược “chiều hướng huỷ hoại môi trường”. Tuy nhiên, dựa trên phần biện luận của bài biên khảo này, một vài đề nghị được đề ra, với ý định dẫn dắt những kế hoạch phát triển các cơ cấu hạ tầng hiện nay ra khỏi con đường huỷ hoại môi trường, gây nhiều tổn hại trên mặt xã hội và kinh tế.

3.2 Những đề nghị
Thứ nhứt và đề nghị trước tiên là phát triển các cơ cấu hạ tầng trong tương lai cần để ý đặc biệt đến đặc tính hệ thống của châu thổ đồng bằng Cửu Long. Một hoạt động riêng rẽ ở một vùng của châu thổ cũng đủ để gây ra những tác động đến những vùng khác. Phân tích những thiệt hại về môi trường và mặt xã hội-kinh tế của một đề án cần được thực hiện, không chỉ cho vùng có kế hoạch, nhưng bao gồm toàn thể châu thổ. Các dự án phát triển cần được phối hợp chặt chẽ hơn, trước hết ở cấp tỉnh, để tránh những tác động có tính cộng hưởng và tích luỹ. Dự đoán và đo lường những tác động lên môi trường gây ra bởi phát triển cơ sở hạ tầng trong châu thổ đồng bằng Cửu Long thường gặp khó khăn vì thiếu đường đáy thích đáng (adequate baseline) và không được tiếp tục theo dõi để thu thập các dữ kiện sau khi kế hoạch được đem ra áp dụng. Theo dõi những kế hoạch hiện có, sẽ thu thập được những hiểu biết quan trọng để cung cấp đầu vào (input) cho những dự án mới trong tương lai, vì nếu có nhiều dự án được đem ra áp dụng trong vùng châu thổ những tác động tích luỹ sẽ gia tăng. Nêu lên những điều trên không ám chỉ là hoàn toàn không có thâu thập dữ kiện; một số những nghiên cứu đã được thực hiện bởi nhiều cơ quan chức năng khác nhau của nhà cầm quyền và những viện nghiên cứu ở trong và ngoài vùng châu thổ đồng bằng Cửu Long, nhưng thời gian theo dõi nghiên cứu thường quá ngắn, không đủ để thiết lâp được những chiều hướng rõ rệt về những hậu quả có thể xảy ra. Thâu thập các dữ kiện tuy có thể không ích lợi trong giai đoạn đầu tiên, nhưng rất hữu dụng về sau. Ngoài ra cần phải thâu thập những dữ kiện cho toàn thể lưu vực sông Cửu Long. Điều này đặc biệt quan trọng vì hiện nay còn thiếu những hiểu biết chính xác về những ảnh hưởng của những đập thuỷ điện hiện có và sắp xây trong tương lai ở Trung Quốc đối với môi trường của châu thổ đồng bằng Cửu Long Việt Nam . Cần phải có những thay đổi cơ bản trong cách trù tính và phát hoạ các đồ án, phải tránh xa cách tiếp cận mang tính “phòng thủ”, hiện rất phổ biến trong các dự án phát triển hạ tầng. Thay vì hoàn toàn khống chế, phòng ngừa và loại bỏ, nhấn mạnh cần đặt lên kiểm soát từng phần, cải thiện và một cách tổng quát, thích ứng với những điều kiện thiên nhiên của môi trường: Thay thế cách tiếp cận trị thuỷ hiện có (dựa vào những cấu trúc cơ học phòng châu thổ đồng bằng khỏi bị ngập lụt vì nước lụt tràn bờ) bằng chiến lược chuyển dòng chảy của khối nước tràn bờ và phòng chống lụt từng phần, sẽ đem lại lợi ích trong thời gian lâu dài. Về mặt này, chiến lược chống lụt ở những vùng trồng lúa 2 mùa (cho phép kéo dài thời gian cấy trồng nhưng không hoàn toàn loại hẵn nước lụt) tỏ ra thích đáng hơn cách trị thuỷ hiện nay (ngăn chặn hoàn toàn nước lũ tràn ngập vào các cánh đồng). Đê cần được thiết kế với nhiều lỗ hổng (tạm thời bít kính với đất hoặc đất trộn rôm), giúp cho nước lụt chảy tự do vào lúc cao điểm của mùa lụt và bồi lấp phù sa lên các cánh đồng, giúp duy trì phẫm chất của đất. Những đường di chuyển nước lụt và những vùng giữ nước có thể được thiết lập ở những vùng thấp 35

nhứt của châu thổ để, vào đầu mùa lụt, dẫn nước lụt vào những cánh đồng bao bọc bởi đê, thay vì để nước lụt chảy vào các sông rạch và kinh đào. Những đường vận chuyển nước lụt và các bồn chứa này có thể được dùng để tái tạo rừng tràm; điều này tạo thêm những lợi ích phụ trội, gia tăng thu hoạch/lợi tức của người dân địa phương, giúp đất PASS không trở thành đất phèn AASS nhờ vào mực nước ngầm cao, giữ được nước ngầm, và như thế làm tăng khối nước tồn trữ để sử dụng trong thời gian đầu mùa khô, làm giảm đi nhu cầu thu rút nước từ các con sông chánh. Cách tiếp cận này thích hợp hơn với triết lý cổ truyền là “sống chung với lụt” (Miller, 2000), giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường gắn liền với những thay đổi về thuỷ học và tính năng động của phù sa. Tuy nhiên, trong thực tế, do mật độ dân số rất cao và cách thức sử dụng đất đai, nên đây là một thách thức đáng kể nếu những đề nghị trên đây được đem ra áp dụng trong nhiều vùng của châu thổ. Chọn lựa một cách tiếp cận “uyển chuyển” trong việc sử dụng môi trường lý sinh của châu thổ Cửu Long đòi hỏi sự đa dạng hoá những sinh hoạt kinh tế và rời bỏ thể chế đơn canh. Xu hướng bành trướng diện tích trồng lúa nhờ thuỷ lợi gây nhiều thiệt hại cho môi trường. Phát triển những hệ thống rừng- nông nghiệp và cá- rừng đước trong châu thổ có thể đem lại nhiều lợi ích cho môi trường trong những năm sắp tới. Hình thức đa dạng hoá này có rất nhiều lợi điểm như:    gỉảm phí tổn đầu vào, như thuốc diệt trừ sâu bọ tạo ra được nhiều môi trường sống giảm nguy cơ sản xuất suy sụp hay thất bại gây nên bởi những điều kiện về khí hậu, dịch, bệnh và những thay đổi về môi trường trong tương lai gây ra bởi lưu vực bị xáo trộn nhiều hơn và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sử dụng nhiều hơn những kinh nghiệm và kiến thức địa phương và nguồn giống bản địa, như các giống cây trồng và súc vật có lâu đời, trong tiến trình đa dạng hoá, sẽ làm giảm thêm những nguy cơ gắn liền với những hoàn cảnh bất lợi và biến đổi môi trường. Hơn nữa, cách sử dụng đất đai của châu thổ Cửu Long cần được uyển chuyển hơn để thích hợp với tính năng động cố hữu tự nhiên của môi trường châu thổ. Phần nào, muốn được như thế cần phải chuyển trọng tâm các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng có tính cách tốn kém và vĩnh viễn sang tạm thời. Trong ngành trồng rừng đước, không nên dự trù trồng vĩnh viễn loại cây Rhizophora apicula, nhưng thực tế, phải xem đây là cách sử dụng tạm thời mặt đất thích hợp. Đương nhiên mặt đất lần lần được bồi lấp và sẽ trở nên quá cao cho R. apiculata , vì thế nên để cho lọai cây rừng khác được mọc lên, và nếu muốn thế phải trồng R. apiculata ít hơn và lẫn lộn với các giống cây thích hợp với nền đất cao hơn. Loại rừng hỗn hợp này tiếp tục đem lại lợi ích về mặt kinh tế cho cộng đồng người dân địa phương, do cung cấp những nguồn vật liệu cổ truyền. Trong trường hợp lắng bùn, nạo vét kinh và ao nuôi tôm, những vấn đề kinh niên gặp phải phần lớn do ảnh hưởng phản hồi có tính tích luỹ của chính việc nạo vét kinh, thúc đẩy lắng đọng nhanh hơn. Khối đất vét lên có thể giảm đi nhiều, nếu vét kinh chỉ để cho ghe thuyền qua lại, và các vùng cạn và các dãy đất ngầm được để yên và các ao nuôi tôm được trồng thêm các dãy cây đước; những ao nuôi tôm cần được phát họa để khi bị lấp cạn có thể dùng trồng đước. Vì môi trường châu thổ gần đây bị suy thoái và đơn giản hoá trên một phạm vi rộng lớn, nên hồi phục và đa dạng hoá hệ sinh thái vùng châu thổ Cửu Long là điều cấp bách. Điều này không chỉ thiết yếu để duy trì tính sinh học đa dạng của môi trường, nhưng đồng thời   làm giảm bớt những rủi ro thất thoát về nông, lâm và ngư nghiệp và sản xuất thuỷ sản, gây ra bởi những điều kiện khắc nghiệt và biến đổi của môi trường và tái lập ở địa phương những nguồn tài nguyên quan trọng từng bị suy giảm do ảnh hưởng của những kế họach phát triển cơ sở hạ tầng gần đây.

Ngoài ra, hệ sinh thái đa dạng và khoẻ mạnh có thể giúp cải thiện một vài tác động tiêu cực do loài 36

người gây ra cho môi trường. Thông thường có nhận định chủ quan cho rằng phát triển hạ tầng không cần phải quan tâm đến môi trường vì đây là những bộ phận ít bị xáo trộn nhứt, điển hình với những lời phê bình sau đây trong phần đánh giá ảnh hưởng của dự án kiểm soát nguồn nước trong châu thổ lên môi trường: “ Phạm vi nằm trong ảnh hưởng của dự án không bao gồm những nơi thiên nhiên và hệ thực vật và động vật duy nhất cần được bảo vệ. Vì thế những kế hoạch của dự án sẽ không gây ra bất cứ một ảnh hưởng tiêu cực nào trên hệ động, thực vật...”(NEDECO, 1994b, p. 36). Tuy nhiên, hiện nay trong châu thổ đồng bằng Cửu Long, vẫn còn một số nhỏ hệ sinh thái chưa bị nhiễu loạn, cho nên những môi trường bị biến đổi do sử dụng của loài người, như đồng ruộng và kinh đào, có tiềm năng cung ứng thêm những môi trường sống quan trọng cho sinh vật trong vùng châu thổ. Những môi trường biến đổi có thể đóng vai trò của một hành lang sinh thái quan trọng nối liền những hệ sinh thái chưa bị xáo trộn và ở những nơi cách biệt xa xôi. Cơ cấu hạ tầng như những kinh đào cần được bố trí để làm gia tăng tính đa dạng của môi trường sống; như một kinh đào có những dãy đất ngẩm có cây cỏ và những chỗ trũng sâu có giá trị rất cao của một nơi sinh sống cho thuỷ sản hơn những kinh đào thẳng thớm với chỗ trũng hình chử nhựt, tạo nên bởi nạo vét thường xuyên. Thêm một lợi ích khác là làm giảm mực độ ô nhiễm của nguồn nước kinh rạch. Có những bằng chứng rõ rệt cho thấy các sông rạch có hình dạng không đồng nhứt rất quan trọng trong tiến trình đồng hoá tự nhiên những chất ô nhiễm trong sông (Petrozzi, 1998). Sử dụng đất đai cho nhiều mục đich khác biệt sẽ góp phần đáng kể trong việc tạo ra những môi trường sống đa dạng trong châu thổ và điều này có thể thực hiện được qua cách phát triển các hệ thống nông-lâm và ngư-lâm nghiệp. Trên mặt cơ sở, cần phải có những thay đổi cơ bản về quan niệm phát triển cơ sở hạ tầng để cân xứng với môi trường thiên nhiên, tuy nhiên các cơ cấu hạ tầng hiện có vẫn có thể được tiếp tục sử dụng với những tác động tiêu cực giảm bớt nhờ cải thiện về phát hoạ và quản lý. Thí dụ, biến đổi đơn giản về hình thể của mạng lưới kinh đào (như loại bỏ những chỗ cong gắt, quá nhiều kinh nhánh hoặc kinh cùn) có thể làm giảm rõ rệt bồi lắng và những vấn đề thuỷ học liên hệ; trong khi làm rộng ra những cống nước và những khoảng trống dọc theo đê sẽ giúp dòng nước lụt chảy thông suốt hơn vào các cánh đồng, nhờ thế cải thiện được nhiều vấn đề liên quan đến úng ngập và ngăn cản phù sa tràn bờ. Giải pháp cho sạt lở bờ kinh có thể dựa trên những kỹ thuật nạo vét, phát hoạ bờ kinh và giáo dục quần chúng cách thức sử dụng bờ kinh và trồng cây cỏ. Sông và châu thổ là những bộ phận gắn liền từ lâu với cuộc sống con người. Nguồn tài nguyên phong phú của môi trường không những hỗ trợ sự sinh tồn của loài người, nhưng đã nuôi dưỡng và giúp phát triển xã hội và văn hoá từ thời xa xưa. Cùng lúc ấy, những sử dụng không thận trọng đã tạo ra những tác động tiêu cực đắt giá đối với môi trường cũng như trên bình diện xã hội và kinh tế, mà những kẽ kế thừa ngày nay (nhiều năm sau đợt xáo trộn đầu tiên của môi trường) phải gánh chịu. Châu thổ đồng bằng Cửu Long trải nghiệm những biến đổi gần đây, tuy nhiên khả năng chống đở của môi trường đối với sức ép, đang nhanh chóng tiến dần đến điểm bảo hoà. Những quyết định trong nhiều năm sắp đến, trên phương diện phát triển chiến lược châu thổ Cửu Long sẽ là bước ngoặt quan trọng quyết định vận mệnh của châu thổ đồng bằng Cửu Long: thêm một châu thổ vĩ đại khác bị hy sinh cho phát triển hay châu thổ đồng bằng Cửu Long sẽ tiếp tục ban phúc lợi, trong nhiều thế hệ sắp tới, cho cư dân trong vùng, nhờ tính chất phong phú tự nhiên.

37

Tài liệu tham khảo
1. Anh, N.N., 1992. Effects of configuration changes on flow distribution and salt water intrusion. Paper 2.
3. presented in the Seminar concluding Mekong Delta Salinity Intrusion Studies Phase III, Ho Chi Minh City, 2730 March 1992. Australian Agency for International Development, A.A.f.I., 1998. North Vam Nao Water. Benthem, W., 1998. First steps towards integrated mangrove rehabilitation in the coastal Mekong Delta, Vietnam. TCE - Project Workshop No. II: Coastal environmental improvement in mangrove / wetland ecosystems, Ranong, Thailand, 18-23 August 1998, 61-71. Binh, N.N., 1994. Silvofishery systems: combining mangrove plantations with shrimp culture. Centre for Research and Technology Advancement in Minh Hai Mangrove, Forest Science Institute of Vietnam, South Vietnam Branch. Hirata, Y., 2000. Genetic resource diversity and hopeful future image in Mekong Delta especially focused on rice and soybean genetic resources. Proceedings of the First Joint Workshop on Environmental Conservation and Sustainable Agriculture. Cantho, Vietnam, 19-21 January 2000. Hirsch, P., 2000. Changing geopolitics and economic models in the Mekong Region: summary of presentation. Accounting for development: Australia and the Asian Development Bank in the Mekong Region, the University of Sydney,23-24 June 2000. Hong, P.N. and San, H.T., 1993. Mangroves of Vietnam. International Union for Conservation of Nature and Natural Resources (IUCN),173. Johnston, D., Clough, B., Xuan, T.T. and Phillips, M., 1998. Mixed shrimp farming - mangrove forestry systems in the lower Mekong Delta of Vietnam: overview and recommendations. TCE - Project Workshop No. II: Coastal environmental improvement in mangrove / wetland ecosystems, Ranong, Thailand, 18-23 August 1998, 128-135. Koopmanschap, E. and Vullings, W., 1996. Inventory of coastal land use systems in the Mekong Delta, Viet Nam: applying remote sensing in mangrove ecology and aquaculture. Department of Soil Science and Geology, Wageningen Agricultural University, the Netherlands.

4.

5.
6.

7. 8.

9.

10.

Korea Water Resources Corporation (KOICA) and Korea Agricultural and Rural Infrastructure Corporation (KARICO), 2000. Flood control planning for development of the Mekong
Delta (basinwide): Final Report, Volume 1, Main Report. Mekong River Commission, Phnom Penh, Cambodia. Linh, V.B. and Binh, N. N., 1995. Agroforestry systems in Vietnam. Agriculture Publishing House, Hanoi, Vietnam, 156. Mekong Delta Development Research Centre (MDDRC), 1993. State-of-the-art study for the Mekong Delta. Mekong Delta Development Research Centre (MDDRC), 1996. Environmental problems in view of sustainable development in the Mekong Delta Mekong Delta Master Plan, 1993. Rehabilitation and Improvement of the Main Waterways in the Mekong Delta Feasibilty Study, Volume 2: Main Report. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. Miller, F., 2000. Environmental threats to the Mekong Delta. Watershed, 5, 38-42. Miyagi, T., 1995. Betonamu engan-iki ni okeru mangurobu no seiiku-kankyo (Environmental conditions in the mangrove habitats of coastal Vietnam). Tohoku-Gakuin Daigaku-ronshu, Rekishigaku / Chirigaku (Reports of the Tohoku-Gakuin University, History and Geography), 27, 1-37 (in Japanese). NEDECO, 1991a. Mekong Delta Master Plan, Working Paper No. 1: Surface water resources and hydraulic modelling. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. NEDECO, 1991b. Mekong Delta Master Plan, Working Paper No. 3: Irrigation, drainage and flood control. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. NEDECO, 1991c. Mekong Delta Master Plan, Working Paper No. 4: Agriculture. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. NEDECO, 1991d. Mekong Delta Master Plan, Working Paper No. 6: Fisheries and aquaculture. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. NEDECO, 1991e. Mekong Delta Master Plan, Working Paper No. 11: Economy and socioeconomy. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme.

11.

12.
13.

14. 15.
16.

17.

18.

19.

20.

38

21.

NEDECO, 1993a. Mekong Delta Master Plan, Thematic Study on Management of Water Resources,
Volume 1: Optimal use of water resources. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. NEDECO, 1993b. Mekong Delta Master Plan, Thematic Study on Environmental Impacts, Volume 3: Existing ecological conditions and present status of environmental protection and guidelines for environmental protection and monitoring. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. NEDECO, 1994a. Mekong Delta Master Plan, Secondary Canal Development Projects Feasibility Study: Environmental Impact Assessment. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. NEDECO, 1994b. Mekong Delta Master Plan, South Mang Thit Integrated Irrigation and Drainage Project Feasibility Study: Environmental Impact Assessment. Government of Vietnam, State Planning Committee, World Bank, Mekong Secretariat, United Nations Development Programme. Petrozzi, M., 1998. Channel and hydrological controls water quality in a steep, bedrock-confined stream. Australian Geographical Studies, 36, 187-204. Phuong, N.T. and Hai, T.N., 1998. Coastal aquaculture and environmental issues in the Mekong Delta, Vietnam. TCE - Project Workshop No. II: Coastal environmental improvement in mangrove / wetland ecosystems, Ranong, Thailand, 18-23 August 1998, 120-127 Sammut, J., Callinan, R.B. and Fraser, G.C., 1996. An overview of the ecological impacts of acid sulfate soils in Australia. 2nd National Conference on Acid Sulfate Soils, Coffs Harbour, 5-6 September 1996, 140-145. Sanh, N.V., Xuan, V.-T. and Phong, T.A., 1998. History and future of farming systems in the Mekong Delta. In: Xuan, V.-T. and Matsui, S. (Eds), Development of farming systems in the Mekong Delta. Japan International Research Centre for Agricultural Sciences (JIRCAS), Cantho University and Cuu Long Rice Research Institute (CLRRI), Ho Chi Minh City, Vietnam, 16-80. Son, D.K., 1998. Development of agricultural production systems in the Mekong Delta. In: Xuan, V.-T. and Matsui, S. (Eds), Development of farming systems in the Mekong Delta. Japan International Research Centre for Agricultural Sciences (JIRCAS), Cantho University and Cuu Long Rice Research Institute (CLRRI), Ho Chi Minh City, Vietnam, 81-112. Sterk, G., 1993. Leaching of acid from the topsoil of raised beds on acid sulphate soils in the Mekong delta of Vietnam. In: Dent, D.L. and van Mensvoort, M.E.F. (Eds), Selected Papers of the Ho Chi Minh City Symposium on Acid Sulphate Soils. International Institute for Land Reclamation and Improvement (ILRI), Wageningen, the Netherlands, 241-246. Sub-Institute for Water Resources Planning and Management (SIWRPM), 1997. Report on social and environmental study update for the Quan Lo Phung Hiep Project. Ministry of Agriculture and Rural Development, Ho Chi Minh City, Vietnam. Sub-Institute for Water Resources Planning and Management (SIWRPM), 1997. The answers to the World Bank Mission comments on the social and environmental study update for the Quan Lo -Phung Hiep, O Mon - Xa No Project and South Mang Thit Projects. Ministry of Agriculture and Rural Development, Ho Chi Minh City, Vietnam. Mekong Delta. Centre for Water Quality and Environment, Sub-Institute for Water Resources Planning and Management (SIWRPM) and Centre for Resource and Environmental Studies, the Australian National University, Ho Chi Minh City, Vietnam. Tri, L.Q., undated. Development management packages for acid sulphate soils based on the farmer and expert knowledge: Field study in the Mekong Delta, Viet Nam . Vinh, T.V., 1997. Socio-economic background to the Tram Chim wetlands and the past, present future of Tram Chim National Reserve. and In: Safford, R.J., Ni, D.V., Maltby, E. and Xuan, V.T. (Eds), To Sub-Institute for Water Resources Planning and Management (SIWRPM), undated. Water quality problem in the Mekong Delta. Ministry of Agriculture and Rural Development, Ho Chi Minh City, Vietnam. Takada, Y., 1981. Land concession and the development of rice cultivation in the Mekong Delta in the early Twentieth Century. Southeast Asian Studies, 22, 241-259 (in Japanese with English abstract). Tanaka, K., 1995. Transformation of rice-based cropping patterns in the Mekong Delta: from intensification to diversification. Southeast Asian Studies, 33, 81-96. Tin, N.T. and Ghassemi, F., 1999. Availability and quality of surface water resources, Report for the ACIAR Project: An evaluation of the sustainability of farming systems in the brackish water region of the wards sustainable management of Tram Chim National Reserve, Vietnam: Proceedings of a workshop on balancing economic development with environmental conservation. Royal Holloway Institute for Environmental Research, London, 9-15.

22.

23.

24.

25.
26.

27.

28.

29.

30.

31.

32.

33. 34.
35.

36.
37. 38.

39

39. 40.

Wolanski, E., Nguyen, N.H., Le, T.D., Nguyen, H.N. and Nguyen, N.T., 1996. Fine-sediment

dynamics in the Mekong River estuary, Vietnam. Estuarine, Coastal and Shelf Science, 43, 565-582. Wolanski, E., Nguyen, H.N. and Spagnol, S., 1998. Sediment dynamics during low flow conditions in the Mekong River estuary, Vietnam. Journal of Coastal Research, 14, 472-482. 41. World Bank, 1999. Project appraisal document on a proposed credit of SDR 72.8 million to the Socialist Republic of Vietnam for the Mekong Delta Water Resources Project. Rural Development and Natural Resources Sector Unit (EASRD), East Asia and Pacific Region, Report No. 18732-VN.

40

Similar Documents

Free Essay

My Last Adventure

...Susan Cain John Hunt ENGL 1301 16 September 2013 Narr. Final My Last Adventure Ever since I was a puppy I loved being around people and playing. My favorite thing to do was escaping from my yard to wander around the neighborhood. Every time I escaped it was like a new adventure because I always met someone new and exciting to play with. Most of my adventures began and ended the same, and that day appeared to be no different, but little did I know that I was about to embark on my last adventure. That day started like any other day. After awakening, I got something to eat and drink and went outside to use the bathroom. From my yard I barked and barked, trying to get anyone to come play with me. When no one came, I slipped out through a hole in the fence that only I knew about. After I had made my escape from the yard, I wandered around my neighborhood for a while. I do not know exactly how long I wandered because, after all, I am a dog. I do not wear a watch, and I do not know how to tell time. I wandered and sniffed, not realizing I was hopelessly lost. Then suddenly, I saw something, or someone out of the corner of my eye. It was a lady! I wanted to play, so I walked over and introduced myself. After seeing me, she sat down, then looked at me and said, “I am Susan, who might you be?”, and I licked her on the nose. After we had played on the porch for a few minutes, Susan went inside to get her husband William. I had other ideas, so I followed her in. After...

Words: 579 - Pages: 3

Free Essay

My Adventures with God

...Adventures with God Real Life Inspirational Stories 37 Allan David Weatherall Contents Introduction:.......................................................................................... i Chapter 1: Random Acts of Kindness....................................................1 Chapter 2: What is Eritrea? . ............................................................... 4 Chapter 3: The Power of Faith & Hope ............................................. 11 Chapter 4: Hey, Chuck Norris! . ........................................................ 14 Chapter 5: We’ve Been Expecting You! ............................................ 18 Chapter 6: On the Road to Jerusalem ................................................ 24 Chapter 7: Jerusalem . ........................................................................ 28 Chapter 8: But, I’m not a Catholic .................................................... 32 Chapter 9: America... here I come ...................................................... 37 Chapter 10: My Friend, John . ............................................................41 Chapter 11: Finding God in the Storm . ............................................ 45 Chapter 12: Trusting God in the War Zone ...................................... 49 Chapter 13: Jahzal . ............................................................................ 52 Chapter 14: The Steadfast Faithfulness of God ................................. 57 Chapter 15: Confrontational Love in the...

Words: 28698 - Pages: 115

Free Essay

My Adventures with Rapunzel

....   For Shannan, With love on her birthday Charlotte xxx Once upon a time, in a land far away, a drop of sunlight fell to the ground. It grew into a magical flower that possessed healing powers. An old women named Mother Gothel discovered the flower, and hoarded its power to preserve her youth and beauty. As centuries passed, a glorious kingdom was built close to the cliff where the flower grew. When the beloved queen fell ill, the townspeople searched for the legendary flower, until at last they found it. The flower made the queen well, and she soon gave birth to a beautiful baby girl. The King and Queen launched a lantern into the sky in celebration.   One night, the vengeful Mother Gothel slipped into the nursery, there lying in two cradles, were two baby girls. Mother Gothel looked at the two babies and wondered which one was the queen’s baby child. She decided the blonde- haired girl looked more like the queen, but the curly- haired one had the same colour hair as the queen, she discovered that the blonde- haired...

Words: 1128 - Pages: 5

Free Essay

My Adventures in Cake and College

...My Adventures In Cake and College The idea of going to college never seemed to be much of a reality when I graduated from high school fourteen years ago, instead I found myself in the position of starting a family. Now that I am in my mid-thirties, with three teenage children, I feel like a kid again with a new passion for things. I have recently found a new passion in my life that apparently I am pretty talented at, which is the wonderful world of cake decorating. I have always been a very crafty person who also loves to cook and bake. A favorite thing to do as a family is to watch all of the cake shows on television, so a little over a year ago when my son turned thirteen I decided I would try my hand at making him a fancy cake like they do on television. I have never had any type of formal training, and really had no idea what I was doing, but I was going to make it work somehow. I did tons of research on the internet, as well as watching several shows to learn as much as I could before I attempted anything. Finally it was time to bake. My son is a what some people would call a legomaniac, so my husband and I decided to make his cake look like Lego blocks that spelled out the number thirteen. It actually turned out to be really cute! Once I had that one under my belt, I did a couple more cakes for family members birthdays over the next couple of months, as well as a couple of carry-in events that we had attended. That is when everything really started to take off. I...

Words: 727 - Pages: 3

Premium Essay

Exculpatory Clause

...Exculpatory Clause Assignment Duluth Outdoor Adventures, LLC Adventure #1: Whitewater rafting In consideration of being allowed to participate in the Duluth Outdoor Adventures, LLC. whitewater rafting adventures, I, myself, have read and agree to the following: 1. I understand and acknowledge that to participate in any activity related to whitewater rafting I must be in good health and in proper physical condition. If there are any, possibly harmful, adventures that I no longer want to take part of I will notify the instructor assigned to my group immediately so that I, myself, can disembarrass from this activity and will no longer take part in this activity. 2.I understand and acknowledge that there are dangerous risks taken with whitewater rafting. I understand that a part of the thrill can cause dangerous, possibly fatal injuries to my person. These injuries include but are not limited to drowning, concussions, broken bones, heart failure, whiplash, cuts, scrapes, contusions, and possible death. I understand and accept full responsibility for all of the possible physical injuries and/or death that might occur to my person during my participation in this activity, whitewater rafting. I UNDERSTAND THAT IN PARTICIPATING WITH WHITEWATER RAFTING, I AGREE THAT I WILL NOT SUE AND HOLD DULUTH OUTDOOR ADVENTURES LLC. LIABLE FOR ANY HARM CAUSED TO MY PERSON. IF ANY HARM COMES TO MY PERSON WHILE USING ANY OF THE WHITEWATER RAFTING FACILITIES, EVEN IF I DECLARE THAT THE INJURY...

Words: 1053 - Pages: 5

Free Essay

Two Day Adventure Program

...A Two Day Adventure Therapy Programme for Disadvantaged Youth For the purpose of this assignment I have chosen to work with disadvantaged or disaffected youth from a programme in Dublin called Bradog Regional Youth Service. There are 10 participants aged between 13-18 years of age of mixed gender and ethnic backgrounds. Participants will take part in an intense two day adventure programme, focusing on developing these individuals with skills that will aid there development. The programme will be facilitated by outdoor adventure instructors and psychologists. The programme will consist of two sessions each day. Each session will involve and activity which will indirectly address development issues for adolescents. Through facilitation methods commonly used in adventure therapy the sessions will be reviewed and the relevant learning shall be drawn from the experience. All food and equipment will be provided by the centre. I have first-hand knowledge and experience with working with disadvantaged youth in an outdoor education centre in Ireland and will be drawing on my own experience when designing this programme. I will first outline the issues that arise that are general to the entire programme. Then I will move on to cover the specific details of the programme. Possible problems with the group There are many problems that can arise when people are put into groups. There may be people that are just focused on themselves and find it hard to relate to others, or even...

Words: 1897 - Pages: 8

Premium Essay

Ecuador Monologue

...One summer, when I was about 12 years old, I got to do just that. I was very young when my grandpa and grandma got involved in the foreign exchange program. An 18 year old man named Angel Uruchima, from Ecuador, came to stay with them and go to school. Angel now lives in Australia, but he frequently visits his family in Ecuador. On one of his many visits my grandpa and I were invited to go to Ecuador with him. We got on plane and flew all the way to Ecuador, where we met Angel’s family and started our adventure. There, customs were quite different from what I was used to in the United States. I had never left the country before, so I had no clear idea on what to expect. The food that we ate was an adventure in itself. We ate all sorts of vegetable that I had never heard of before, swordfish, and even guinea pigs, which is considered a delicacy. The next journey that we embark upon was whale watching and snorkeling. A local business took us out on the ocean to watch whales jump and spray enormous amounts of water high in the air. After a few hours on the water, we got the opportunity to stop and snorkel. I saw tons of fish I’ve never seen...

Words: 1513 - Pages: 7

Free Essay

Jack London

...Jack London began his adventures at a very early age. Born out of wedlock and into a poverty-ridden family he learned to find ways of escaping the dull routine of work. At the age of ten London was selling newspapers to supplement the family income. He labored in canneries, mills, doing laundry and shoveling coal so that he could support his family. Between the laborious chores of earning a living London also had numerous adventures when he tried the other side of the law. The adventures started when he buys himself a small skiff and teaches himself to sail but the pressures of home life take that away from he and he is forced to work at a cannery starting at the tender age of 14. Even at that age Jack London still had continuous thoughts of writing for a living. At the age of 15 London is tired of the low wages and the back breaking work of the factory and decides to take matters into his own hands. He sails out to become an Oyster pirate with the ship “The Razzle Dazzle” that he purchases with money borrowed from Virginia Prentiss. The title “Prince of the Oyster Pirates” is soon given to him, but he soon becomes disillusioned with the rough life and decides to change to the other side of the law again. The next year he joins the Fish Patrol to stop the pirating of the oyster fields. He does not find that to his liking either. His main thought is to get money anyway that he can, legal or illegal, and still have all the adventures he craves. London...

Words: 422 - Pages: 2

Premium Essay

Psychoactive Disorders: Adventure Therapy

...Adventure therapy, wilderness counseling, outdoor behavioral healthcare, and recreation therapy are just a few of the many words used to describe a specific form of psychotherapy based on activities and experiences in nature that promote a therapeutic effect. It is defined as the use “of adventure experiences provided by mental health professionals, often conducted in natural settings that kinesthetically engage clients on cognitive, affective and behavioral levels” (Tucker, Widmer, Faddis, Randolph, and Gass, 2016) .The approach focuses on experiences that are facilitated by a therapist in order to promote change within individuals. This unconventional therapy is becoming better known as research and findings continue to point out its...

Words: 1341 - Pages: 6

Free Essay

Ten Million

...adventurous jet setter. My life would be one long trip around the world. I would have an entourage of thrill seekers to accompany me. Constant excitement and dangerous thrills could be our livelihood. The wonders of the world would become our playground. First I would travel to Madagascar where I would begin with a trek in the Bongolava Mountains. We could spend weeks mountain climbing and repelling from mountain peaks. Swinging from ropes and camping cliff side. Imagine the view in the morning when we would wake up, seeing the sun rise over those African island mountains. Perhaps I could purchase a pet lemur to sit on my shoulder as I venture through the wilderness of Madagascar. Then my team would have to have a canoe safari on the Manambolo River. Without life jackets we would brave the white water rapids and explore the Gorge of Bemaraha, with its steep rocks and grottos. The beauty and sheer wonder of this unspoiled tropical island make Madagascar the perfect place to begin my worldly adventures. Next the team would fly to Cambodia, to see the unexplored and exotic destinations it holds hidden in the jungles. We would bushwhack through the rugged jungles and find ancient and remote temples. Our days would be spent hiking through the lush vegetation in search of the exceptional secluded tribes of native jungle peoples and natural and manmade wonders. In Cambodia I would ride an elephant to the temple complex of Angor. My crew and I would maneuver...

Words: 635 - Pages: 3

Premium Essay

Essay

...My Dream Job (narrative essays) Many years ago, when I was a small child, I admired adventures. I think that since I breathed in for the first time and felt the ground underneath my feet, when for the very first time I looked at the night sky and its many eyes, I wished to live the life of an adventurer. To stride the deserts, to explore the jungles, to wander through the lost cities and to dive into the deep darkness of the ocean I find extremely exciting. My wish is to be an adventurer. To be an adventurer you need some qualities. You need to know how to get out of some risky and dangerous situations. You need to know how to survive. It would also be recommended to know how to sail, because a good sailor a good adventurer. What is more, the most epic adventures are found on the sea. The best thing about going on an adventure is that it is really exciting, filled with thrill and danger. And, I know it is a bit cliche, but danger is my middle name. Another good thing about adventure is the sights you see, the beautiful forests, and the castles... so many wonderful castles that have numerous ancient tales about knights and dragons. But like every human has his disadvantages, going on adventures has its bad sides too. In all the thrill and danger, many have lost their lives. And so 'through the darkness and night a beam of light appears and the Dovahkiin comes,' as the legend says. One day, a man shall appear and repell all the evil, he'll kill all the foes of his...

Words: 310 - Pages: 2

Free Essay

Ghost Town Critical Analysis

...what is real in the now, what happened a while ago and what might occur in the future. People from the past seem to reappear and places seem to shuttle him about based on a plotted story that he has no control over. The general cycle of his endless travels seem to incorporate the befalling on a town where he attains an adventure. This adventure leads him in many directions in and away from the town. Each stage of his planned adventure must be followed to some script that he does not have in his possession nor can he control. Each time he tries to move ahead with his own agenda, he is stopped by whatever or whoever is writing the adventure script, whether it be an empty bar room with no inhabitants or an endless maze through the town that always seems to lead to one location. When our traveler completes his assigned adventure, the town releases him with a narrow memory of what has happened and drops him back in the desert on a travel toward the same town in the distance that he seems to think has been part of his past, but is never sure. It seems to be that our traveler’s life is set to be and endless replay of the same time frame in which his adventures change with the “Luck of the Draw”. In the initial stages of the story, we find out a little of what predicament our traveler has gotten himself into. As he passes along the desert he recalls that he doesn’t remember much of his past or that it seems to all run together, “maybe he was chasing someone or something...

Words: 2562 - Pages: 11

Free Essay

Science Remains Undiscovered

...My Adventurous Journey Travelling has always excited me and when it gets more adventurous it is more interesting. I love travelling and so do my parents. So whenever they get time, we set out for our great journeys that are filled with lots of adventures, fun and excitement. This time we thought we would go trekking. I was so excited that I could not sleep for days. I have only seen in movies and read in books how difficult it is and how one does trekking. My father told me that I would not be allowed great heights and no fuss at the location and so I had no choice, other than listen to him. We, along with our family friends, on our holidays planned our trip and started preparations for it. We used to do our daily exercises so that it would strengthen our bones and muscles for the climb. On the D-day we were so excited that we kids could not control it. With lots of instructions and warnings we stared our journey and the much awaited journey came to an end. When we reached our destination. It was real fun. First we kids were allowed to climb for a small height. It was really adventurous. Stepping on the foot of a mountain to climb it is really exciting. We tried hard, but could not make it to a good height that we could. Then our parents went and they too had a tough time. Slipping and falling and then again retrying, it was all so much fun. We then took a break and tried climbing once again, this time getting better. We were briefed with the risks involved and so...

Words: 361 - Pages: 2

Free Essay

Youth

...English essay A teenage-life isne Isaksen like an adventure. Each day brings something new and you never know what to expect. For me, a teenager-life is hard to live. I can feel how the body changes. Many thoughts go into my mind. Many problems accurse; problems I did not have to deal with when I was 13 years old. Problems with my boyfriend and at home; that is a new task for me. It is hard to focus when these problems are in my head. To pretend to be happy at all times is difficult in the age of 13-17. All kinds of problems pop into my head and I have no idea how to handle them. For me the exams are just around the corner and it is not exactly easy to cope with the pressure when I don’t feel ready. Perhaps I grew up to fast; I did not focus on my schooling – it was much more fun to smoke and drink with my friends weekend after weekend. I am paying for it now. I really want to make an effort when it comes to my schooling. My parents are divorced and it is not easy to be a child and listen to what they have to say to each other. My parents’ divorce was stressful to me and I never wanted them to separate. My mother moves to Dubai for five years – I will see my mother ten times during ten years. I wish I could see her more. Love is difficult. It has been a struggle for me to find a boyfriend but I have been very lucky to meet a young man who loves me. He treats me like a princess and I feel happy and safe with him. I have made a lot of mistakes the last two years and...

Words: 482 - Pages: 2

Free Essay

Adventure

...Adventure refers to the exciting activity or unusual experience. These experiences are often of daring or risky nature. There are many people whose life is filled up with adventurous experiences. The definition of Adventure varies from person to person. It is in actually defined as ‘a risky undertaking of unknown outcome’ which means that an adventurer is one who gets a thrill out of exploits, the result of which may also be dangerous or if in favour, then sublime. Let us consider the options individuals have for adventure, in the modern world, to suit their tastes. To start off with, we can consider sports and its varied disciplines, which are adventurous for sportsmen. Ballooning is a sport which has a lot of scope for adventure; of course it is only for those who can afford it, being a costly proposition. The element of risk is always there with the change of weather and balloons filled with helium prone to lightning and leaks. One can imagine the thrill of rising high into the sky without the drone of an engine and with the advantage of being able to control the direction. The risk factor also is great like the attempts at crossing the Atlantic where these contraption have fallen into oceans after facing turbulent weather or landed on top of mountains with the occupant not equipped to get down to inhabited areas. Speed Boating, Car Racing, Buggy Jumping aster all very adventurous sports, enjoyed by thousands of enthusiasts, the world over. There are some people...

Words: 494 - Pages: 2