Free Essay

English

In:

Submitted By tranhong2811
Words 23577
Pages 95
NGHIÊN CỨU ĐẶC TRƯNG
NGÔN NGỮ - VĂN HÓA CỦA HÀNH VI CHÀO HỎI
TRONG TIẾNG ĐỨC VÀ TIẾNG VIỆT

TS. NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN (

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài Văn hóa và ngôn ngữ là hai đối tượng gắn bó mật thiết, khăng khít với nhau, văn hóa là nội dung và ngôn ngữ là phương tiện chuyển tải nội dung đó, vì thế mối quan hệ ngôn ngữ và văn hóa ngày càng được nhiều người quan tâm, nghiên cứu. Mặt khác, nhu cầu giảng dạy và học tập tiếng Đức cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài gia tăng là động lực thúc đẩy nghiên cứu mối quan hệ ngôn ngữ và văn hóa bởi vì dạy một ngoại ngữ là truyền đạt tới người học các năng lực giao tiếp, ngôn ngữ và cung cấp cho người học toàn bộ những tri thức cần thiết về đất nước học, văn hóa văn minh của cộng đồng ngôn ngữ đó. Giao tiếp nói chung và giao tiếp ngôn ngữ nói riêng luôn là một lĩnh vực mang tính đặc thù ngôn ngữ văn hóa cao. Nói đến năng lực ngôn ngữ là nói đến năng lực sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong giao tiếp, một năng lực linh hoạt, hiệu quả và trên hết, mang tính chuẩn mực xã hội - ngôn ngữ của một cộng đồng giao tiếp. Tiếng Đức là một ngoại ngữ mới, được đưa vào giảng dạy ở Trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội và ở các Trường Đại học khác từ những năm 90 (1900). Bên cạnh việc giảng dạy, các nhà giáo dục học cũng đã có một số công trình nghiên cứu đối tượng ngôn ngữ mới mẻ này, song những nghiên cứu này chưa nhiều và chỉ giới hạn trong việc miêu tả, đối chiếu ở cấp độ từ và câu. Bởi vậy, một nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của các hoạt động chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt là một đề tài mới, bao trùm nội hàm phong phú và đề cập đồng thời nhiều yếu tố liên ngành.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Trong nước: Chào hỏi là đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình khoa học của nhiều nhà ngôn ngữ học và sư phạm học. Các công trình nghiên cứu văn hóa chào hỏi trong tiếng Việt rất phong phú. Tiêu biểu là những công trình như "Nghi thức lời nói tiếng Việt hiện đại qua các phát ngôn chào, cám ơn, xin lỗi" của Phạm Thị Thành (1995), "Grussformeln im Vietnamesischen als sprachliche Umgangsformen" ("Nghi thức chào hỏi trong tiếng Việt là các dạng thức giao tiếp Ngôn ngữ") của Nguyễn Thị Hồng Vân (1999), "Các biểu thức ngữ vi của hành vi chào hỏi trong hát phường vải Nghệ Tĩnh" của Ngô Văn Cảnh (2000), "Các hình thức chào trực tiếp của người Việt" của Nguyễn Thị Lương (2003), "Hành vi chào hỏi trong hội thoại tiếng Anh và tiếng Việt" của Nguyễn Thủy Minh (2000), "Nghiên cứu văn hóa Việt-Pháp thông qua hành vi ngôn ngữ chào hỏi" của Nguyễn Vân Dung (2005), "Đặc trưng xã hội trung Quốc trong ngôn ngữ giao tiếp và trong ngôn ngữ chào hỏi tiếng Hán" của Phó Thị Mai (2005), "Nghiên cứu đối chiếu lời chào hỏi trong tiếng Hàn và tiếng Việt" của Hoàng Thị Yến (2006). Ngoài nước: Từ những năm 60 (1900), nghiên cứu xã hội ngôn ngữ học nổi lên như một trào lưu tiên tiến, giúp giải quyết và nghiên cứu nhiều vấn đề ngôn ngữ học vốn không được giải quyết một cách thấu đáo và triệt để bằng con đường thuần túy ngôn ngữ học. Nổi bật trong giới ngôn ngữ học, đặc biệt là những nghiên cứu của Austin, J. L. (1962): "Zur Theorie der Sprechakte" ("Lý luận diễn ngôn"), Stuttgart, 1972. Ở Đức đã có những công trình nghiên cứu dày công của Thomas Schürmann "Tisch-und Grußsitten im Zivilisationsprozeß" (Phong tục trong nhà hàng và phong tục chào hỏi trong quá trình văn minh hóa) (1930) cũng như nghiên cứu của Carola Otterstedt, "Abschied im Alltag - Grußformen und Abschiedsgestaltung im interkulturellen Vergleich" (Lời chào tạm biệt trong cuộc sống thường nhật - Thể hiện lời chào gặp mặt và chào chia tay trong so sánh liên văn hóa) (1993)... Cho đến nay, các hành vi lời nói mang tính lễ nghi, trong đó có hành vi chào hỏi, chưa được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu nhất là trong lĩnh vực đối chiếu, so sánh hai ngôn ngữ Đức - Việt. Các nghiên cứu về đề tài này chỉ có hai khóa luận tốt nghiệp của Lưu Lan Dung và Văn Như Quỳnh, sinh viên ngành tiếng Đức Khóa 030G1 (2005) và 031G1 (2006). Trong các công trình nghiên cứu đối chiếu toàn diện và chuyên sâu hoạt động chào hỏi, có thể kể ra đây nghiên cứu tiêu biểu của Stickel "Sprachliche Umgangsformen im Deutschen und mehreren asiatischen Sprachen" (Hình thức giao tiếp trong tiếng Đức và trong các ngôn ngữ Á Châu ), tại Hội thảo Bangkok, Thái Lan năm 2000, trong đó bao gồm bài viết của một số tác giả với nội dung phân tích lời chào trong các thứ tiếng ở Châu Á. Đó là những bài viết của các tác giả: Badwe "Sprachliche Umgangsformen im Deutsch und im Marathi" (Giao tiếp ngôn ngữ trong tiếng Đức và tiếng Marathi), Bhave "Zu sprachlichen Umgangsformen: Deutsch - Hindi" (Giao tiếp ngôn ngữ trong tiếng Đức - Hindi), Chang "Wie anders redet man sich im Chinesischen an?" (Cách xưng hô trong tiếng Trung quốc), Rinaju "Sprachliche Umgangsformen in Bahasa Indonesia"(Giao tiếp ngôn ngữ ở Bahasa Indonesia) và Nguyễn Thị Hồng Vân "Grussformeln im Vietnamesischen als sprachliche Umgangsformen" (Nghi thức chào hỏi trong tiếng Việt như là các dạng thức giao tiếp ngôn ngữ).

3. Mục đích nghiên cứu Trong giảng dạy ngoại ngữ, phương pháp dạy theo đường hướng giao tiếp hoạt động đang được quan tâm. Nó đặt ra yêu cầu không chỉ giảng dạy các qui tắc cấu thành và sản sinh một cách tích cực các đơn vị lời nói, mà còn giảng dạy các qui tắc giao tiếp lời nói, các qui tắc chịu sự qui định chặt chẽ về mặt xã hội và mang những đặc điểm văn hóa - lịch sử dân tộc khác. Miêu tả để từ đó khắc họa được những đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa, xã hội các phương thức biểu đạt là phục vụ mục đích giảng dạy đổi mới nêu trên. Đề tài đặt ra mục đích là nghiên cứu một cách hệ thống những lời chào hỏi khi gặp mặt và khi chia tay trong tiếng Đức. Trong miêu tả tập trung vào những đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa chào hỏi, từ đó đối chiếu với những lời chào hỏi tương đương có trong tiếng Việt, nêu ra những nét giống nhau và những điểm khác biệt trên bình diện ngữ ngôn và ngữ dụng và bình diện liên văn hóa. Đề tài cũng đặt ra mục đích giúp sinh viên nắm được những đặc trưng ngôn ngữ, tâm lý, xã hội, văn hóa ... của hành động chào hỏi trong tiếng Đức, từ đó nâng cao năng lực và hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ và dịch thuật, để nhận rõ cái đúng, cái hay trong giao tiếp ngôn ngữ. Kết quả nghiên cứu góp phần làm phong phú thêm vốn hiểu biết về văn hóa chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt, qua đó giúp tiếp nhận và sử dụng được ngôn ngữ này một cách hiệu quả.

4. Nhiệm vụ của đề tài Thu thập tài liệu nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Tham khảo, đọc các tài liệu để nắm vững và trình bày cơ sở lý luận về hành vi ngôn ngữ và hành vi ngôn ngữ chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt. Tập hợp, miêu tả và phân tích cách sử dụng các lời chào trong tiếng Đức và các mô hình chào hỏi trong tiếng Việt, so sánh và nêu những khái quát tương đồng và dị biệt. Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, việc hướng dẫn sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp, nghiên cứu đặc trưng văn hóa ngôn ngữ thông qua đối chiếu lời chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt cũng được quan tâm. Năm 2006 đã có một khóa luận của Lưu Lan Dung, sinh viên 030G1 về đề tài "Nghiên cứu lời chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt" và năm 2007 sinh viên Văn Như Quỳnh Khóa 031G1 cũng quan tâm và viết khóa luận với đề tài "Nghiên cứu đối chiếu lời chào hỏi tiếng Đức và tiếng Việt". Tập hợp danh sách các lời chào hỏi và cách sử dụng chúng trong tiếng Đức làm tư liệu học tập và tham khảo, truyền đạt tới người học bản sắc ngôn ngữ - văn hóa Đức và Việt. Những đặc trưng tích cực và sinh động được nhấn mạnh, được phát huy. Đưa ra mô hình giảng dạy hành vi ngôn ngữ chào hỏi theo một quá trình thủ đắc ngôn ngữ từ tiếp thu những điều được học và học được đến chỗ biến điều đã học thành tri thức của mình, giúp ngoại ngữ có sức sống và tạo sinh. Giúp hình thành một quá trình: nhận biết, hiểu rõ, tiếp nhận và sử dụng được các lời chào hỏi một cách đúng, phù hợp và chấp nhận được về mặt ngôn ngữ, văn hóa trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, với một đối tượng giao tiếp cụ thể, để đạt được mục đích giao tiếp cụ thể theo một chiến lược giao tiếp nhất định nào đó. Kết quả nghiên cứu nhờ đó đi vào thực tiễn giảng dạy và học tập, giúp việc giảng dạy và học tập có hứng thú, hiệu quả, có sáng tạo và dịch thuật thu được kết quả. Đó là nhiệm vụ lớn nhất mà chúng tôi nhằm đạt được khi tiến hành nghiên cứu này.

5. Đối tượng và phạm vi của nghiên cứu Nghiên cứu tập trung vào hành vi chào hỏi thông qua các lời chào hỏi phổ biến, được dùng thông dụng trong giao tiếp thường nhật trong tiếng Đức và tiếng Việt. Trọng tâm của nghiên cứu là tập hợp, hệ thống hóa, phân tích đặc trưng văn hóa - ngôn ngữ và đặc trưng văn hóa - xã hội của các lời chào, so sánh và khái quát hóa những nét tương đồng và dị biệt của những lời chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt. Những lời chào hỏi trong tiếng Đức được miêu tả: (1) Về loại hình, (2) Về xuất xứ, (3) Về cách sử dụng, (4) Các tiêu chí xã hội và (5) Các tiêu chí ngôn ngữ. Những lời chào hỏi bao gồm hai nhóm: (1) Những lời chào hỏi khi gặp mặt (hay còn gọi "lời chào đầu" - Thomas Schürmann), khi những đối tượng giao tiếp đối mặt nhau ("mặt đối mặt" - Nguyễn Văn Khang 2000: 365) và (2) Những lời chào hỏi khi chia tay (hay còn gọi "lời chào cuối" - Thomas Schürmann) và (3) Những lời chào hỏi khi gặp mặt và khi chia tay. Không nằm trong phạm vi nghiên cứu của đề tài là những lời chào mang tính chất cá biệt, đặc trưng cho một nhóm hay một số đối tượng cá biệt và những lời chào mang tính nghi lễ đặc thù trong quân đội, tôn giáo ... cũng như những ước lệ chào hỏi qua điện thoại, qua mailen hay chatten và những hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ âm thanh và văn bản khác trên mạng. Song, phạm vi nghiên cứu được mở rộng khi đề cập đặc tính ngôn ngữ - văn hóa, sự phát triển lịch đại và cách sử dụng đồng đại những lời chào trong tiếng Đức không chỉ thông dụng trong đời sống giao tiếp của xã hội Đức mà cả ở một số quốc gia trong cộng đồng nói tiếng Đức khác như Áo, Thụy Sĩ, Nam Tirol (Südtirol) ... Khi đề cập những hoạt động chào hỏi này, đặt và xem xét nó trong bối cảnh xã hội thực tại, bởi, với tư cách là một trong những hành vi của con người, "giao tiếp ngôn ngữ nằm trong mạng quan hệ xã hội, chịu sự chế ước của mối quan hệ đó, bao gồm các nhân tố như văn hóa xã hội, phong tục tập quán, chuẩn tắc hành vi ..." (Nguyễn Văn Khang 2000: 364).

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của nghiên cứu Một mặt, nghiên cứu là một đóng góp về mặt lý luận ngôn ngữ học, đặt cơ sở cho những nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ văn hóa, đặc biệt là đối chiếu ngôn ngữ Đức - Việt. Mặt khác, kết quả nghiên cứu sẽ giúp công tác giảng dạy môn tiếng Đức cho người Việt Nam và tiếng Việt cho người nước ngoài: (a) Giúp chuyển tải văn hóa văn minh dân tộc và (b) Nắm được các loại hình giao tiếp chào hỏi, văn hóa ứng xử thông qua các hành vi chào hỏi, áp dụng các mô hình này vào các ngữ huống một cách linh hoạt và văn hóa, qua đó nâng cao hiệu quả giờ dạy nói, dạy dịch, dạy văn hóa văn minh, điều mà từ lâu là mối quan tâm của các nhà giáo dục học.

7. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu là kết hợp giữa qui nạp, diễn giải và miêu tả: a. Thu thập và xử lý các tài liệu tiếng Đức và tiếng Việt có liên quan tới đề tài. Trình bày các nghiên cứu mang tính chất lý luận, làm cơ sở cho nghiên cứu. b. Lựa chọn, phân loại những lời chào hỏi trong tiếng Đức và các mô hình chào hỏi trong tiếng Việt. c. Phân tích, so sánh các đặc điểm chính, các mô hình và cách sử dụng các lời chào trong tiếng Đức và tiếng Việt được biểu hiện bằng các yếu tố ngôn ngữ và các yếu tố phi ngôn ngữ. Đặt ngôn ngữ - với tư cách là một trong những hành vi của con người - vào ngữ huống cụ thể và thông qua đó nêu được đặc trưng văn hóa - ngôn ngữ và văn hóa dân tộc của lời chào hỏi trong cả hai ngôn ngữ. d. Khái quát các nét tương đồng và dị biệt của lời chào trong tiếng Đức và tiếng Việt. e. Đưa ra một số hệ quả sư phạm đưa vào giảng dạy Thực hành tiếng Đức Tổng hợp và giảng dạy môn Biên dịch và Phiên dịch ở Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Tây.

8. Cấu trúc của đề tài Ngoài phần mở đầu, đề tài gồm bốn chương nội dung, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo và các công trình có liên quan đến đề tài đã được công bố.

Chương I
CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU

1. Những khái niệm cơ bản
1.1. Hành vi ngôn ngữ Theo John R. Searle, hành vi ngôn ngữ (Sprechakt) là "những đơn vị cơ bản hoặc nhỏ nhất trong giao tiếp ngôn ngữ." Nghĩa là hành vi ngôn ngữ được coi là đơn vị nhỏ nhất của giao tiếp. Như mọi người đều biết, hành vi ngôn ngữ không đơn giản chỉ là đưa ra những câu đúng ngữ pháp mà ở mỗi câu còn có một kiểu hành vi nhất định được thực hiện, ví dụ như hỏi, chào, bắt chuyện, ra lệnh, từ chối, cảm ơn, xin lỗi ... Có thể thấy rằng, trong giao tiếp có nhiều hành vi ngôn ngữ được thực hiện đồng thời. Hành vi ngôn ngữ được coi như là "một phần của lời nói, là đơn vị ngữ cảnh - mục đích, có nghĩa, mang đặc trưng cấu âm - âm học, được người nói và người nghe liên kết trong một ngữ cảnh nhất định thông qua các ý nghĩa tương tự với chúng. Một hành vi ngôn ngữ diễn ra khi một người nói với người kia một điều gì đó." (Trích theo Kadzadej 2003: 104) John R. Searle phân biệt hành vi ngôn ngữ thành các hành vi ngôn ngữ bộ phận: Hành vi tạo lời (lokutive Akt - Äußerungsakt), hành vi ngoài lời (illokutive Akt - der Vollzug einer Sprechhandlung) và hành vi sau lời (perlokutive Akt - die Wirkung, der Einfluss der Äußerung). "Trong các tài liệu Việt ngữ học, thuật ngữ locutionary act thường được dịch là hành động tạo lời, illocutionary act - hành động ở lời và perlocutionary act - hành động mượn lời hay hành động xuyên ngôn." (Nguyễn Thiện Giáp 2000: 44) Chúng tôi dùng các thuật ngữ mà Nguyễn Thiện Giáp đưa ra cho các khái niệm trên là hành vi tạo lời, hành vi ngoài lời và hành vi sau lời do các thuật ngữ này giúp dễ dàng nắm bắt nội dung hơn. Theo đó, hành vi tạo lời là biểu đạt phát âm các từ, hình vị, câu và xác định các yếu tố liên quan, nghĩa là việc nói ra một câu với ý nghĩa và sở chỉ xác định), hành vi ngoài lời (thực hiện một hành vi ngôn ngữ theo một loại hình nhất định ví dụ hỏi, trả lời, ra lệnh, mong ước...) và hành vi sau lời (tác động, ảnh hưởng của lời nói tới tình cảm, suy nghĩ, tiếp nhận và đối với các hành vi diễn ra sau đó, tức là hiệu quả, tác động đối với người nghe phát sinh từ hành vi ngôn ngữ trên). "Für die Analyse entscheidend sind der lokutive Akt (Äußerungsakt, das Hervorbringen von Wörtern, Morphemen und Sätzen und der propositionale Akt, durch den auf etwas Bezug genommen wird, d.h. das Vollziehen einer Aussage über einen bestimmten Objektbereich), der illokutive Akt, (der Vollzug einer Sprechhandlung, die zu einem bestimmten Handlungstyp z.B. Fragen, Antworten, Befehlen, Wünschen usw. gehört) sowie der perlokutive Akt, (die Wirkung, der Einfluss der Äußerung auf die Gefühle, Gedanken, Annahmen und auf die darauf folgenden Handlungen, also die Konsequenzen und Wirkungen, die sich für den Hörer aus dem Sprechakt ergeben)." (Trích theo Kadzadej 2003: 108)
1.2. Hành vi ngôn ngữ "chào" Chào hỏi là một trong những hành vi ngôn ngữ dùng trong giao tiếp thường nhật, diễn ra một cách tự nhiên, không thể thiếu trong bất kỳ một ngôn ngữ nào. Trong tiếng Đức, để biểu thị hành vi chào hỏi, là hai động từ ngôn hành (performative Verben: là những động từ chỉ những hành động thực hiện bằng ngôn từ - Nguyễn Thiện Giáp 2000) "grüßen" và "begrüßen". Về khái niệm "grüßen" trong tiếng Đức, cuốn Từ điển Großwörterbuch của Nhà xuất bản Langenscheidt giải thích như sau: "grüßen" là: 1. Gửi lời chào tới ai (VD: Grüße bitte deine Schwester von mir!) 2. Chào hay tạm biệt ai (VD: Er zog grüßend den Hut.) 3. Chyển lời chào tới ai (VD: Die Gabi lässt grüßen. = Sie sagte mir, ich sollte dir ihre besten Wünsche überbringen.) (Langenscheidts Großwörterbuch 2002: 434) và "begrüßen" là: 1. Chào mừng ai khi gặp mặt (VD: Der Außenminister wurde bei seiner Ankunft auf dem Flughafen vom Staatspräsidenten begrüßt.) 2. Chúc mừng (VD: einen Vorschlag, eine Entscheidung begrüßen). (Langenscheidts Großwörterbuch 2002: 132) "Grüßen" và "begrüßen" thuộc về những hoạt động giao tiếp thường nhật. Ngày ngày người ta chào người này người kia, "grüßen" và "begrüßen" đều diễn ra tự động. Đơn giản là chúng thuộc về đời sống và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Trong một số trường hợp, "grüßen" và "begrüßen" hay "jemanden willkommen heißen" được thực hiện nối tiếp nhau trong khuôn khổ một nghi thức gặp mặt, VD:
|Guten Tag! ("grüßen") |Xin chào! |
|Ich freue mich sehr, dass Sie uns einmal besuchen. |Tôi rất vui được Ngài đến thăm. |
|("begrüßen") | |
|Hallo! ("grüßen") |Xin chào! |
|Herzlich willkommen daheim! ("begrüßen") |Nhiệt liệt chào mừng quý vị đến thăm! |

Trong tiếng Đức, khi nghĩ đến "grüßen" và "begrüßen" thường thì người ta nghĩ chúng là như nhau, cùng mang tính cố định về mặt hình mẫu trong các phát ngôn chào hỏi khi gặp mặt và chia tay. Tuy vậy, "grüßen" và "begrüßen" không được coi là đồng nghĩa hoặc đồng nhất với nhau, giữa chúng tồn tại một số khác biệt. o Sự khác biệt quan trọng nhất giữa chúng là lời chào (Grüße) có thể xuất hiện đầu hay cuối tương tác giao tiếp mà theo đó Schürmann gọi là "lời chào đầu" (Initialgrüße) hay "lời chào cuối" (Terminalgrüße), ngược lại chào mừng (Begrüßung) thì không. o Các đối tượng giao tiếp khi chào nhau Xin chào!, Chúc một ngày tốt lành!, Chào buổi sáng! ... là một dấu hiệu cho thấy họ nhận ra nhau một cách lịch sự. Các diễn đạt "chào mừng" và "lời chào mừng" (Begrüßung) chỉ liên quan đến phần đầu của hội thoại, báo hiệu một tương tác giao tiếp sẽ diễn ra ngay sau lời chào mừng. Nhìn chung, "lời chào mừng" mở ra một chuỗi các tương tác gần nhau hơn. Nếu sau khi hai người bạn đã chào nhau thì thông thường sẽ là một cuộc hội thoại ngắn. Người ta hỏi nhau tình hình sức khỏe hoặc khẳng định với nhau một số điều rất bình thường, chẳng hạn người này nói thời tiết đẹp, người kia công nhận ... Sau đó người ta chia tay mà không có nghi thức gì. o Hành vi chào hỏi và chào mừng có một sự khác biệt rõ rệt: "Trong khi ở chào hỏi luôn có sự trao đổi, còn ở chào mừng thì không: Nếu X chào Y thì Y cũng có thể thực hiện một lời chào đáp lại, nhưng nếu X chào mừng Y thì Y không thể đưa ra một lời chào mừng đáp lại được." o Một điểm khác biệt nữa thể hiện ở cách sử dụng động từ ngôn hành "grüßen" và "begrüßen": Trong tiếng Đức, "grüßen" được quy tắc thành các phát ngôn chào: "Grüß Dich!", "Grüß Euch!" và "Grüß Sie!". Trái lại, chào mừng "begrüßen" hoặc cụm đồng nghĩa "Willkommen heißen!" lại được sử dụng rất rộng rãi, đặc biệt là chào mừng nơi công sở, trong các cơ quan, tổ chức. Trong tiếng Đức có nhiều khả năng thực hiện lời chào mừng trong các cơ quan, tổ chức. Ở đây người ta sử dụng vô số lời chào, trong đó có một số lời chào rất chi tiết và cụ thể, chẳng hạn: "Ich begrüße Sie, meine Damen und Herren!" (Tôi gửi lời chào mừng tới toàn thể quý vị!), "Liebe Gäste!" (Thưa các vị khách!), "Im Namen aller ...!" (Thay mặt cho toàn thể ...!), "An der Stelle ...!" (Thay mặt ...!), "Ich heiße Sie ... willkommen!" (Tôi xin được chào mừng ...!). (Kadzadej 2003: 102) Tóm lại, giữa hai khái niệm "grüßen" và "begrüßen" có một số khác biệt quan trọng. Trong những phần tiếp theo của bài viết này, đặc biệt trong phần nghiên cứu hành vi ngôn ngữ chào hỏi sau đây, chúng tôi sẽ đi vào khái niệm "grüßen".

1.3. Hành vi ngôn ngữ "grüßen" trong tiếng Đức Hành vi ngôn ngữ "grüßen" thông thường được biểu đạt thông qua các hành vi chuẩn tắc, có dạng xác định, thông qua các lời chào và tạm biệt. Điều kiện duy nhất đối với việc thể hiện một lời chào, đó là các đối tác giao tiếp phải gặp nhau. Việc thực hiện hành vi ngôn ngữ "grüßen" (Hallo!, Guten Tag!) sẽ thành công nếu người nghe nắm được kiểu chào đó và tự hiểu rằng đó là lời chào dành cho mình. Thông qua sử dụng thành thói quen, các biểu thức chào hỏi được giảm thiểu thành những cụm từ xã giao, khuôn mẫu. Hành vi ngôn ngữ "grüßen" do đó không được xem là hành vi tạo lời (locutionary act) thực sự. Đa phần các kiểu chào hỏi, chẳng hạn như "Hallo!" đều không mang nghĩa, chức năng dụng học của chúng chỉ được thể hiện khi chúng đóng vai trò làm dấu hiệu trong những ngữ cảnh văn hóa nhất định: người nhận lời chào nhận thấy mình được chào và đáp lại. Theo Hartmann "các diễn đạt như "Hallo!" và "Guten Tag!" là những phương tiện quy ước, qua cách vận dụng chúng, người nói có thể cho đối tượng giao tiếp của mình khi bắt đầu tương tác giao tiếp biết rằng người nói đang chào anh ta." (Trích theo Kadzadej 2003: 103). Hành vi ngôn ngữ "grüßen" cùng với các dạng thức mà nó được thực hiện đánh dấu sự mở đầu và kết thúc một hành vi giao tiếp, chúng phục vụ cho việc xác định ranh giới của giao tiếp. Hành vi ngôn ngữ "grüßen" thể hiện một hành vi ngôn ngữ liên quan đến đối tượng giao tiếp, người nói ra hiệu cho đối tác của mình rằng giao tiếp đã bắt đầu hay kết thúc. Trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn chào khi đi qua nhau thì lời chào vừa mở đầu vừa kết thúc giao tiếp.

2. Các lời chào Các lời chào là các đơn vị lời nói làm phương tiện biểu đạt các hành vi chào hỏi nói trên. Các phát ngôn chào có những đặc điểm nhất định. 1. Thứ nhất, các lời chào là các phát ngôn mang tính nghi thức, tức là các phát ngôn phục vụ cho những hành vi ứng xử mang tính nghi thức. Nhìn chung các hoạt động máy móc mang tính quy ước được gọi là nghi thức, các hoạt động này có thể được diễn tả bằng cử chỉ hoặc ngôn ngữ. "Một nghi thức là một hành vi tự nhiên máy móc, mang tính quy ước, thôngqua đó một cá thể bày tỏ sự tôn trọng và kính mến với một đối tượng có tầmquan trọng so với đối tượng này hoặc so với chính đại diện của anh ta". (Trích theo Kadzadej 2003: 107) 2. Thứ hai, các lời chào là một phần luôn hiện diện trong giao tiếp hằng ngày, chúng là những nghi thức thường nhật, có hai đặc tính: (a) đặc tính đối thoại và (b) đặc tính trao đổi. (a) Đặc tính đối thoại của lời chào đòi hỏi sự trao nhận và trả lời. Chừng nào một lời chào được thực hiện thì có một lời chào đáp lại, đây là điều kiện rất quan trọng. Lời chào đáp lại được coi như yếu tố thứ hai trong trình tự, nếu không có nó, rất có thể đó sẽ là dấu hiệu của sự bất nhã hoặc xúc phạm. (b) Đặc tính trao đổi của lời chào tạo nên một khung quanh tương tác giao tiếp. Hành vi chào grüßen với tư cách là một hành vi nghi thức là một thể tự nhiên có hai thành phần: sau lời chào phải là một lời chào đáp lại, chúng có thể quan hệ đối xứng hoặc không đối xứng với nhau. Đối xứng nhau là dạng thức đầu bằng với dạng thức phản ứng, nghĩa là lời chào đáp lại là sự lặp lại từng từ của lời chào đầu gọi là dạng thức cộng hưởng. Đặc tính cộng hưởng của phát ngôn chào được miêu tả như là các cặp đôi liền kề (adjacency pairs), nghĩa là các cặp đôi nối tiếp nhau trực tiếp, chế định nhau về mặt giao tiếp, có quan hệ đối xứng, mẫu trình tự của nó là: - Hallo! Chào! (chào gặp mặt khởi xướng) - Hallo! Chào! (chào đáp lại). - Tschüs! Tạm biệt! (chào tạm biệt khởi xướng) - Tschüs! Tạm biệt! (chào đáp lại). Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp chào khởi xướng lại khác dạng thức chào đáp lễ, nhưng sự khác biệt này thường không đáng kể và không ảnh hưởng tới đặc tính cộng hưởng. - Guten Morgen! Chúc một buổi sáng tốt lành! (chào khởi xướng) - Guten Tag! Chúc một ngày tốt lành! (chào đáp lại)

3. Chức năng của lời chào 1. Chức năng nổi bật của lời chào là sự diễn tả phép lịch sự. Trong giao tiếp "mặt đối mặt", lời chào trở thành bắt buộc khi gặp gỡ cũng như khi chia tay. Lời chào có nghĩa là nói "vâng" với giao tiếp xã hội. Nếu không có lời chào, các qui tắc lịch sự, xã giao sẽ bị xâm phạm. 2. Lời chào còn góp phần xác định ranh giới trong giao tiếp bằng việc đưa ra dấu hiệu cho biết sự mở đầu và kết thúc một tương tác giao tiếp. Thông qua sự xuất hiện của mình trong giai đoạn đầu và cuối hội thoại, lời chào qui định sự chuyển tiếp từ không tương tác đến tương tác và từ tương tác thành không tương tác (trong trường hợp lời chào cuối). 3. Lời chào còn có vai trò là phương tiện để định nghĩa và chứng nhận mức độ thân mật và thứ bậc của các đối tác giao tiếp. Lời chào thể hiện mối liên hệ xã hội của các đối tác giao tiếp ra bằng lời. Lời chào đầu quan trọng là vì chúng thể hiện sự nhận biết ban đầu giữa các đối tác giao tiếp. Ví dụ, ở Công ty, một nhân viên sẽ đưa ra các lời chào khác nhau đối với các đối tượng giao tiếp (ĐTGT) khác nhau: “Guten Morgen, Herr Direktor!” Xin chào Ông Giám đốc!. Mô hình chào được cấu trúc gồm lời chào, từ xưng hô, chức danh của ĐTGT. Vẫn nhân viên đó chào trưởng phòng: “Guten Morgen!” Xin chào anh! và chào đồng nghiệp: “Morgen!“ Chào anh/chị! Cách dùng khác nhau như vậy là thể hiện sự kính mến, tôn trọng hay thân thiện. Thông qua hành vi chào hỏi, người được chào có thể cảm thấy mình được đề cao, hạ thấp hay bị xúc phạm. 4. Lời chào tạm biệt có chức năng củng cố mối liên hệ của đối tác giao tiếp trong tương lai. Do vậy câu chào bằng lời sẽ phải đưa lên trước, những câu chào phi lời không thể thay thế được lời chào tạm biệt. Trong khi sự từ chối một lời chào đầu trước tương tác giao tiếp còn có thể làm hòa được, thì sự từ chối một lời chào cuối sẽ đưa lại mối nguy cơ cho các lần tiếp xúc sau. Sự thiếu một lời chào tạm biệt sẽ gây ra mối lo ngại chấm dứt giao tiếp, ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa hai bên đối tác, rất có thể dẫn đến các phản ứng như giảm sút niềm tin, tình cảm, từ chối hoặc thậm chí chấm dứt quan hệ. 5. Một số lời chào lại được khắc họa rõ nét bởi môi trường xung quanh và đóng vai trò là phương tiện nhận biết. Giới thanh niên, các tổ chức và các nhóm nghề nghiệp sử dụng những dạng thức chào hỏi riêng. Bằng việc vận dụng những dạng thức chào hỏi này có thể cho thấy các đối tượng giao tiếp thuộc về một nhóm nhất định hoặc cho thấy sự tăng cường cảm giác đoàn kết. 6. Lời chào thường sở hữu chức năng biểu cảm, giá trị biểu cảm được thể hiện nhờ cách nhấn giọng và cảm thán, ví dụ "A! Xin chào!" hoặc "Ô! Xin chào!".

4. Phân loại lời chào Trong tiếng Đức, lời chào, lời chúc, câu hỏi về trạng thái hay biểu hiện sự ngạc nhiên, trong nhiều phương diện khác nhau, có quan hệ rất gần gũi với lời chào. Trong Luận án Tiến sĩ "Nghiên cứu so sánh các dạng thức xưng hô và chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Anbani" của mình, Kadzadej đã đưa ra các tiêu chí phân biệt lời chào với lời chúc, lời chào với câu hỏi về trạng thái, lời chào ngạc nhiên và câu hỏi xác nhận. Đồng thời Kadzadej còn chỉ rõ ranh giới của lời chào với các hành vi ngôn ngữ tương tự này. (Kadzadej "Anrede- und Grußformen im Deutschen und Albanischen (kontrastiver Vergleich)" 2003). - Viel Spaß noch!, Schönes Wochenende! Chúc vui vẻ!, Chúc cuối tuần vui vẻ! (lời chúc) - Wie geht's?, Was macht die Musik? Khỏe không? Sức khỏe thế nào? (câu hỏi về trạng thái) - Was machst du denn hier!, Was für eine nette Überraschung! Anh làm gì ở đây vậy! Ôi, ngạc nhiên làm sao! (lời chào ngạc nhiên), và - Na, wieder mal einkaufen? Thế nào, lại mua sắm nữa à? (câu hỏi xác nhận).
4.1. Lời chào và lời chúc Giữa lời chào và lời chúc có một mối quan hệ chặt chẽ. Sự biểu đạt những lời chúc tốt đẹp là cơ sở nảy sinh lời chào. Prause tính cả lời chào vào nhóm lời chúc và khẳng định rằng "Các dạng thức chào hỏi ngày nay trong tiếng Đức (...) phần lớn là lời chúc". (Trích theo Kadzadej 2003: 113). Đúng vậy, "Guten Tag!" có nguồn gốc từ lời chúc trong tiếng Đức trung đại, là dạng thức rút gọn của lời chúc: "got gebe iuch einen guoten tac!" (Wikipedia). Ngày nay, khi kết thúc hội thoại, thay lời chào "Tạm biệt!", việc sử dụng "Một ngày tốt lành!", "Cuối tuần vui vẻ!" thường được bắt gặp hơn. Thực tế cho thấy, đang có một xu hướng cấu tạo các mô hình lời chúc chi tiết hơn, một sự "chân thành" (Kadzadej), bao gồm cả lời chào và lời chúc. Đi kèm lời chào "Auf Wiedersehen!" Tạm biệt!, thường là "Einen schönen Tag noch!" Chúc một ngày tốt lành!, "Einen schönen Abend!" Chúc một buổi tối tốt lành!, "Ein schönes Wochenende!" Chúc cuối tuần vui vẻ!, "Haben Sie eine gute Zeit!" Chúc anh có một thời gian tốt!, hoặc "Passen Sie gut auf sich auf!" Hãy bảo trọng!, hay "Wir sehen uns (dann)!" Gặp nhau sau nhé! Đặc biệt rõ nét là những dạng thức có chức năng kép: chức năng một lời chào để ngưng giao tiếp, và chức năng của một lời chúc thực sự, thông qua việc sử dụng động từ ngôn hành chúc, chẳng hạn "Einen schönen Feierabend wünsche ich Ihnen!" Chúc anh thư giãn tốt! và "Ich wünsche Dir ..." Chúc anh/chị ...! Muốn phân biệt giữa lời chào và lời chúc cần phải đưa ra biểu đạt theo trình tự, xem chúng ứng với trình tự của một lời chào hay một lời chúc: (a) Khi diễn ra hành vi chào sẽ có một trình tự thông thường là chào - chào (đáp lại/cộng hưởng), (b) khi diễn ra hành vi chúc sẽ có lời cảm ơn đáp lại lời chúc của đối tác giao tiếp, và mẫu trình tự sẽ là chúc - cám ơn (không phải chúc đáp lại/cộng hưởng). "Một ngoại lệ trong lời chào theo nghi thức nhà thờ, ở đây người ta hay đáp lại lời chào: "Gelobt sei Jesus Christus!" bằng lời chào đáp lại: In Ewigkeit Amen!". (Kadzadej 2003: 114) Đối với sự phân biệt giữa lời chào và lời chúc thì dạng thức "Gute Nacht!" lại chiếm một vị trí đặc biệt. "Gute Nacht!" có thể được hiểu là kết quả thực hiện một lời chúc cũng như kết quả thực hiện một lời chào. Trong khi, việc đáp lại lời chào khởi xướng "Guten Tag!", "Guten Morgen!" hoặc "Guten Abend!" bằng "Danke, gleichfalls!" có thể gây khó hiểu thì ở lời chúc "Gute Nacht!", người ta hoàn toàn có thể chúc đáp lại "Danke, gleichfalls!" hoặc "Danke, ebenfalls!" Chúc anh cũng vậy!, đó được xem là đúng và có thể chấp nhận được. Đồng thời "Gute Nacht!" có chức năng làm lời chào cuối và ám chỉ dạng thức cộng hưởng. Do vậy, "Gute Nacht!" cũng là câu chào đáp lễ thường gặp.
4.2. Lời chào và câu hỏi về trạng thái Sự phân biệt lời chào và câu hỏi trạng thái còn phức tạp hơn nhiều. Dường như chưa có một quan điểm thống nhất có nên xếp câu hỏi về trạng thái "Wie geht’s?" vào nhóm lời chào hay không. Tuy việc hỏi về trạng thái (sức khỏe) ở giai đoạn bắt đầu hội thoại, chúng vẫn không giống với việc biểu đạt lời chào. Đặt ra câu hỏi về trạng thái, các bên giao tiếp thường chờ đợi một câu trả lời "Danke, gut!", "Danke, sehr gut!", "Danke, es geht!", "Danke, es muss gehen!", như vậy thì sự cộng hưởng - đối với lời chào là rất quan trọng - bị loại trừ. Sự lặp lại từng từ đối với câu hỏi trạng thái vẫn được coi là chưa đủ. Trong hầu hết mọi trường hợp, sau câu hỏi về trạng thái sẽ là lời cảm ơn từ phía người được hỏi và kèm theo một câu trả lời ít nhiều mang tính rập khuôn, ví dụ "Cám ơn, tôi khỏe!", "Cám ơn, rất tốt!", "Cám ơn, cũng tạm được!"- "Còn anh/còn bạn?", "Mọi việc thế nào?", "Ổn cả chứ?", "Mọi việc của anh tốt chứ?". Sẽ rất thích hợp nếu đưa ra một lý do nữa để phân biệt lời chào và câu hỏi về trạng thái. Trong khi lời chào đầu khi đi ngang qua mang tính rập khuôn có thể trao đổi được thì câu hỏi về trạng thái lại không thể, nếu giao tiếp không tiếp diễn. Ngay cả trong những tình huống trong đó có câu biểu đạt bằng lời duy nhất "Wie geht’s?" và câu hỏi đáp lại, cũng phải chỉ rõ sự kết thúc cuộc giao tiếp bằng những câu biểu đạt khác liên quan tới tạm biệt và/hoặc là những phương tiện phi lời tương ứng. Nhờ vậy các câu hỏi về trạng thái và câu trả lời mới được xem xét chỉ trong phạm vi lời chào của tương tác giao tiếp và chúng không được xếp ngang bằng với lời chào đầu thực sự. Sự trao đổi các câu hỏi rập khuôn về trạng thái cũng như giải thích về trạng thái không được phép đồng nhất với sự trao đổi các dạng thức chào hỏi. Một phần của khả năng giao tiếp là biết được rằng câu hỏi về trạng thái vào đầu tương tác giao tiếp có thể được đưa ra và được trả lời theo khuôn mẫu "Danke, gut!". Tuy nhiên trong khẩu ngữ, những câu trả lời khác nhau về tình trạng sức khỏe như "Danke, nicht so gut!" Cám ơn, không tốt lắm!, "Beschissen!" Rất tệ!, lại cho thấy điều đó là có thể chỉ khi các đối tác rất quen biết nhau.
4.3. Lời chào "thực sự", "lời chào ngạc nhiên" và "câu hỏi xác nhận" Bởi sự mong đợi của cả hai bên đối tác đối với một câu chào ở đầu tương tác giao tiếp là rất lớn, nên nhiều khi những biểu đạt khác nhau cũng được coi là chào hỏi, vì nó cũng thực hiện hành vi chào và có vai trò dẫn vào tương tác giao tiếp. Những lời chào ngạc nhiên trong tiếng Đức như "Was machst Du denn hier?" Cậu làm gì ở đây thế?, "Wo kommst du denn her?" Cậu đến từ đâu vậy?, "Auch in Berlin?" Cũng ở Berlin à? ... là những lối diễn đạt quy ước thể hiện sự ngạc nhiên của người nói do cuộc gặp gỡ là không tính trước. Trình tự các lượt tương tác được Kohrt miêu tả cụ thể như sau: A: Chào khởi xướng: Hallo! (Chào anh!) B: Chào đáp lễ: Hallo! (Chào anh!) A: Hỏi trạng thái: Wie geht’s? (Khỏe không?) B: Cám ơn / Trả lời: Danke, gut. (Cám ơn, khỏe) B: Hỏi lại: Und du? (Còn anh?) A: Đi vào chủ đề: Was machst Du überhaupt hier in München? (Anh làm gì ở München thế?) (Kadzadej 2003: 118) Cũng cần nhấn mạnh rằng, ở "lời chào ngạc nhiên", đặc tính cộng hưởng của các biểu đạt không xuất hiện. Có quan hệ với "lời chào ngạc nhiên" là "câu hỏi xác nhận". Nếu các đối tác giao tiếp trong cùng một ngày đã gặp và chào nhau thì những câu hỏi xác nhận rất hay xuất hiện, tại đây câu hỏi xác nhận diễn đạt sự cảm nhận của người hỏi về địa điểm và kiểu hoạt động của đối tác giao tiếp của mình, chẳng hạn khi gặp gỡ nhau lúc một người đang rửa xe "Na, das Auto hat's wohl mal nötig?" Chà, chắc lại cần chiếc xe rồi hả? hoặc trong nhà ăn "Na, auch mal wieder in der Mensa?" Chà, lại gặp nhau ở nhà ăn rồi?. Những câu hỏi như vậy được Prause gọi là "Arbeitsgrüße" lời chào công việc (Kohrt 1985, trích theo Kadzadej 2003: 119). Một vài lời chào mang tính khuôn sáo khác là "Mach bald Feierabend!" Nghỉ thôi!, "Nun mal flott!" Khẩn trương lên! ... được hiểu là lời chào đầu, nếu như đối tác thực sự đang làm việc và từ lúc đó đến khi tan tầm không còn bao lâu. Tuy nhiên, theo Kadzadej, chúng không phải là lời chào "thực sự", mặc dù trong đời sống hàng ngày, chúng vẫn được người bản ngữ hiểu như vậy. Trong thực tế giao tiếp, lời chào được sử dụng rất uyển chuyển, đa dạng, không dễ gì chỉ ra những ranh giới rõ ràng; tựu trung, chúng hành chức như những lời chào hỏi khi gặp mặt cũng như khi chia tay: - Wer? Claudia? Ach so, Claudia, du bist’s. Grüß dich. Wie geht’s? - Hallo! Grüß dich, Frank. Wo steckst du eigentlich? - Also, alter Junge, mach’s gut! Ciao, Frank. (Claudia und Peter, Deutsch für Fortgeschrittene 1997)

5. Các tiêu chí lựa chọn lời chào Như trên đã đề cập, lời chào thể hiện mối liên hệ xã hội của đối tác giao tiếp ra bằng lời. Việc hiểu, tiếp nhận và sử dụng được các lời chào hỏi một cách phù hợp và có chủ đích là điều không dễ dàng. Nhiều yếu tố đã gián tiếp và/hoặc là trực tiếp tham gia vào việc lựa chọn một lời chào để thiết lập, duy trì hay kết thúc một tương tác giao tiếp.

5.1. Tương tác xã hội Việc lựa chọn một dạng thức chào hỏi nhất định liên quan tới việc liệu mối liên hệ xã hội có chặt chẽ hay không, khoảng cách giữa các đối tác chào hỏi lớn hay nhỏ. Quan hệ vị thế trong xã hội là quan hệ ứng xử xã hội theo một tôn ti trật tự có thứ bậc trên - dưới, cao - thấp. Trong cộng đồng người Việt, tương tác xã hội đóng vai trò quan trọng, chi phối sự lựa chọn một lời chào khi gặp mặt và khi chia tay, đồng thời chỉ rõ mức độ thân mật và thiện cảm giữa những người chào hỏi nhau.
5.2. Qui ước giao tiếp Lời chào được qui tắc thành những phát ngôn mang tính qui ước, một lời chào ví dụ "Hallo!" không nhất thiết phải mang một nghĩa sở chỉ xác định nào mà đơn giản trong tương tác giao tiếp, nhờ hiệu lực giao tiếp của phát ngôn này trong ngữ cảnh cụ thể, các bên giao tiếp nhận ra nhau, hiểu được phát ngôn này là lời chào dành cho mình và theo đó đưa ra lời chào đáp lại. Dạng thức tồn tại của các phát ngôn này cũng rất phong phú, có thể là lời, một ngữ hay một câu, nếu là một ngữ hay câu thì giữa các thành tố kết hợp sẽ có một quan hệ cú pháp xác định. Cũng vì vậy, việc lựa chọn một lời chào nào, điều đó phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
5.3. Hoàn cảnh giao tiếp Hoàn cảnh giao tiếp là toàn bộ những nhân tố xã hội, ngôn ngữ liên quan tới chủ thể giao tiếp và đối tượng giao tiếp, đồng thời gắn liền với cấu trúc ngôn từ của một tương tác giao tiếp. Các phát ngôn chào hỏi được dùng khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau với những ý nghĩa không giống nhau và không hoán đổi cho nhau, không dùng thay thế nhau. "Guten Tag!" là lời chào diễn tả phép lịch sự, được dùng thông dụng trong giao tiếp chính thức, còn "Tag!" được dùng trong giao tiếp không chính thức, trong giới bạn bè thân quen, biểu thị tình cảm thân thiện. Tùy thuộc ngữ cảnh cụ thể, lời chào còn có thể diễn tả một niềm vui, sự mỉa mai, thiện cảm hay ác cảm ...
5.4. Thời gian Trong tiếng Đức, các lời chào gặp mặt phân biệt nhau về thời gian. Theo đó có "Guten Morgen!" Chào buổi sáng, "Guten Tag!" Chào ban ngày! và "Guten Abend!" Chào buổi tối!, được lựa chọn phù hợp với thời gian xảy ra giao tiếp. Xét theo thời điểm thực hiện lời chào, ta có thể phân biệt lời chào gặp mặt và lời chào chia tay, theo lượt phát ngôn ta có lời chào đầu và lời chào cuối, theo trình tự là lời chào khởi xướng và lời chào đáp lễ, và lựa chọn những lời chào này sao cho phù hợp.
5.5. Chiến lược giao tiếp Chiến lược giao tiếp là phương châm và biện pháp sử dụng các hành vi ngôn ngữ trong giao tiếp, làm cho cuộc giao tiếp diễn ra thuận lợi, dễ chịu, theo trình tự nhất định và đem lại hiệu quả mà giao tiếp đặt ra. Thứ nhất: Theo cách hiểu như trên, chiến lược giao tiếp là giúp chọn mô hình chào hỏi và cách xưng hô nào là phù hợp. Trong tiếng Việt, dành cho ngôi thứ hai trực diện có vô vàn nhiều cách xưng hô cần lựa chọn mà nếu lựa chọn được một từ xưng hay hô gọi phù hợp sẽ thiết lập được mối quan hệ hay gây được thiện cảm cho cuộc giao tiếp tiếp theo đó. Vì chọn một từ xưng hô phù hợp là chọn một phương tiện thể hiện lịch sự dương tính có chủ đích. Thứ hai: Muốn chọn được cách xưng hô phù hợp, người tham gia giao tiếp phải xác định được chính xác vị thế của mình và của đối tượng giao tiếp. Hành vi chào hỏi hướng tới một ĐTGT có tuổi tác, địa vị xã hội, trình độ học vấn ... được xác định một cách chính xác, được nắm bắt một cách tinh tế, được diễn tả một cách lịch sự theo một chiến lược giao tiếp có chủ đích. "Lịch sự là bất cứ loại hành vi nào (cả ngôn từ và phi ngôn từ) được sử dụng một cách có chủ đích và phù hợp để làm cho người khác cảm thấy tốt hơn hoặc ít tồi tệ hơn." (Nguyễn Quang 2004: 11) Thứ ba: Lối hay cách xưng hô luôn được điều chỉnh trong từng hoàn cảnh giao tiếp khác nhau hay ngay trong các lượt lời của cùng một tương tác giao tiếp. Điều này, một mặt chịu sự chi phối của giới tính, tuổi tác, địa vị ..., mặt khác nó phản ánh chiến lược giao tiếp nhằm phục vụ cho mục đích giao tiếp nhất định.

Chương II
ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA - NGÔN NGỮ CỦA HÀNH VI
CHÀO HỎI TRONG TIẾNG ĐỨC VÀ TIẾNG VIỆT

1. Hành vi chào hỏi trong tiếng Đức
1.1. Hành vi chào hỏi khi gặp mặt Các lời chào gặp mặt và lời chào chia tay trong tiếng Đức rất phong phú. Sau đây chúng tôi giới thiệu những lời chào thông dụng và ngày nay vẫn đang được sử dụng trong tiếng Đức ở các nước Đức, Áo và các vùng lân cận. Vì những lời chào trong tiếng Đức rất phong phú, thêm nữa mỗi lời chào lại có nhiều biến thể địa phương nên chúng tôi chỉ đưa vào danh sách những biến thể thông dụng nhất. Do vậy đây chưa phải là danh sách bao gồm tất cả các lời chào và lời tạm biệt có trong tiếng Đức và ở những vùng nói tiếng Đức. Các lời chào và tạm biệt sau đây được sắp xếp theo tiêu chí phân loại theo thời điểm thực hiện lời chào thành phát ngôn chào gặp mặt và chào chia tay - chào tạm biệt. Ở mỗi tiểu nhóm, các lời chào lại được xếp theo trật tự chữ cái A-B-C ... Tài liệu tham khảo đến từ hai nguồn chính: Từ điển Từ nguyên "Etymologisches Wörterbuch der deutschen Sprache" của Kluge, Nhà xuất bản Walter de Gruyter, Berlin . New York năm 1999 và Từ điển online Wikipedia và WikiSaurus.
1.1.1. Lời chào gặp mặt buối sáng Guten Morgen! "Guten Morgen!" là lời chào thông dụng nhất, được chào vào buổi sáng. Nó bắt nguồn từ tiếng Đức Trung đại (Mittelhochdeutsch) "got gebe dir guoten morgen!", nguyên sinh được sử dụng mang tính trang trọng và mang nặng sắc thái tình cảm. Dạng thức rút gọn xuất hiện sau này, vào cuối thế kỷ 12 và được dùng rất thông dụng (Kadzadej 2003: 150). Ngày nay "Guten Morgen!" rất ít được dùng là lời chào cuối. Nếu được dùng như vậy thì lời chào thuần túy mang tính chất hình thức. Ở nhóm đối tượng giao tiếp có mối quan hệ thân thiết, "Guten Morgen!" được dùng thay thế bằng những biến thể mang tính khẩu ngữ khác. Đối tượng đón nhận lời chào "Guten Morgen!" thường là những người có vị trí xã hội cao hơn chủ thể giao tiếp (CTGT) (chủ ngôn giao tiếp - Nguyễn Đức Tồn). Trong một số ít tình huống giao tiếp chính thức, "Guten Morgen!" có thể được thay thế bằng "Morgen!". Các tiêu chí xã hội cho việc lựa chọn nghi thức chào Guten Morgen! cũng giống như khi lựa chọn chào "Guten Tag!" và "Guten Abend!". Về mặt thời gian "Guten Morgen!" được dùng từ sáng đến khoảng 11 giờ trưa. Morgen! "Morgen!" là dạng thức ngắn gọn của "Guten Morgen!", được chọn dùng khi mà giữa các bên giao tiếp chỉ tồn tại cách biệt xã hội không đáng kể như là giữa các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. "Morgen!" còn được sử dụng trong giao tiếp giữa người lớn với trẻ em và thanh thiếu niên vì dạng thức này ít gây cảm giác về tính nghi thức hơn "Guten Morgen!". Ngược lại, nó thường được dùng để chào khi đi ngang qua và khi đối tượng giao tiếp đang vội. Là lời chào đáp lễ, trong một số trường hợp, "Morgen!" có thể được nhìn nhận là thiếu thiện cảm, tâm trạng không vui, tùy thuộc vào ngữ điệu lời nói, trường độ của lời chào đáp và vào những yếu tố phi lời đi kèm ví dụ như nét mặt của người phát ngôn. Như vậy, người thực hiện lời chào này có thể bị hiểu lầm là người tâm trạng cáu bẳn vào buổi sáng, không thích bắt chuyện, không hài lòng và/hay là thiếu lịch sự. Về mặt thời gian "Morgen!" được dùng phù hợp trong khoảng thời gian từ sáng đến khoảng 11 giờ trưa. "Morgen!" được sử dụng linh hoạt đối với mọi đối tượng giao tiếp.
1.1.2. Lời chào gặp mặt buối trưa Mahlzeit! "Mahlzeit!" có nguồn gốc từ tiếng Đức Trung Đại: Lời cầu nguyện, nói rút gọn từ "got gesegne die mâlzit" → "Gesegnete Mahlzeit!" → "Mahlzeit!". "Mahlzeit!" là lời cầu nguyện trước bữa ăn. Sau này nó trở thành lời chào thường ngày ở các cơ quan hành chính. - Dann betrat er den Speiseraum und grüßte laut: "Mahlzeit!". "Mahlzeit!" được dùng rộng rãi ở các quốc gia nói tiếng Đức khi gặp nhau vào giờ ăn trưa hay gặp nhau trên đường đi ăn trưa hoặc gặp nhau ở phòng ăn trưa hay gặp những người đang dùng bữa. "Mahlzeit!" là lời chào không phụ thuộc vào thời gian của lần gặp hoặc lần chào cuối cùng, gần nhất từ 9 đến 15 giờ hằng ngày. Theo những nghiên cứu của Hirsch, "Mahlzeit!" thường được nam giới ưa dùng hơn phụ nữ. Theo nghiên cứu của ông có ⅔ nam giới thích dùng từ này trong khi con số này ở nữ giới là ½. "Mahlzeit!" được sử dụng không hạn chế về đối tượng giao tiếp.
1.1.3. Lời chào gặp mặt buổi chiều Grüß Gott! Grüß Gott! có nguồn gốc từ tiếng Đức Trung Đại got grüeze dich! (Gott segne Dich!), được sử dụng trong phương ngữ Alemannisch và Bairisch. Grüß Gott! là dạng thức rút gọn của Grüß dich Gott! (Griaß di god!, ở số ít) và Grüß euch Gott! (Griaß eich/euk god! ở số nhiều). Grüß Gott und herzlich willkommen im Gästehaus Tanner! Lời chào này có xuất xứ từ nhà thờ, Grüß Gott!, bởi vậy được dùng nhiều ở Oberdeutsch và những quốc gia theo đạo thiên chúa. Khởi thủy là vào thế kỷ XIX, Grüß Gott! là lời chào mang tính nghi lễ, dần dần qua sử dụng nó được trung tính hóa và mất dần đi đặc tính tôn giáo của mình (Wikipedia). Ngày nay Grüß Gott! được dùng nhiều ở miền Nam nước Đức, ở Áo và miền Nam Tirol. Grüß Gott! mang sắc thái trung tính và được dùng thay cho Guten Tag! Ngoài ra, Grüezi/Adieu là dạng thức xuất hiện nhiều trong văn học. Grüezi! (số ít) là từ có trong phương ngữ Thụy Sĩ, dùng cho những người không quen thân, xưng hô ở ngôi Sie. Biến thể của nó là Grüessech! (số nhiều) để chào một nhóm người. Lời chào này được dùng phổ biến ở Bern (www.dbilink.de). Grüß Gott! là lời chào đầu, nó mở đầu cho một hội thoại: Gott zum Gruße, Herr Meyer/Frau Baumer! Lời chào đáp lại nhiều khi mang tính mỉa mai, có dạng thức như: Wenn ich ihn sehe! Wenn ich Zeit habe! Hoffentlich nicht so bald! Các biến thể khác của Grüß Gott! là Grüß dich! (Griaß di!), Grüß euch! (Griaß eich!). Ở Áo, dạng thức Griaß di!, Griaß eich! được dùng thông dụng, ở Thụy Sỹ dạng Grüezi! hoặc Grüessech!. Grüß Gott! còn được dùng làm lời chào tạm biệt, lời chào cuối. Biến thể của nó là Pfiat’di God! (Behüte dich Gott!), có khi chỉ dạng ngắn gọn Pfiat di!, Pfiat God!, xuất hiện ở vùng Altbayern, Áo và Nam Tirol. Cách dùng này ở Đức không còn sức sản sinh nữa, giờ đây người ta chỉ dùng Grüß Gott! là lời chào đầu. Ở Đức, lời chào Grüß Gott! thường được dùng nhấn mạnh cả hai từ, thông dụng không chỉ trong cuộc sống thường nhật mà cả ở nơi công cộng. Lời chào Guten Tag! ít được sử dụng hơn, thậm chí ở Bang Bayern, nó còn gây cảm giác xa cách. Moin! Moin! là lời chào được dùng nhiều ở miền biển Đông Angeln và Flensburg phía Bắc nước Đức. Moin! xuất hiện trong phương ngữ Niederdeutsch. Ta còn bắt gặp Moin! ở các dạng thức khác như Moin! Moin! hoặc Moin-Moin!. Theo Eichhoff, trước kia Moin! là lời chào khi bước vào cửa hàng cửa hiệu. Moin! Moin, Moin! Có hai quan điểm khác nhau về Moin!. Quan điểm thứ nhất xuất phát từ ik wünsch Di een moien (guten) Dag!, dạng thức không đầy đủ của moien Dag! (guten Tag!) là Moi’n Dag! rồi dần còn Moin!. Moin! không phái sinh từ Guten Morgen!, lời chúc này được dùng trong cả ngày và trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, ở một số ít vùng ở miền Bắc nước Đức, nó chỉ được dùng là lời chào buổi sáng. Quan điểm thứ hai cho rằng Moin! không gì khác ngoài Morgen!. Đại diện cho quan điểm này cho rằng do tính ngắn gọn của từ đơn âm moin - einen Guten (moien) và ý nghĩa Guten (điều tốt đẹp) mà nó cho phép sử dụng được vào mọi lúc trong ngày. Quá trình cấu tạo để có Moin như sau: Guten Morgen → Morgen → Morjen → Mojen → Mojn → Moin. Để chào một nhóm đối tượng giao tiếp, sử dụng dạng thức Moisen! Thay cho Moin zusammen!, cách chào này phổ biến trong giới trẻ. Lời chào đáp lễ cho Moin! là Moin!. Ở miền Bắc nước Đức, Moin! hoặc Moin Moin! còn được dùng để chào tạm biệt. Còn ở Phần Lan, Moin! hoặc Moin Moin! là lời chào mang sắc thái khẩu ngữ. Ở Rheiderland, biến thể Mui! được dùng ở cả những người lớn tuổi và ở giới trẻ. Bên cạnh Mui! Còn có biến thể khác nữa là mai! hoặc mäi! Về thời gian sử dụng, có thể nói, Moin! có nhiều cách sử dụng khác nhau. o Ở vùng Tây Nam của Nordfriesen (Ostfriesen), moin! được dùng trong suốt cả ngày. o Ở vùng lân cận, Moin! được dùng vào buối sáng và chiều, cho đến khi trở tối. Sau đó là lời chào N’ohmt! thay cho Moin! o Ở vùng Schleswig - Holstein, ở các vùng như Borkum, Tönning, Husum, Flensburg, Eckernförde, Emden, Aurich, Leer, Cloppenburg và Delmenhorst, Moin! được dùng nhiều vào buổi chiều. Đặc biệt Moin! được ưa dùng ở vùng thôn quê. Song, trên toàn nước Áo và nhiều vùng rộng lớn của Thụy Sỹ, Moin! lại mang sắc thái tiêu cực. Ở Đông Nam Thụy Sỹ, thay vì Moin!, người ta sử dụng Moi! (cho số ít đối tượng giao tiếp) và Moi-zäma (zäma = zusammen) hoặc là moins! (cho một nhóm đối tượng giao tiếp).
1.1.4. Lời chào gặp mặt trong ngày Guten Tag! Guten Tag! là lời chào thông dụng nhất, được dùng nhiều nhất ở nước Đức. Guten Tag!, Frau Meier. Ah, Herr Schmidt, guten Tag!. Từ đầu thời Trung Đại guoten tag! đã là lời chào được dùng ở miền Trung nước Đức, người ta dùng nó cho mọi thời gian trong ngày. Ở Oberdeutschland, nó còn được dùng ở dạng nguyên thủy trong tiếng Đức Trung Đại là got gebe dir guoten tag và trên đại thể được dùng để chào vào buổi sáng. Tương tự như Guten Morgen! và Guten Abend!, Guten Tag! là dạng thức đã được rút gọn và cũng được dùng chung trong nhóm người có địa vị xã hội cao. Guten Tag! còn được dùng làm lời chào cuối mặc dù ngày nay chức năng này không còn đóng một vai trò quan trọng nữa bởi vì nếu là lời chào cuối, nó có thể bị xem là thiếu thân thiện (ví dụ ở trong các cửa hàng hoặc trên tàu hỏa, v.v...). Thay vì Guten Tag!, người ta dùng dạng thức (Einen) schönen Tag!. Các tiêu chí xã hội đối với việc chọn lời chào Guten Tag! cũng tương tự như việc lựa chọn Guten Morgen! và Guten Abend!. Guten Tag, meine Herren! – Chào các ông!. Tag!, Tagchen!, Tach!, Tachchen! Tag! là dạng thức ngắn gọn của Guten Tag!, nó được sử dụng khi mức độ thân quen của các bên giao tiếp cao hơn so với trường hợp Guten Tag!. Tag! không được dùng để chào hỏi đối với nhóm đối tượng giao tiếp có vai xã hội cao. Những dạng thức rút gọn khác của Guten Tag! là Tagchen!, Tach!, Tachchen!. Các dạng thức này thường được giới trẻ ưa dùng. Chúng khá xa lạ đối với người sử dụng là lớp người lứa tuổi trung niên. Tag! và Tagchen! được dùng phổ biến ở miền Bắc nước Đức. Ở đây lời chào Tach! được sử dụng vào thời gian từ 11 giờ đến tối, đặc biệt Tach! còn được dùng khi tạm biệt: Na, denn Tach auch!.
1.1.5. Lời chào gặp mặt buối tối Abend!, N’Abend! Abend!, N’Abend! là biến thể rút gọn của Guten Abend!. Thường thì nó được dùng khi mà chủ thể giao tiếp và đối tượng giao tiếp có mối quan hệ thân tình. Song nó cũng được dùng để chào người mới quen biết nhưng giữa họ không có sự xa lạ, ngăn cách lớn. Lời chào này chỉ các bạn trẻ hay dùng. Guten Abend! không hạn chế về thời gian và đối tượng giao tiếp. Guten Abend! Guten Abend! được sử dụng rộng rãi ở khắp các vùng, miền, khu vực nói tiếng Đức. Guten Abend, Herr Meier, ich rufe nochmals wegen Ihrer Bestellung an. Guten Abend! Có xuất xứ từ lời chào mang tính nghi lễ vốn đã phổ cập trong tiếng Đức Trung Đại got gebe dir einen guoten ’abend! hoặc là guoten ’abend!, dạng thức nói ngắn gọn của nó. Trong suy nghĩ của đa số người Đức bản ngữ, lời chào này mang những đặc tính như lịch sự, nghi lễ. Nó thể hiện mối quan hệ trung tính giữa các bên giao tiếp và nhờ vậy nó được sử dụng trong giới khách mới quen nhau, những người có địa vị trong xã hội và thường được những người ở tuổi trung niên sử dụng hay thanh thiếu niên khi chào những đối tượng là người hơn tuổi mình. Guten Abend! còn là lời chào cuối, điều này cũng không phổ biến lắm, tuy vậy nó mang sắc thái nghi lễ. Nhìn chung có thể thấy là các tiêu chí xã hội giúp lựa chọn lối chào hỏi này cũng không khác so với ở cách chào Guten Morgen! và Guten Tag!. Về thời gian, Guten Abend! được sử dụng vào mùa hè từ 19 giờ, mùa đông là vào khi trời bắt đầu tối. Trong sử dụng, Guten Abend! không hạn chế đối tượng giao tiếp.
1.1.6. Lời chào gặp mặt không phụ thuộc thời gian Grüß Dich (Euch)! Grüß Dich! và Grüß Euch!, trong văn cảnh cụ thể, biểu thị quan hệ hữu nghị, quan hệ bạn bè giữa các bên giao tiếp. Lời chào này được dùng không phân biệt tuổi tác của người sử dụng. Chỉ có một điều kiện duy nhất đó là đối tượng giao tiếp phải xưng hô ở ngôi thứ 2 thân mật, dạng thức du (số ít) và ihr (số nhiều). Grüß dich, Thomas. Wie geht's? Dạng thức Ich grüße dich/Sie! (có chủ thể Ich trong lời chào), ngược lại, biểu thị sự kính trọng, song đôi khi cũng được dùng với sắc thái mỉa mai. Đáng lưu ý là đặc tính ngữ dụng của động từ grüßen thể hiện ở cách chào hỏi có sử dụng động từ này. Grüß Dich! là cách chào hỏi mang tính khẩu ngữ (Universalwörterbuch: 641). Hallo! Về mặt lịch sử ngôn ngữ, có nhiều cách lý giải đối với Hallo!. Thứ nhất, Hallo! có nguồn gốc từ tiếng Đức Cổ Đại. Hallo! là dạng thức mệnh lệnh của halon, holôn (rufen, holen), tiếng Đức Trung Đại haln, holen. Thứ hai, Hallo! có họ với holla!, lời gọi người lái đò ở bờ bên kia sông: Hol über!. Thứ ba, có thể Hallo! có xuất xứ từ tiếng Hungari. Các nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học Hungari khi khảo sát các cuộc đàm thoại cho thấy dạng thức hallom! luôn được sử dụng và hallom! trong tiếng Hungari có nghĩa là Tôi xin nghe!. Trong tiếng Đức, Hallo!, vốn là từ tạo quan hệ, phát triển trở thành lời chào, lời gọi thông dụng với mục đích gây sự chú ý về phía mình: Hallo! ist da jemand? Biến thể của Hallo! là Hello!, được dùng làm lời chào khởi xướng, mở đầu cho một đàm thoại. Baumer, Hallo! Ngày nay, Hallo! là lời chào được yêu thích nhất dùng trong giới bạn bè, người thân và trong gia đình. Lối chào hỏi này được sử dụng đặc biệt phổ biến ở các bạn trẻ, nó đã nhanh chóng lan từ lớp trẻ sang lớp người lứa tuổi trung niên. Hallo, Leute! Wie geht's? Hallo! là lời chào thân thiện, cho phép kết hợp với những biểu hiện ngữ điệu và các yếu tố giao tiếp phi lời. Hallo! không thích hợp sử dụng với đối tượng là nhóm người có địa vị xã hội cao. Hallo! còn là một ví dụ cho sự thay đổi chức năng nhờ việc mở rộng ý nghĩa sử dụng của động từ trên bình diện giao tiếp: Hallo! Mein Name ist Karin Kaufmann, Sie kennen mich vielleicht noch aus der Reise nach Sapa. Về mặt thời gian, Hallo! được dùng không hạn chế. Hallochen!, Hallöchen! Hallochen! và Hallöchen là dạng thu nhỏ (Diminutiv) của Hallo!. Dạng thức thu nhỏ này không mang chức năng cấu tạo từ như nó vốn có: Ein Haus – ein Häuschen: Ngôi nhà – ngôi nhà nhỏ * Ein Hallo! – Hallochen!, Hallöchen!: Chào! – Chào nhỏ! Hallochen! được sử dụng để chỉ mối quan hệ xã hội ngang vai, không mang tính nghi thức. Bởi vậy nó thông dụng chỉ trong giới hẹp bạn bè thân quen hoặc những người trong họ hàng vì nó biểu thị một mối quan hệ rất thân thiết. Hallochen! được dùng mọi thời gian trong ngày và được dùng linh hoạt đối với mọi đối tượng giao tiếp. Hi! Hi! bắt nguồn từ tiếng Anh. Trong tiếng Anh Mỹ, lời chào Hi! và How are you! thể hiện những chức năng giao tiếp khác nhau nhờ việc nó cho ta phân biệt đây là hai cách chào hỏi khác nhau. Đối với người Đức bản ngữ, Hi! là lời chào hoàn toàn mang tính võ đoán. Về mặt âm thanh, nó không mang tính có lý do nào, và nó cũng không mang sắc thái ngữ nghĩa nào. Hi! Ich bin's, flac. Das ist meine Homepage. Tiêu chí đầu tiên cho việc lựa chọn lời chào này đó là tuổi tác. Hi! đặc biệt được dùng phổ biến trong giới học sinh và giới trẻ. Biến thể song tồn của nó là Hallo!. Thực tế chỉ ra một xu hướng rõ ràng là tất cả các lời chào gặp mặt khác đang dần bị thay thế bởi Hi! và Hallo!. (Herzlich) Willkommen! Willkommen! và Herzlich Willkommen! là lời chào gặp mặt, đón khách đến thăm. Herzlich Willkommen bei POLO! Deutscher Städtetag - Herzlich Willkommen! Willkommen bei Zeit zu leben! Herzlich Willkommen! Trong trường hợp này, không có lời chào đáp lễ, bởi vì người được chào là khách của người chào; thêm nữa, lời chào này cũng không yêu cầu lời cảm ơn đáp lễ. Bởi vậy Willkommen! rõ ràng được xếp vào nhóm các lời chào gặp mặt mà không xếp vào nhóm lời chúc mừng. Xuất xứ của Willkommen! có từ tiếng Đức Trung Đại willekom(e)! và tiếng Đức Cổ Đại willicumo!, có nghĩa là Gast nach Willen hoặc là erwünschter Gast: vị khách mong đợi. Trong sử dụng, Willkommen! không bị hạn chế về mặt thời gian và đối tượng giao tiếp. Sei gegrüßt!, Sei(d) gegrüßt! Sei gegrüßt! Sei(d) gegrüßt! thường ít gặp hơn lời chào Grüß Dich! nói trên. Lời chào này được dùng hạn chế ở nhóm bạn bè, những người trong họ hàng và những người quen thân. Ngược lại, Sei gegrüßt! và Sei(d) gegrüßt! cũng là lời chào mang tính trang trọng. Đặc biệt cần lưu ý là lời chào này không được sử dụng để chào hỏi khi mà đối tượng giao tiếp ở khoảng cách, cự li xa. Mặc dù vậy, nó vẫn được tính vào số lượng các lời chào trong tiếng Đức. Sei gegrüßt! và Sei(d) gegrüßt! được dùng nhiều trong văn học: Sei gegrüßt, du herrliches Kind. Sei gegrüßt und lebe. Sei gegrüßt, lieber Nikolaus. Đối với lời chào khởi xướng Sei gegrüßt! và Sei(d) gegrüßt!, lời chào đáp lễ sẽ là: Du auch! hoặc Und Du auch!.
1.2. Hành vi chào hỏi khi chia tay
1.2.1. Lời chào chia tay không phụ thuộc thời gian Adé!, Adieu! Adé! hoặc adieu! [aˈdjø] được hợp thành từ à (bei) và dieu (Gott), bắt nguồn từ tiếng Latinh ad deum (zu Gott!, Got befohlen!). Adieu!, đến lượt mình, được vay mượn từ tiếng Pháp (Gott befohlen) và có cùng xuất xứ như Adé!. Ngày nay cách dùng lời chào này đang có xu hướng thoái lui nhưng ta vẫn thấy sự xuất hiện của chúng ở một số vùng, trong một số phương ngữ. Ví dụ như ở Thụy Sĩ, Adé! xuất hiện là lời chào cuối, mang tính nghi lễ. Trong xã hội, nó được số đông đối tượng giao tiếp ở tuổi trung niên đón nhận, sử dụng. Ở Schwaben và Franken, Adé! cũng được dùng là lời chào cuối, khi chia tay. Ở đây, nó được người sử dụng mọi lứa tuổi đón nhận, tin dùng. Adieu Marleen! Ở Đức, Adé! vẫn giữ được tính thời sự, được dùng nhiều ở vùng Tây Nam nước Đức, đặc biệt trong phương ngữ Schwaben. Ở Bang Württemberg, đa số người lớn tuổi còn dùng làm lời chào cuối, chào tạm biệt: ade! ada! hoặc adele!, adjö!. Adé!, Adieu! được sử dụng không hạn chế về thời gian và đối tượng giao tiếp. Auf Wiedersehen!, Auf Wiederschauen! Auf Wiedersehen! Là lời chào tạm biệt thông dụng nhất của người Đức. Ngày nay, Auf Wiedersehen! được sử dụng rộng rãi, sắc thái trung tính. Auf Wiedersehen! Bei Gelegenheit werden wir wieder kommen. Tạm biệt chị! Nếu có dịp, chúng tôi sẽ lại ghé thăm. (Nguyễn, Lies: S.122) Tương tự như Auf Wiedersehen!, Auf Wiederschauen! được dùng phổ biến nhưng mang phong cách vùng miền, nó đặc trưng cho vùng Bayern, Áo. Auf Wiedersehen! và Auf Wiederschauen! được sử dụng không hạn chế về thời gian và đối tượng giao tiếp. Mach’s gut! Mach’s gut! là lời chào chia tay, được dùng trên khắp nước Đức nhưng ít thông dụng hơn những lời chào chia tay khác. Dạng thức này chủ yếu được dùng ở Bang Sachsen và Hessen, nó cũng rất được ưa chuộng ở vùng Bắc Đức và cũng không xa lạ cả ở vùng Nam Đức. Lời chúc này mang sắc thái thân mật. Bạn bè, người thân quen thường chào tạm biệt nhau theo cách này. Ở những tình huống chính thức, trung tính về phong cách, lời chào này không được sử dụng. Đây là trường hợp nằm ở ranh giới giữa một lời chào và một lời chúc. Nó không đòi hỏi lời cảm ơn đáp lại mà là Du auch! - Anh cũng vậy! Mach’s gut! thường được dùng kết hợp với chào chia tay khác, làm tăng sắc thái thân mật: Tschüss, mach’s gut! - Tạm biệt, chúc mọi điều tốt đẹp! Mach’s gut, und danke für den Fisch. Mach’s gut! Ich war noch nie so glücklich. Besser là dạng thức Komparativ, tăng ý nghĩa so sánh của tính từ gut → besser: tốt → tốt hơn. Ở lời chúc này, nét nghĩa của gut - tốt đẹp được nhấn mạnh nên xuất hiện dạng thức chào đáp lễ mang tính vui đùa: Mach’s besser! Chúc mọi điều tốt đẹp hơn nữa! Mach’s gut! được sử dụng không hạn chế về thời gian và đối tượng giao tiếp. Tschau!, Ciao! Tschau! là lời chào mượn từ tiếng Italia được Đức hóa về mặt chính tả ciao! (schiavo! [ˈskiaːvo]) → Tschau!: âm uốn lưỡi [ʃ] và nguyên âm đôi riêng có trong tiếng Đức [ao]. Tschau! được dùng khá phổ biến ở Đức, có từ thế kỷ 19 dưới thời sĩ quan Áo. Đầu thế kỷ 20, nó không còn thịnh hành nữa và tiếp theo những năm sau đó, nó hoàn toàn biến mất ở những người lính. Trong vùng nói tiếng Đức, Tschau! đã từng là lời chào được xem là (mốt( trong giới trẻ. Tschau! Hallo, und Tschüss! Ich darf nicht so oft ins Internet. Tschau! Ich kenne dich auch nicht, aber ich hätte dich gern kennengelernt. Ở vùng Oranienburg (Bắc Đức) vào những năm 60, Tschau! được xem là "sành điệu", song ngày nay ở đây người ta cũng không còn dùng lời chào này nữa. (Kadzadej 2003: 176) Tschau! đã từng được thanh niên, học sinh, sinh viên dùng nhiều, nó thể hiện sự thân thiện cao hơn so với lời chào Tschüß! Oki, dann noch viel Spaß und bis bald! Ciao! Tschau! được sử dụng không hạn chế về thời gian và đối tượng giao tiếp. Tschüs!, Tschö!, Tschüssie!, Tschüschen! Tschüs! [tʃyːs], auch Tschüss! [tʃʏs]) là lời chào tạm biệt, xuất xứ từ Plattdeutsch (sau lan sang hochdeutsch và oberdeutsch), nguồn gốc vay mượn từ tiếng Pháp adieu! (mit Gott; Wiktionary-Eintrag), có nguồn gốc từ tiếng Latinh ad deusm! (zu Gott!). Lời chào này, từ cuối thế kỷ 17, du nhập vào theo những người du cư từ Pháp sang Bremen và Altona, đến đầu thế kỷ 19 (1806-1814) vào Hamburg, trở thành lời chào mốt thời thượng. Adjüs! trở thành lời chào quan trọng nhất ở Mecklenburg. Lúc đầu đó là từ hai âm tiết Ad/jüs hay at/shüss, trong khẩu ngữ dần còn lại một âm tiết, lại được viết theo chính tả Đức: Viết hoa chữ cái đầu và viết có một s thay vì hai ss → Tschüs!. Đặc biệt, ở Bang Mecklenburg còn sử dụng cách chào Tschüssing!, ở Rheinland Tschö! (thậm chí trong phương ngữ còn được phát âm thành Tschökes!), ở Westfalen Tschüsskes! và Tüsskes!, ở Schleswwig Holstein Tüüs! và ở Bang Brandenburg và Berlin thường dùng Tschüssie! Bên cạnh nhiều cách chào hỏi khác. Ngày nay lời chào này vẫn lưu dùng ở vùng phía Bắc nước Đức dưới dạng thức atschüs (adjüs! ở dạng viết). Cách dùng Tschüs! thông dụng trong giới trẻ, song theo nghiên cứu gần đây cho thấy, ngày nay Tschüs! được sử dụng lan rộng sang các tầng lớp xã hội khác. Đối với người lạ, mới quen, người lớn tuổi hơn và người có địa vị cao trong xã hội, không dùng dạng thức tạm biệt Tschüs!. Svenja: Ja, bis dann, tschüs, ne? Laura: Ja, tschüs, bis dann! Về mặt văn phạm, ngoài cách viết Tschüs! còn có biến thể Tschüß! (phía Bắc Đức). Về mặt ngữ điệu, chúng cũng có những giai điệu và âm vực khác nhau tùy từng vùng miền. Trên thực tế, Tschüs!, Tschüss! và atshüs(s)! hay adjüs được phát âm theo hai cách khác nhau: âm ü ngắn [y] và âm ü dài [y:]. Ngược lại, ở Tschüssing!, âm ü luôn luôn phát âm ngắn. Dạng thu nhỏ của Tschüs! → Tschüschen! cũng thường gặp, trong giới trẻ còn có biến thể Tschüssie!, thậm chí Tschüssikowski!. Wiederseh(e)n!, Wiederschau(e)n! Wiederseh(e)n! là dạng thức mang phong cách bình dân, khẩu ngữ, rút gọn từ Auf Wiederseh(e)n!, được trẻ em và các bạn trẻ ưa dùng. Biến thể mang tính bình dân, khẩu ngữ của dạng thức Auf Wiederschau(e)n! là Wiederschau(e)n!. Wiederschau(e)n! được dùng tương tự như Wiederseh(e)n!. (Auf) Wiedersehn, meine Damen! Wiedersehen! và Wiederschauen! được sử dụng không hạn chế về thời gian và đối tượng giao tiếp.
1.2.2. Lời chào chia tay trung tính Bis...! Lời chào này có cấu trúc bao gồm:

|bis (giới từ) + tác tố chỉ thời gian (trạng từ, danh từ) |

tạo thành tập hợp số đông các lời chào chia tay, mong sớm gặp lại: Bis morgen! Bis Montag! Bis nachher! Bis später! Bis dann! Bis zum nächsten Mal! Bis die Tage! Bis demnächst! Có thể chia những lời chào này thành hai phạm trù: a). Chào chia tay, trong một khoảng thời gian được xác định cụ thể rồi gặp lại: Bis morgen!, b). Chào chia tay trong khoảng thời gian không được xác định hay thỏa thuận từ trước: Bis zum nächsten Mal!. Bis dann! không biểu thị một thời gian cụ thể nào cho việc sớm gặp lại. Thường thì Bis dann! được dùng khi tạm biệt giữa hai đối tượng giao tiếp cùng môi trường, địa bàn, văn phòng và trong ngày họ có thể còn gặp nhau. Bis dann! thể hiện phong cách khẩu ngữ. Bis...! được sử dụng không hạn chế về thời gian và đối tượng giao tiếp.
1.2.3. Lời chào chia tay xưa cũ Küss’ die Hand! Küss’ die Hand! là nghi thức chào hỏi xưa cũ, trước kia thường thông dụng ở Áo, ở giới đàn ông khi họ được giới thiệu làm quen với một phụ nữ. Ngày nay Küss’ die Hand! chỉ còn thông dụng ở nhóm người có vị trí cao trong xã hội, ở giới đàn ông tầng lớpp thượng lưu. Đi kèm theo lời chào Küss’ die Hand! là nghi thức phi lời: hôn tay. Küss’ die Hand! được dùng linh hoạt, không bị hạn chế về mặt thời gian. Đối tượng giao tiếp là phụ nữ. "Ở Pháp, giới thượng lưu chào nhau, quý ông thường hôn tay quý bà. Tuy là hôn tay nhưng không phải hôn thật sự mà chỉ có tính cách tượng trưng thôi, để mũi quý ông chạm vào da tay quý bà là ... bất lịch sự đấy !". (www.danangpt.vnn.vn) Leb(t) wohl! Leb(t) wohl! dùng để chào khi chia tay, bày tỏ tín hiệu chia tay nhau lâu, chia tay lần cuối, vĩnh viễn, nó mang phong cách sân khấu, thi ca. Leb(t) wohl! ngày nay ít gặp và ngày càng trở nên xưa cũ, và ít nhiều cũng có nét chung, giống một lời chúc Sống may mắn nhé! Để đáp lại ta thường nói Du auch! / Sie auch!: Anh cũng vậy! mà không nói Danke!: Cám ơn!. Lebt wohl, es kann nicht anders sein! Lebt wohl und nehmt mein Herz mit euch und meinen letzten Sonnenstrahl. Lebt wohl, ihr Trottel! Lebt Wohl! Ich wollt nur noch allen lebt wohl sagen, werde den clan nämlich veröassen. Hallo und Lebt wohl von Robert Vaughn Young (RVY)! (Wikipedia) Lebe wohl! còn được dùng tương tự như Auf Nimmerwiedersehen! hoặc Adieu!, trong trường hợp chia tay lần cuối, khó hoặc không gặp lại, chào kết hợp cả hai dạng thức: Ade’, lebt wohl, auf wiedersehen!
1.2.4. Lời chào dùng trong nghề nghiệp và các dịp khác Lời chào dùng trong nghề nghiệp Waidmanns Heil!, Waidmannsheil! Lời chào Waidmanns Heil!, Waidmannsheil! được dùng trong ngành lâm nghiệp. Công nhân lâm nghiệp khi đi làm, gặp nhau trong rừng, nơi làm việc, chào nhau Waidmanns Heil!, Waidmannsheil!. Cách dùng này cho đến nay vẫn thông dụng, không thay đổi. Cả trong Trường Lâm nghiệp người ta cũng dùng lời chào này, thầy chào trò và trò chào đáp lại thầy, tạo thành cặp cộng hưởng: Waidmanns Heil! Waidmanns Heil! hoặc Waidmanns Dank! Lời chào Waidmanns Heil!, Waidmannsheil! bày tỏ thái độ hòa nhập trong môi trường nghề nghiệp này, được dùng không phân biệt thời gian trong ngày. Thợ săn gặp nhau cũng chào nhau Waidmanns Heil!, chúc nhau săn được nhiều thú. Lời chào đáp lại là Waidmanns Dank!. Waidmanns Heil! Waidmanns Dank! Ahoi! Người ta chưa chắc chắn về xuất xứ của lời chào này. Có hai cách lý giải: Về mặt nghĩa từ: hoy có nguồn gốc từ tiếng Anh Trung Đại (tiếng Đức: ho) là lời gọi của người chăn gia súc, một thán từ kêu gọi sự chú ý. Để gọi được dễ dàng và lời gọi bay xa, khởi âm a bị nhược hóa, giữ lại một âm tiết hoi! Một quan niệm khác cho rằng Ahoi! là từ rút gọn, có guồn gốc từ tiếng Latinh: Ad HOnorem Iesu - Zu Jesu Ehre!. Ahoi! (còn gọi Ahoj! hay Ahoy! hoặc Hoy Hoy! ) xưa kia được dùng ở những người thuỷ thủ khi đi biển, muốn gọi tàu hoặc chào tàu: Schiff ahoi! Boot ahoi! Ahoi! là lời chào không biểu thị nghi thức, rất thông dụng trong tiếng Tiệp và Séc, ngoài dạng Nazdar! (es soll dir gelingen!). Hoi! là lời chào tạm biệt, không nghi thức và thông dụng trong tiếng Hà Lan. Ở miền Tây Hà Lan, Hoi! và dạng láy Hoi Hoi! rất thông dụng. Điều đặc biệt khi dùng lời chào Ahoi! là luôn đi kèm với cử chỉ và điệu bộ. Glück Auf!, Glückauf! Glück Auf!, Glückauf! là lời chào của giới thợ mỏ, thợ luyện kim (Bergbau und Hüttenwesen; SPD bei Zusammenkünften mit Franz Müntefering), có nghĩa là Chúc hạnh phúc (thành công)! (Nguyễn Văn Tuế, Từ điển Đức-Việt 2003: 840). Glück Auf!, Glückauf! là lời chào được sử dụng ở Bang Saarland, ở một số vùng thuộc Nordrhein - Westfalen và Sachsen (Erzgebirge). Ta còn bắt gặp một dạng thức khác của lời chào này, đó là Glück zu! - Müller, Mühlenbauer. Lời chào vào dịp Lễ hội Ahoi! Ahoi! cũng được ưa dùng ở miền Bắc nước Đức và ở một phần của Pfals/Kurpfals, ở Baden, Bayern và miền Nam Thüringen, là lời chào Karneval và Fasching (Hội giả trang), lời chào đáp lễ cũng là Ahoi!: Ahoi! Ahoi! Ahoi!, cũng như Hallo! (Hello!), còn là lời chào mở đầu một đàm thoại (Alexander Graham Bell đề xuất 1876). Halleluja! Halleluja! được phiên âm tiếng Đức của halelu-Jáh! (hebräisch), là lời chào vào những dịp đặc biệt trang trọng như vào dịp Ostern - Lễ hội trứng v.v... Vào những dịp này người ta hát thánh ca và gặp nhau chào nhau Halleluja! - Niềm hy vọng cho mọi người! ("Halleluja!" verwendet: die Übersetzung Hoffnung für Alle!, 1996).
(wikipedia)
Lời chào mang nghi thức tôn giáo Heil! Heil! còn là lời chúc dùng trong tôn giáo. Theo ý nghĩa tôn giáo, Heil! nghĩa là sự cứu rỗi, sự giải thoát (vom ewigen Heil!). Heil! trong Altnordisch có nghĩa là eine glückliche Hand: Königsheil! = Glück, ngược nghĩa với Heil!: Unheil! = Pech. Heil! ngày nay được dùng nhiều ở Áo, ở Tirol, có biến thể khác là Heile!, được dùng như Servus!. Lời chào trong các Tổ chức Heil! còn là lời chào trong thời Quốc xã (1918) thay vì Hoch! (Trung thành với Hoàng đế!) → Heil Hitler!. Lời chào này được dùng thay Guten Tag! hay Grüß Gott!, hơn thế nữa còn dùng trong giao dịch, thư tín: Heil Hitler! thay cho Mit freundlichen Grüßen!, Hochachtungsvoll! (Chào thân ái!, Chào trân trọng!). Lời chào đáp lại cũng là Heil Hitler!: Heil Hitler! Heil Hitler! Đến năm 1945, cùng với sự sụp đổ của Đế chế 3, lời chào này không còn được sử dụng nữa (ngày nay thậm chí có áp dụng hình phạt nếu dùng dạng thức này). Freundschaft! Freundschaft! là lời chào Đoàn viên ở Cộng hòa dân chủ Đức trước kia (FDJ in der ehemaligen DDR). Seid bereit! Seid bereit! là lời chào Đội viên ở Cộng hòa dân chủ Đức trước kia (Pionierorganisation in der ehemaligen DDR). Sport frei! Ở Cộng hòa dân chủ Đức trước kia, trong giờ thể dục trong nhà trường, lời chào gặp mặt và khi chia tay là Sport frei! hoặc Gut Sport!. Ở sân tập, chào nhau hô to Sport!, đáp lại frei! một hoặc vài lần. Sport frei! Chào! (Khởi xướng) Sport frei! Chào! (Đáp) Sport! Chào! (Khởi xướng) Frei! Chào! (Đáp) Lời chào ở các hoạt động vui chơi giải trí Hầu hết các lời chào dùng khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài giờ làm việc đều có chung mô hình cấu tạo Heil! + Từ đặc trưng cho hoạt động đó. Những lời chào này đều là các tổ hợp chào Heil!, tạo thành lời chúc mới. o Thợ leo núi chào nhau Berg Heil!, chúc nhau khi đã lên đến đỉnh núi an toàn. Chào đáp lại là Berg Dank! Berg Heil! Chào! (Khởi xướng) Berg Dank! Chào! (Đáp) o Xạ thủ chào nhau Schützen Heil!, chúc nhau bắn tốt, bắn giỏi, bắn trúng đích. o Bạn trượt tuyết chào nhau Ski Heil! o Vận động viên thể dục, điền kinh chào nhau Gut Heil hoặc Gut Sport! (ở CHDC Đức trước kia), chúc nhau luyện tập thành công và không bị sát thương khi luyện tập.. o Lời chào Petri Heil - Angler khi đi câu cá, chúc nhau câu được nhiều cá. o Bạn chơi Black Metal hoặc Pagan Metal chào nhau Heil!, trong tiếng Anh có dạng Hail!, đã lan truyền nhanh cả ra nước ngoài.
1.3. Hành vi chào hỏi khi gặp mặt và khi chia tay Gute Nacht! Riêng Gute Nacht! là trường hợp đặc biệt, vừa là lời chào gặp mặt, vừa là lời chào chia tay trong tiếng Đức. Gute Nacht! thường được dùng chào tạm biệt trước khi đi ngủ. Trong thực tế có thể dùng trong những tình huống như một nhóm đối tượng giao tiếp hoặc cặp giao tiếp tạm biệt chia tay nhau vì sau đó, cho tới khi đi ngủ họ không gặp lại nhau nữa (ví dụ Tạm biệt! khi kết thúc đàm thoại). Gute Nacht! Thường thì đi kèm với Gute Nacht! là lời chúc ngủ ngon: Gute Nacht!, Schlaf(t) gut!, Schlafen Sie schön!, Schlaf schön! phong cách trung tính, không cách biệt hoặc Gute Nacht!, Angenehme Ruhe! phong cách trang trọng, xã giao, cách biệt. Gute Nacht! được dùng vào buổi tối và đối tượng giao tiếp là không hạn chế. Nacht! Nacht! là dạng thức ngắn gọn của lời chào Gute Nacht! và mang phong cách khẩu ngữ. Lời chào này được dùng hạn chế trong nhóm đối tượng giao tiếp mà giữa họ hầu như không có sự cách biệt nào: giữa những người thân quen, bạn bè, người trong gia đình. Gute Nacht! được dùng vào buổi tối và đối tượng giao tiếp là không hạn chế. Nacht! được sử dụng làm lời chào gặp mặt, đồng thời cũng được dùng làm lời chào lúc chia tay. Servus! Servus! là lời chào, được vay mượn từ tiếng Latinh servus: der Sklave, der Diener, có ý nghĩa là: Ich bin dein Diener.; hoặc là zu Diensten! – Nô bộc của Người!. Servus! là lời chào truyền thống, dùng phổ biến ở Trung Âu, từ Bayern và Áo đến Slovenia, Hungari (Szervusz!, Szervusztok!, Szia!, Sziasztok!), Slovac (Servus!), Rumani (Servus!) và Balan (Serwus!). Hallo Thomas! Chào / Tạm biệt Thomas! Servus Markus! Chào / Tạm biệt Markus! Servus! là lời chào đầu, đồng thời cũng được dùng làm lời chào tạm biệt, cách dùng này vẫn được lưu giữ đến ngày nay (trong khi Grüß Gott! chỉ còn là lời chào đầu). "Es geht gerade nicht", sagt Niko freundlich, vertröstet den Anrufer auf später und verabschiedet sich mit einem "Servus". Điều đặc biệt nữa là cách dùng lời chào Servus! kết hợp hai phong cách: chính thức và cá nhân: Sehr geehrter Herr Minister, Servus lieber Freund! Servus! được sử dụng không hạn chế về thời gian. Servus! Không chỉ được dùng nhiều trong học sinh, sinh viên, xưng hô ở ngôi du. Hơn nữa, lời chào này được dùng thông dụng cả ở đối tượng trung niên. Hơn nữa, ở một vài vùng ở miền Nam nước Đức, Áo và Nam Tirol, Servus! trở thành một trong những lời chào thông dụng nhất, được sử dụng ở mọi đối tượng giao tiếp. Ở đây, Servus! xuất hiện cả ở dạng thức rút gọn Service!, là lời chào mốt trong giới Hiphop. Về mặt phát âm, cũng phải nói rằng Servus! đặc biệt, âm [f] trong tiếng Đức là điều không thể: Servus! chứ không phải Sehr Fuß. Ở Áo, Servus! còn có biến thể phát âm khác là Servas! hoặc Tservas! hay dạng thức rút gọn Serv!, Seas! hay Seawas!. Hãn hữu còn có cách phát âm Na Servus! (phương ngữ Viên) nhưng để bộc lộ sự ngạc nhiên. Từ đó cho người ta cách phỏng đoán có thể nó là Na sowas! trong tiếng Đức.

2. Hành vi chào hỏi trong tiếng Việt Cách chào hỏi của người Việt vô cùng phong phú, nó phản ánh không chỉ thông tin mà cả tình cảm của các bên tham gia giao tiếp, bao gồm chủ thể giao tiếp và đối tượng giao tiếp. Phát ngôn chào có nhiều dạng cấu trúc khác nhau, song phần lớn đều có chung một đặc điểm là đều có động từ ngữ vi “chào”.
2.1. Lời chào được biểu hiện trực tiếp, tường minh Theo Phạm Thị Thành, “các phát ngôn chào được thể hiện một cách tường minh là các phát ngôn có động từ ngữ vi “chào”. Nhờ có động từ ngữ vi “chào”, nội dung của các phát ngôn được bộc lộ một cách trực tiếp, tường minh.” (Phạm Thị Thành 1995: 75)

Mô hình 1: CTGT + chào + ĐTGT!

Mô hình 1 được cấu tạo gồm ba bộ phận: chủ thể giao tiếp, động từ ngôn hành chào và đối tượng giao tiếp. Khuôn cấu trúc 3 bộ phận trên là khuôn cấu trúc đầy đủ nhất, vừa trang trọng, lịch sự vừa lễ phép, mở ra một phạm vi sử dụng phong phú, đa dạng hành vi chào thông qua đại từ nhân xưng ở chủ thể giao tiếp và đối tượng giao tiếp. Ví dụ: Con chào bố!, Chúng cháu chào cô!, Ông chào cháu!. “Hiếm có dân tộc nào mà sự tôn trọng được quy định ngay trong chính những đại từ nhân xưng của ngôn ngữ. Người Việt học cách tôn trọng ngay từ khi học nói. Văn hóa Việt buộc người ta phải tôn trọng người khác, bất luận tuổi tác, vị thế, giới tính, giàu nghèo.” (G. Vasiljevic, Chủ tịch Hội Đông Á Serbia. Trong: Người Việt lấy đâu ra sức mạnh? Báo Lao động, Xuân Đinh Hợi 2007, Tr.35.) Trong cấu trúc này, từ xưng hô và từ hô gọi thường tương thích với nhau như: con - bố, chúng cháu - cô, ông - cháu. Vì vậy, mô hình 1 được dùng thông dụng cho mọi chủ thể và đối tượng giao tiếp, mang ý nghĩa tình huống: giao tiếp chính thức, nửa chính thức hay không chính thức và mang ý nghĩa biểu cảm: xa lạ hay thân thuộc. “Giao tiếp chính thức là giao tiếp mang tính chất bắt buộc, theo những quy định của xã hội đối với một số lĩnh vực đặc biệt như nhà trường, quân đội, đảng phái, tôn giáo … đối với những cuộc giao tiếp diễn ra một cách trọng thể như các cuộc lễ tân ngoại giao, các cuộc hội nghị, Đại hội, lễ hội … Giao tiếp không chính thức là giao tiếp không mang tính bắt buộc mà có thể tự do giao tiếp theo tuổi tác, vị trí xã hội, quan hệ, thái độ … Giao tiếp không chính thức diễn ra trong các lĩnh vực sinh hoạt của đời sống như trong gia đình, trên đường phố, ở các nơi công cộng … Giao tiếp nửa chính thức là giao tiếp vừa mang tính chất chính thức vừa mang tính chất không chính thức. Giao tiếp nửa chính thức diễn ra trong các cơ quan, nhà máy, công trường, hợp tác xã … trong các cuộc họp ở cấp thấp như tổ, nhóm, phường, làng xóm …” (Phạm Thị Thành 1995: 34) Các ngữ khí từ đi kèm trong cấu trúc này là ạ!, mang lại cho cấu trúc sắc thái lễ phép đối với ĐTGT là bề trên. - Chúng cháu chào chú ạ! - Chào các cháu! Các cháu làm việc vui quá nhỉ! (Nguyễn Anh Quế 2000: 67)

Mô hình 2: Chào + ĐTGT!

Cấu trúc 2 được cấu tạo gồm hai bộ phận: động từ ngữ vi “chào” và đối tượng giao tiếp, được sử dụng rộng rãi, trong giao tiếp chính thức, sắc thái lịch sự: Chào Ngài!, giao tiếp không chính thức, sắc thái thân mật: Chào em!. Có thể thấy, từ hô gọi và trợ từ biểu cảm có vai trò không nhỏ góp phần giới hạn phạm vi sử dụng của cấu trúc này. Mô hình 2, đôi khi được bổ sung ngữ khí từ A!, À!, hoặc Ô!, Ôi! biểu lộ ngạc nhiên, vui mừng ...: - Ông già nghiêm nghị nhưng nhận ra học trò yêu nên vẻ mặt chợt tươi lên: À! Các anh sang sớm thế! Vào đây! (Chuyện về người thầy. Tuyển tập 2005: 15) - Thụy lon ton dẫn cô đi tắt một sườn đồi về nhà. Bà con đã tụ tập đông, thấy cô đều mừng: - Ôi cháu, mày đến kịp quá. (Nàng tiên đảo Ngọc. Tuyển tập 2005: 77) Trợ từ xin, kính, xin kính, trân trọng ... mang lại sắc thái trang trọng, nhờ đó mô hình 2 được sử dụng trong tình huống giao tiếp chính thức: - Khách cũng đã dặng hắng ba lần, kính cẩn chào tới ba lần, nhưng đều không được đáp lại, còn lúc này đã đứng sát ngay trước mặt mà ông già vẫn chưa hay biết: - Kính chào sử quan. (Ông già chép sử trong Viện hàn lâm. Tuyển tập 2005: 419)

Mô hình 3: Chào!

Mô hình 3 là dạng thức rút gọn nhất, chỉ còn lại một thành phần: động từ chào: Chào!, Chào nhé!. Trợ từ xin, kính giúp cho mô hình có được sắc thái lịch sự cần thiết (khi không có ĐTGT trong mô hình cấu trúc lời chào) và nhờ đó có thể chuyển bậc trong giao tiếp (giao tiếp đối với bậc trên): Xin chào!, Xin kính chào!. Ngoài ra, mô hình được bổ sung ngữ khí từ A!, biểu lộ sắc thái ngạc niên, vui mừng: A! Xin chào!. Động từ chào còn có thể được thể hiện dưới dạng một cụm động ngữ (Wendung) gửi tới/gửi đến ai lời chào: Gửi lời chào của tôi đến Minh nhé!

Mô hình 4: ĐTGT!

Mô hình 4 chỉ gồm một thành phần: ĐTGT, động từ chào bị lược bớt. Ở mô hình này có thể thêm ngữ khí từ ạ!, biểu thị sắc thái kính trọng. Ví dụ: - Chiều. Mẹ hồi hộp chờ con trên hè, trước cổng trường. Vàng Anh chạy lao ở trong lớp ra, ôm chặt lấy mẹ và kêu lên sung sướng: - Mẹ! - Con! ("Chị ấy“. Tuyển tập 2005: 319) Song, mô hình bị hạn chế sử dụng, chỉ được dùng với đối tượng giao tiếp bậc trên, không chính thức: Thầy ạ!, Bác ạ! (so sánh: Em chào thầy ạ!, Cháu chào Bác ạ!). Ví dụ: - Chúng nó bỗng chú ý đến người hút thuốc lá. Cái Mão nhìn đăm đăm vào chiếc xe đạp: - Ai như thầy Văn! Hình như đứa nào cũng linh cảm thấy điều đó, nên chúng nó chạy ùa lại, rối rít! - Thầy ạ! Thầy ạ! (Bài văn làm lại. Tuyển tập 2005: 448) Trong văn học thường bắt gặp các cách chào kính trọng, thêm trợ từ lạy, dạ thưa … vào mô hình như: Dạ thưa nội, con đi học về!, Kính thưa các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học và tất cả các vị có mặt tại đây. - Họ đứng từ giữa sân vái vào nhà miệng chào to vừa vui vẻ vừa kính cẩn: - Lạy thầy ạ! Có anh em chúng con đến hầu thầy. (Chuyện về người thầy. Tuyển tập 2005: 15) - Rượu được vài tuần, ông Cản Ngũ chắp hai tay vào nhau, từ từ đứng lên. Ông hướng ra bốn phía các ông đô ngồi quanh, ngập ngừng lên tiếng: - Thưa ... các bạn làng đô ... tôi xin có vài lời... (Ông Cản Ngũ. Tuyển tập 2005: 204)
2.2. Lời chào được biểu hiện không trực tiếp, hàm ẩn Theo Phạm Thị Thành, các phát ngôn hàm ẩn “là các phát ngôn không có động từ ngữ vi chào”. Do vậy ý nghĩa chào hỏi không được bộc lộ trực tiếp mà được gửi vào nội dung ngữ nghĩa của các phát ngôn khác như reo gọi, hỏi, khẳng định, khen ..., chứa đựng nội dung cảm xúc như vui mừng, quan tâm, chia sẻ, ngợi khen ... và thái độ thân thiết và trên hết chúng là các phát ngôn có cùng nghĩa tình huống sử dụng: giao tiếp không chính thức, đối tượng giao tiếp thân quen. (Phạm Thị Thành 1995: 80)

Mô hình 1: Lời reo gọi

Mô hình reo gọi bao gồm từ reo gọi và ĐTGT, khi bất ngờ các bên giao tiếp gặp nhau, thái độ của họ vui mừng xen lẫn ngạc nhiên. Mô hình này thường đi kèm với những ngữ khí từ a, ôi, kìa, chu cha, trời ơi, coi kìa, chà, ủa ... và ngữ điệu hô reo cùng những cử chỉ, điệu bộ khác nữa. - Ôi! Chị Thơm. Lâu quá rồi mới gặp chị. Chị có nhận ra em không? (Nguyễn Anh Quế: 243)

Mô hình 2: Câu hỏi

Cấu trúc hỏi diễn đạt nội dung chào trong tiếng Việt là rất phổ biến. Chủ thể giao tiếp hỏi về việc đã, đang diễn ra hiển nhiên hoặc sẽ diễn ra có liên quan đến ĐTGT. - Huy: Cháu chào ông! Ông có được mạnh khoẻ không? - Ông Hòa: Huy đấy à? Cháu về bao giờ thế? (Nguyễn Anh Quế: 340) - Con: Con chào mẹ! - Mẹ: Ừ, con đi học về đấy à? (Nguyễn Anh Quế: 280)

Mô hình 3: Câu hỏi xác nhận

Mô hình hỏi xác nhận cấu tạo gồm ĐTGT và động từ chỉ hành động mà ĐTGT đang thực hiện tại thời điểm xảy ra tương tác giao tiếp như ăn, uống, học bài, nghỉ ngơi hay đi bộ, hát ... Mô hình hỏi xác nhận được sử dụng để chào, đón khách đến chơi hoặc tiễn khách ra về. Ví dụ: Anh Tôn! Hôm nay chủ nhật, lại sắp Tết nguyên đán mà anh không đi đâu à? (Nguyễn Văn Mệnh: 45) Chào bác Hoà! Bác mới về chơi ạ. - Cháu: Cháu chào bà. - Bà: Ừ, cháu đã về. Thế nào, hôm nay có được điểm gì không? (Nguyễn Anh Quế: 276)

Mô hình 4: Mời chào

Mô hình mời chào cấu trúc gồm ĐTGT và động từ ngôn hành mời và một động từ chỉ hành động mà CTGT muốn mời ĐTGT như vào, ra, đến, thăm .... Ví dụ: Mời bác vào chơi, uống nước!, Xin mời ngồi bàn này. Thực đơn đây ạ., Mời cô mua đi. Cam, táo hay nho? - Mời bạn vào đây, gia đình mới chuyển đến nên bừa bộn quá. (Nguyễn Anh Quế: 172) - Mời các anh, các chị vào chơi. Các anh các chị ở đâu về thế? (Nguyễn Anh Quế: 231)

Mô hình 5: Chúc mừng

Cấu trúc chúc mừng bao gồm động từ ngôn hành chúc mừng và điều mà CTGT muốn chúc mừng ĐTGT. Ví dụ: - Ông Hòa: Chúc mừng bác đã tậu được nhà mới. - Ông Bá: Cám ơn bác. May mà gặp được cái nhà ưng ý quá. Đã thế giá cả cũng lại phải chăng. (Nguyễn Anh Quế: 264) - Thế nào, bạn Hùng! Nghe nói bạn đã nộp đơn vào Trường Mỏ - Địa chất, phải không? Chúc bạn đạt nguyện vọng. (Nguyễn Văn Mệnh: 69)

Chương III
NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT CỦA HÀNH VI CHÀO HỎI TRONG TIẾNG ĐỨC VÀ TIẾNG VIỆT

1. Những nét tương đồng của hành vi chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt
1.1. Những nét tương đồng thể hiện qua các phương tiện ngôn ngữ 1. Hành vi chào hỏi trong cả hai ngôn ngữ đều được thể hiện trực tiếp, tường minh, là những mô hình chào hỏi mà trong cấu trúc ngôn ngữ của chúng có chứa đựng động từ ngữ vi „chào“: Ich grüße Sie! Ich grüße dich! Ich grüße euch!, CTGT chào ĐTGT!, Chào ĐTGT!. Kèm theo mô hành vi chào trên là các cử chỉ, điệu bộ. 2. Cấu trúc ngôn ngữ của các mô hình chào hỏi trong cả hai ngôn ngữ có thể được rút gọn, tỉnh lược động từ ngữ vi „chào“: Guten Tag! là Tag!, Guten Morgen! - Morgen! hay Guten Abend! - Abend! và tương tự như vậy, trong tiếng Việt, là mô hình rút gọn: ĐTGT! ĐTGT (ạ)!. Đi kèm với mô hình chào hỏi trên là các yếu tố phi lời phong phú. Trong cả hai ngôn ngữ Đức và Việt, hành vi chào hỏi đều được sử dụng rất linh hoạt, đa dạng thông qua các cấu trúc không trực tiếp, hàm ẩn như lời chào và lời chúc, lời chào và lời khen, lời xác nhận, lời mời... và thường đi kèm với một hay một kết hợp đồng thời nhiều cử chỉ, điệu bộ.
1.2. Những nét tương đồng thể hiện qua các phương tiện phi ngôn ngữ Lời chào thường đi kèm với cử chỉ, điệu bộ đem lại nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau. Một lời chào có thể đi kèm một hay nhiều cử chỉ, điệu bộ, kết hợp cùng lúc. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số cử chỉ, điệu bộ thường gặp nhất khi kết hợp với lời chào. Những điệu bộ, cử chỉ như gật đầu, nháy mắt, nheo mắt, nhắm một mắt, vẫy tay, bắt chéo tay, hôn tay, hôn má, hôn trán ... đều không được đề cập đến ở đây.
1.2.1. Bắt tay Cử chỉ bắt tay đã có một lịch sử lâu dài, cho đến nay nó đã dần mất đi ý nghĩa nguyên sơ của bắt tay. Với bàn tay mở các ngón - với ý nghĩa là trong tay không có vũ khí - người dơ tay ra bắt muốn bộc lộ thiện chí hòa bình của mình. Trải qua một thời gian dài, cái bắt tay đã được gán cho ý nghĩa biểu trưng mới như ngày nay ta được biết tới. Cử chỉ bắt tay được sử dụng khá rộng rãi trong giao tiếp chính thức ở phương Tây cũng như ở Việt Nam ngày nay (thay cho chắp tay vái trong cách chào hỏi xưa). Bắt tay là chìa bàn tay phải, lòng bàn tay mở, nắm bàn tay phải của đối tượng giao tiếp (có thể không hoặc có lắc nhẹ) và kèm với câu chào. Cử chỉ bắt tay đáp lễ cũng cần được thực hiện một cách cẩn thận, đúng cách, tránh do sơ ý, không nắm bàn tay mà chỉ nắm những ngón tay hoặc không nắm chặt mà chỉ nắm hờ hững bàn tay đối tượng giao tiếp cho „có phép“, gây ra cảm giác xấu hổ hoặc bị xúc phạm ở chủ thể giao tiếp. Cùng với cái bắt tay, có thể thực hiện cùng lúc nhiều cử chỉ, điệu bộ bày tỏ tình cảm khác: o Có thể chỉ giơ tay ra bắt thay lời chào o Có thể vừa chào vừa giơ tay ra bắt o Vừa chào vừa giơ tay ra bắt, vừa mỉm cười o Vừa chào vừa giơ tay ra bắt, vừa mỉm cười và ánh mắt cười hoặc trao tình cảm ấm áp, thân thiện... Có thể thấy, trong cả hai ngôn ngữ Đức và Việt, cử chỉ, điệu bộ trong chào hỏi được sử dụng rất linh hoạt, đa dạng trong giao tiếp chính thức và không chính thức, thể hiện tính lịch sự, xã giao và thân mật.
1.2.2. Nụ cười Nụ cười là cách biểu lộ thái độ, tình cảm tự nhiên, bẩm sinh nhất của con người. Trong chào hỏi, nụ cười là tín hiệu muốn bộc lộ, thiết lập hay duy trì quan hệ thân thiện. Trong hoàn cảnh nhất định, để chào một đối tượng giao tiếp, chỉ nụ cười là đủ (đó là khi người bề trên, người lớn tuổi hơn, có vị thế cao hơn chào đáp lễ người nhỏ tuổi hơn…) hay như trên đã trình bày, nụ cười có thể đi kèm với bắt tay và lời chào. Sự biến hóa có thể xảy ra ở mỗi cử chỉ, điệu bộ khác nhau: cách bắt tay, vẫy tay chào không giống nhau, cúi đầu hay nghiêng người không giống nhau, nụ cười cũng có nhiều cách khác nhau, cái gật đầu, nháy mắt không hắn lúc nào cũng như nhau ...
1.2.3. Ánh mắt Luôn là vậy, ánh mắt là tín hiệu bộc lộ rõ nhất (cửa sổ tâm hồn), sắc nhất (dao cau) và nhanh nhất (tia chớp) sắc thái biểu cảm của các đối tượng tham gia giao tiếp. Khi chào, mắt cần nhìn vào nhau, tỏ sắc thái xã giao, lịch sự, lễ phép hay trìu mến hay tinh nghịch (nhướn lông mày hay nheo mắt, nháy mắt, nhắm một bên mắt). Ánh mắt chào nhau thường đi đôi với nụ cười hay cái gật đầu. Ở Châu Âu, màu chì kẻ mắt nhiều khi cũng đóng vai trò là một tín hiệu, một thông điệp hé mở cho một sắc thái tình cảm: hứa hẹn ... Nếu trong khi chào, ánh mắt nhìn sang hướng khác hay dõi theo một đối tượng giao tiếp không đối mặt, hành vi chào này được xem là bất nhã, vô lễ, đặc biệt khi người bề dưới chào người lớn tuổi hơn, có vị thế cao hơn. Cách kết hợp lời chào và ánh mắt „chào“, ánh mắt „cười“... thường thấy trong giao tiếp thân mật, giữa những người có mối quan hệ thân thiết.
1.2.4. Khoanh tay trước ngực Cử chỉ khoanh tay chào thường gặp trong các gia đình nho giáo ở miền Bắc xưa, ngày nay còn thấy ở miền Nam: trẻ em lứa tuổi mẫu giáo (lớp chồi, lớp lá) được dạy khoanh tay khi chào hỏi người lớn, đi kèm với khoanh tay chào là trợ từ Dạ thưa!, Thưa! (xem mô hình 2): Dạ thưa bác!, Thưa nội!
1.2.5. Giơ tay chào Cử chỉ đưa tay lên cao phía trên đầu, lòng bàn tay hướng về phía trước và đưa đi đưa lại một hay hai ba lần, được dùng khi đối tượng giao tiếp ở khoảng cách xa. Cử chỉ này kết hợp với các cử chỉ, điệu bộ khác như nụ cười, ánh mắt hay hôn gió (chúm môi hôn, phát ra tiếng kêu hoặc không phát ra tiếng kêu).
1.2.6. Chắp tay Theo Vũ Thanh Hương, chắp tay là cử chỉ khi hai lòng bàn tay áp vào nhau, các ngón áp vào nhau từng đôi một (ngón trỏ áp ngón trỏ, ngón giữa áp ngón giữa ...) và hai bàn tay chắp được đặt ở trước ngực (Vũ Thanh Hương, Viện Ngôn ngữ học). Cử chỉ chắp tay chào thể hiện sự cung kính, ngày nay ít được sử dụng, chỉ trong hoàn cảnh nhất định và ở nhóm người giao tiếp cao tuổi. Cách chào chắp tay này ngày nay thường được dùng trong phật giáo, các phật tử chào nhau. Hoặc khi đi chùa ta cũng có thể chào và chắp tay bày tỏ lòng cung kính đối với các sư bác, các tăng ni nhà chùa.
1.2.7. Cúi đầu Cử chỉ chào kết hợp với cúi đầu (đó là tư thế đầu nghiêng về phía trước, mặt hướng nhìn xuống), trong giao tiếp giữa người dưới với người cao tuổi hơn, có vị thế cao hơn, bày tỏ sự kính trọng, giữa các đối tác ngang hàng, mối quan hệ có khoảng cách bày tỏ phép xã giao, sự đúng mực. Cách chào hỏi này mang tính nghi thức, trong nhiều trường hợp, chỉ một cái gật đầu là đủ. Khi chào cúi đầu, người chào khởi xướng phải cúi chào trước, rồi tới người được chào cúi chào đáp lễ. Ở Châu Âu, cúi chào thường gặp ở nam giới, nữ giới thường gật đầu chào. "Cúi gập mình: Người lsrael (Do Thái) lúc gặp nhau vào ngày lễ tết thì họ cúi gập mình xuống, vừa đưa bàn tay lên ngang tai rồi chúc nhau bằng từ "shalom", có nghĩa là "hoà bình". Người Nhật Bản cũng duy trì tục lệ khi chào nhau họ đứng lại rồi cúi gập người xuống vài ba lần, sau đó mới hỏi han về sức khỏe, về công ăn việc làm. Còn người Ấn Độ thì sau khi cúi gập mình xuống lại đưa hai tay đặt vào ngực để tỏ lòng thành kính với khách." (Cửa sổ văn hóa: www.danangpt.vnn.vn)
1.2.8. Ôm hôn Ôm hôn nhau, cái tín hiệu này ở xã hội ta, "còn khó đưa vào mã giao tiếp" (Hoàng Tuệ 1984: 2). Có thể thấy, cử chỉ ôm hôn được sử dụng khá dè dặt, thường ở các thành phố lớn, giữa những người thân, bàn bè lâu ngày gặp nhau. "Ở các nước phương Tây, khi bạn bè thân thuộc gặp nhau vào dịp đầu năm mới, người ta chúc nhau bằng những nụ hôn nồng nàn. Tuy nhiên, nụ hôn lúc nào cũng phải đặt đúng chỗ, không phải hôn ở đâu cũng được. Cha mẹ hôn con cái trên trán, bạn bè hôn nhau ở hai bên má, trai gái yêu nhau thì hôn môi ... Ở Pháp, giới thượng lưu chào nhau, quý ông thường hôn tay quý bà." (Cửa sổ văn hóa: www.danangpt.vnn.vn). Tóm lại, cử chỉ điệu bộ đi kèm với lời chào trong tiếng Việt và tiếng Đức rất phong phú. Các tín hiệu cử chỉ điệu bộ kết hợp hài hòa với nhau và với tín hiệu ngôn ngữ giúp bộc lộ nét đặc trưng và nét đẹp ngôn ngữ - văn hóa của từng dân tộc. Trong tiến trình phát triển của xã hội, các tín hiệu cơ thể, cách thể hiện cử chỉ điệu bộ với các biểu đạt ngôn ngữ tương ứng cũng thay đổi.

2. Những nét dị biệt của hành vi chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt
2.1. Những nét dị biệt mang đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa Khác với các ngôn ngữ gần hay cùng họ, lời chào trong tiếng Đức và tiếng Việt có nhiều sự khác biệt trên phương diện văn hóa - ngôn ngữ. Có thể nêu lên một số điểm khác nhau cơ bản. 1. Khác với tiếng Đức, trong tiếng Việt, lời chào khởi xướng và lời chào đáp lễ hay chào gặp mặt (chào đầu) và chào chào chia tay (chào cuối) có thể không giống nhau, không tạo thành cặp cộng hưởng, sau khi mở đầu hay kết thúc một tương tác giao tiếp. o Chào đầu, chào khởi xướng, hàm ẩn: Chào bác, bác ăn cơm chưa ạ! - lời chào đáp lại không phải là: Chào bác, bác ăn cơm chưa ạ!. So sánh tiếng Đức: A: Guten Tag! Xin chào! B: Guten Tag! Xin chào! o Chào cuối, chào tạm biệt, tường minh: Tạm biệt thầy ạ! Chào anh! (thay cho Tạm biệt anh!) (Mai Ngọc Chừ: 26) So sánh tiếng Đức: A: Aufwiedersehen! Tạm biệt! B: Aufwiedersehen! Tạm biệt! 2. Khác với tiếng Việt, trong tiếng Đức, có sự kết hợp sử dụng kép cả hai dạng thức Auf Wiedersehen!, Tschuess! cùng lúc. Mặc dù, như đã phân tích ở trên, Auf Wiedersehen! được dùng trong giao tiếp chính thức, còn Tschuess! trong giao tiếp không chính thức. 3. Trong tiếng Đức, hầu hết các lời chào Guten Morgen!, Guten Tag!, Guten Abend!, Gute Nacht!, được dùng chung cho mọi đối tượng, không phân bậc giao tiếp, lựa chọn từ xưng hô theo giới tính, tuổi tác, quan hệ thân sơ như trong tiếng Việt. Chào anh! - Chào em! Chào chị! - Chào anh! So sánh tiếng Đức: A: Morgen! Chào! B: Morgen! Chào! 4. Trong tiếng Đức, các phát ngôn chào Tag!, Tach! và Tagchen! có cùng ý nghĩa nhưng được dùng ở những đối tượng sử dụng khác nhau và có cách phát âm cũng khác nhau: Tag! [tak] âm nổ và Tach! [tax] âm xát, Tagchen! [taçen] âm xát. Thêm nữa, về ý nghĩa, chen trong Tagchen! biểu thị sự thân thiện, cảm giác dễ chịu, "âu yếm", hoàn toàn không mang ý nghĩa cấu tạo từ như nó vốn có, so sánh Häuschen: ngôi nhà nhỏ, Mäuschen: con chuột nhắt. 5. Khác với tiếng Việt, mô hình chào hỏi trong tiếng Đức thay đổi theo cách xưng gọi ĐTGT ngôi thứ hai: Sie (Ngôi thứ hai số ít và số nhiều, dạng thức lịch sự Ngài, Ông, Bà) và du / ihr (Ngôi thứ hai số ít / số nhiều, dạng thức thân mật: bạn, các bạn ...). Hai dạng thức này được dùng chung cho mọi đối tượng giao tiếp, không phân biệt địa vị xã hội, nghề nghiệp. Mô hình chào hỏi, dùng trong xưng hô lịch sự, chính thức (siezen) có cấu tạo như sau:

|Guten Tag! + ĐTGT: Từ xưng hô + Tên họ |

Guten Tag, Frau Schneider! Xin chào, bà Schneider! Mô hình chào hỏi, dùng trong xưng hô thân mật, không chính thức (duzen) có cấu tạo như sau:

|Tag / Tagchen! + ĐTGT: + Tên riêng |

Tag / Tagchen, Peter! Chào, Peter! 6. Đặc trưng cho văn hóa chào hỏi tiếng Việt là kính ngữ ạ, dạ, xin, thưa, kính, dạ thưa, xin thưa, kính thưa, xin kính thưa ... : Cháu chào bác ạ!, Xin chào!, Kính chào các ông, các bà!, Thưa chú!... 7. Theo thời gian sử dụng, phát ngôn chào hỏi trong tiếng Đức bao gồm: Guten Morgen! - Chào buối sáng! thường được dùng vào lúc gặp nhau trong khoảng trước 8, 9 giờ sáng, nghĩa là đầu giờ làm việc, Guten Tag! - Chào ban ngày! thường dược dùng từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều và Guten Abend! - Chào buổi tối! được dùng từ 6 giờ chiều đến sáng hôm sau. (Nguyễn Bách: 135) 8. Trong tiếng Đức, phát ngôn chào Hallo! được dùng theo nhiều cách. o Hallo! như một thán từ: Aber Hallo!, có nghĩa là: Das war vielleicht was los (Dường như có chuyện gì đó xảy ra.). o Hallo! còn xuất hiện như một câu hỏi: Hallo?, được hiểu là: Was soll das denn jetzt? (Bây giờ thế nào?), Wie darf ich das verstehen? (Tôi phải hiểu thế nào đây?.) Điều đáng lưu ý khi sử dụng Hallo! là sự nhấn giọng và sự kết hợp giữa các yếu tố phi ngôn ngữ như nét mặt và cử chỉ, điệu bộ của người nói. Theo đó, Hallo! được hiểu theo nhiều cách khác nhau: Hallo! là lời chào, Hallo! là lời gọi, Hallo! là hư từ đệm trong tranh luận cãi vã, và Hallo! biểu thị sự khích lệ, động viên. Đặc tính âm điệu thể hiện ở chỗ khi phát âm, trọng âm rơi vào âm tiết đứng sau: Hallo!, âm tiết cuối, điều này hoàn toàn khác với quy tắc nhấn âm thông thường trong tiếng Đức: trọng âm rơi vào âm áp chót. Và Hallo! ở đây biểu hiện một bầu không khí ồn ào, một sự phấn khích: Er wird mit großem Hallo empfangen.
2.2. Những nét dị biệt mang đặc trưng văn hóa, dân tộc
2.2.1. Lời chào thay đổi ngôi và vai giao tiếp Lời chào thay đổi ngôi và vai giao tiếp cũng được biểu hiện một cách tự nhiên và có dạng thức đa dạng, ví dụ chào thay các con, các cháu: Thay lời Chào anh! (chị) ta thấy nhiều trường hợp sử dụng dạng thức Chào bác! (xưng hô là em hặc tôi) hay Chào ông! (bà) (xưng hô là tôi, là con), tỏ sắc thái thân mật, thường là giữa những đối tượng giao tiếp có mối quan hệ thân tình hoặc ruột thịt trong gia đình. Trong tiếng Đức, nếu muốn thực hiện cùng một chức năng biểu cảm trên, không xảy ra hiện tượng thay đổi ngôi giao tiếp và vai giao tiếp này: Con chào ông!. Cách xưng hô đổi ngôi, nâng cao vị thế của ĐTGT, tỏ lòng kính trọng, khiêm nhường và phép lịch sự, dùng trong giao tiếp xã giao: - Lan: Chào bố, chào mẹ, nhân dịp nghỉ hè, chúng con về thăm bố mẹ. Bố mẹ có khoẻ không? - Mẹ: Anh ấy và các cháu đâu? (Nguyễn Anh Quế: 233) - Bác sĩ Hoàng: Chào thầy! Em nghe nói thầy sắp đi Pháp? - Giáo sư: Ừ, theo lời mời của Hội châm cứu mình sang đó vài tháng, sau đó có thể sẽ đi Ý. (Nguyễn Anh Quế: 342) Các cách chào hỏi bày tỏ quan hệ đặc biệt thân quen và rất quý mến, như người trong nhà: Cháu bác ngoan lắm! Anh cô hôm nay đi đánh bóng về muộn, nhà vẫn chờ cơm!
2.2.2. Lời chào phân biệt không gian, vùng miền Các lời chào được phân biệt về đặc trưng văn hóa, đặc trưng dụng học của từng quốc gia trong khu vực nói tiếng Đức: Phân biệt giữa Áo và Đức: Servus! Gruessi ... Các lời chào cũng biểu hiện những phân biệt về mặt không gian, vùng miền: Gruess Gott! Thay cho Guten Morgen!, Guten Abend! và Guten Tag!, thường được dùng ở miền Nam nước Đức và ở Áo. Có những quan điểm khác nhau khi tìm hiểu về xuất sứ và cách sử dụng của các lời chào trong tiếng Đức. Chẳng hạn quan điểm cho rằng Moin! không phái sinh từ Guten Morgen!. Và về mặt thời gian, Moin! được dùng trong cả ngày và trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, ở một số ít vùng ở miền Bắc nước Đức, nó chỉ được dùng là lời chào buổi sáng. Những ví dụ loại này là điều không hiếm thấy, trên đây chỉ nêu một trường hợp.
Chương IV
ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
VÀO THỰC TIỄN GIẢNG DẠY TIẾNG ĐỨC

Chương này trình bày một số hệ quả có thể áp dụng trong giảng dạy và học ngoại ngữ. Trong giảng dạy tiếng Đức ở Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Tây, Trường ĐHNN - ĐHGQ HN, có thể giới thiệu các mô hình chào hỏi trong tiếng Đức. Đi kèm theo đó là những bài luyện tập theo mô hình và khi thực hiện hành vi chào hỏi này có so sánh với cách sử dụng chúng trong các Quốc gia nói tiếng Đức khác như Áo, Thụy Sỹ.

1. Đề xuất giảng dạy hành vi chào hỏi trong tiếng Đức
1.1. Từ xưng hô trong cấu trúc lời chào trong tiếng Đức Từ xưng hô trong cấu trúc chào hỏi tiếng Đức có thể được tóm tắt lại như sau:
|Rút gọn |Tiếng Việt |Ví dụ |Chú thích |
|V |Tên riêng |Klaus, Monika | |
|FN |Tên họ |Krause, Meyer | |
|T |Hàm, Tước hiệu | | |
|T 1 |Hàm phẩm theo nghi thức, lễ nghi|Herr, Frau, Fräulein |Ông, bà, cô |
|T 2 |Hàm phẩm trong giới đồng nghiệp,|Kollege, Kollegin, |Đồng nghiệp, đồng chí |
| |nơi công sở |Genosse, Genossin | |
|T 3 |Hàm phẩm theo học hàm, Học vị, |Professor, Direktor, Sekretär, |Giáo sư, Giám đốc, Thư ký,|
| |chức tước |Oberst, Pfarrer |Linh mục |
|T 4 |Hàm phẩm biểu trưng tước vị |Magnifizenz, Exellenz, Eminenz | |
|T 5 |Hàm phẩm trong gia đình |Mutti, Oma, Tante |Mẹ, bà, cô, dì |
|T 6 |Hàm phẩm trong những nghi lễ |Chef, Boss, Jubilar, Junger |Chef |
| |khác |Mann, Liebling, (Du)Esel | |

Cùng với các dạng thức danh từ trên còn có định ngữ đi kèm ở dạng: ▪ AF (Attributive Formen - AF): định ngữ. Ví dụ dùng đại từ sở hữu : mein - của tôi, unser - của chúng ta, eure - của các bạn... ▪ FN (Familienname) ▪ GA (Gruppenanrede - GA) : cách xưng hô theo nhóm. Ví dụ: Meine Damen und Herren! Kính thưa các Quí vị! Liebe Gäste! Kính thưa các vị khách quí! Liebe Brüder und Schwestern! Thưa các anh chị em! ▪ T (Titel) ▪ T1 (Standardtitulatur) ▪ T2 (Kolegiale Titulatur) ▪ T3 (Berufs- und Funktionstitulatur) ▪ T4 (Symbolische Titulatur) ▪ T5 (Familiäre Titulatur) ▪ T6 (Gelegenheitstitulatur) ▪ V (Vorname)
1.2. Lời chào đi kèm với từ xưng hô trong tiếng Đức
1.2.1. Lời chào gặp mặt Guten Morgen! Lời chào này rất phổ biến, được dùng cả trong nghi lễ chính thức và không chính thức. Đi kèm với Guten Morgen! là những từ xưng hô sau: Guten Morgen + V! Guten Morgen, Paul! Guten Morgen + T1 + FN! Guten Morgen, Herr Weinig! Guten Morgen + T2! Guten Morgen, Kollege! Guten Morgen + T2 + FN! Guten Morgen, Kollege Meyer! Guten Morgen + T3 + FN! Guten Morgen, Professor Müller! Guten Morgen + T1 + T3! Guten Morgen, Herr Direktor! Guten Morgen + T5! Guten Morgen, Mutti! Guten Morgen + T6! Guten Morgen, Chef! Guten Morrgen + GA! Guten Morrgen, liebe Gäste! Trong trường hợp quen thân và xưng hô ở ngôi du, có thể dùng dạng thức rút gọn Morgen! Morgen + V! Morgen, Paul! Morgen + T2! Morgen, Kollege! Morgen + T6! Morgen, Chef! Guten Tag! Đây là lời chào thường dùng nhất ở Đức, mang sắc thái trung tính. Tương tự như trên, khi mức độ thân quen cao hơn, Guten Tag! Cũng dùng rút gọn là Tag!. Lời chào này có khả năng kết hợp với từ xưng hô theo cách sau: Guten Tag + V! GutenTag, Anke! Guten Tag + T1 + FN! Guten Tag, Herr Hofmann! Guten Tag + T2! Guten Tag, Kollege! Guten Tag + T2 + FN! Guten Tag, Kollege Kaufmann! Guten Tag + T3 + FN! Guten Tag, Professor Schulz! Guten Tag + T1 + T3! Guten Tag, Herr Direktor! Guten Tag + T5! Guten Tag, Mutti! Guten Tag + T6! Guten Tag, Chef! Guten Tag + GA! Guten Tag, liebe Gäste! Guten Abend! Đây là lời chào thường dùng nhất ở Đức, mang sắc thái trung tính. Tương tự như trên, khi mức độ thân quen cao hơn, Guten Abend! cũng được rút gọn là Abend! hoặc n`Abend!. Lời chào này có khả năng kết hợp với từ xưng hô như: Guten Abend + V! Guten Abend, Otto! Guten Abend + T1 + FN! Guten Abend, Herr Esser! Guten Abend + T2! Guten Abend, Kollege! Guten Abend + T2 + FN! Guten Abend, Kollege Esser! Guten Abend + T3 + FN! Guten Abend, Professor Schulz! Guten Abend + T1 + T3! Guten Abend, Herr Direktor! Guten Abend + T4! Guten Abend, Exzellenz! Guten Abend + T5! Guten Abend, Mutti! Guten Abend + T6! Guten Abend, Chef! Guten Abend + GA! Guten Abend, meine Damen und Herren! Grüß Gott! Lời chào này được dùng thông dụng ở miền Nam nước Đức và ở Áo, mang sắc thái trung tính. Grüß Gott! Dùng thay cho Guten Tag! và có những khả năng kết hợp với từ xưng hô sau: Grüß Gott + V! Grüß Gott, Kathrin! Grüß Gott + T1 + FN! Grüß Gott, Herr Fleischer! Grüß Gott + T2! Grüß Gott, Kollege! Grüß Gott + T2 + FN! Grüß Gott, Kollege Hartung! Grüß Gott + T1 + T3! Grüß Gott, Herr Pfarrer! Grüß Gott + T5! Grüß Gott, Omi! Grüß Gott + T6! Grüß Gott, Chef! Grüß dich! - Chào + ngôi thứ hai thân mật, số ít Lời chào này dùng cho mối quan hệ thân thiết, xưng hô ở ngôi du. Grüß dich + V! Grüß dich, Maria! Grüß dich + T2! Grüß dich, Kollege! Grüß dich + T5! Grüß dich, Papi! Grüß dich + T6! Grüß dich, Chef! Grüß euch! - Chào + ngôi thứ hai thân mật, số nhiều Lời chào này dùng đối với một nhóm giao tiếp, có quan hệ thân thiết. Khả năng kết hợp lời chào với từ xưng hô như sau: Grüß euch + GA (T2)! Grüß euch, liebe Freunde! Sei gegrüßt! Lời chào này cũng được dùng trong bạn bè thân thiết và chỉ có một khả năng kết hợp với từ xưng hô: Sei gegrüßt + V! Sei gegrüßt, Christian! Cần lưu ý là, ở lời chào này, lời chào đáp lại không giống lời chào khởi xướng: - Sei gegrüßt, Christian! Chào, Christian! - Du auch! Chào! - Sei gegrüßt, Christian!Chào, Christian! - Und du auch! Chào! Willkommen!, Herzlich Willkommen! Lời chào này được dùng khi chủ nhà chào đón khách. Lời chào này thường đi kèm trước đó hoặc sau đó một lời chào khởi xướng khác và có khả năng kết hợp với từ xưng hô như sau: Hallo + V! Hallo, Klaus! Herzlich willkommen! Herzlich willkommen! Guten Tag + T1 + FN! Guten Tag, Frau Wiechert! Herzlich willkommen! Herzlich willkommen! Guten Morgen + T1 + T3! Guten Morgen, Frau Direktor! Herzlich willkommen! Herzlich willkommen! Hallo! Lời chào này thông dụng trong học sinh, sinh viên, các bạn trẻ và ngày nay trở thành lời chào được ưa dùng nhất trong giới bạn bè quen thân. Khả năng kết hợp với từ xưng hô của Hallo! Như sau: Hallo + V! Hallo, Monika! Hallo + T5! Hallo, Opi! Hallo + T6! Hallo, Boss! Hi! Lời chào này được dùng hạn chế ở các bạn trẻ, trong giới hẹp bạn bè, đặc biệt đối với “Teenagern”. Hi + V! Hi, Frank! Hi + T5! Hi, Mutti! Mahlzeit! Mahlzeit! khác với những lời chào khác là nó không đi với từ xưng hô (Waclaw Miodek 1994: 100).
1.2.2. Lời chào chia tay Auf Wiedersehen! Auf Wiedersehen! có khả năng kết hợp với từ xưng hô như sau: a) Với người không chênh lệch nhiều về tuổi tác: Auf Wiedersehen + V! Auf Wiedersehen, Hans! Auf Wiedersehen + T3! Auf Wiedersehen, Sekretär! b) Với người lạ và người trên: Auf Wiedersehen + T1 + FN! Auf Wiedersehen, Frau Lange! Auf Wiedersehen + T2! Auf Wiedersehen, Kollege! Auf Wiedersehen + T2 + FN! Auf Wiedersehen, Kollege Tilp! Auf Wiedersehen + T1 + T3! Auf Wiedersehen, Herr Direktor! Auf Wiedersehen + T5! Auf Wiedersehen, Mutti! Auf Wiedersehen + T6! Auf Wiedersehen, Chef! Auf Wiedersehen + GA! Auf Wiedersehen, liebe Freunde! Auf Wiederschauen! Auf Wiederschauen! mang sắc thái phương ngữ, phương thức chào kết hợp với từ xưng hô cũng giống như ở lời chào Auf Wiedersehen!. Auf Wiederschauen + V! Auf Wiederschauen, Lilo! Auf Wiederschauen + T1 + FN! Auf Wiederschauen, Frau Krieger! Auf Wiederschauen + T2! Auf Wiederschauen, Kollege! Auf Wiederschauen + T2 + FN! Auf Wiederschauen, Kollege Esser! Auf Wiederschauen + T1 + T3! Auf Wiederschauen, Herr Direktor! Auf Wiederschauen + T5! Auf Wiederschauen, Tante! Auf Wiederschauen + T6! Auf Wiederschauen, Chef! Auf Wiederschauen + GA! Auf Wiederschauen, liebe Kinder! Tschüß!, Tschüßchen! Tschüß + V! Tschüß, Helga! Tschüß + T2 + FN! Tschüß, Kollege Neumann! Tschüß + T5! Tschüß, Oma! Tschüß + T6! Tschüß, Boss! Tschüß + GA! Tschüß, liebe Zuschauer! Adieu! Lời chào này mang tính nồng nhiệt. Ở Thụy Sỹ là dạng Adé!. Adjö + V! Adjö, Nina! Adé + T1 + FN! Adé, Herr Schmidt! Adé + T2! Adé, Kollege! Adé + T2 + FN! Adé, Kollege Nguyen! Adé + T1 + T3! Adé, Herr Direktor! Adé + T5! Adé, Oma! Adé + T6! Adé, Boss! Tschau!, Ciao! Lời chào này được các bạn trẻ, đặc biệt sinh viên ưa dùng. Khả năng kết hợp với từ xưng hô không rộng rãi. Tschau + V! Tschau, Anne! Tschau + T5! Tschau, Onkel! Tschau + T6! Tschau, Liebling! Salü! Lời chào này cũng hạn chế trong giao tiếp xưng hô thân mật Duzen. Salü + V! Salü, Mai! Salü + T5! Salü, Opa! Salü + T6! Salü, Chef! Mach`s gut! Đây là lời chào tạm biệt của những người bạn thân thiết, không dùng chính thức, nó thường đi kèm với từ xưng hô sau: Mach`s gut + V! Mach`s gut , Uwe! Mach`s gut + T5! Mach`s gut , Oma! Mach`s gut + T6! Mach`s gut , junger Mann! Bis dann! Bis dann + V! Bis dann, Birke! Bis morgen + T1 + FN! Bis morgen, Herr Meier! Bis Sonntag + T2 + FN! Bis Sonntag, Kollege Spatz! Bis spät + T5! Bis spät, Tante! Bis nachher + T6! Bis nachher, Chef!
1.2.3. Lời chào gặp mặt và chia tay Gute Nacht! Gute Nacht! và dạng thức rút gọn Nacht! được dùng không phân biệt tuổi tác, đồng thời có khả năng kết hợp với hầu hết các từ xưng hô. Gute Nacht + V! Gute Nacht, Christoph! Gute Nacht + T1 + FN! Gute Nacht, Herr Esser! Gute Nacht + T2 + FN! Gute Nacht, Kollege Schmidt! Gute Nacht + T1 + T3! Gute Nacht, Herr Direktor! Gute Nacht + T4! Gute Nacht, Exzellenz! Gute Nacht + T5! Gute Nacht, Opi! Gute Nacht + T6! Gute Nacht, Liebling! Gute Nacht + GA! Gute Nacht, meine Damen und Herren! Servus! Servus! có khả năng kết hợp với một số hạn chế các từ xưng hô. Servus + V! Servus, Ingrid! Servus + T5! Servus, Onkel! Servus + T6! Servus, Chef! Sau đây là bảng tổng hợp các lời chào và khả năng kết hợp các lời chào này với từ xưng hô trong tiếng Đức.

|Grußfo|V |T1 |T1 |T1 |T2 |T2 |T3 |
|rmen | | |FN |T3 | |FN | |
|1 |CTGT | |chào |ĐTGT! | |Chính thức |Lịch sự |
| |CTGT | |chào |ĐTGT |ạ! |Chính thức |Lịch sự |
| |CTGT |xin |chào |ĐTGT! | |Chính thức |Lịch sự |
| |CTGT |xin kính |chào |ĐTGT! | |Chính thức |Lịch sự |
|2 | |A, À, Ôi, Ô |chào |ĐTGT! | |Không chính thức |Thân mật |
| | |A, À, Ôi, Ô |chào |ĐTGT | |Không chính thức |Thân mật |
| | |A! |chào |ĐTGT! | |Không chính thức |Thân mật |
| | |Xin |chào |ĐTGT! | |Không chính thức |Thân mật |
|3 | | |chào! | | |Không chính thức |Thân mật |
| | |Xin |chào! | | |Không chính thức |Thân mật |
| | |Xin |chào | | |Không chính thức |Thân mật |
| | |Xin |chào | | |Không chính thức |Thân mật |
|4 | | | |ĐTGT! | |Không chính thức |Thân mật |
| | | | |ĐTGT! | |Không chính thức |Thân mật |
| | |Thưa | |ĐTGT! | |Không chính thức |Thân mật |
| | |Dạ thưa | |ĐTGT! | |Không chính thức |Thân mật |
|5 |CTGT | |Cụm động ngữ |ĐTGT! | |Chính thức |Lịch sự |

KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã đề cập một cách cặn kẽ cơ sở lý luận của việc nghiên cứu hành vi ngôn ngữ, cụ thể là hành vi chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt với những đặc trưng cấu trúc, chức năng chuyên biệt cũng như tiêu chí lựa chọn để có được hành vi ứng xử phù hợp bối cảnh giao tiếp. Nghiên cứu đặc trưng văn hóa - ngôn ngữ hành vi chào hỏi càng là bình diện tinh tế và nhạy cảm, bởi ngôn ngữ, bản thân nó rất đa dạng, rất sống động, lại luôn thay đổi. Song ngôn ngữ - là một trong những hành vi của con người - phản ánh một cách đầy đủ, trực tiếp, khách quan nhất mỗi con người chúng ta, đồng thời chịu sự tác động và chế ước của các mối quan hệ xã hội, mang nét đặc trưng văn hóa cộng đồng. Nghiên cứu cũng đã tổng hợp các lời chào hỏi có trong tiếng Đức và mô hình chào hỏi trong tiếng Việt, xem xét và phân tích những lời chào hỏi này trong tương quan với các yếu tố dụng học (không gian, thời gian, ước lệ xã hội), các yếu tố xã hội (tuổi tác, vị thế xã hội, nghề nghiệp ...) cũng như các yếu tố về mục đích và chiến lược giao tiếp ... Lời chào hỏi được phân tích về xuất sứ, về cách sử dụng và giá trị biểu cảm thể hiện qua các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, qua đó nêu bật những đặc trưng văn hóa - xã hội và văn hóa, dân tộc. Nghiên cứu đã làm rõ những nét tương đồng và dị biệt của hành vi chào hỏi trong tiếng Đức và tiếng Việt, nhấn mạnh đặc trưng văn hóa, xã hội, truyền thống của hai dân tộc, giúp hiểu và nắm vững nền văn hóa của Đức và Việt Nam. Nghiên cứu có thể được phát triển theo hướng nghiên cứu các hành vi ngôn ngữ mang tính nghi thức khác như: cảm ơn, xin lỗi, thỉnh cẩu, bác bỏ ... để đưa ra được bức tranh đầy đủ về hành vi giao tiếp ngôn ngữ mang tính nghi thức. Đến lượt mình, chào hỏi cũng cần được nghiên cứu sâu hơn, nghiên cứu khắc họa rõ nét hành vi chào hỏi thể hiện qua các kênh giao tiếp: nói và viết, ở các giai tầng xã hội khác nhau: chính khách, viên chức, học sinh, đối với các đối tượng tham gia giao tiếp ở các lứa tuổi khác nhau: cao niên, trung niên, thanh thiếu niên ... Và trên hết là nghiên cứu những hành vi chào hỏi của cùng một chủ thể giao tiếp với những đối tượng giao tiếp khác nhau, trong những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau cùng những chỉ suất giao tiếp khác nhau (tâm trạng, mục đích, thời gian, địa điểm ...). Từ một góc nhìn của giao tiếp giao văn hóa (cross-cultural) hay liên văn hóa (inter-cultural), những nghiên cứu về giao tiếp ngôn ngữ với nhân tố văn hóa - ngôn ngữ trong sự so sánh với các ngôn ngữ khác là hướng nghiên cứu đang được chú trọng, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà ngôn ngữ học và sư phạm học. Đó cũng chính là mục đích hướng tới lâu dài của cán bộ làm công tác giảng dạy và truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Đức và Việt Nam, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa Phương Tây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHẦN I. SÁCH TIẾNG VIỆT 1. Vũ Kim Bảng (2000): Deutsch als Fremdsprache in Vietnam im Vergleich mit anderen Fremdsprachen (Tiếng Đức là một ngoại ngữ ở Việt Nam trong so sánh với các ngoại ngữ khác). In: DAAD (Hg.) Germanistentreffen: Deutschland - Indien - Indonesien - Philippinen - Taiwan - Thailand - Vietnam, Bangkok 1999, Bonn, 41-50. 2. Ngô Văn Cảnh (2000): Các biểu thức ngữ vi của hành vi chào hỏi trong hát phường vải Nghệ Tĩnh, Ngữ học trẻ, 246-249. 3. Đỗ Hữu Châu (1985): Các yếu tố dụng học của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, 14-16. 4. Nguyễn Văn Chiến (1991): Sắc thái địa phương của các danh từ thân tộc trong tiếng Việt. Tạp chí NN. Số 2.1991. 5. Nguyễn Vân Dung (2001): Tìm hiểu văn hóa Pháp thông qua lời chào và tạm biệt. Kỉ yếu Hội nghị Khoa học 2000-2001. ĐHNN - ĐHQG Hà Nội. 6. Nguyễn Vân Dung (2005): Nghiên cứu văn hóa Việt-Pháp thông qua hành vi ngôn ngữ chào hỏi, Kỉ yếu HNKH ĐHNN-ĐHQGHN, 62-67. 7. Nguyễn Thiện Giáp (2000): Dụng học Việt ngữ, NXB. ĐHQG HN. 8. Nguyễn Thiện Giáp (Chủ biên) (2006): Lược sử Việt ngữ học, Tập 1, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 430. 9. Dương Thị Thuý Hương (2005): Tìm hiểu về các qui tắc nghi thức lời nói của người Nga như một yếu tố văn hóa giao tiếp quan trọng có ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp bằng tiếng Nga, Kỉ yếu HNKH ĐHNN-ĐHQGHN, 144-148.
10. Nguyễn Thượng Hùng (1991): Nghi thức ngôn ngữ trong giao tiếp của tiếng Việt và tiếng Anh, Tạp chí ngôn ngữ, Số 2(82), Viện NNH, Viện KHXHVN.
11. Nguyễn Văn Khang (1999): Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản, NXB. KHXH, Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Khang (2006): Việc nghiên cứu xã hội ngôn ngữ học tiếng Việt. Trong: Lược sử Việt ngữ học, Tập 1, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 361-374.
13. Nguyễn Lai (1993): Về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa. Hội ngôn ngữ học Việt Nam.
14. Nguyễn Văn Lập (2000): Các bình diện xã hội của sự phân tích phép lịch sự ngôn từ, 283-286.
15. Nguyễn Thị Lương (2003): Các hình thức chào trực tiếp của người Việt. Tạp chí NN. Số 3.2003.
16. Phó Thị Mai (2005): Đặc trưng xã hội trung Quốc trong ngôn ngữ giao tiếp và trong ngôn ngữ chào hỏi tiếng Hán, Kỉ yếu HNKH ĐHNN-ĐHQGHN, 168-174.
17. Nguyễn Thủy Minh (2000): Hành vi chào hỏi trong hội thoại tiếng Anh và tiếng Việt, Ngôn ngữ học trẻ, 201-205.
18. Nguyễn Quang (2001): Một số vấn đề giao tiếp và giao tiếp văn hóa. ĐHNN.
19. Nguyễn Quang (2005): “Cận kề học” trong giao tiếp phi ngôn từ, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ, T.XXI, Số 4AP, ĐHQGHN, 17-30.
20. Chu Thị Thanh Tâm (2005): Quan điểm đối chiếu hành vi ngôn ngữ theo dụng học và dụng học giao văn hóa, Kỉ yếu HNKH ĐHNN-ĐHQGHN, 262-264.
21. Phạm Thị Thành (1995): Nghi thức lời nói tiếng Việt hiện đại qua các phát ngôn chào, cám ơn, xin lỗi. Luận án PTS ngữ văn, 115.
22. Nguyễn Hữu Thọ (2005): Một số suy nghĩ về nội dung văn hóa trong giảng dạy tiếng Pháp, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ, T.XXI Số 4PT, 81-89.
23. Trần Ngọc Thêm (1998): Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB. Giáo dục, Hà Nội.
24. Trần Ngọc Thêm (1999): Ngữ dụng học và văn hóa-ngôn ngữ học, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 4.
25. Hoàng Tuệ (1984): Lời chào với cái bắt tay với nụ cười, Tạp chí Ngôn ngữ, số phụ 2.
26. Nguyễn Thị Hồng Vân (2000): Grussformeln im Vietnamesischen als sprachliche Umgangsformen (Nghi thức chào hỏi trong tiếng Việt là các dạng thức giao tiếp ngôn ngữ). In: Gerhard Stickel, Sprachliche Umgangsformen im Deutschen und mehreren asiatischen Sprachen – Beiträge zu einer multilingualen Arbeitsgruppe. In: DAAD (Hg.) Germanistentreffen: Deutschland – Indien – Indonesien – Philippinen – Taiwan – Thailand – Vietnam, Bangkok 1999, Bonn, 217-220.
27. Như Ý (1990): Vai xã hội và ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp. Tạp chí NN. Số 3.1990.

PHẦN II. SÁCH TIẾNG ĐỨC
28. Austin, J. L. (1962): How to Do Things with Words. Cambridge (Mass.); deutsch: Zur Theorie der Sprechakte, Stuttgart, 1972.
29. Kadzadej, B. (2003): Anrede- und Grussformen im Deutschen und Albanischen (Kontrastiver Vergleich). Inaugural-Dissertation, Justus-Liebig-Universität Giessen, 235.
30. Lütten-Gödecke, J. und Zillig, W. (1994): Mit freundlichen Grüßen, Linguistische Untersuchungen zu Problemen des Briefe-Schreibens, München, 297.
31. Oomen-Welke, I. (2003): Körpersprachen und Extrasprachliches verschiedener Kulturen in Welt, Schule und Unterricht. In: Schobe / Rosenbusch: Körpersprache in der schulischen Erziehung. Neubearbeitung, 3. Auflage, 27.
32. Otterstedt, C. (1993): Abschied im Alltag – Grußformen und Abschiedsgestaltung im interkulturellen Vergleich (Chào tạm biệt trong cuộc sống thường nhật – Thể hiện lời chào và tạm biệt trong so sánh liên văn hóa), 238.
33. Schürmann, Th. (1930): Tisch- und Grußsitten im Zivilisationsprozeß (Phong tục bàn và chào hỏi trong quá trình dân sự hóa), 248.
34. Schwiers, G. (2000): Inter-Kulturelles, TDLV-Forum 5, Zeitschrift für Sprache, Literatur und Kultur, Thailändischer Deutschlehrerverband, 32-35.
35. Searl, J. R. (1979): Expression and Meaning. Cambridge; deutsch Ausdruck und Bedeutung. Frankfurt, 1982.
36. Stickel G. (2000): Sprachliche Umgangsformen im Deutschen und mehreren asiatischen Sprachen – Beiträge zu einer multilingualen Arbeitsgruppe. In: DAAD (Hg.) Germanistentreffen: Deutschland – Indien – Indonesien – Philippinen – Taiwan – Thailand – Vietnam, Bangkok 1999. Bonn, 199-228.

PHẦN III. WEBSEITEN
37. http://www.grussformel
38. http://de.wikipedia.org
39. http://de.wikisaurus
40. http://www.uni-regensburg.de
41. http://lightingwiki.com
42. http://www.foken.de/alexander/?
43. http://www.geschichte.schleswig-holstein.de//vonabisz/moin.htm
44. http://plattmaster.de/moinmoin.htm
45. http://kamelopedia.mormo.org/index.php

PHẦN IV. SÁCH GIÁO KHOA
46. Aufderstraße, H. / Bock, H. u.a. (1999): Themen neu 2, Kurs- und Arbeitsbuch, Max Hueber Verlag, Ismaning.
47. Aufderstraße, H. , Müller, J., Stolz, Th. (2001): Delfin, Max Hueber Verlag, Ismaning.
48. Dallapiazza, R.M., Von Jan, E., Blüggel, B., Schürmann, A., Basse, E., Haerland, S. (2002): Tangram 1B, Max Hueber Verlag, Ismaning.
49. Funk, H., Koenig, M., Koithan, U., Scherling, Th. (1997): Sowieso 2-3, Langenscheidt Verlag, Berlin-München-Wien-Zürich-New York.
50. Funk, H., Koenig, M. (1998): Eurolingua Deutsch 2, Cornelsen Verlag, Berlin.
51. Hümmler-Hille, C. / Von Jan, E. (1994): Hören mal 2! Max Hueber Verlag, Ismaning.
52. Schäpers, R. (1982): Deutsch für junge Leute 2, Verlag für Deutsch, München.
53. Stone, R. (1997): Tiếng Việt I, Harrisonburg, USA, 66.
54. Raitza, K./Lương Văn Kế (2002): Vietnamesisch für Anfänger, Helmut Buske Verlag, Hamburg.
55. Nguyễn Anh Quế (2000): Tiếng Việt cho người nước ngoài, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

PHẦN V. DỮ LIỆU
56. Nguyễn Huy Thiệp (2004): Những chuyện tình yêu. NXB. Hội nhà văn, Hà Nội.
57. Nguyễn Văn Tuế, Nguyễn Thị Kim Dung (2003): Từ điển Đức - Việt, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội.
58. Truyện ngắn chọn lọc (2006): Tạp chí Văn nghệ, Hà Nội.
59. Tuyển tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi sau Cách mạng Tháng Tám (2005): Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội
60. Từ điển tiếng Việt (1992): Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Hà Nội.

CÁC BÀI BÁO LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
ĐÃ CÔNG BỐ

1. Nguyễn Thị Hồng Vân (2000): Grußformeln im Vietnamesischen als sprachliche Umgangsformen (Nghi thức chào hỏi trong tiếng Việt như là các dạng thức giao tiếp ngôn ngữ). Trong: DAAD (Hg.) Germanistentreffen: Deutschland – Indien – Indonesien – Philippinen – Taiwan – Thailand – Vietnam, Bangkok.
2. Nguyễn Thị Hồng Vân (2007): Hành vi chào hỏi trong tiếng Đức. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Trường ĐHNN – ĐHQG Hà Nội.

( Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Tây, Trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội

Similar Documents

Free Essay

English

...“English should not become official” America is a country filled with many people with different language trying to get along. We live in a society made up and founded by immigrants. Looking at our society today, English shouldn’t become the official language of the U.S because, first of all it is unfair for others living here who have English as a second language or can speak little English. Second of all, it will limit certain people when it comes to finding a job because not everybody is capable of speaking, reading, or writing the English language correctly. Finally, it violates the terms our country was built on. If English becomes the official language of the U.S, people with English as a second language or with little English are put at a disadvantage. It’s a fact that our society is largely made of immigrants. Moreover, children who will be born in the U.S won’t be able to learn their parent’s native language. So it wouldn’t make any sense from the government to limit them because the government will need bilingual people. We take pride in our diversity, so when we limit our diversity, we put people here at a disadvantage. Additionally, there are certain people who don’t dedicate themselves to learn the English language. The reason is because they get employed by businesses that practice the same language. For instance, lots of Spanish immigrants only get to work in the Spanish community. Spanish is very much used in the United States, because they don’t develop any...

Words: 455 - Pages: 2

Free Essay

English

...ourselves by only speaking English?” Will Hutton clarity how he think it´s important for the individual person and the English people to learn more than the language, which are their native language. He talk about how it´s important to speak a foreign language, especially to save the Britain´s future economic. By comparing England and America where he see same “xenophobia” culture, he indicate why American can have their attitude to foreign language while they can´t, like it´s saying in the text. In addition will Hutton see this as a lost interest in other countries from the youth, he discuss how that fact establish this unwillingness. The second text by David Hughes “Do we really need foreign language skills to flourish?” David Hughes thinks that the fluency in foreign language is a benefit for anyone, but he doesn´t see the importance in that, when the rest of the world is learning English. When David Hughes went to the Far East, he heard English spoken everywhere, and as he wrote it in the text. The third text by Susan Purcell “Saying Britons ´don’t do´ languages is a fallacy” explain why the discussion about the English language skills is far more nuances. Susan Purcell is comparing the text to the EU-countries with England. She is talking about how the other European Union countries compare their language and how English is the mandatory first foreign language in 13 of the EU´s member states. Over 90 % of children in European countries ‘schools learn English, like is saying in...

Words: 419 - Pages: 2

Premium Essay

English

...English should continue to be the official language of India. English is used as the official language in India. Yes • English is one such language that is understood by people from different castes and states, and therefore deserves to be the official language of India. • If any other language is tried to make the official language, all the regional parties will start the battle of making the state level as official language of India. • If Hindi is given priority then it will create differences among the people who don’t speak it making them feel as second class citizens. • Region C forms an important part of India that got agitated when PM Modi used Hindi for its diplomatic talks.  • The use of English language is as per the requirement of being a part of globalization and there is nothing wrong in it. No • Forget about all the different castes and religions as Indians have their own national language that is Hindi, and that should only be the official language of India. • It is the duty of the government to take the measures so that people all over in India can read, write and speak in Hindi.  • Already Indian has adopted the western culture in many ways. If it continues there will be no personal or rather say national identity of India. • In this case, India should learn something from Pakistan who made the Urdu as their official language after the division of country. • The small little steps are the ways that will make sure that the...

Words: 404 - Pages: 2

Free Essay

English

...COMPULSORY SUBJECT ENGLISH (801) Aims (English Language) To develop the ability to: • • • derive, infer and critically assess information through listening. express oneself by speaking individually, or in a discussion. read with comprehension drawing information directly or by inference from the text, through an understanding of grammar and structure, vocabulary and idiom. employ a variety of skills in writing : within a framework, using argument or imagination or note making and summarizing. • • use the English language for the purpose of study and social and cultural interaction. speak and write clearly and to the purpose, using appropriate grammar, vocabulary and idiom. Aims (Prescribed Texts) 1. To enjoy and appreciate literature through a critical study of selected literary works. 2. Through the study of literature: • • • approach an understanding of humanity. develop an interest in the thought and culture of the peoples of the world. develop the power of expression and a sense of aesthetic values. • CLASSES XI & XII There will be two papers as follows: Paper 1: English Language (3 hours) – 100 marks Paper 2: Prescribed Textbooks (3 hours) – 100 marks Paper 1: English Language (3 hours) Question One: A composition on one of a number of subjects. ...30 Marks Question Two: Directed writing (an article, a book/film review, speech and report writing or personal profile) based on suggested points...20 Marks Question Three: Short-answer questions to test grammar, structure...

Words: 1055 - Pages: 5

Premium Essay

English

...Assignment 1: The Story of English "A English Speaking World" English as a world language has developed through different periods of time and in different places. English was and is still spoken in great numbers in countries across the world. English has branched out into different dialects, with slang included especially in the American form of English. English also bears a sort of social class, where those who speak English have a certain upper class appearance. It also creates a common language which helps business, economies and people connect better. It has become a dominant language and serves as a lingua franca for the world. The popularity of English has allowed the world to communicate at a higher efficiency when compared to a world with no dominate language. But his plan did not work and India along with China has seen an ever increasing number of people learning and speaking English. The popularity and necessity of English is seen in India government systems and everyday life. India's civil system is predominantly in English rather than Hindi. Out of 137 typist at a civil court, only one types in Hindi while the rest in English. This is necessary for smooth transactions to occur in India's systems, which we have seen from examples in class. Without a lingua franca, communication between India's different regions would be very difficult. In India there are 14 different variations of Hindi, with English as a common language miscommunication is less...

Words: 367 - Pages: 2

Free Essay

English

...Anyone who reads Old and Middle English literary texts will be familiar with the mid-brown volumes of the EETS, with the symbol of Alfred's jewel embossed on the front cover. Most of the works attributed to King Alfred or to Aelfric, along with some of those by bishop Wulfstan and much anonymous prose and verse from the pre-Conquest period, are to be found within the Society's three series; all of the surviving medieval drama, most of the Middle English romances, much religious and secular prose and verse including the English works of John Gower, Thomas Hoccleve and most of Caxton's prints all find their place in the publications. Without EETS editions, study of medieval English texts would hardly be possible. As its name states, EETS was begun as a 'club', and it retains certain features of that even now. It has no physical location, or even office, no paid staff or editors, but books in the Original Series are published in the first place to satisfy subscriptions paid by individuals or institutions. This means that there is need for a regular sequence of new editions, normally one or two per year; achieving that sequence can pose problems for the Editorial Secretary, who may have too few or too many texts ready for publication at any one time. Details on a separate sheet explain how individual (but not institutional) members can choose to take certain back volumes in place of the newly published volumes against their subscriptions. On the same sheet are given details about...

Words: 1121 - Pages: 5

Premium Essay

English

...Pronunciation Schwa Schwa is the most common sound in the English language. It occurs only in unstressed syllables and getting it correct helps spoken English to sound more natural and fluent. Any vowel letter can be pronounced as schwa and the pronunciation of a vowel letter can change depending on whether the syllable in which it occurs is stressed or not. The phonemic symbol for schwa is: /e/ Following are two exercises to help students develop their awareness of schwa. The audio examples from the exercises can be downloaded from www.bbclearninglish.com Pronunciation Schwa Exercise 1 Look at the words below and decide where in the word the schwa sound occurs. Underline and/or write the schwa symbol over the correct part of the word. The first one has been done for you. Hint: One word has two examples of schwa. All the others have only one. docto r banana difficult to mo rro w s u mme r le ve l prote ct survive pupil the atre me a s u re w izard Pronunciation Schwa © BBC Learning English bbclearningenglish.com Pronunciation Schwa Exercise 2 In this exercise, look at these sentences and decide where the schwa sound occurs. It may occur more than once in each sentence. The minimum number of schwas in a sentence is 1, the maximum 7. 1. It’s for y ou /e/ 2. 3. 4. 5. 6. 7. It tak es a lot of time How about a cup of tea? What are y ou doing tonight? What time will y ou arriv e at V ictoria? I was going...

Words: 529 - Pages: 3

Premium Essay

English

...JEJEMON research paper by John Andrew Samonte * by diyubaku, Oct 10, 2010, 10:42:48 PM * Journals / Personal iii Table of Contents Title Page............................................................................................i Acknowledgement......................................................................ii Table of Contens......................................................................................iii Chapter I....................................................................................1 Introduction and Background of the story.........................1 Significance of the Study..................................................3 Scope and Limitations......................................................5 Chapter II................................................................................... Research Problem.................................................................................8 Effects..................................................................................................10                                                                                                                                                                          ii Acknowledgement  “You learn to speak by speaking, to study by studying, to run by running, to work by working; in just the same way, you learn to love by loving.” I  would  like  to  express my sincerest thanks to those special persons  who  made  my  life  so meaningful...

Words: 4253 - Pages: 18

Premium Essay

English

...Mat Clark – IELTS Speaking LỜI NÓI ĐẦU Chào các bạn, xuất phát từ nhu cầu bản thân muốn học môn speaking cho bài thi tiếng anh IELTS, chúng tôi nhận thấy cuốn sách này có giá trị rất tốt cho việc tham khảo. Tuy nhiên, các bản sách điện tử đang tràn lan trên mạng Internet hiện nay có chất lượng rất thấp, kèm theo đó là việc có thêm tiếng Trung dẫn tới lãng phí về giấy in, tiền bạc, thời gian. Hiện nay, cuốn này này đã được một nhà xuất bản tại Việt Nam mua lại bản quyền từ tác giả Mat Clark, và đã xuất bản tại Việt Nam, chúng tôi khuyên các bạn nên mua cuốn sách này để sử dụng, nhằm tôn trọng giá trị của cuốn sách này, cũng như tôn trọng tác quyền của tác giả cũng như nhà xuất bản. Chúng tôi gõ lại cuốn sách này nhằm mục đích duy nhất là để học tập, nghiên cứu, không hề mang bất cứ mục đích kinh doanh nào. Mọi hành động thương mại liên quan tới bản gõ lại này là không hề liên quan tới chúng tôi. Mong các bạn tôn trọng tác giả và tôn trọng ý muốn của chúng tôi. Trong quá trình gõ và biên tập, do trình độ không chuyên, không thể tránh khỏi có sai sót. Xin cảm ơn, chúc các bạn học tốt. 1 Mat Clark – IELTS Speaking IELTS SPEAKING – MAT CLARK Preface During my 5 years as an IELTS examiner in China, I have seen thousands of Chinese IELTS candidates perform OK in the speaking interview. Most people would agree that an OK score in speaking is 5 or 6. Many students now realize that a score of 5 or 6 for speaking is not enough for their study requirements...

Words: 50246 - Pages: 201

Premium Essay

The Importance Of English In English

...survey with a questionnaire divided into two sections, first one is for the English teachers and another one is for the students, it's...

Words: 925 - Pages: 4

Premium Essay

English

...I Acknowledgement For many of us, the state of education in a country speaks volumes. Where English is spoken and taught as a second language, fluency is deemed a basic requirement for proper communication and propagation of ideas and connotes success. Does this fluency actually translate to a country's economic success and overall standing in the world of nations? The reason why we came up with this topic is to test the capability of a certain number of people when it comes to proficiency in English, not just to test but to give some idea what is the importance of being proficient in English and how can it help us. English language is and has always been one of the most popular languages spoken, written & followed all over the globe. No matter in which part of the world you choose to go, command over this language enables you to communicate with others regardless of what their national language would be. Therefore it becomes not only important but compulsory to master this art & implement it in the real life. This course is designed to clear concepts, renew basics and to professionally prepare you for real life communication at all levels. · Background of the study English has been considered as international language and also for studying use English as official language. Proficiency in English includes capability to read and understand the language and the way words are pronounced as well as the sense in which word are used (though variations in usage is identified...

Words: 2221 - Pages: 9

Premium Essay

English

...English as Official Language of United States of America The English language is originated from the Germanic tribes language, which has its roots from England in the form of Old English also known as Anglo-Saxon and has evolved into todays Modern English as we know it. English has become one of the most spoken languages in world, and is ranked as the second most spoken language. English should be the official language of the United States of America. Considered as an international language, it is the most learned and studied language throughout the world. United States laws prohibit the use of any other languages other then English on military installation or in Department of Defense buildings when conducting official business. These are just two reason of why I believe English should be the official language of the United States. In the United States, there are approximately 300 languages other than English that are spoken at home. English should be made the official language of the United States because it will knock down the language barriers for immigrants and they will be more likely to prosper in this nation, even though this may be a difficult process to accomplish at first, for many poor immigrants. In New York City, New York there are approximately thirty-five household languages other then English. If each of these subcultures of New York City have no common language, then it would create over thirty-five separate cities unable to prosper as one. Being required...

Words: 802 - Pages: 4

Premium Essay

English

...English y the largest language by number of words; the Oxford English Dictionary lists 500,000 words, not including technical and scientific terms.[18][19] Contents [hide] * 1 Significance * 2 History * 3 Classification and related languages * 4 Geographical distribution * 4.1 Countries in order of total speakers * 4.2 Countries where English is a major language * 4.3 English as a global language * 4.4 Dialects and regional varieties * 4.5 Constructed varieties of English * 5 Phonology * 5.1 Vowels * 5.1.1 Notes * 5.2 Consonants * 5.2.1 Notes * 5.2.2 Voicing and aspiration * 5.3 Supra-segmental features * 5.3.1 Tone groups * 5.3.2 Characteristics of intonation—stress * 6 Grammar * 7 Vocabulary * 7.1 Number of words in English * 7.2 Word origins * 7.2.1 Dutch and Low German origins * 7.2.2 French origins * 8 Writing system * 8.1 Basic sound-letter correspondence * 8.2 Written accents * 9 Formal written English * 10 Basic and simplified versions * 11 See also * 12 References * 12.1 Notes * 12.2 Bibliography * 13 External links | [edit] Significance See also: English-speaking world and Anglosphere Modern English, sometimes described as the first global lingua franca,[20][21] is the dominant...

Words: 898 - Pages: 4

Premium Essay

English

...English is a West Germanic language that was first spoken in early medieval England and is now a global lingua franca.[4][5] It is spoken as a first language by the majority populations of several sovereign states, including the United Kingdom, the United States, Canada, Australia, Ireland, New Zealand and a number of Caribbean nations; and it is an official language of almost 60 sovereign states. It is the third-most-common native language in the world, after Mandarin Chinese and Spanish.[6] It is widely learned as a second language and is an official language of the European Union, many Commonwealth countries and the United Nations, as well as in many world organisations. English arose in the Anglo-Saxon kingdoms of England and what is now southeast Scotland. Following the extensive influence of England, Great Britain, and the United Kingdom from the 17th to mid-20th centuries through the British Empire, it has been widely propagated around the world.[7][8][9][10] Through the spread of American-dominated media and technology,[11] English has become the leading language of international discourse and the lingua franca in many regions.[12][13] Historically, English originated from the fusion of closely related dialects, now collectively termed Old English, which were brought to the eastern coast of Great Britain by Germanic settlers (Anglo-Saxons) by the 5th century; the word English is simply the modern spelling of englisc, the name of the Angles[14] and Saxons for their...

Words: 497 - Pages: 2

Free Essay

English

...Should English be made the official language of India? Well, although English is a global language and it has somewhat become necessary to know English if one has to be successful globally, still making it our country’s official language makes little sense to me. If the whole point of changing our official language is related to the growth and success of our nation then China and its growth should make no sense to the world. The leader in BRIC nations and the nation considered next ‘SUPERPOWER’ after America doesn’t have English as their official language. They are doing great with mandarin and have very less people speaking English there. When their language is not posing a hindrance to their growth, when their GDP rate is going pretty well, when they are not thinking for changing their official language but are rather putting their heads into bigger constructive discussions then why should we? Globalization has brought the world closer and therefore to know and have tolerance for different cultures and languages is absolutely great but to forget and bring a change in our own heritage is something that according to me should not be acceptable. It’s fantastic to know English and get education in the same medium. Surely, it enhances our people to be recognized globally. It may bring them confidence and it may also aid to their growth in personality, but to look down upon one’s own culture and language is like looking down upon your parents when they are old and they need help...

Words: 285 - Pages: 2