Free Essay

Giao Dich Dam Bao

In:

Submitted By Ginda
Words 10573
Pages 43
CHÍNH PHỦ
****** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******** | Số: 163/2006/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2006 |
NGHỊ ĐỊNH SỐ 163/2006/NĐ-CP VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm.
Điều 2. Áp dụng pháp luật
Việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba cam kết bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp.
2. Bên nhận bảo đảm là bên có quyền trong quan hệ dân sự mà việc thực hiện quyền đó được bảo đảm bằng một hoặc nhiều giao dịch bảo đảm, bao gồm bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp và bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại trong trường hợp ký quỹ.
3. Bên nhận bảo đảm ngay tình là bên nhận bảo đảm trong trường hợp không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
4. Bên có nghĩa vụ là bên phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm đối với bên có quyền.
5. Nghĩa vụ được bảo đảm là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ dân sự, có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện mà việc thực hiện nghĩa vụ đó được bảo đảm bằng một hoặc nhiều giao dịch bảo đảm.
6. Nghĩa vụ trong tương lai là nghĩa vụ dân sự mà giao dịch dân sự làm phát sinh nghĩa vụ đó được xác lập sau khi giao dịch bảo đảm được giao kết.
7. Tài sản bảo đảm là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.
8. Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là động sản dùng để trao đổi, mua bán, cho thuê trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên bảo đảm.
9. Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch.
10. Tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm.
Điều 4. Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm.
3. Doanh nghiệp nhà nước được sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 5. Giá trị tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự
Trường hợp bên bảo đảm dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 324 Bộ luật Dân sự thì các bên có thể thoả thuận dùng tài sản có giá trị nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 6. Thứ tự ưu tiên thanh toán
1. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Dân sự.
2. Các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản có quyền thoả thuận về việc thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
3. Trong trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho các bên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán thì số tiền đó được thanh toán cho các bên theo tỷ lệ tương ứng với giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Điều 7. Lựa chọn giao dịch bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự
Trong trường hợp một nghĩa vụ dân sự được bảo đảm bằng nhiều giao dịch bảo đảm, mà khi đến hạn bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn giao dịch bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các giao dịch bảo đảm, nếu các bên không có thoả thuận khác.
Chương 2:
GIAO KẾT GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
Điều 8. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai
Trong trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai thì khi bên bảo đảm có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có các quyền đối với một phần hoặc toàn bộ tài sản đó. Đối với tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu mà bên bảo đảm chưa đăng ký thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền xử lý tài sản khi đến hạn xử lý.
Điều 9. Công chứng, chứng thực giao dịch bảo đảm
1. Việc công chứng hoặc chứng thực giao dịch bảo đảm do các bên thoả thuận.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì giao dịch bảo đảm phải được công chứng hoặc chứng thực.
Điều 10. Hiệu lực của giao dịch bảo đảm
1. Giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ các trường hợp sau đây: a) Các bên có thoả thuận khác; b) Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố; c) Việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp; d) Giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định.
2. Việc mô tả chung về tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm.
Điều 11. Thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba
1. Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Việc thay đổi một hoặc các bên tham gia giao dịch bảo đảm không làm thay đổi thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.
Điều 12. Đăng ký giao dịch bảo đảm
1. Các trường hợp phải đăng ký bao gồm: a) Thế chấp quyền sử dụng đất; b) Thế chấp quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; c) Thế chấp tàu bay, tàu biển; d) Thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ; đ) Các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định.
2. Các giao dịch bảo đảm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
3. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Điều 13. Trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên bảo đảm
1. Trong trường hợp bên bảo đảm dùng tài sản không thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại các Điều 256, 257 và 258 Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều này.
2. Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê có thời hạn từ một năm trở lên của doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh gồm máy móc, thiết bị hoặc động sản khác không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu và hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê được đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê thì bên bán có bảo lưu quyền sở hữu, bên cho thuê có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm; nếu không đăng ký hoặc đăng ký sau thời hạn trên và sau thời điểm giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì bên nhận bảo đảm được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình và có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm.
3. Tổ chức, cá nhân nhận bảo đảm bằng tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê sau thời điểm đăng ký hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê không được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình.
Điều 14. Trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân được tổ chức lại
1. Bên bảo đảm là pháp nhân được tổ chức lại thông báo cho bên nhận bảo đảm về việc tổ chức lại pháp nhân trước khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi.
2. Các bên thoả thuận về việc kế thừa, thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm và giao dịch bảo đảm trong quá trình tổ chức lại pháp nhân; nếu không thoả thuận được thì bên nhận bảo đảm có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn; nếu không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn thì giải quyết như sau: a) Trong trường hợp chia pháp nhân thì các pháp nhân mới phải liên đới thực hiện giao dịch bảo đảm; b) Trong trường hợp tách pháp nhân thì pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách phải liên đới thực hiện giao dịch bảo đảm; c) Trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân hợp nhất, pháp nhân sáp nhập phải thực hiện giao dịch bảo đảm; d) Trong trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp, chuyển đổi công ty nhà nước thì doanh nghiệp được chuyển đổi phải thực hiện giao dịch bảo đảm.
3. Đối với giao dịch bảo đảm được xác lập trước khi tổ chức lại pháp nhân và còn thời hạn thực hiện thì các bên không phải ký kết lại giao dịch đó. Các bên có thể lập văn bản ghi nhận về việc thay đổi bên bảo đảm.
Đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì việc đăng ký thay đổi bên bảo đảm phải được thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định.
Điều 15. Quan hệ giữa giao dịch bảo đảm và hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm
1. Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Giao dịch bảo đảm bị huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
5. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm không chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ hoàn trả của bên có nghĩa vụ đối với mình.
Chương 3:
THỰC HIỆN GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
Mục 1: CẦM CỐ TÀI SẢN
Điều 16. Giữ tài sản cầm cố
Sau khi nhận chuyển giao tài sản cầm cố, bên nhận cầm cố trực tiếp giữ tài sản hoặc uỷ quyền cho người thứ ba giữ tài sản; trường hợp uỷ quyền cho người thứ ba giữ tài sản thì bên nhận cầm cố vẫn phải chịu trách nhiệm trước bên cầm cố về việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 332 Bộ luật Dân sự và nghĩa vụ khác theo thoả thuận với bên cầm cố.
Điều 17. Trách nhiệm của bên nhận cầm cố trong trường hợp tài sản cầm cố bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị
1. Trong trường hợp tài sản cầm cố là vật có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì bên nhận cầm cố đang giữ tài sản đó phải thông báo cho bên cầm cố và yêu cầu bên cầm cố cho biết cách giải quyết trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn đó mà bên cầm cố không trả lời thì bên nhận cầm cố thực hiện biện pháp cần thiết để ngăn chặn. Bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu bên cầm cố thanh toán các chi phí hợp lý, nếu bên nhận cầm cố không có lỗi trong việc xảy ra nguy cơ đó.
Trường hợp tài sản cầm cố bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị do lỗi của bên nhận cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
2. Trong trường hợp tài sản cầm cố là vật do người thứ ba giữ mà có nguy cơ bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì quyền và nghĩa vụ giữa người thứ ba và bên nhận cầm cố được thực hiện theo hợp đồng gửi giữ tài sản.
3. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không áp dụng trong trường hợp vật cầm cố bị hao mòn tự nhiên.
Điều 18. Trách nhiệm của bên nhận cầm cố trong trường hợp bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố, đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác
1. Trường hợp bên nhận cầm cố bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố, đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trái với quy định tại khoản 2 Điều 332 Bộ luật Dân sự thì bên cầm cố có quyền đòi lại tài sản đó và yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra; bên cầm cố không có quyền đòi lại tài sản trong các trường hợp sau đây: a) Bên mua, bên nhận trao đổi, bên được tặng cho được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự; b) Bên mua, bên nhận trao đổi tài sản cầm cố là động sản không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu và ngay tình theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Dân sự.
2. Trong trường hợp bên cầm cố không có quyền đòi lại tài sản từ bên mua, bên nhận trao đổi, bên được tặng cho theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên nhận cầm cố phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
Điều 19. Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá
1. Trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn theo lệnh, vận đơn vô danh (bộ vận đơn đầy đủ) theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì bên nhận cầm cố có quyền đối với hàng hóa ghi trên vận đơn đó.
2. Trong trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong toả tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bên cầm cố.
3. Trong trường hợp nhận cầm cố giấy tờ có giá thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu người phát hành giấy tờ có giá hoặc Trung tâm Lưu ký chứng khoán đảm bảo quyền giám sát của bên nhận cầm cố đối với giá trị tài sản ghi trên giấy tờ đó.
Trong trường hợp người phát hành giấy tờ có giá hoặc Trung tâm Lưu ký chứng khoán vi phạm cam kết đảm bảo quyền giám sát của bên nhận cầm cố thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với phần giá trị tài sản ghi trên giấy tờ đó bị giảm sút, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Mục 2: THẾ CHẤP TÀI SẢN
Điều 20. Quyền của bên nhận thế chấp trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp
1. Trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp, trừ các trường hợp sau đây: a) Việc mua, trao đổi tài sản được thực hiện trước thời điểm đăng ký thế chấp và bên mua, bên nhận trao đổi tài sản thế chấp ngay tình; b) Bên mua, bên nhận trao đổi phương tiện giao thông cơ giới đã được đăng ký thế chấp, nhưng nội dung đăng ký thế chấp không mô tả chính xác số khung và số máy của phương tiện giao thông cơ giới và bên mua, bên nhận trao đổi tài sản thế chấp ngay tình.
2. Trong trường hợp bên nhận thế chấp không thực hiện quyền thu hồi tài sản thế chấp thì các khoản tiền thu được, quyền yêu cầu thanh toán hoặc tài sản khác có được từ việc mua bán, trao đổi tài sản thế chấp trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán, trao đổi.
Đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì bên nhận thế chấp được chủ động yêu cầu đăng ký thay đổi về tài sản bảo đảm. Việc đăng ký thay đổi tài sản bảo đảm trong trường hợp này không làm thay đổi thời điểm đăng ký.
3. Trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên thế chấp; bán, trao đổi tài sản thế chấp khác mà có sự đồng ý của bên nhận thế chấp và trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì bên mua, bên nhận trao đổi có quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Điều 21. Quyền của bên cầm giữ trong trường hợp cầm giữ tài sản đang được dùng để thế chấp
Trong trường hợp bên có quyền cầm giữ tài sản theo quy định tại Điều 416 Bộ luật Dân sự mà tài sản này đang được dùng để thế chấp thì quyền của bên cầm giữ được ưu tiên hơn so với quyền của bên nhận thế chấp.
Điều 22. Thế chấp quyền đòi nợ
1. Bên có quyền đòi nợ được thế chấp một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ, bao gồm cả quyền đòi nợ hình thành trong tương lai mà không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ trả nợ.
2. Bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có quyền và nghĩa vụ sau đây: a) Yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán cho mình khi đến hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; b) Cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ, nếu bên có nghĩa vụ trả nợ yêu cầu.
3. Bên có nghĩa vụ trả nợ có quyền và nghĩa vụ sau đây: a) Thanh toán cho bên nhận thế chấp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; b) Yêu cầu bên nhận thế chấp cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ; nếu không cung cấp thông tin thì có quyền từ chối thanh toán cho bên nhận thế chấp.
4. Trong trường hợp quyền đòi nợ được chuyển giao theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự thì thứ tự ưu tiên giữa bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ và bên nhận thế chấp quyền đòi nợ được xác định theo thời điểm đăng ký các giao dịch đó tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền.
Điều 23. Cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp
1. Trong trường hợp bên thế chấp cho thuê hoặc cho mượn tài sản thế chấp mà không thông báo cho bên thuê hoặc bên mượn về việc tài sản đang được dùng để thế chấp theo quy định tại khoản 5 Điều 349 Bộ luật Dân sự và gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho bên thuê hoặc bên mượn.
2. Hợp đồng cho thuê, cho mượn tài sản đang thế chấp chấm dứt khi tài sản thế chấp bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ. Bên thuê, bên mượn phải giao tài sản cho bên nhận thế chấp để xử lý, trừ trường hợp bên nhận thế chấp và bên thuê, bên mượn có thoả thuận khác.
Điều 24. Thế chấp tài sản đang cho thuê
Trong trường hợp thế chấp tài sản đang cho thuê thì bên thế chấp thông báo về việc cho thuê tài sản cho bên nhận thế chấp; nếu tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ thì bên thuê được tiếp tục thuê cho đến khi hết thời hạn thuê theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Điều 25. Trách nhiệm của bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp
1. Trong trường hợp tài sản thế chấp bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì bên thế chấp phải thông báo ngay cho bên nhận thế chấp và phải sửa chữa, bổ sung hoặc thay thế tài sản khác có giá trị tương đương hoặc bổ sung, thay thế biện pháp bảo đảm khác, nếu không có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp người thứ ba giữ tài sản thế chấp phải bồi thường thiệt hại do làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 352 Bộ luật Dân sự thì số tiền bồi thường trở thành tài sản bảo đảm.
3. Người thứ ba giữ tài sản thế chấp không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp vật thế chấp bị hao mòn tự nhiên.
Điều 26. Giám sát, kiểm tra tài sản thế chấp hình thành trong tương lai
Bên thế chấp có nghĩa vụ tạo điều kiện để bên nhận thế chấp thực hiện quyền giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản. Việc giám sát, kiểm tra của bên nhận thế chấp không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành tài sản.
Điều 27. Đầu tư vào tài sản thế chấp
1. Bên nhận thế chấp không được hạn chế bên thế chấp đầu tư hoặc người thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp để làm tăng giá trị tài sản đó.
2. Trong trường hợp bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp và dùng phần tài sản tăng thêm do đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc người thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp và nhận thế chấp bằng chính phần tài sản tăng thêm do đầu tư thì giải quyết như sau:
a) Trường hợp phần tài sản tăng thêm có thể tách rời khỏi tài sản thế chấp mà không làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp so với giá trị của tài sản đó trước khi đầu tư thì các bên nhận bảo đảm có quyền tách phần tài sản mà mình nhận bảo đảm để xử lý.
b) Trường hợp phần tài sản tăng thêm do đầu tư không thể tách rời khỏi tài sản thế chấp thì tài sản thế chấp được xử lý toàn bộ để thực hiện nghĩa vụ. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định theo thời điểm đăng ký.
Điều 28. Giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho người yêu cầu đăng ký thế chấp
1. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật cho phép dùng quyền sử dụng đất hoặc tài sản có đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự thì bên nhận thế chấp hoặc người thứ ba đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản phải giao lại giấy chứng nhận đó cho người yêu cầu đăng ký để thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp, trừ trường hợp các bên cùng nhận bảo đảm có thoả thuận khác về việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày hoàn thành việc đăng ký giao dịch bảo đảm, người yêu cầu đăng ký có trách nhiệm trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho bên nhận thế chấp hoặc người thứ ba có quyền giữ giấy chứng nhận đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Mục 3: ĐẶC CỌC, KÝ CƯỢC
Điều 29. Trương hợp không xác định rõ là tiền đặt cọ hoặc tiền trả trước
Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.
Điều 30. Nghĩa vụ của bên đặt cọc, bên ký cược
1. Thanh toán cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản đặt cọc, tài sản ký cược cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu trong trường hợp tài sản đó được chuyển quyền sở hữu cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận.
Điều 31. Quyền của bên đặt cọc, bên ký cược
Bên đặt cọc, bên ký cược có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược ngừng việc sử dụng tài sản đặt cọc, tài sản ký cược, nếu do sử dụng mà tài sản có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
Điều 32. Nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược
1. Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược; không được khai thác, sử dụng tài sản đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
2. Không được xác lập giao dịch đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược, trừ trường hợp bên đặt cọc, bên ký cược đồng ý.
Điều 33. Quyền của bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược
Bên nhận đặt cọc có quyền sở hữu tài sản đặt cọc, nếu bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bên nhận ký cược có quyền sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Mục 4: KÝ QUỸ
Điều 34. Tài sản ký quỹ
1. Tài sản ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 360 Bộ luật Dân sự được gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng thương mại để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
2. Tài sản ký quỹ và việc ký quỹ một lần hoặc nhiều lần tại ngân hàng nơi ký quỹ do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định.
Điều 35. Nghĩa vụ của ngân hàng nơi ký quỹ
1. Thanh toán theo yêu cầu của bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại trong phạm vi giá trị tài sản ký quỹ, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.
2. Hoàn trả tài sản ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng và số tiền đã thanh toán theo yêu cầu của bên có quyền khi chấm dứt ký quỹ.
Điều 36. Quyền của ngân hành nơi ký quỹ
1. Yêu cầu bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại thực hiện đúng thủ tục để được thanh toán, bồi thường thiệt hại.
2. Được hưởng chi phí dịch vụ ngân hàng.
Điều 37. Nghĩa vụ của bên ký quỹ
1. Thực hiện ký quỹ tại ngân hàng mà bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại chỉ định hoặc chấp nhận.
2. Nộp đủ tài sản ký quỹ theo đúng thoả thuận với bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại.
3. Thoả thuận với ngân hàng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại.
Điều 38. Quyền của bên ký quỹ
Bên ký quỹ có quyền yêu cầu ngân hàng nơi ký quỹ hoàn trả tài sản ký quỹ sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng và số tiền đã thanh toán theo yêu cầu của bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại khi chấm dứt ký quỹ.
Điều 39. Nghĩa vụ của bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại
Bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ thực hiện theo đúng thủ tục khi yêu cầu ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán.
Điều 40. Quyền của bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại
Bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán đầy đủ, đúng hạn.
Mục 5: BẢO LÃNH
Điều 41. Căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định, bao gồm các trường hợp sau đây:
1. Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh;
2. Bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ đó, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
3. Bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ;
4. Các căn cứ khác, nếu pháp luật có quy định.
Điều 42. Thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Bên nhận bảo lãnh thông báo cho bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi phát sinh căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Điều 41 Nghị định này; nếu bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đó thì bên nhận bảo lãnh phải nêu rõ lý do trong thông báo về việc bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn.
Điều 43. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong thời hạn do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong một thời hạn hợp lý, kể từ thời điểm được thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Điều 44. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên bảo lãnh
Các bên có thể thoả thuận về việc xác lập giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên bảo lãnh theo quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 45. Quyền yêu cầu hoàn trả của bên bảo lãnh
Bên bảo lãnh thông báo cho bên được bảo lãnh về việc đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; nếu không thông báo mà bên được bảo lãnh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh không có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả những gì đã nhận từ bên bảo lãnh.
Điều 46. Quyền của bên nhận bảo lãnh
Kể từ thời điểm thông báo cho bên bảo lãnh theo quy định tại Điều 42 Nghị định này, bên nhận bảo lãnh có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự;
2. Yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền của bên nhận bảo lãnh phải chấm dứt hành vi đó.
Điều 47. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh
Trong trường hợp phải xử lý tài sản của bên bảo lãnh theo quy định tại Điều 369 Bộ luật Dân sự thì các bên thoả thuận về tài sản, thời gian, địa điểm và phương thức xử lý; nếu không thoả thuận được thì bên nhận bảo lãnh có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Điều 48. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh là doanh nghiệp bị phá sản, bên bảo lãnh là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố đã chết
1. Trong trường hợp bên bảo lãnh là doanh nghiệp bị phá sản thì việc bảo lãnh được giải quyết như sau: a) Nếu nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp bên bảo lãnh không thanh toán đầy đủ trong phạm vi bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thanh toán phần còn thiếu; b) Nếu nghĩa vụ bảo lãnh chưa phát sinh thì bên được bảo lãnh phải thay thế biện pháp bảo đảm khác, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì việc bảo lãnh được giải quyết như sau: a) Nếu việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải do chính bên bảo lãnh thực hiện theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì bảo lãnh chấm dứt; b) Nếu việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không phải do chính bên bảo lãnh thực hiện thì bảo lãnh không chấm dứt. Người thừa kế của bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho bên bảo lãnh theo quy định tại Điều 637 Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự. Người thừa kế đã thực hiện nghĩa vụ thay cho bên bảo lãnh thì có các quyền của bên bảo lãnh đối với bên được bảo lãnh.
Mục 6: TÍN CHẤP
Điều 49. Tín chấp
1. Tín chấp là việc tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.
2. Cá nhân, hộ gia đình nghèo được bảo đảm bằng tín chấp phải là thành viên của một trong các tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Điều 50 Nghị định này.
3. Chuẩn nghèo được áp dụng trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật.
Điều 50. Tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp
Đơn vị tại cơ sở của các tổ chức chính trị - xã hội sau đây là bên bảo đảm bằng tín chấp:
1. Hội Nông dân Việt Nam;
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
3. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
4. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
5. Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 51. Nghĩa vụ của tổ chức chính trị - xã hội
1. Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn tại tổ chức tín dụng đó.
2. Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng.
Điều 52. Quyền của tổ chức chính trị - xã hội
Tổ chức chính trị - xã hội có quyền từ chối bảo đảm bằng tín chấp, nếu xét thấy cá nhân, hộ gia đình nghèo không có khả năng sử dụng vốn vay đ�� sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và trả nợ cho tổ chức tín dụng.
Điều 53. Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ.
Điều 54. Quyền của tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ.
Điều 55. Nghĩa vụ của bên vay vốn
1. Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng và tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra việc sử dụng vốn vay.
3. Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay đúng hạn cho tổ chức tín dụng.
Chương 4:
XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM TRONG CẦM CỐ, THẾ CHẤP
Điều 56. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
4. Các trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định.
Điều 57. Xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm bị phá sản
1. Trong trường hợp bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ bị phá sản thì tài sản bảo đảm được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản và Nghị định này để thực hiện nghĩa vụ; trường hợp pháp luật về phá sản có quy định khác với Nghị định này về việc xử lý tài sản bảo đảm thì áp dụng các quy định của pháp luật về phá sản.
2. Trong trường hợp bên bảo đảm là người thứ ba cầm cố, thế chấp tài sản bị phá sản thì tài sản bảo đảm được xử lý như sau: a) Nếu nghĩa vụ được bảo đảm đã đến hạn thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tài sản bảo đảm được xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện nghĩa vụ; b) Nếu nghĩa vụ được bảo đảm chưa đến hạn thực hiện thì tài sản bảo đảm được xử lý theo thoả thuận của các bên; trong trường hợp không có thoả thuận thì tài sản bảo đảm được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm.
Điều 58. Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm
1. Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu gia theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm; nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
3. Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện một cách khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, cá nhân, tổ chức có liên quan và phù hợp với các quy định tại Nghị định này.
4. Người xử lý tài sản bảo đảm (sau đây gọi chung là người xử lý tài sản) là bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch bảo đảm có thoả thuận khác.
5. Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.
Điều 59. Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận
1. Bán tài sản bảo đảm.
2. Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
3. Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ.
4. Phương thức khác do các bên thoả thuận.
Điều 60. Nghĩa vụ của người xử lý tài sản trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ
1. Thông báo cho các bên cùng nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản theo quy định tại Điều 61 Nghị định này.
2. Thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm.
3. Thanh toán tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên thanh toán.
Điều 61. Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ
1. Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản bảo đảm cho các bên cùng nhận bảo đảm khác theo địa chỉ được lưu giữ tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị, quyền đòi nợ, giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm, vận đơn thì người xử lý tài sản có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
3. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây: a) Lý do xử lý tài sản; b) Nghĩa vụ được bảo đảm; c) Mô tả tài sản; d) Phương thức, thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.
4. Trong trường hợp người xử lý tài sản không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại cho các bên cùng nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm đã được đăng ký thì phải bồi thường thiệt hại.
Điều 62. Thời hạn xử lý tài sản bảo đảm
Tài sản bảo đảm được xử lý trong thời hạn do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì người xử lý tài sản có quyền quyết định về thời hạn xử lý, nhưng không được trước bảy ngày đối với đông sản hoặc mười lăm ngày đối với bất động sản, kể từ ngày thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định này.
Điều 63. Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý
1. Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm: a) Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên. b) Không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
3. Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì bên bảo đảm có trách nhiệm phối hợp với người xử lý tài sản thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm.
4. Bên bảo đảm hoặc người thứ ba giữ tài sản bảo đảm phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản bảo đảm; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo đảm thì phải bồi thường.
5. Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm
1. Trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm được khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm hoặc cho phép bên bảo đảm hoặc uỷ quyền cho người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm theo đúng tính năng và công dụng của tài sản. Việc cho phép hoặc uỷ quyền khai thác, phương thức khai thác và việc xử lý hoa lợi, lợi tức thu được phải được lập thành văn bản.
2. Hoa lợi, lợi tức thu được phải được hạch toán riêng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Sau khi trừ các chi phí cần thiết cho việc khai thác, sử dụng tài sản, số tiền còn lại được dùng để thanh toán cho bên nhận bảo đảm.
Điều 65. Xử lý tài sản bảo đảm là động sản trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý
Trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Riêng đối với tài sản bảo đảm có thế xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì người xử lý tài sản được bán theo giá thị trường mà không phải qua thủ tục bán đấu giá, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có).
Điều 66. Xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ
1. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu người thứ ba là người có nghĩa vụ trả nợ chuyển giao các khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình hoặc cho người được uỷ quyền. Trong trường hợp người có nghĩa vụ trả nợ yêu cầu thì bên nhận bảo đảm phải chứng minh quyền được đòi nợ.
2. Trong trường hợp bên nhận bảo đảm đồng thời là người có nghĩa vụ trả nợ thì bên nhận bảo đảm được bù trừ khoản tiền đó.
Điều 67. Xử lý tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá, vận đơn, thẻ tiết kiệm
1. Việc xử lý tài sản bảo đảm là trái phiếu, cổ phiếu, hối phiếu, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật về trái phiếu, cổ phiếu, hối phiếu, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm.
2. Bên nhận cầm cố vận đơn có quyền xuất trình vận đơn theo thủ tục được pháp luật quy định để thực hiện quyền chiếm hữu đối với hàng hoá ghi trên vận đơn đó. Việc xử lý hàng hoá ghi trên vận đơn được thực hiện theo quy định tại Điều 65 Nghị định này.
Trong trường hợp người giữ hàng hóa không chuyển giao hàng hoá theo vận đơn cho bên nhận bảo đảm mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho bên nhận bảo đảm.
3. Trong trường hợp bên nhận bảo đảm đồng thời là người có nghĩa vụ thanh toán thì bên nhận bảo đảm được bù trừ khoản tiền đó.
Điều 68. Xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý
1. Trong trường hợp không có thoả thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá.
2. Trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất đó được tiếp tục sử dụng đất. Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong hợp đồng về quyền sử dụng đất giữa bên thế chấp và người sử dụng đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Điều 69. Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai
Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ trong tương lai có thứ tự ưu tiên thanh toán theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm đó, không phụ thuộc vào thời điểm xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh nghĩa vụ trong tương lai.
Điều 70. Chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm
1. Người mua tài sản bảo đảm, người nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với mình có quyền sở hữu tài sản đó. Thời điểm chuyển quyền sở hữu được xác định theo quy định tại Điều 439 Bộ luật Dân sự.
2. Trong trường hợp tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người nhận chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.
Điều 71. Quyền nhận lại tài sản bảo đảm
Trước thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo đảm và thanh toán các chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thì có quyền nhận lại tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời điểm được nhận lại tài sản bảo đảm trước khi xử lý.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 72. Hiệu lưc thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
3. Nghị định này bãi bỏ: a) Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng; b) Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng; c) Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.
4. Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, quy định tại khoản 5 Điều 32, khoản 4 Điều 33, khoản 4 Điều 34, khoản 4 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn thi hành được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng của người thứ ba.
5. Các quy định khác trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 73. Điều khoản chuyển tiếp
Các giao dịch bảo đảm được giao kết theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị định số165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác mà còn thời hạn thực hiện sau ngày Nghị định này có hiệu lực thì vẫn có hiệu lực mà không phải sửa đổi hoặc giao kết lại giao dịch bảo đảm đó.
Điều 74. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, XDPL |

Similar Documents

Free Essay

Kế toáN Nhà HàNg, KháCh SạN

...Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT 1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác. Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng nuôi heo với Công ty B theo hình thức nhận tiền công từ Công ty B hoặc bán lại sản phẩm cho Công ty B thì tiền công nuôi heo nhận từ Công ty B và sản phẩm heo bán cho Công ty B thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp Công ty B bán ra hoặc đưa vào chế biến để bán ra thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định. 2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà...

Words: 5307 - Pages: 22

Free Essay

Văn Bản

...quan hệ về dân sự, kinh tế, lao động thì sự trao đổi, thỏa thuận được coi là “Giao dịch”. Dưới góc độ pháp lý thì giao dịch nói trên luôn được thể hiện bằng hình thức “Hợp đồng”. Hay nói một cách khác “Hợp đồng” là một hình thức pháp lý của “Giao dịch”. 2- Các loại hợp đồng. Nếu nhìn trên tổng thể các mối quan hệ trong xã hội, các giao dịch rất đa dạng, phụ thuộc vào mục đích, lợi ích mối quan hệ mà các chủ thể tham gia, giao dịch đó mong muốn. Từ đó để phân biệt các loại hợp đồng người ta phân ra ba nhóm (loại) hợp đồng cơ bản như sau: a) Hợp đồng dân sự; b) Hợp đồng kinh doanh – thương mại (hay là hợp đồng kinh tế); c) Hợp đồng lao động; Các loại hợp đồng này có những đặc trưng khác nhau, chủ yếu khác nhau về các đối tượng và chủ thể của loại hợp đồng đó. Trong mỗi loại hợp đồng (nhóm) lại có những hình thức hợp đồng khác nhau, chủ yếu khác nhau về đối tượng của hợp đồng đó. 3- Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại: Khi chuẩn bị soạn thảo, ký kết hợp đồng làm thế nào để phân biệt hợp đồng nào là hợp đồng dân sự và hợp đồng nào là hợp đồng kinh doanh – thương mại. Đây là vấn đề không đơn giản và để phân biệt được 2 loại hợp đồng này cần chú ý 2 đặc điểm cơ bản sau: Chủ thể của hợp đồng: Việc các chủ thể xác lập quan hệ trong một hợp đồng có thể giúp phân biệt đâu là hợp đồng dân sự và đâu là hợp đồng kinh doanh thương mại. Mục đích lợi nhuận: Căn cứ...

Words: 200044 - Pages: 801

Free Essay

Do Ảnh Hưởng Của Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế Tài Chính Và Suy Thoái Kinh Tế Toàn Cầu Từ Năm 2008 Đến Nay, Nền Kinh Tế Nước Ta Đã Chịu Tác Động Tiêu Cực Và Kinh Tế Vĩ Mô Có Nhiều Yếu Tố Không

.................................................................................................... 13 1.3 Loại tiền áp dụng: .................................................................................................................. 13 1.4 Phương thức cho vay: .......................................................................................................... 13 1.5 Mục đích cho vay: .................................................................................................................. 13 1.6 Tài sản đảm bảo: ................................................................................................................... 14 1.7 Mức cho vay: ............................................................................................................................ 14 1.8 Thời hạn cho vay: .................................................................................................................. 14 1.9 Lãi suất: ................................................................................................................................... 14 1.10 Thanh toán Phí bảo hiểm: ................................................................................................ 14 1.11 Phương thức trả nợ:............................................................................................................ 14 1.12 Giải ngân:...

Words: 38007 - Pages: 153

Free Essay

Hoc Hanh

...Câu 14: Những nguồn luật điều chỉnh đơn xin mở L/C ở Việt Nam bao gồm: - Luật thương mại Việt Nam 2005. - Pháp luật ngoại hối Việt Nam 2005. - Các luật điều chỉnh Ngân hàng phát hành và người yêu cầu. - UCP 600 2007 ICC, nếu có dẫn chiếu trong L/C. Trước hết, ta thấy cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. Ở trong trường hợp cụ thể này, bên ngân hàng phát hành nhận được một khoản phí mở L/C và sau đó sẽ thực hiện dịch vụ là mở L/C, kiểm tra bộ chứng từ của người nhập khẩu và thanh toán. Còn bên người nhập khẩu đã thanh toán tiền cho ngân hàng phát hành và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. Do đó, có thể coi đơn xin mở L/C là hợp đồng kinh tế dịch vụ giữa ngân hàng phát hành và người nhập khẩu. Câu 15: Ngân hàng phát hành sẽ có tối đa 5 ngày làm việc ngân hàng tiếp theo ngày xuất trình để quyết định xem việc xuất trình có phù hợp hay không (điều 14 khoản b UCP 600). Ngày xuất trình phải nằm trong ngày làm việc ngân hàng (điều 33), vì thế việc trung tâm thư tín của ngân hàng phát hành nhận được bộ chứng từ vào lúc 13.30 thứ bẩy không thể tính là thời hạn xuất trình. Ngày bắt đầu tính thời hạn kiểm tra bộ chứng từ phải là thứ hai. Câu 16: Theo UCP 600 người phát hành L/C phải là ngân hàng thương mại (điều 2) Nếu người xuất khẩu nhận được một L/C được phát hành bởi công...

Words: 1580 - Pages: 7

Free Essay

Miss

...hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật này. 3. Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này. Đ i ề u 2 . Đối tượng áp dụng 1. Thương nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 1 của Luật này. 2. Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại. 3. Căn cứ vào những nguyên tắc của Luật này, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Đ i ề u 3 . Giải thích từ ngữ Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. 2. Hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai. 3. Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung...

Words: 40034 - Pages: 161

Free Essay

Exporting

...ngoại tệ nhập khẩu giảm (-) 3,65 tỷ USD, do chúng ta tiết kiệm được tiền bảo hiểm và cước tầu phải trả cho nước ngoài. + Lợi ích đối với doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu: Các doanh nghiệp trả tiền ký quỹ để mở L/C ít hơn nếu nhập khẩu theo điều kiện CIF. Nếu nhập khẩu theo điều kiện CIF, khi khách nước ngoài giao hàng, sau 3 ngày họ đã điện đòi tiền. Nếu nhập khẩu theo điều kiện FOB, khi hàng cập cảng, doanh nghiệp nhập khẩu mới phải trả tiền cước tầu, doanh nghiệp không bị tồn vốn, hoặc không phải trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền cước tầu, giảm được giá thành hàng nhập khẩu. + Lợi ích đối với cá nhân, cũng tương tự như trên. _ Sau khi có một số thông tin sơ lược về số lượng hàng xuất, khả năng đáp ứng hàng, thời gian giao hàng…nhân viên phụ trách việc thuê tàu sẽ tiến hành đặt tàu. Nhân viên sẽ lên các trang web của các hãng tàu hoặc các công ty giao nhận để tham khảo lịch tàu và giá giao dịch. Sau đó xem xét cái nào phù hợp với khả năng tài chính và thời gian hàng đến cảng thì sẽ liên lạc và đàm phán giá cả, nếu phù hợp thì tiến hành đặt tàu và nhận Booking confirmation. Từ đó bên đối tác sẽ tiến hành đặt chỗ trên tàu và gửi email cho nhân viên đính kèm Booking acknowledgement. Theo điều kiện thương mại FOB thì bên bán chịu trách nhiệm về hàng từ kho đến khi hàng chất lên tàu còn công ty sẽ chịu trách nhiệm đặt tàu. Công ty giao nhận: – Mức phí thấp; – Nhận hàng và giao hàng tận nơi hoặc nhận/giao tại sân...

Words: 1278 - Pages: 6

Free Essay

Hello

...Các nội dung cần ôn 1. OOP 2. Các đặc tính của OOP: tính trừu tượng, tính bao đóng, tính kế thừa, tính đa hình 3. networking 4. OOP la Object Oriented Programming 5. 3 đặc tính của nó 6. Abstraction (Tính trừu tượng) - Trừu tượng tức là chung chung, không cụ thể. Đặc tính này được thể hiện trong lớp trừu tượng (abstract class). Ví dụ: ta có lớp động vật (class dongvat) có các phương thức: mắt, màu lông,… và thuộc tính: ăn, uống, đi,… nhưng ta không thể biết được đó là động vật nào. Cũng như trong sinh học lớp 10 có nói đến ngành-lớp-bộ-họ-chi-loài trong đó có lớp thú, ta cũng đâu có biết đó là con gì, đúng không? Chỉ khi nào ta hiện thực lớp động vật này tức là cụ thể hóa đối tượng từ lớp này thì thông tin đối tượng lúc này mới chính xác. Ví dụ: ta có lớp chó (class dog) là con của lớp động vật (lớp cha). Một ví dụ khác, ta có 3 hình sau: hình chữ  nhật, hình thang, hình tam giác, cả 3 đều có chu vi, diện tích nhưng công thức tính của chúng hoàn toàn khác nhau. Như vậy trong OOP, ta sẽ có 1 lớp trừu tượng là hình học (class hinhhoc), trong class này có 2 phương tính tính chu vi và diện tích nhưng không ghi công thức tính (trừu tượng là đây). Ta sẽ hiện thức 3 hình trên (tức kế thừa từ lớp hình học) và viết các công thức tính tương ứng cho mỗi hình. - Tính trừu tượng còn bỏ qua những thứ không cần thiết của thông tin mà nó đang làm việc lên. Ví dụ con người có những thuộc tính: tên, tuổi, địa chỉ, chiều cao, màu tóc,… . Giả sử ta có 1 ứng dụng quản lý...

Words: 4910 - Pages: 20

Free Essay

Noname

...nhưng đồng thời Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với tư cách là thành viên tham gia các hiệp định cũng như các cam kết bổ sung đối với các thành viên khác của WTO trước khi được các nước thành viên chấp nhận cho Việt Nam gia nhập WTO trong tất cả các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại, đầu tư, mua sắm chính phủ, chống trợ cấp v.v... Nghĩa vụ quan trọng nhất của một thành viên của WTO là thực hiện đầy đủ các nguyên tắc hoạt động cơ bản của WTO, đó là không phân biệt đối xử, mở cửa thị trường thương mại tự do hơn, tăng cường cạnh tranh công bằng, khuyến khích phát triển kinh tế và tính dễ dự báo trong thương mại. WTO coi các nguyên tắc cơ bản này là triết lý nền tảng cho hoạt động của mình nhằm thúc đẩy phúc lợi quốc gia tại tất cả các nước không chỉ là thành viên của WTO mà còn có tác động đến cả các quốc gia chưa phải là thành viên và để giúp các nước này tích cực tham gia vào một sân chơi thương mại tự do. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu và đánh giá việc thực hiện cam kết không phân biệt đối xử của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) của WTO. 1. Nội dung của nguyên tắc “Không phân biệt đối xử trong GATS” Không phân biệt đối xử được xem là nguyên tắc đầu tiên khi nhắc tới nghĩa vụ của các thành viên WTO. Nguyên tắc này được ghi nhận trong tất cả các hiệp * Thạc sỹ, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và...

Words: 5124 - Pages: 21

Free Essay

Chứng Khoán Phái Sinh

...trường kỳ hạn, vừa là công cụ bảo hộ giá, vừa là công cụ đầu cơ, phù hợp với mọi đối tượng đầu tư. Cơ chế hoạt động của CBOT trở thành quy tắc, chuẩn mực chung cho tất cả các thị trường phái sinh trên thế giới, kể cả các thị trường đã ra đời trước đó hàng trăm năm. Những thành công của CBOT có sức lan tỏa rất nhanh.   Đến cuối năm 2010, thế giới có trên 70 sở giao dịch hàng hóa, giao dịch mua bán thông qua hai loại công cụ: hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Sản phẩm giao dịch phổ biến là nông phẩm, năng lượng, hóa chất, kim loại, bao gồm cả vàng, bạch kim, kim cương, và các công cụ đầu tư tài chính.  Thị trường chứng khoán Việt Nam, đã qua hơn một thập kỷ hoạt động, chứng khoán niêm yết vẫn đang đơn điệu, chỉ là cổ phiếu phổ thông và một ít chứng chỉ quỹ đầu tư. Trái phiếu, cơ bản chưa có giao dịch thứ cấp trên thị trường tập trung. Hàng triệu người đầu tư Việt Nam đang đầu tư “chay”, chưa có công cụ bảo hiểm. Đầu cơ chỉ một chiều (giá lên), chưa có công cụ đầu cơ khi thị trường  xuống giá.   Hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực, Việt Nam đang rất cần có một thị trường chứng khoán phái sinh, một định chế tài chính bậc cao, để bảo hộ giá hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm đầu tư tài chính và là công cụ đầu cơ trong mọi khuynh hướng biến động của thị trường. Theo tôi, không nên tổ chức một sàn giao dịch chỉ đơn độc giao dịch các công cụ phái sinh về cổ phiếu; không nên đưa hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn vào giao dịch chung với cổ phiếu, trái phiếu...

Words: 24562 - Pages: 99

Free Essay

Aaaa

...Bình Bành Minh Thịnh Trần Thanh Tấn Trịnh Công Đức Ngô Nguyễn Phượng Hoàng Lớp: D01 TP HCM, 11/2015 Mục lục Mục lục ii Revision History ii 1. Giới thiệu 1 1.1 Mục đích 1 1.2 Phạm vi 1 1.3 Tham khảo 1 2. Tổng quan 1 2.1 Những mong muốn 1 2.2 Chức năng 1 2.3 Các đặc tính và lớp người dùng 2 2.4 Môi trường hoạt động 2 2.5 Những ràng buộc thiết kế và hiện thực 2 2.6 Các giả định và phụ thuộc 2 3. Các yêu cầu giao tiếp bên ngoài 2 3.1 Giao diện người dùng 2 3.2 Các giao tiếp phần cứng 3 3.3 Các giao tiếp phần mềm 3 3.4 Các giao tiếp truyền thông 3 4. Các yêu cầu chức năng 3 4.1 Yêu cầu chức năng 1 3 4.2 Yêu cầu chức năng 2 (and so on) 4 5. Các yêu cầu phi chức năng 4 5.1 Các yêu cầu về hiệu suất 4 5.2 Các yêu cầu về an toàn và bảo mật 4 5.3 Các thuộc tính về chất lượng dịch vụ 4 6. Các yêu cầu khác 4 Phụ lục A: Glossary 4 Phụ lục B: Các mô hình phân tích 5 Revision History |Name |Date |Reason For Changes |Version | |Đặc tả yêu cầu hệ thống máy ATM của ngân hàng |30/11/2015 |Tạo mới đặc tả yêu cầu của dự án ...

Words: 1037 - Pages: 5

Free Essay

Cuong Vu

...nhằm mang lại những sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao nhất và chi phí thấp nhất đến người sử dụng cuối cùng. Trong nhiều nội dung quan trọng thì hoạt động tổ chức giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển tại Công ty VOSA Sài Gòn cũng là một trong những nội dung quan trọng của quản trị Logistics. Trong đó, hoạt động tổ chức giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển tại Công ty VOSA Sài Gòn hiện nay trở thành một hoạt động không thể thiếu trong việc giao thương hàng hóa quốc tế Vì vậy qua thời gian thực tập nhằm nâng cao kiến thức, so sánh giữa lý thuyết và thực tiễn trong hoạt động giao nhận hàng nhập khẩu bằng container đường biển, tìm hiểu và nghiên cứu tại phòng Đại lý vận tải- Công ty VOSA Sài Gòn, cùng với sự giúp đỡ của các nhân viên chuyên hàng container và sự hướng dẫn tận tình của cô Nguyễn Thị Phương Chi, tác giả xin đưa ra thực trạng hoạt động cũng như một số giải pháp căn bản nhằm hoàn thiện tổ chức giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển tại Công ty VOSA Sài Gòn. Đề tài gồm 3 chương: Chương 1: Giới thiệu chung về Công ty VOSA Sài Gòn. Chương 2: Thực trạng tổ chức giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển tại công ty VOSA Sài Gòn. Chương 3: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện nghiệp vụ giao nhận hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển tại VOSA Sài Gòn. Mặc dù đã rất nổ lực, cố gắng nhưng khó có thể tránh khỏi những thiếu sót về nội dung cũng như hình thức. Rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến của quý công ty và giáo viên hướng dẫn để đề tài này được...

Words: 7590 - Pages: 31

Free Essay

Cac Loai Lc

...quyền đề nghị NHPH sửa đổi hoặc hủy bỏ mà không cần có sự chấp thuận và thông báo trước cho người thụ hưởng. L/C hủy ngang nói lên khả năng đơn phương hủy bỏ L/C đang còn hiệu lực vào bất cứ thời điểm nào mà không cần sự đồng ý của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, khi hàng hóa đã được giao, ngân hàng mới thông báo sửa đổi hay hủy bỏ thì lệnh này không có giá trị nghĩa là NHPH vẫn phải thanh toán như đã cam kết. Theo UCP 400, một L/C không ghi cụ thể là loại gì thì được hiểu là L/C hủy ngang. Nhưng theo điều 10 UCP 600: “Trừ khi có qui định khác tại Điều 38, tín dụng không thể sửa đổi và cũng không thể hủy bỏ mà không có sự thỏa thuận của Ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận (nếu có) và người thụ hưởng”. 1.2 Lợi thế, rủi ro của các bên tham gia: Với loại L/C này quyền lợi của người xuất khẩu không được đảm bảo, nó chứa đựng nhiều sự rủi ro cho người bán vì việc sửa chữa và hủy bỏ có thể xảy ra khi mà hàng hóa đang trên đường vận chuyển và việc trước khi việc thanh toán được thực hiện. Còn đối với người mua việc sử dụng L/C này tạo sự linh hoạt cho hoạt động kinh doanh của mình, khi những điều kiện thị trường bất lợi thì người mua có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ mà không cần thông báo cho người bán. 1.3.Trường hợp áp dụng: Vì những đặc điểm trên nên L/C này ít được sử dụng trong thực tế mà chỉ tồn tại trên lí thuyết, nó chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau: Việc giao hàng được thực hiện giữa công ty mẹ và công ty con. Giữa những người...

Words: 11087 - Pages: 45

Free Essay

Analyst of Credit Score of Bank

...TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HCM KHOA NGÂN HÀNG ---------- KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐỀ TÀI: ỨNG DỤNG MÔ HÌNH LOGISTIC TRONG XẾP HẠNG TÍN DỤNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU- CHI NHÁNH LŨY BÁN BÍCH-PHÒNG GIAO DỊCH NGUYỄN SƠN GVHD : ThS Hoàng Hải Yến SVTH : Đoàn Hồng Nho Lớp : NH8-K35 Niên khóa 2009 -2013 NHẬN XÉT CỦA CƠ QUAN THỰC TẬP NHẬN XÉT CỦA GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU VỀ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU ( ACB ) – PHÒNG GIAO DỊCH NGUYỄN SƠN 2 1.1. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU (ACB) 2 1.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển 2 1.1.2. Mạng lưới hoạt động 5 1.1.3. Cơ cấu tổ chức 6 1.1.4. Các thành tựu đạt được 8 1.1.5. Kết quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2010-2012 9 1.1.6. Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 11 1.2. GIỚI THIỆU VỀ PHÒNG GIAO DỊCH NGUYỄN SƠN 12 1.2.1. Bối cảnh thành lập, chức năng, nhiệm vụ 12 1.2.2. Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của các phòng ban 13 1.2.3. Các hoạt động kinh doanh cuả ACB- PGD Nguyễn Sơn 15 1.2.4. Thuận lợi, khó khăn của ACB – PGD Nguyễn Sơn 15 1.2.5. Tình hình hoạt động kinh doanh của ACB- PGD Nguyễn Sơn 16 KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 17 CHƯƠNG 2 : XẾP HẠNG TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN CỦA NGÂN HÀNG Á CHÂU-CN LŨY BÁN BÍCH- PGD NGUYỄN SƠN 18 ...

Words: 20505 - Pages: 83

Free Essay

Sacombank Dong Do

...LỜI MỞ ĐẦU Ngân hàng là một tổ chức kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ. Tín dụng là một hoạt động cơ bản và chủ yếu của ngân hàng. Hoạt động tín dụng có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của một ngân hàng. Nói đến tín dụng có rất nhiều vấn đề như: cho vay, đầu tư...Có các quá trình thẩm định các dự án để đưa ra quyết định tài trợ. Hoạt động tín dụng đem lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng nhưng rủi ro tín dụng cũng rất cao, rủi ro tín dụng là không thể tránh khỏi trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng của mỗi ngân hàng, rủi ro tín dụng có tác đọng đến không chỉ bản thân ngân hàng mà còn có tác động đến lĩnh vực tài chính tiền tệ từ đó tác động đến nền kinh tế vĩ mô. Chỉ có thể phòng ngừa và hạn chế rủi ro bằng việc làm tốt công tác quản lí rủi ro chứ chưa thể loại trừ rủi ro ra khỏi hoạt động tín dụng. Chính vì vậy mà em đã chọn đề tài: “Quản lí rủi ro tín dụng tại SACOMBANK chi nhánh Đống Đa ”. Bằng phương pháp so sánh trong phân tích hoạt động tín dụng, em muốn đưa ra để phân tích hoạt động tín dụng của ngân hàng với những rủi ro thường gặp, rút ra được những mặt hạn chế, những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Để từ đó có biện pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hiện tại và tương lai. Kết cấu của chuyên đề gồm 3 phần: Chương I: Khái quát về hoạt động ngân hàng và quản lí rủi ro tín dụng ngân hàng Chương II: Thực trạng quản lí rủi ro tín dụng tại Sacombank Đống Đa. Chương III: Giải pháp nhằm nâng cao quản lí rủi...

Words: 22476 - Pages: 90

Premium Essay

Survey Questionnaire Internet Banking

...APPENDIX SET A: SURVEY QUESTIONNAIRE The aim of this research is to find out The Determinants Of Internet Banking Service Quality In Vietnam. This may take 5 minutes of your time. The survey form comprises of three sections. Please make sure that you have responded to every statement. All data and measurements obtained from this research study will be stored confidentially. --------------------------------------------------------------------------------------------------- SECTION A: PERSONAL INFORMATION A0 1. Gender ( ) Male ( ) Female 2. Age ( ) 20s ( ) 30s ( ) 40s ( ) More than 50 3. How long have you been using Internet Banking? ( ) Less than 3 months ( ) 3-12 months ( ) More than 12 months 4. Who is your primary bank? i.e Where do you do the most of your Internet banking? (Please choose one only): ( ) Asia Commercial Bank ( ) Dong A Bank ( ) VietcomBank SECTION B: SERVICE QUALITY OF INTERNET BANKING Based on your experiences as a consumer of Internet banking services, please provide information on the quality of the Internet banking services you use. Please mark the number of your choice. Scale of explanation Questions | | 1...

Words: 1630 - Pages: 7